a. Những thụ tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
108. Thông điệp căn bản của Thánh Kinh cho biết con người là thụ tạo của Thiên Chúa (x. Tv 139,14-18), và theo thông điệp ấy, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của trật tự sáng tạo. Con người (theo tiếng Hipri là “adam”) được tạo dựng từ đất (adamah) và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào mũi Ađam (x. St 2,7). Bởi đó, “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một cái gì đó mà là một ai đó. Con người có khả năng biết mình, làm chủ mình, tự do hiến mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. Hơn thế nữa, con người được ơn Chúa mời gọi ký kết giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, lấy đức tin và tình yêu đáp trả Ngài, một sự đáp trả mà không thụ tạo nào có thể làm thay con người”204.
109. Giống Thiên Chúa, điều này chứng tỏ bản chất và hiện hữu của con người có liên quan đến Thiên Chúa một cách hết sức sâu xa205. Đây là một mối quan hệ tự thân, vì thế không phải là một cái gì đó đến sau và được thêm vào từ bên ngoài. Toàn thể cuộc sống con người chẳng qua chỉ là một sự tìm kiếm Thiên Chúa. Mối quan hệ này của con người với Thiên Chúa có thể không được người ta biết, thậm chí bị bỏ quên hay từ chối, nhưng không bao giờ bị loại bỏ hẳn. Thật vậy, trong số các thụ tạo hữu hình của thế giới, chỉ có con người mới “có khả năng tìm Chúa” (homo est Dei capax)206. Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài; chỉ trong mối liện hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên207.
110. Quan hệ giữa Thiên Chúa và con người được phản ánh trong chiều hướng tương quan và xã hội của bản tính con người. Thật vậy, con người không phải là một hữu thể cô độc, mà là “một hữu thể xã hội, không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình bao lâu con người không liên hệ với người khác”208. Về điểm này, sự kiện Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (x. St 1,27) thật là ý nghĩa209: “Điều đáng chú ý là sự không thoả mãn, biểu hiện trong cuộc sống con người tại vườn Địa Đàng, vẫn sẽ tồn tại bao lâu con người còn lấy thế giới thảo mộc và động vật làm điểm tham khảo duy nhất của mình (x. St 2,20). Chỉ có sự xuất hiện của người phụ nữ, một hữu thể là thịt lấy từ thịt của Ađam và là xương lấy từ xương của ông (x. St 2,23), cũng là hữu thể mà nơi đó Thần Khí của Thiên Chúa Tạo Hoá đang hoạt động, mới có thể thoả mãn nhu cầu đối thoại liên vị rất quan trọng cho cuộc sống con người. Trong mỗi người thân cận của mình, bất kể là nam hay nữ, đều có sự phản ánh của chính Thiên Chúa, mục tiêu cuối cùng và sự hoàn thành của mỗi một con người”210.
111. Người nam và người nữ có cùng phẩm chất như nhau và bình đẳng về giá trị211, không phải chỉ vì cả hai tuy có những điểm khác biệt nhưng đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mà sâu xa hơn còn vì tác động lực tương tác đem lại sự sống cho ngôi vị, “chúng ta” giữa hai người, cũng chính là một hình ảnh của Thiên Chúa.212 Trong mối quan hệ hiệp thông với nhau, người nam và người nữ làm cho mình được sung mãn một cách hết sức sâu xa, khám phá thấy mình là những ngôi vị nhờ sự hiến thân chân thành ấy213. Giao ước kết hợp giữa hai người được Thánh Kinh trình bày như hình ảnh Giao ước giữa Thiên Chúa với con người (x. Os 1–3; Is 54; Ep 5,21-33), đồng thời như một cách phục vụ cho sự sống214. Thật vậy, vợ chồng có thể tham gia vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa: “Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ: “Hãy sinh sôi và nảy nở cho đầy mặt đất và hãy thống trị mặt đất” (St 1,28).
112. Người nam và người nữ liên hệ với những người khác như những người được giao cho sự sống của người khác215. “Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu… Ta sẽ đòi con người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9,5). Đó là điều Chúa phán với Noê sau trận lụt. Nhìn trong viễn tượng ấy, quan hệ với Thiên Chúa đòi người ta phải coi mạng sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm.216 Sở dĩ giới răn thứ năm có giá trị (“Ngươi không được giết người”: Xh 20,13; Đnl 5,17) là vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống và sự chết217. Lòng kính trọng đối với sự sống bất khả xâm phạm và vẹn toàn lên tới cao điểm trong giới răn tích cực này: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18), qua đó, Đức Giêsu đã ràng buộc thêm bổn phận chăm lo cho các nhu cầu của người khác (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28).
113. Chính với ơn gọi đặc biệt này đối với sự sống mà người nam và người nữ cũng thấy mình hiện diện với tất cả các thụ tạo khác. Họ có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ. Thật vậy, mọi thụ tạo đều có giá trị và đều “tốt lành” (x. St 1,4.10.12.18.21.25) trước mặt Chúa, tác giả của chúng. Con người phải biết khám phá và tôn trọng giá trị của chúng. Đây là một thách thức lớn lao đối với trí khôn con người; chính trí khôn ấy sẽ nâng con người lên và đưa họ như bay lên218 tới chỗ chiêm ngắm sự thật của tất cả các thụ tạo của Thiên Chúa, tức là chiêm ngắm cái mà Thiên Chúa thấy là “tốt lành” nơi các thụ tạo ấy. Sách Sáng Thế dạy rằng con người thống trị thụ tạo chủ yếu bằng cách “đặt tên cho chúng” (x. St 2,19-20). Khi cho chúng những cái tên, hẳn con người đã nhìn ra chúng đúng như sự thật của chúng và đã có quan hệ trách nhiệm đối với chúng219.
114. Con người cũng quan hệ với chính mình và có khả năng suy tư về chính mình. Về điểm này, Thánh Kinh hay nhắc tới “tâm hồn con người”. Tâm hồn chỉ rõ sự thiêng liêng bên trong con người, phân biệt con người với các thụ tạo khác. Thiên Chúa “làm ra hết mọi sự tốt đẹp vào đúng thời đúng lúc của nó; Ngài cũng đặt vào tâm trí con người ý niệm vĩnh cửu, nhưng con người không thể nào hiểu biết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện từ khởi thuỷ đến cùng tận” (Gv 3,11). Sau cùng, tâm hồn biểu lộ những khả năng thiêng liêng riêng của con người, cũng là những đặc ân con người có được khi được tạo dựng theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, đó là lý trí, sự phân biệt tốt xấu, ý muốn tự do220. Khi con người chú ý lắng nghe những khát vọng sâu xa của tâm hồn mình, con người không thể không thốt lên những lời rất thật sau đây của thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, lạy Chúa, nên tâm hồn chúng con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”221.
b. Bi kịch của tội
115. Cảnh tượng tuyệt vời mô tả con người được Chúa tạo dựng không thể tách rời khỏi sự xuất hiện bi đát của tội nguyên tổ. Thánh Phaolô đã khẳng định rõ ràng khi tóm tắt sự sa ngã của con người trong những trang đầu của Sách Thánh: “Tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian qua một con người và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12). Chống lại lệnh cấm của Thiên Chúa, con người đã để cho mình bị con rắn quyến rũ và đã giơ tay hái trái trên cây sự sống, và thế là đã trở thành nạn nhân của sự chết. Qua cử chỉ ấy, con người đã phá vỡ giới hạn thụ tạo của mình, thách thức Chúa, là Thiên Chúa duy nhất và là nguồn sự sống của mình. Chính tội bất tùng phục ấy (x. Rm 5,19) đã tách con người ra khỏi Chúa222.
Cũng từ mạc khải ấy, chúng ta biết rằng Ađam – con người đầu tiên – đã vi phạm giới răn của Chúa, đánh mất sự thánh thiện và công chính mà mình đã có khi được tạo dựng, một sự thánh thiện và công chính con người đã nhận được không chỉ cho riêng mình mà còn cho hết mọi người: “Khi chiều theo tên cám dỗ, Ađam và Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội này đã ảnh hưởng tới bản tính nhân loại, là bản tính mà nguyên tổ đã truyền lại trong tình trạng sa ngã. Đó là một tội được truyền lại bằng cách làm lan ra tới hết mọi người, nghĩa là được truyền lại một bản tính đã mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”223.
116. Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người. “Trong ánh sáng đức tin, chúng ta gọi đó là tội: từ tội nguyên tổ, mà mọi người chúng ta đều phải mang từ khi sinh ra như một di sản chúng ta thừa kế được nơi tổ tiên chúng ta, cho tới tôi mà mỗi người chúng ta phạm khi lạm dụng sự tự do của mình”224. Hậu quả của tội, bao lâu nó còn là hành vi xa rời Chúa, chính là sự tha hoá, tức là sự xa rời của con người không những với Chúa mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh. “Sự đoạn tuyệt của con người với Chúa trớ trêu thay đưa chúng ta tới chỗ chia rẽ với nhau. Trong bài mô tả “tội nguyên thuỷ”, chúng ta thấy khi đoạn tuyệt với Giavê thì đồng thời cũng cắt đứt mối thân hữu từng nối kết gia đình nhân loại với nhau. Thế nên, các trang tiếp theo của sách Sáng Thế cho chúng ta thấy người đàn ông và người đàn bà giơ tay tố cáo nhau (x. St 3,12). Về sau, chúng ta lại thấy anh em ghét nhau và sau cùng lấy mạng sống của nhau (x. St 4,2-16). Dựa theo câu chuyện tháp Babel, hậu quả của tội chính là sự tan nát của gia đình nhân loại, đã khởi sự với tội nguyên tổ và nay lên tới hình thức cực đoan nhất trên bình diện xã hội”225. Suy nghĩ về mầu nhiệm của tội, chúng ta không thể không lưu ý tới mối quan hệ bi đát giữa nguyên nhân và hậu quả ấy.
117. Mầu nhiệm tội được cấu thành bởi một vết thương hai mặt, mà tội nhân bộc lộ nơi mình, cũng như thể hiện ra trong quan hệ với người thân cận. Đó chính là lý do tại sao chúng ta nói tội cá nhân và tội xã hội. Tội nào cũng là tội cá nhân xét về một phương diện nào đó; nhưng xét về một phương diện khác, tội nào cũng là tội xã hội, trong mức độ nó cũng gây ra những hậu quả trong xã hội. Nếu xét cho đúng nghĩa thì tội luôn luôn là một hành vi của con người, vì đó là hành vi tự do của một cá thể, chứ không phải là hành vi của một tập thể hay một cộng đồng cách đúng nghĩa. Đành rằng tính xã hội có thể được tìm thấy trong hết mọi tội, nếu xét tới sự kiện “do sự liên đới vừa mầu nhiệm và không thể nắm bắt được, vừa rất thật và rất cụ thể, tội nào của cá nhân cũng tác động tới người khác một cách nào đó”226. Tuy nhiên, thật là không chính đáng hay không thể chấp nhận được nếu hiểu tội xã hội theo cách: nó làm giảm nhẹ hay xoá hết trách nhiệm của cá nhân, dù là hữu ý hay vô tình, do chỉ nhìn nhận sự sai trái và trách nhiệm của xã hội. Lần tới cùng của bất cứ tình huống tội lỗi nào, cũng luôn luôn thấy có những cá nhân đã phạm tội.
118. Ngoài ra, có một số tội do chính đối tượng của chúng là những hành vi trực tiếp xúc phạm đến người thân cận. Những tội đó đặc biệt được gọi là tội xã hội. Tội xã hội là bất cứ tội nào xúc phạm tới sự công bằng phải có trong các quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, và giữa cộng đồng với cá nhân. Tội xã hội cũng là bất cứ tội nào chống lại các quyền lợi của con người, khởi đi từ quyền được sống, bao gồm cả sự sống trong bụng mẹ, cho đến bất cứ tội nào chống lại sự toàn vẹn thân thể của cá nhân; là bất cứ tội nào chống lại sự tự do của người khác, nhất là sự tự do cao cả nhất để tin vào Thiên Chúa và thờ phượng Ngài; và là bất cứ tội nào chống lại phẩm giá và danh dự của người thân cận. Bất cứ tội nào chống lại ích chung và những đòi hỏi của công ích, trong lĩnh vực rộng lớn của quyền hạn và nghĩa vụ người công dân, cũng đều là tội xã hội. Sau cùng, tội xã hội là tội “liên quan tới các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Những mối quan hệ ấy không hẳn lúc nào cũng phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn thấy có công lý trên thế giới, có tự do và hoà bình giữa các cá nhân, các tập thể và các dân tộc”227.
119. Các hậu quả của tội làm cho cơ cấu của tội kéo dài mãi mãi. Những cơ cấu này lại ẩn sâu trong tội cá nhân, và bởi đó, luôn có liên quan với các hành vi cụ thể của người phạm tội, làm cho các cơ cấu ấy thêm vững chắc và càng khó tẩy trừ. Bằng cách đó, tội trở nên trầm trọng hơn, dễ lan truyền và trở thành nguồn phát sinh ra các tội khác, chi phối cách ứng xử của con người228. Đó là những trở ngại và là những điều kiện vượt ra khỏi các hành vi và thời gian sống vắn vỏi của cá nhân, để can thiệp vào quá trình phát triển của các dân tộc; việc chậm trễ và trì trệ trong công cuộc phát triển là phải xét đến tình trạng này229. Những hành vi và thái độ chống lại ý muốn của Chúa và ích lợi của tha nhân, cũng như những cơ cấu phát sinh từ những cách ứng xử đó, ngày nay có thể xếp vào hai loại: “một đàng là dành tất cả mọi ước muốn cho việc thu lợi nhuận, và đàng khác, là khát khao quyền lực với ý định áp đặt ý muốn của mình lên người khác. Để xác định thêm tính chất của hai thái độ này, chúng ta có thể dùng thành ngữ sau đây: ‘bằng bất cứ giá nào’”230.
c. Tính phổ quát của tội và tính phổ quát của ơn cứu độ
120. Giáo lý về tội nguyên tổ, cho biết tội mang tính phổ quát, có nền tảng rất quan trọng: “Nếu chúng ta nói mình vô tội là chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không có nơi chúng ta” (1 Ga 1,8). Giáo lý này khuyến khích mọi người đừng ở lại trong tội và đừng coi nhẹ tội, cũng như đừng liên tục đổ lỗi cho người khác và tìm cách biện minh do hoàn cảnh, do di truyền, do tổ chức, do cơ chế và do các mối quan hệ. Giáo lý này vạch trần mọi sự lừa dối ấy.
Tuy nhiên, không được tách rời giáo lý về sự phổ quát của tội với ý thức về sự phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Nếu không, nó sẽ khiến ta lo ngại cách sai lầm về tội và có cái nhìn bi quan về thế giới và cuộc đời, khiến chúng ta khinh chê các thành quả về văn hoá và đời sống dân sự của loài người.
121. Với tinh thần thực tế, người Kitô hữu nhìn thấy vực sâu của tội, nhưng luôn nhìn nó trong ánh sáng hy vọng – còn lớn hơn bất cứ sự xấu xa nào – do công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô mang lại, nhờ đó tội và cái chết đã bị tiêu diệt (x. Rm 5,18-21; 1 Cr 15,56-57): “Trong Ngài, Thiên Chúa đã hoà giải con người với mình”.231 Chính Đức Kitô – hình ảnh của Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,4; Cl 1,15) – đã làm cho hình ảnh và nét tương đồng với Thiên Chúa nơi con người được sáng lên đầy đủ và được thể hiện trọn vẹn. Ngôi Lời, đã trở thành con người nơi Đức Giêsu Kitô, mãi mãi vẫn là sự sống và ánh sáng của nhân loại, ánh sáng soi chiếu từng người một (x. Ga 1,4.9). Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ trong một Đấng trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài (x. 1 Tm 2,4-5). Đức Giêsu vừa là Con Thiên Chúa vừa là Ađam mới, tức là con người mới (x. 1 Cr 15,47-49; Rm 5,14). “Chính trong khi mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô Ađam mới đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính họ và cho con người thấy ơn gọi cao cả nhất của họ”232. Trong Người, nhờ Thiên Chúa, chúng ta “được tiền định để trở nên giống hình ảnh Con Thiên Chúa, ngõ hầu Người trở thành trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
122. Thực tại mới mà Đức Giêsu Kitô mang đến cho chúng ta không được ghép vào bản tính loài người, cũng chẳng được thêm vào từ bên ngoài, nhưng đúng hơn, đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi mà con người luôn khao khát hướng tới tự trong bản chất sâu xa của mình, do mình đã được tạo dựng giống Thiên Chúa. Thế nhưng, đó cũng là một thực tại mà con người không thể đạt được chỉ bằng sức mình. Nhờ Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập thể – nơi Người sự hiệp thông luôn được thực hiện một cách đặc biệt – con người mới được tiếp nhận làm con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,14-17; Gl 4,4-7). Nhờ Đức Kitô, chúng ta được chia sẻ bản tính Thiên Chúa, Đấng ban phát cho chúng ta cách vô hạn định hơn cả “điều chúng ta cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Điều mà nhân loại đã nhận được chẳng qua chỉ là một dấu hiệu hay một “bảo chứng” (2 Cr 1,22; Ep 1,14) cho những gì mình sẽ nhận trọn vẹn khi ra trước mặt Chúa, “diện đối diện” (1 Cr 13,12), tức là bảo chứng của sự sống đời đời: “Và đây là sự sống đời đời, đó là họ biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đức Giêsu Kitô là Đấng Cha đã sai đến” (Ga 17,3).
123. Trong niềm hy vọng phổ quát ấy, bên cạnh những người nam cũng như nữ thuộc mọi dân tộc, còn bao gồm cả trời và đất: “Trời cao hỡi, hãy gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính. Đất mở ra đi, nẩy mầm ơn cứu độ; đồng thời chính trực sẽ vươn lên. Ta là Đức Chúa đã làm điều ấy” (Is 45,8). Theo Tân Ước, toàn thể thụ tạo cùng với nhân loại đều chờ đợi Đấng Cứu Chuộc: bị lâm vào cảnh hư ảo nhưng thụ tạo vẫn vươn lên, lòng đầy hy vọng, dù miệng rên xiết than thở, trông mong được giải thoát khỏi tiêu vong (x. Rm 8,18-22).
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
204 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 357.
205 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 356, 358.
206 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, tựa đề chương 1, đoạn 1, phần I; x. CĐ. Vatican II,
Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966), 1034; Gioan Phaolô II,
Thông điệp Evangelium Vitae, 34: AAS 87 (1995), 440.
207 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 34: AAS 87 (1995), 440.
208 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966), 1034.
209 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 369.
210 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 35: AAS 87 (1995), 440.
211 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2334.
212 x. Ibid., 371.
213 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane, 6,8,14,16,19-20: AAS
86 (1994), 873-874, 876-878, 899-903, 910-919.
214 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50-51: AAS 58 (1966),
1070-1072.
215 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 19: AAS 87 (1995), 421-422.
216 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2258.
217 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
1048; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2259-2261.
218 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio: AAS 91 (1999), 5.
219 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 373.
220 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Viate, 34: AAS 87 (1995), 438-440.
221 Thánh Augustinô Confessions, Tự thú, I, 1: PL 32, 661: “Tu excitas, ut laudare te
delectet; quia fecisti nos ad te, et inquietum est cor nostrum, donec requiescat in te”.
222 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1850.
223 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 404.
224 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 2: AAS 77 (1985), 188; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1849.
225 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 15: AAS 77 (1985), 212-213.
226 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985), 214.
Ngoài ra, Thông điệp này còn giải thích rằng có một thứ luật đi xuống (law of
descent), gần như một sự hiệp thông trong tội lỗi, theo đó linh hồn nào đã tự làm
mình xuống cấp thông qua tội lỗi sẽ kéo Giáo Hội xuống dốc theo cùng với mình và
có thể nói, kéo cả thế giới xuống theo; ngược với luật này có luật đi lên (law of
ascent) tức là mầu nhiệm hiệp thông các thánh rất sâu xa và cao cả, nhờ đó linh
hồn nào vươn lên sẽ nâng thế giới lên theo.
227 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985), 216.
228 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1869.
229 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36: AAS 80 (1988), 561-563.
230 Ibid., 37: AAS 80 (1988), 563.
231 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 10: AAS 77 (1965), 205.
232 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1042.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét