Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Chương I

Sứ điệp của Populorum Progressio 

Mục I. Tóm tắt 

Chương này gồm 11 số (từ số 10-20) muốn đặt thông điệp Populorum progressio trong lịch sử tiến triển của Giáo huấn xã hội của Giáo hội, để vạch ra sự đồng nhất cũng như sự mới mẻ. Có thể chia làm hai phần: 
1/ Phân tích các văn kiện của đức Phaolô VI về sự phát triển (từ số 10 đến 15); 
2/ Tổng hợp: những tư tưởng chính về sự phát triển: ơn gọi, tự do, chân lý, tình yêu (từ số 16 đến 20). 

10. Chúng ta hãy đọc Populorum Progressio trong toàn bộ giáo huấn của đức Phaolô VI và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. 

11. Đức Phaolô VI đã dạy hai điều: 
1/ Tất cả Giáo hội trong tất cả những gì mình là và làm đều nhằm đến việc cổ võ sự thăng tiến toàn diện con người. 
2/ Sự phát triển con người đích thực liên quan đế toàn thể nhân vị trong hết mọi chiều kích, bao gồm cả chiều kích siêu việt. 

     a) Sự tiến triển không thể nào chỉ giới hạn vào việc thu tích của cải vật chất. 
     b) Việc tạo ra những định chế chưa đủ để bảo đảm cho quyền phát triển. 
    c) “Sự phát triển con người tiên vàn là một ơn gọi, vì thế nó bao hàm việc mỗi người đảm nhận trách nhiệm trong tình liên đới”. 
    d) Việc đón nhận tình yêu của Chúa sẽ giúp chúng ta có khả năng nhìn thấy tha nhân như là những hình ảnh của Thiên Chúa, và thúc đẩy tình yêu chăm sóc tha nhân. 

12. Giáo huấn xã hội Giáo hội là một tổng bộ duy nhất, chặt chẽ, và luôn luôn mới mẻ. Chặt chẽ không có nghĩa là khép kín trong một hệ thống nhưng là trung thành năng động với một ánh sáng đã lãnh nhận. Ánh sáng ấy soi sáng những vấn đề mới mẻ được đặt lên. 

13. Giáo huấn xã hội của đức Phaolô VI nhấn mạnh đến việc xây dựng một xã hội phù hợp với tự do và công bằng, một nền văn minh được linh hoạt bởi tình yêu. Ngài ý thức rằng vấn đề xã hội đã mang chiều kích hoàn vũ, và thấy rằng tình yêu Kitô giáo là một sức lực mạnh mẽ phục vụ sự phát triển. 

14. Trong tông thư Octogesima Adveniens (1971), đức Phaolô VI đã lên tiếng chống lại ý-thức-hệ “kỹ thuật trị” lấy tiến bộ kỹ thuật chỉ huy công cuộc phát triển, và đồng thời cũng chống lại chủ trương trở về với thiên nhiên nguyên thủy. 

15. Trong thông điệp Humanae vitae, Đức Phaolô VI nhấn mạnh đến mối liên kết giữa luân lý sự sống và luân lý xã hội. Trong tông thư Evangelii nuntiandi ngài nêu bật sự liên hệ giữa việc loan báo Tin mừng và sự phát triển: việc hoạt động cho công bằng, hòa bình và phát triển là sự công bố tình yêu của Đức Kitô cho toàn thể con người. 

16. Trong thông điệp Populorum progressio, Đức Phaolô VI dạy rằng mỗi người được kêu gọi để phát triển và thể hiện bản thân. Đây là một tiếng gọi bởi Thiên Chúa, do đó sự tiến bộ trong phát triển cần phải mở ra chiều kích siêu việt. 

17. Sự phát triển toàn diện con người giả thiết tự do có trách nhiệm. 

- Đức thánh cha nhìn nhận tầm quan trọng của các cơ cấu và định chế kinh tế; 
- nhưng ngài coi đó như là những dụng cụ của tự do con người. Mỗi người là tác nhân của sự phát triển chính mình. 

18. Bên cạnh tự do, sự phát triển toàn diện con người đòi hỏi phải tôn trọng chân lý. Nó phải cỗ võ sự phát triển của mỗi người và của mọi người. Đức Kitô mạc khải sự phát triển của con người toàn diện. 

19. Những nguyên nhân của sự kém phát triển không hẳn thuộc về lý do vật chất. Sự kém phát triển có một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là thiếu tình huynh đệ giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Một khi nhận biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã kêu gọi chúng ta yêu thương, thì chúng ta có khả năng nhận ra sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc như là lời gọi họp thành một gia đình. 

20. Tình yêu của Đức Kitô tạo ra ý thức khẩn trương xây dựng một cộng đồng toàn cầu trong tình yêu. 

Mục II. Nhận xét 

Chữ viết tắt 
CIV = Caritas in Veritate. PP = Populorum progressio 
GHXH = Giáo huấn xã hội của Giáo hội 

Tuy là một thông điệp với một bố cục chặt chẽ, nhưng nhiều người chuyên môn đã phân biệt nhiều “bàn tay” khác nhau đã góp phần vào việc soạn thảo, giống như như nhiều thuyết trình viên cùng tham gia một cuộc hội thảo. Nhập đề và kết luận là của “ban tổ chức”, mang đậm nét suy tư thần học cá nhân của đức Bênêđictô XVI. Chắc là chương Một được viết bởi một chuyên gia về lịch sử GHXH, muốn cho thấy rằng “sự phát triển” là một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu sứ điệp Kitô giáo cho đến ngày hôm nay. 

Trong chương này, thông điệp Populorum progressio, (viết tắt = PP) được đọc lại trong bối cảnh không những là lịch sử của lúc ra đời, nhưng còn trong toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội trước đó, và trong toàn thể giáo huấn của đức Phaolô VI (bao gồm nhiều văn kiện ra đời sau PP: Octogesima adveniens, Humanae vitae, Evangelii nuntiandi). 

Thoạt tiên, xem ra chỉ là một việc ôn lại lịch sử tiến triển của các văn kiện của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, nhưng trên thực tế, việc “ôn lại” còn muốn nêu bật vài điểm khác nữa, chẳng hạn như: 

- có một sự thống nhất trong toàn bộ GHXH; không nên phân biệt giữa giáo huấn “tiền công đồng” và “hậu công đồng” (số 12). 
- GHXH nằm trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội. 
- GHXH nhắm đến việc thăng tiến toàn diện con người: sự thăng tiến này bao hàm chiều kích vật chất và tinh thần, chiều kích trần thế và siêu việt của con người. Nói cho cùng, GHXH là đối tượng của việc công bố sự thật về con người, mà Chúa Kitô đã mạc khải (số 18). 

Dù sao, khi ôn lại lịch sử của các văn kiện xã hội của Giáo hội, người ta nhận thấy có những khúc quặt, đến nỗi thay vì “tiến triển” (progress), có người không ngần ngại nói đến sự “tiến hóa” (evolution). Từ đó, có người đặt lên vấn đề “thống nhất” từ đầu đến nay. Sự “nhảy vọt” được ghi nhận không chỉ ở những vấn đề mới mẻ được đặt lên theo dòng thời gian (lao động, tư hữu lúc ban đầu; rồi đến chính thể chính trị, hòa bình thế giới; tiếp đến là gia đình, văn hóa, môi trường, phát triển) nhưng còn về phương pháp tiếp cận (lúc đầu là phương pháp suy diễn triết học, kế đó là quan sát của xã hội học đồng thời với ánh sáng Lời Chúa), và ý thức về bản chất của nó (từ chỗ chống lại những sai lầm triết học, đến chỗ đối thoại với những người thiện chí để xây dựng một xã hội công bằng). Nói tóm lại, có sự tiến triển trong việc quan niệm “vấn đề xã hội”: đây không chỉ là một trong bao nhiêu chuyện mà Giáo hội phải đối phó, nhưng nằm trong cốt lõi của Tin mừng, mang lại sự giải thoát của người lầm than sầu khổ (Lc 4,18). 

Có thể nói là thông điệp PP đánh dấu một sự chuyển hướng của GHXH, dựa trên đề tài “phát triển”: từ lãnh vực kinh tế (phát triển kinh tế) đến lãnh vực nhân bản (con người toàn diện, bao gồm chiều kích xã hội và chiều kích tôn giáo). Mặt khác, thông điệp này đã khẳng định rõ ràng rằng GHXH thuộc về lãnh vực thần học (luân lý, tôn giáo), chứ không phải là một học thuyết về kinh-tế-học hay xã-hội-học. 

Chúng ta có thể chia chương Một làm hai phần: phần phân tích lịch sử (số 10-15) và phần tổng hợp hệ thống (số 16-20). 

I. Phân tích lịch sử 

Thật ra, trước khi đi vào phân tích các văn kiện, tác giả đã báo trước kết luận của công cuộc nghiên cứu (lẽ ra nên dành cho số 16 trở đi), đó là: 

1/ Tất cả sinh hoạt của Giáo hội nhằm đến việc cổ võ sự phát triển toàn diện của con người. 
2/ Sự phát triển đích thực bao gồm tất cả mọi chiều kích của con người: thể lý, kinh tế - cũng như luân lý, trí tuệ và tâm linh; con người như nhân vị và như thành phần xã hội, con người sống ở trần thế và với ơn gọi siêu việt;. Thông điệp CIV nhấn mạnh cách riêng đến chiều kích siêu việt: nếu thiếu chiều kích này thì sự phát triển vẫn khiếm khuyết 

Những tài liệu được trưng dẫn kế tiếp muốn minh họa điều đó. Các văn kiện được xếp thành hai khối: thứ nhất, chung cho tất cả huấn quyền; thứ hai, huấn quyền của đức Phaolô VI. 

A. Giáo huấn của Giáo hội 

Số 12 muốn đặt thông điệp PP trong toàn thể giáo huấn xã hội trước đó, cách riêng là với công đồng Vaticanô II. Khi nhìn lại lịch sử các thông điệp xã hội từ năm 1891, ta thấy có một liên hệ gia phả giữa: Rerum novarum, Quadragesimo anno, Mater et Magistra (và sau này: Octogesima adveniens, Laborem exercens, Centesimus annus), những văn kiện này được ban hành để kỷ niệm thông điệp của đức Leo XIII. Tuy nhiên chúng ta thấy có những cú “xé rào”, đó là Pacem in terris (hòa bình và chính trị) và Populorum progressio (phát triển và hòa bình). 

Mặc dù có những đường hướng tiếp cận khác nhau, số 12 của CIV vạch ra một nền tảng chung của GHXH, đó là tất cả đều dựa trên ánh sáng của Lời Chúa để tìm hiểu những vấn đề mới của con người. Hiểu như vậy, GHXH họp nên một toàn bộ thống nhất, bởi vì bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất. Mặt khác, GHXH không phải là một hệ thống đóng kín, nhưng luôn mở rộng trước những vấn đề thời đại. 

Những hàng vắn tắt của số 12 nhắc nhớ chúng ta rằng GHXH không bắt đầu với thông điệp Rerum novarum, nhưng có một nguồn gốc xa xưa trong Kinh thánh, rồi đến các giáo phụ, các nhà thần học Trung cổ (đặc biệt là thánh Tôma Aquinô), và nhiều vị giáo hoàng cận đại. Những nền tảng của GHXH đã được gợi lên trong Tin mừng: tình yêu mở rộng đến hết mọi người, họa theo tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cách riêng những người nghèo khổ, bị chèn ép. 

Một mối liên hệ gần gũi nhất của PP là công đồng Vaticanô II, đặc biệt là hiến chế Gaudium et spes. Hiến chế đã trình bày quan điểm của Giáo hội liên quan đến các vấn đề xã hội, nhưng đặc biệt là đã móc nối các vấn đề ấy với mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đã “mặc khải con người cho con người, và nêu cao ơn gọi của con người” (số 22). Giáo hội can thiệp vào các vấn đề xã hội bởi vì muốn loan báo Tin mừng về con người, nhìn trong toàn bộ ơn gọi của nó. 

Chúng ta có thể đọc lại các số 87-104 của sách Toát lược Học thuyết xã hội để khám phá sự liên tục của GHXH[1]. 

B. Giáo huấn của đức Phaolô VI 

Chúng ta đừng nên quên rằng công đồng Vaticanô II cũng là một “tác phẩm” của đức Phaolô VI: ngài theo dõi tất cả những cuộc thảo luận của công đồng, và ban hành những quyết nghị của công đồng. Thông điệp PP muốn trình bày vai trò của Giáo hội trong thế giới như là kẻ phục vụ trong tình yêu và chân lý, đặc biệt đối với những người nghèo. (Trên đây ở số 7, CIV đã viết rằng: “yêu ai là mong muốn điều tốt cho người ấy và tìm cách để cho nó được thành hiện thực”). 

Câu cuối cùng của số 13 đáng chú ý: “Đức Phaolô VI đã đương đầu với những vấn đề luân lý cách cương quyết, không chịu nhượng bộ trước những nhu nhược văn hóa thời đại”. Điều này có thể hiểu đặc biệt về thông điệp Humanae vitae khi ngài đi ngược lại trào lưu đương thời; nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng cho giáo huấn của các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benêđictô XVI, trong nhiều quyết định trái ngược với dư luận mà các cơ quan truyền thông muốn tạo ra (ngừa thai, an tử, hôn nhân đồng tính, vv). 

Ở hai số 14-15, CIV phân tích ba văn kiện chính của Đức Phaolô VI: 

1/ Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971). Văn kiện này được ban hành để kỷ niệm 80 năm thông điệp Rerum novarum. Nhưng thay vì soạn một thông điệp (encyclica) Đức Phaolô VI chỉ viết một lá thư cho đức hồng y Maurice Roy, chủ tịch Ủy Ban Công lý Hòa bình. Những kẻ xấu miệng ở Rôma nói rằng sau khi thông điệp Humanae vitae (25/7/1968) bị phản đối, đức Phaolô VI đã quyết định không viết thông điệp nào nữa hết! 

Nói chung, trong tông thư này, đức Phaolô VI đã xét lại giá trị của các ý thức hệ (cụ thể là thuyết marxist), phân biệt giữa nguồn gốc lịch sử và dụng cụ phân tích thực tại[2]. Cách riêng, CIV nhận xét rằng Đức Phaolô VI cảnh báo về giới hạn của “kỹ thuật”, với giá trị hàm hồ của nó: không thể nhắm mắt tin tưởng rằng kỹ thuật sẽ giải quyết được vấn đề phát triển; tuy nhiên, không nên rơi vào thái độ đối ngược là loại bỏ kỹ thuật và trở lại trạng thái thiên nhiên! 

2/ Thông điệp Humanae vitae (1968). Văn kiện này thường không được xếp vào số các thông điệp xã hội. Tuy nhiên số 15 của CIV nêu bật sự liên hệ giữa “luân lý sự sống” và “luân lý xã hội”. Một khuyết điểm của các chính sách gia đình và xã hội ngày nay là chỉ lưu ý đến khía cạnh “kỹ thuật” mà bỏ qua khía cạnh “luân lý”. Nói cách khác, nếu muốn tìm một giải pháp cho những cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, không thể nào chỉ nghĩ đến các biện pháp “kỹ thuật” mà bỏ qua khía cạnh luân lý của nó. Đàng khác, Humanae vitae bàn đến tình yêu vợ chồng và dưỡng dục con cái, là những giá trị tạo nên gia đình. Xét vì gia đình là tế bào của xã hội, cho nên có sự liên hệ chặt chẽ giữa đôi bên. Học thuyết xã hội đặt nền tảng trên sự tôn trọng quyền lợi con người, và quyền lợi đầu tiên là quyền sống, khởi đầu từ hôn nhân và gia đình. 

3/ Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975). Đây là một văn kiện được ban hành như đúc kết các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng giám mục thế giới năm 1974 bàn về việc loan Tin mừng. Thoạt tiên, không ai nghĩ rằng đây là một “giáo huấn xã hội”. Nhưng CIV nêu bật hai điều quan trọng trong tông huấn này: a) có một mối liên hệ chặt chẽ giữa loan báo Tin mừng và giải phóng con người, xét vì Tin mừng nhắm đến ơn gọi toàn diện của con người[3]; b) xét vì việc phục vụ người nghèo nằm trong bản chất của sứ mạng Giáo hội, cho nên GHXH mang tính cách truyền giáo: nó loan báo tình thương của Chúa Kitô. Như vậy, tông huấn này nêu bật khía cạnh “truyền giáo” của GHXH. Điều này sẽ được khai triển ở chương Hai của sách Toát lược Học thuyết xã hội, dưới tiêu đề “Sứ mạnh của Hội thánh và Giáo huấn xã hội” (x. các số 60-71). Ta cũng có thể lập luận ngược lại: Giáo hội sẽ không trung thành với sứ mạng loan báo Tin mừng nếu không quan tâm đến công bằng xã hội. Mặt khác, nhận xét này cũng muốn biện minh cho sự can thiệp của Giáo hội vào các vấn đề xã hội: đây không phải là một hoạt động “chính trị” (theo nghĩa là tranh giành quyền lực), nhưng nằm trong sứ mạng loan báo “tình yêu và sự thật”. 

II. Tổng hợp hệ thống 

Sau khi đã phân tích quan niệm về phát triển trong các văn kiện của đức Phaolô VI, thông điệp CIV, từ 16 đến số 20, tóm tắt những ý tưởng chính, tóm lại trong bốn danh từ: ơn gọi, tự do, chân lý, tình yêu. Những ý tưởng này đã được báo trước ở số 11. “Chân lý và tình yêu” đã được bàn rộng trong nhập đề; ở đây thêm hai chủ đề nữa là “ơn gọi” và “tự do”. 

1/ Sự phát triển là một ơn gọi (số 16)[4]. 

- Điều này tiên vàn muốn nói rằng con người có một mối tương quan với Thiên Chúa. Sự phát triển cần giúp con người sống ơn gọi ấy. Cuộc sống con người chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong viễn tượng của cứu cánh tối hậu. Ý tưởng “ơn gọi” của con người đã được gợi lên ngay từ số 1 và số 11. 
- Nhờ duy trì tương quan với Thiên Chúa mà con người biết đối xử với nhau như anh em, vì nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa ở nơi họ, chứ không phải như người dưng nước lã. (Xem thông điệp Deus caritas est số 8.16.18) 

2/ Sự phát triển giả thiết sự đáp trả tự do và trách nhiệm (số 17) 

Nhận xét này bao hàm nhiều điều: 

- Sự phát triển đòi hỏi sự tự do. Như vậy là chống lại những chủ nghĩa một áp đặt một khuôn mẫu phát triển dựa trên một ý thức hệ, cách riêng là các ý thức hệ duy vật vô thần; hoặc đòi hỏi các công dân phải hy sinh tự do để xây dựng một thiên đàng hạnh phúc ảo. 
- Điều này cũng muốn chống lại những quan niệm cho rằng sự phát triển (kinh tế) chịu lệ thuộc vào những quy luật kinh tế và những định chế. Thông điệp nhấn mạnh rằng sự phát triển phải tuân theo những quy tắc của luân lý nữa. Các quy luật kinh tế không có tính cách tất định mù quáng, nhưng chúng ta có thể thay đổi chúng. Cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ có thể giải quyết bằng cách tôn trọng các yêu sách luân lý về đời sống xã hội (điều này sẽ còn được lặp lại ở số 37 CIV). 
- Tự do đi đôi với trách nhiệm: sự tự do không có nghĩa là muốn làm gì cũng được, bất chấp các giới hạn của luân lý. 
- Tự do và trách nhiệm cũng muốn nói lên rằng không ai có thể thờ ơ trước tình trạng nghèo đói của các dân tộc trên thế giới: mỗi người phải tỏ tình liên đới với tình trạng chậm phát triển của các dân tộc ấy. 

3/ Sự phát triển đòi hỏi tôn trọng chân lý (số 18) 

Chúng ta có thể phân biệt từng cấp độ trong lập luận của số 18. 

- Trước hết, CIV trích lại một lời tuyên bố của PP số 6: “Sự phát triển nhắm đến việc làm, biết và có nhiều hơn, ngõ hầu để là nhiều hơn”. Đây là một triết lý đã được nói trong hiến chế Gaudium et spes (số 35: giá trị con người ở chỗ “là” être, to be -, hơn là ở chỗ “có” - avoir, to have). 
- Bước thứ hai. Đặt câu hỏi: “là” nhiều hơn có nghĩa là gì? Trả lời: có nghĩa là phát triển toàn diện con người, với hai khía cạnh: toàn thể con người (tất cả những chiều kích của con người) và tất cả mọi người (toàn thể nhân loại). 
- Bước thứ ba. Đứng trước những “nhân sinh quan” đối nghịch nhau (cụ thể là tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, cả hai đều là duy vật), Giáo hội trình bày nhân sinh quan Kitô giáo: sự thật về con người dựa theo Tin mừng. 
- Bước thứ bốn: khai triển sự phát triển như một ơn gọi. Ơn gọi của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa, dựa theo trật tự tạo dựng và trật tự siêu nhiên. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nếu gạt bỏ Thiên Chúa, thì sự thật về con người cũng bị thương tổn. Người ta sẽ chỉ lo phát triển nhu cầu vật chất của con người, chứ không quan tâm đến các nhu cầu tâm lý, luân lý, của nó. 

4/ Đặc tính thứ bốn của sự phát triển nhìn như ơn gọi, là tình yêu (số 19). 

CIV muốn nói đến khía cạnh huynh đệ của sự phát triển (sẽ được khai triển ở chương Ba). Tại sao có sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, không những trong một quốc gia, nhưng đặc biệt là giữa các dân tộc? Thưa tại vì người ta chưa coi nhau như là anh em của cùng một Cha. Một cách gián tiếp, CIV muốn trình bày quan điểm của Giáo hội về hiện tượng “toàn cầu hóa”. Sự kiện này quả đã thu nhỏ những ngăn cách giữa các quốc gia trên thế giới, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều bức tường ngăn cách, bởi vì còn thiếu “tình yêu”. Tình yêu này là caritas, tình yêu của Chúa Cha ôm ấp tất cả gia đình nhân loại. Tình yêu sẽ giúp cho sự phát triển đạt đến “tất cả mọi người”. 

Nói tóm lại, nếu thiếu một quan niệm chân chính về sự phát triển thì sẽ không có sự phát triển đích thực: trên thực tế, sự phát triển thuần túy kinh tế của nhiều quốc gia không mang lại việc “xóa đói giảm nghèo”! 

Kết luận 

Chương Một đọc lại “lịch sử” của thông điệp Populorum progressio. Nên biết là trước đây, thông điệp ấy cũng được đức Gioan Phaolô II “đọc lại” trong thông điệp Sollicitudo rei socialis. 

Dù sao, tuy mang hình thức nghiên cứu lịch sử, chương Một muốn đào sâu hơn khía cạnh thần học của “phát triển” lồng trong nhân sinh quan Kitô giáo. 

Tư tưởng then chốt của PP về phát triển là “phát triển toàn diện con người và phát triển tất cả mọi người”. 

Lm Giuse Phan Tấn Thành ,OP

-------

[1] Có người lưu ý rằng thông điệp CIV ít đề cập đến Pacem in terris, một thông điệp quan trọng về phẩm giá con người cũng như trật tự xã hội. 
[2] Nên biết là thông điệp PP (số 26) đã chỉ trích ý thức hệ marxist vì 3 lý do: vô thần; biện chứng đấu tranh; đặt tập thể lên trên nhân vị. Ý thức hệ “tự do” cũng bị chỉ trích vì đặt giá tuyệt đối nơi tự do và tranh giành quyền lực. 
[3] Nên biết là Thượng hội đồng giám mục khóa trước đó (năm 1971) đã nhận định rằng việc hoạt động cho công bằng thế giới là một thành tố cốt yếu trong sứ mệnh Giáo hội. 
[4] Trong thông điệp PP số 15, Đức Phaolô VI viết rằng: Trong chương trình của Thiên Chúa, mỗi người được kêu gọi phát triển chính mình, bởi vì mỗi cuộc đời là một ơn gọi. Ngay từ khi sinh ra, mỗi người đã được trao cho một hạt mầm, một tổng bộ những khả năng và đức tính để làm sinh hoa kết quả. Nhờ có trí tuệ và tự do, con người có trách nhiệm về sự tăng trưởng của mình, cũng như về sự cứu dỗi của mình. Cho dù các áp lực đè trên mình thế nào đi nữa, mỗi người luôn luôn là tác nhân chính yếu của thành công hay thất bại của mình. Mỗi người có thể tăng trưởng về nhân bản, có giá trị hơn, có nhân cách hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét