Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

2402 - 2418 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


I. QUYỀN CHUNG HƯỞNG CỦA CẢI TRẦN THẾ VÀ QUYỀN TƯ HỮU

2402 (226 1939)  Từ khởi thủy, Thiên Chúa trao địa cầu và các tài nguyên cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của địa cầu (x. St 1,26-29). Của cải trong trần gian được dành cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho cuộc sống con người khỏi nghèo đói và bị bạo lực đe dọa, Thiên Chúa chia trái đất thành nhiều phần. Cho con người quyền sở hữu của cải là chính đáng để bảo đảm tự do và phẩm giá con người, để mỗi người đáp ứng được các nhu cầu căn bản của họ và của những ai họ có trách nhiệm coi sóc. Quyền này cũng phải nói lên tình liên đới tự nhiên giữa người với người.

2403  Quyền tư hữu của cải do mình làm ra hay nhận được một cách chính đáng, không hủy bỏ việc Thiên Chúa đã ban địa cầu cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thủy.  Quyền chung hưởng của cải vẫn ưu tiên, cho dù sự thăng tiến công ích đòi phải tôn trọng tư sản, quyền tư hữu và việc hành sử quyền này.

2404 (307)  "Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình sở hữu cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa" (x. GS 69,1). Người sở hữu một tài sản là người được Thiên Chúa quan phòng trao cho nhiệm vụ quản lý, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và thông phần lợi ích cho người khác, trước tiên là cho những người thân của mình.

2405  Chủ nhân của những tư liệu sản xuất, vật chất hoặc phi vật chất, như đất đai hoặc cơ xưởng, những kỹ năng hay nghệ thuật, phải biết chăm lo để lợi tức của chúng đem lại ích lợi cho nhiều người hơn. Những người sở hữu các sản phẩm tiêu dùng, phải sử dụng chừng mực, dành phần tốt đẹp hơn cho người khách, người đau ốm, người nghèo khổ.

2406 (1903)  Vì công ích, chính quyền có quyền và bổn phận điều tiết, việc hành sử chính đáng quyền sở hữu (x. GS 71,4).

II. TÔN TRỌNG CON NGƯỜI VÀ TÀI SẢN

2407 (1809 1807 1839)  Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi chúng ta phải sống tiết độ, biết tiết chế lòng ham muốn của cải trần gian; sống)công bằng, biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của tha nhân; và sống)liên đới, theo "quy luật vàng" và theo lòng hào phóng của Chúa. "Người vốn giàu sang phú quý đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2Cr 8,9).

Tôn trọng tài sản tha nhân

2408  Ðiều răn thứ bảy cấm trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt tài sản tha nhân bất chấp ý muốn chính đáng của sở hữu chủ. Nếu có thể đoán trước được sự ưng thuận của chủ hoặc sự khước từ của họ nghịch với lẽ phải và với quyền chung hưởng của cải trần thế thì việc chiếm hữu tài sản không còn là tội ăn cắp. Như thế, trong trường hợp khẩn cấp và rõ ràng, và không còn cách nào để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu (thức ăn, chỗ ở, áo quần...), thì được quyền sử dụng tài sản tha nhân (x. GS 69,1).

2409 (1867)  Mọi hình thức chiếm đoạt và cầm giữ cách bất công tài sản tha nhân, dù không nghịch với dân luật, vẫn nghịch với điều răn thứ bảy, như cố tình không trả của đã mượn, giữ lại của rơi, buôn gian bán lận (x. Ðnl 25,13-16), trả lương thiếu công bằng (x. Ðnl 24,14-15, Gcb 5,4), lợi dụng sự không biết và khó khăn của tha nhân để tăng giá (x. Am 8,4-6).
Về phương diện luân lý, những việc sau đây bất hợp pháp: đầu cơ, làm biến động giá cả cách giả tạo với mục đích trục lợi cho mình nhưng làm thiệt hại cho tha nhân; hối lộ, làm sai lệch phán đoán của những người có bổn phận quyết định theo luật pháp; chiếm đoạt và sử dụng tài sản tập thể làm của riêng; làm ăn thiếu trách nhiệm, lậu thuế, giả mạo các chi phiếu và hóa đơn, chi tiêu quá mức, lãng phí. Cố ý gây thiệt hại tài sản tư nhân hoặc công cộng là nghịch với luật luân lý và phải bồi thường.

2410 (2101)  Phải giữ lời hứa, và thực hiện đầy đủ các)hợp đồng đã cam kết trong mức độ công bằng và hợp lý. Ðời sống kinh tế và xã hội tùy thuộc rất nhiều vào các hợp đồng thương mại, những giao kèo thuê mướn hoặc lao động. Mọi hợp đồng đều phải được thỏa thuận và thi hành với thiện ý.

2411 (1807)  Các hợp đồng phải tuân theo công bằng giao hoán quy định những sự trao đổi giữa các cá nhân và giữa các tổ chức trong sự tôn trọng đúng mức các quyền lợi của nhau. Công bằng giao hoán phải được triệt để tôn trọng, vì nó buộc con người bảo toàn các quyền tư hữu, hoàn trả nợ nần và tuân giữ các nghĩa vụ đã tự do giao kết. Không có công bằng giao hoán thì không thể có một hình thức công bằng nào khác.
Cần phân biệt công bằng giao hoán với công bằng pháp lý quy định những bổn phận công bình của ngưòi công dân đối với cộng đồng, và với công bằng phân phối qui định việc cộng đồng phải thực hiện cho người công dân tương xứng với những đóng góp và những nhu cầu của họ.

2412 (1459)  Công bằng giao hoán đòi chúng ta phải đền bù điều bất công đã làm bằng cách hoàn lại của cải đã lấy cắp cho sở hữu chủ:
2487  Ðức Giê-su khen Da-kêu vì lời hứa của ông: "Nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Những ai đã trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt tài sản tha nhân, buộc phải hoàn lại, hoặc nếu đồ vật đó không còn nữa, phải trả lại bằng hiện vật hay tiền mặt tương đương, kèmtheo tiền lời và các lợi lộc khác mà sở hữu chủ của nó đã có thể hưởng được cách chính đáng. Tất cả những người đã tham gia vào việc trộm cắp một cách nào đó, hoặc đã thừa hưởng mà biết rõ là của phi pháp, đều phải hoàn trả cân xứng theo trách nhiệm và lợi lộc đã hưởng, ví dụ những người đã truyền lệnh hoặc giúp đỡ, hoặc tàng trữ, che giấu.

2413  Các trò đỏ đen (cờ bạc v.v...) hoặc cá cược, tự chúng không nghịch với phép công bằng, nhưng về phương diện luân lý, không thể chấp nhận được khi chúng cướp đi những cái cần thiết để nuôi sống bản thân và người khác. Cờ bạc biến kẻ ham mê thành nô lệ. Cờ gian bạc lận là một lỗi nặng, trừ khi gây thiệt hại rất nhẹ đến độ người bị thiệt thấy việc đó không đáng kể.

2414 (2297)  Ðiều răn thứ bảy nghiêm cấm bất cứ hành vi hoặc dịch vụ nào - vì bất cứ một lý do gì, vì ích kỷ hoặc vì ý thức hệ, lợi nhuận hoặc độc tài - dẫn tới việc nô lệ hóa con người, không nhìn nhận nhân phẩm của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa. Tội này xúc phạm đến nhân phẩm và những quyền căn bản của con người vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi. Thánh Phao-lô đã ra lệnh cho một chủ nhân Ki-tô hữu phải đối xử với người nô lệ đồng đạo "không như một nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến...như một con người, trong Ðức Chúa" (Plm 16).

Tôn trọng sự toàn vẹn của các thụ tạo

2415 (226, 358 378 373)  Ðiều răn thứ bảy dạy phải tôn trọng sự toàn vẹn của vạn vật. Thiên Chúa đã ban thú vật, thực vật và những vật vô tri, nhằm phục vụ lợi ích chung của nhân loại trong quá khứ, hiện nay và tương lai (x. St 1,28-31). Khi sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, con người phải tôn trọng các đòi hỏi của luân lý: Ðấng Sáng Tạo đã ban cho con người quyền bá chủ trên các vật vô tri và những sinh vật khác, nhưng không phải quyền tuyệt đối, vì phải để ý đến ảnh hưởng trên đời sống của tha nhân, kể cả những thế hệ tương lai; quyền này đòi chúng ta phải trân trọng sự toàn vẹn của vạn vật (x. CA 37 -38).

2416 (344)  Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa và được Người ân cần chăm sóc (Mt 6,2).Chúng hiện hữu để ca tụng và tôn vinh Người (x. Ðn 3, 57 -58). Do đó, con người phải biết thương chúng. Các thánh như Phan-xi-cô Át-xi-di hoặc Phi-lip-phê Nê-ri đều đối xử dịu hiền với thú vật.

2417 (2234)  Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người và trao phó quyền quản lý các thú vật (x. St 2,19-20; 9,1-4). Do đó con người được phép ăn thịt thú vật và lấy da làm y phục, có thể thuần hóa chúng để trợ lực con người trong lao động và giải trí. Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về phương diện luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người.

2418 (2446)  Hành hạ hay giết hại thú vật cách vô ích là điều trái với phẩm giá con người. Cũng thế, chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, thì cũng là một việc bất xứng. Người ta có thể thương thú vật, nhưng không được dành cho chúng tình yêu, chỉ xứng với con người.
Học thuyết xã hội của Hội Thánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét