Chương cuối cùng của thông điệp tương đối ngắn (số 68-77), bàn về mối liên hệ giữa kỹ thuật và sự phát triển các dân tộc. Cấu trúc gồm ba phần:
1/ Những nhận xét chung về mối tương quan giữa kỹ thuật và phát triển (số 68-70): kỹ thuật là việc tốt bởi vì nhờ nó mà chúng ta thông dự vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên kỹ thuật mang theo một cám dỗ khi chúng ta lẫn lộn giữa phương tiện này với cứu cánh của đời người.
2/ Ba lãnh vực cụ thể của việc áp dụng kỹ thuật vào sự phát triển:
a) Phát triển và hòa bình (số 71-72): Hoà bình không thể chỉ dựa trên “kỹ thuật”; hoà bình được nâng đỡ nhờ những giá trị của chân lý.
b) Các phương tiện truyền thông xã hội (số 73): những phương tiện này giúp con người xích lại gần nhau; nhưng chúng cần tuân theo những quy tắc luân lý, chứ không thể bị khuynh đảo bởi các ý thức hệ.
c) Luân lý sinh học (số 74-76). Kỹ thuật sinh học là một hiện tượng kỳ diệu ở thời đại hôm nay. Nó chứng tỏ khả năng của khoa học để chữa lành nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, nguy cơ là con người tưởng rằng mình có thể làm bất cứ điều gì, không cần đếm xỉa đến luân lý; hoặc khi nhân danh sự cải thiện đời sống, chúng ta lại hy sinh mạng sống con người (phá thai, an tử, thí nghiệm phôi thai...).
3/ Kết luận. Sự phát triển chân chính phải mở rộng đến chiều kích siêu việt của con người.
I. Những nhận xét chung về mối tương quan giữa kỹ thuật và sự phát triển
Số 68. Nhập đề
Trong suốt thông điệp này, chúng ta đã nhận thấy mối liên hệ giữa sự phát triển của mỗi cá nhân với sự phát triển các dân tộc. Mặc dù chúng ta có toàn quyền tự do và trách nhiệm, nhưng không ai có thể phát triển bản thân mà không có tương quan với những người khác. Một cách tương tự như vậy, các dân tộc không thể nào tự phát triển mà chỉ dựa thuần tuý vào các kỹ thuật mới. Nhân vị cũng như các cộng đồng nhân vị cần phải suy nghĩ về việc sử dụng tự do, không phải cách độc đoán nhưng là để đi tìm một điều thiện, và khám phá luật tự nhiên được khắc ghi vào trái tim chúng ta.
Số 69. Vai trò tích cực của kỹ thuật
Ngày nay, khi nghe nói đến sự phát triển, nhiều người lập tức nghĩ đến sự phát triển kỹ thuật và nhất là những kỹ thuật mới về sinh học. Hẳn nhiên là kỹ thuật là một hiện tượng rất nhân bản và ngoài ra còn phản ánh ơn gọi chúng ta là thông dự cách năng động vào công cuộc sáng tạo, dựa theo mệnh lệnh Thiên Chúa đã ban, là “vun trồng và giữ gìn trái đất” (2,15).
Số 70. Mặt trái của kỹ thuật
Nếu hiểu biết đúng đắn, kỹ nghệ quy hướng chúng ta và thắt chặt mối giao ước giữa con người và môi trường. Như vậy nó phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật mang theo nhiều cám dỗ: nếu chúng ta chỉ tìm hiểu cách thức hoạt động (phải làm thế nào), mà không quan tâm đến động lực hành động (tại sao phải làm), thì chúng ta có nguy cơ trở thành tự mãn. Khi chúng ta tin rằng kỹ thuật có thể giải thoát chúng ta khỏi những giới hạn của mình, thì chúng ta đã tạo ra một ý thức hệ, và chúng ta đã lìa xa chân lý. Sự sai lầm ở chỗ đồng hoá chân lý với cái gì có thể làm được, đặt tiêu chuẩn duy nhất của chân lý ở chỗ hữu dụng và công hiệu. Ai hiểu như vậy thì đương nhiên khước từ sự phát triển. Chúng ta tìm thấy chìa khóa của sự phát triển không phải ở chỗ mình làm cái gì cho bằng ở chỗ chúng ta là gì: chúng ta là con người được nhìn cách toàn diện. Dĩ nhiên kỹ thuật đã giải thoát chúng ta khỏi nhiều giới hạn vật lý, nhưng sự tự do chỉ thực sự là nhân bản khi chúng ta biết sử dụng kỹ thuật một cách có trách nhiệm. Vì thế, cần phải đào tạo để biết sử dụng kỹ thuật một cách có trách nhiệm, phù hợp với luân lý.
II. Ba trường hợp cụ thể
A. Kỹ thuật với sự phát triển và hòa bình
Số 71
Một sự lầm lẫn của việc đồng hóa kỹ thuật với phát triển được biểu lộ qua hiện tượng kỹ-thuật-hóa sự phát triển và hoà bình. Nhiều người cho rằng sự phát triển là một chuyện của “kỹ thuật tài chính” (phá bỏ hàng rào quan thuế, cải cách các cơ chế, vv). Quả thật đây là một phần của chương trình phát triển toàn diện, nhưng mới chỉ là một phần mà thôi. Chúng ta sẽ không đạt tới sự phát triển toàn diện nếu chúng ta chỉ coi đó như là một vấn đề cơ chế xã hội. Điều thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát triển là các nhân vị, và chỉ có phát triển đầy đủ chừng nào tất cả mọi người cảm nhận được tiếng gọi của ích chung.
Sự lẫn lộn giữa phương tiện và cứu cánh xảy ra: a) khi mà doanh nhân chỉ đi tìm lợi nhuận kinh tế; b) khi mà nhà chính trị chỉ lo tìm cách để củng cố quyền lực; c) khi nhà khoa học không để ý đến các hệ luận luân lý của những khám phá của mình. Những cái nhìn phiến diện ấy đưa xã hội đến tình trạng bất công, trong đó các kiến thức khoa học chỉ phục vụ một thiểu số, trong khi đa số nhân dân tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và không có khả năng vượt thoát được.
Số 72
Cũng là lầm lẫn khi nghĩ rằng hoà bình là một “kỹ thuật” mà các chính phủ có thể đạt được duy chỉ bằng các hiệp định. Chúng ta không muốn coi nhẹ nỗ lực của các nhà ngoại giao và của những người đang dấn thân xây dựng hoà bình. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ sẽ không mang lại kết quả bền vững nếu không dựa trên những giá trị đặt nền trên chân lý về sự sống. Để được như vậy, cần phải lắng nghe tiếng nói của những dân tộc liên hệ và cổ vũ sự gặp gỡ các dân tộc nhằm đến một cuộc đối thoại khởi đi từ tình thương và hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa bởi vì có những người như vậy, trong số đó có nhiều người Kitô hữu.
B. Các phương tiện truyền thông xã hội (số 73)
Một thực thể khác góp phần vào sự phát triển toàn diện là các phương tiện truyền thông xã hội. Việc toàn cầu hóa sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu các phương tiện ấy. Tuy nhiên, không thể nào tưởng tượng được rằng những phương tiện ấy có thể hoạt động khách quan nếu bỏ qua những tiêu chuẩn luân lý. Trên thực tế, chúng luôn luôn đã được sử dụng để tuyên truyền cho các ý thức hệ. Điều mà Giáo hội muốn cống hiến là sự suy nghĩ nghiêm túc về tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, đối chiếu với chiều kích đạo đức văn hóa của việc toàn cầu hóa và sự phát triển liên đới giữa các dân tộc.
Chúng ta phải cố gắng làm sao để cho những phương tiện này không chỉ là hình thức liên lạc nhanh chóng hơn, mà còn là cơ hội cho việc nhân-bản-hóa, cung cấp những giá trị căn bản và nhắm đến công ích. Việc đi tới nhiều người hơn trong thời gian nhanh chóng hơn không đương nhiên làm tăng gia sự sử dụng tự do. Trái lại, nếu các phương tiện truyền thông tập trung vào việc thăng tiến phẩm giá của con người và của các dân tộc, và phục vụ chân lý nhờ được tình thương thúc đẩy, thì chúng thực sự thăng tiến tự do chân chính. Lý tưởng là làm thế nào để các phương tiện truyền thông cổ võ sự tham gia của mọi người vào ích chung.
C. Luân lý sinh học (số 74)
Một đề tài có hệ quả đến các mô hình phát triển là luân lý sinh học. Câu hỏi căn bản là: con người là một sản phẩm của mình, hay là tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Các nhà khoa học đứng trước một song-luận quan trọng:
- những cuộc khám phá này có thể giúp cho họ mở ra đến siêu việt, nghĩa là đến Thiên Chúa là tác giả sự sống;
- hoặc là càng ngày họ tự coi mình là tự mãn, và đóng khung trong một viễn ảnh thuần tuý duy vật.
Đây là một lãnh vực mà cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí rất cần thiết. Lý trí mà thiếu đức tin thì sẽ đi đến chỗ tự coi mình là toàn năng; đức tin mà thiếu lý trí có thể đi tới chỗ tha hóa, trở nên xa lạ đối với cuộc sống cụ thể của con người.
Số 75
Đức Lêô XIII là giáo hoàng đầu tiên nói đến vấn đề xã hội. Đức Phaolô VI nói rằng vấn đề xã hội đạt đến chiều kích hoàn cầu. Còn đức Bênêđictô XVI thêm rằng vấn đề xã hội còn là vấn đề nhân văn, đặc biệt khi bàn đến những tiến bộ sinh học đang đến chỗ lèo lái đời sống con người. Qua việc nhân bản (clonation), thí nghiệm trên phôi thai, vv. vài nhà khoa học nghĩ rằng họ đã giải thích mầu nhiệm sự sống. Tuy nhiên, bởi vì họ nhìn nó như là một khám phá khoa học chẳng liên quan gì đến luân lý, họ tạo ra một thứ văn hóa cho phép làm tất cả những gì có thể làm được. Nền văn hóa đó không còn coi sự phá thai và an tử như là một vấn đề nữa. Nói khác đi, đó là một nền văn hóa của sự chết. Sở dĩ gọi là “văn hóa sự chết” bởi vì nó phủ nhận phẩm giá của nhân vị: họ lẫn lộn điều thực sự quan trọng với điều thứ yếu, chẳng hạn như nhân danh việc đi tìm phương thuốc chữa bệnh, người ta sẵn sàng hy sinh những mạng sống hiện hữu. Những người nghèo trên thế giới đến gõ cửa người giàu, nhưng không được người giàu lắng nghe bởi vì không được nhìn nhận như là những con người. Chính Thiên Chúa là Đấng đã mặc khải ý nghĩa của con người; lý trí và đức tin cần hợp tác với nhau để nhìn nhận chân lý về sự cao cả của con người, nhưng đồng thời cũng về sự khốn khổ của con người khi bịt tai trước luật luân lý.
Số 76
Trong văn hóa duy kỹ thuật hôm nay, có người muốn rút gọn đời sống nội tâm thành một hiện tượng tâm lý hoặc thần kinh. Thế nhưng nếu chúng ta quên mất linh hồn của con người, hoặc khi chúng ta rút gọn đời sống nội tâm vào vài cảm xúc, thì chúng ta sẽ không mở cửa đến khoảng siêu việt, là điều cần thiết để đạt được sự phát triển toàn diện.
Ngoài sự tiến bộ vật chất, sự phát triển toàn diện còn bao gồm sự tiến bộ tâm linh nữa. Con người được phát triển khi nó tăng trưởng về tâm linh. Trong nền văn hóa hiện đại, nhiều người mắc bệnh tâm thần bởi vì họ quên đi chiều kích tâm linh. Bởi vì họ không tìm được thoả mãn, cho nên họ lao đầu vào vòng nô lệ của ma tuý và những thứ nghiện ngập khác. Không thể có sự phát triển đầy đủ cũng như không thể có một thiện ích hoàn vũ nếu thiếu mất điều thiện tâm linh và luân lý của con người.
III. Kết luận (số 77)
Não trạng duy kỹ thuật có khuynh hướng phủ nhận điều gì không phải là vật chất. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có những cảm nghiệm vượt qua tầm vật chất. Chẳng hạn như cảm nghiệm về sự hiểu biết: nếu phân tích chi tiết, chúng ta thấy rằng không thể rút gọn sự hiểu biết về một hiện tượng của các nơ-ron (tế bào thần kinh). Một khi chúng ta khám phá chân lý, thì luôn luôn có một chân lý lớn hơn kêu gọi chúng ta. Ta cũng nói được như vậy đối với tình yêu: mỗi khi chúng ta lãnh nhận tình yêu thì luôn có tình yêu nào đó lớn hơn mang đến ngỡ ngàng cho chúng ta. Như đã nói ở đầu thông điệp, chúng ta khám phá rằng tình yêu ấy là một quà tặng. Một cách tương tự như vậy khi nói đến sự phát triển của con người và của các dân tộc: luôn luôn có cái gì “lớn hơn” mà kỹ thuật không thể mang lại được. Chúng ta chỉ có thể đạt tới sự phát triển toàn diện khi nào chúng ta để cho mình được thúc đẩy bởi tình yêu trong chân lý.
Mục II. Nhận xét
Trong thông điệp bàn về sự phát triển, xem ra những chương vừa rồi chú trọng đến chiều ngang giữa con người với nhau trong một nước hoặc giữa các nước với nhau, áp dụng các nguyên tắc hỗ trợ và liên đới vào các lãnh vực kinh tế, chính trị; còn chương cuối cùng nêu bật sự phát triển về chiều dọc: tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Thực ra, chiều kích siêu việt của sự phát triển đã có lần được đề cập trong các chương trước đây, chẳng hạn: tự do tín ngưỡng (số 29), khái niệm về quà tặng (số 34), môi sinh (số 48), sự hợp tác theo mẫu gương Chúa Ba Ngôi (số 54).
Chương này đào sâu cách đặc biệt tương quan của con người đối với Thiên Chúa: con người muốn phát triển trong sự hợp tác với kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, hay là một sáng tạo một sự phát triển theo ý mình và gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài?
Thực ra, thông điệp này được gửi đến tất cả những người thiện chí (chứ không chỉ dành riêng cho các Kitô hữu), cho nên không sử dụng nhiều đến các luận chứng đức tin, nhưng muốn vận dụng đến “lý trí” và “luật tự nhiên” để đối thoại về các vấn đề nhân sinh. Thông điệp nhìn nhận những đóng góp lớn lao của kỹ thuật (chẳng hạn kỹ nghệ thông tin, y khoa) vào sự thăng tiến đời sống con người, nghĩa là kỹ thuật góp phần rất quan trọng cho sự phát triển con người. Tuy nhiên, mối nguy của kỹ thuật là rơi vào sự phát triển “rừng rú”, khi không còn chấp nhận nguyên tắc luân lý nào hết. Trong những chương trước đây, chúng ta đã có dịp nghiên cứu sự cần thiết của hoạt động kinh tế thương mại vào luân lý (chứ không chỉ tuân theo định luật thị trường). Trong lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng vậy: các cuộc nghiên cứu khoa học cần nhìn nhận giới hạn của mình do luật tự nhiên ấn định. Không thiếu quy chiếu vào nguyên tắc luân lý, thì kỹ thuật sẽ rơi vào nguy cơ tiêu diệt chính sự sống nhân loại.
Dù sao, mặc dù nhắc đến sự hợp tác cần thiết giữa đức tin và lý trí (số 74), nhưng thông điệp dựa vào luận cứ của triết học nhiều hơn. Triết học về con người (nhân học) cho ta biết phẩm giá, cứu cánh của con người; kỹ thuật thường chỉ quan tâm đến hoạt động và hiệu năng (xem số 70). Nhân học cho ta biết chân lý toàn diện về con người; chỉ trong mối tương quan với ý nghĩa tối hậu ấy mà ta hiểu được thế nào là tự do đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét