Trang

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Chương V. Sự hợp tác của gia đình nhân loại

Theo tinh thần của thông điệp Populorum progressio, sự phát triển phải bao gồm toàn thể con người và toàn thể loài người. Chương Năm chú trọng đến khía cạnh thứ hai (phát triển toàn thể nhân loại) và đưa ra những suy tư nhằm cổ võ sự hợp tác giữa các dân tộc, cách riêng trong bối cảnh của việc toàn cầu hóa hiện nay.

Mục I. Tóm tắt

Chương này gồm 15 số (53-67). Có thể chia thành hai phần chính: 1/ Những nguyên tắc hướng dẫn sự hợp tác gia đình nhân loại. 2/ Áp dụng vào vài vấn đề cụ thể. 

A. Những nguyên tắc hướng dẫn sự hợp tác gia đình nhân loại.
- Chìa khóa: gia đình, hợp nhất trong đa dạng (số 53), gương mẫu là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (số 54); do đó sự phát triển đòi hỏi sự đóng góp của tôn giáo (số 55-56).
- Hai nguyên tắc căn bản của Giáo huấn xã hội: bổ trợ và liên đới áp dụng vào cộng đồng quốc tế (số 57-58).
B. Vài lãnh vực áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới: sự hợp tác song phương (số 59), phát triển giáo dục (số 59); ảnh hưởng của xã hội dân sự (số 60); trao đổi văn hóa nhờ du lịch (số 61); hiện tượng di dân (số 62); các công nhân (số 63-64); tài chính (số 65), cơ quan điều hành quốc tế (số 67).

Số 53. Sống tương quan để vượt thắng cảnh cô đơn

Trên thế giới có nhiều hình thức nghèo khổ trên thế giới, trong đó sâu đậm nhất là sự cô đơn. Sự nghèo khổ vật chất cũng bắt đầu từ sự cô đơn, bởi vì không được yêu thương. Con người cũng cảm thấy cô đơn khi không tin vào Thiên Chúa, và cảm thấy tách biệt khỏi vũ trụ này. Phải chăng đây là thực trạng hiện nay, khi chúng ta thảo ra những kế hoạch thuần túy vật chất? Trong một thế giới càng ngày càng được toàn cầu hóa, chúng ta sẽ đạt được sự phát triển toàn diện khi nào chúng ta cảm thấy liên kết như là trong một gia đình. Vì thế cần phải nắm vững quan niệm: thế nào là một gia đình. Để hiểu rõ ý nghĩa của tương quan gia đình, chúng ta cần đến sự giúp đỡ của các khoa học xã hội, và nhất là triết học và thần học.

Nhờ suy tư, chúng ta khám phá rằng con người chỉ thành tựu chính mình nhờ các tương quan liên bản vị. Con người có giá trị khi đặt mình trong tương quan với những người khác và với Thiên Chúa. Điều này cũng xảy ra trên bình diện các dân tộc: cộng đồng không xóa bỏ sự tự lập của các cá nhân hoặc các dân tộc, nhưng giúp cho các phần tử kết hợp chặt chẽ hơn mà vẫn duy trì tính khác biệt của các phần tử.

Số 54. Khuôn mẫu gia đình

Sự phát triển toàn diện nhân loại chỉ có thể thực hiện khi tất cả mọi dân tộc trong cộng đồng gia đình nhân loại kiến tạo tình liên đới dựa trên nền tảng của những giá trị của công lý và hòa bình. Đó là sự phản chiếu trên thế giới của mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì cũng như Thiên Chúa là sự duy nhất trong tương quan, và Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, cho nên Ngài cũng muốn cho chúng ta hợp nhất sống trong cộng đồng. Chúng ta gặp thấy sự hợp nhất của các nhân vị cách rõ rệt trong bí tích hôn nhân, khi mà hai người trở nên một thân xác (Mt 19,5).

Số 55. Các tôn giáo với sự phát triển

Sự hợp nhất của loài người, - nghĩa là tất cả chúng ta đều có tương quan với nhau- , là một dữ kiện của mạc khải Kitô giáo. 

Đó cũng là điều gặp thấy nơi nhiều tôn giáo trên thế giới khi họ đề cao tình huynh đệ và hòa bình. Tiếc thay, không phải hết mọi nền văn hóa hoặc tôn giáo đều chấp nhận chân lý ấy cách toàn diện, và vì thế họ đã trì hoãn và thậm chí ngăn trở sự phát triển con người. Quả là bóp méo tôn giáo và sự thật khi một vài tôn giáo thúc đẩy sự chia rẽ giữa các cá nhân, hoặc khi họ phân chia xã hội thành từng đẳng cấp cố định.

Để có thể có một sự phát triển toàn diện trên thế giới này, cần sự hợp tác của mọi tôn giáo. Tuy nhiên, cần có sự biện phân về những đóng góp của các tôn giáo, và cần tránh thái độ “lãnh đạm” coi các tôn giáo đều ngang với nhau. Những ai giữ trách nhiệm biện phân này cần phải dựa trên tiêu chuẩn của tình thương và chân lý, và thâm tín rằng sự phát triển đích thực luôn luôn nhằm đến toàn thể con người và dành cho hết mọi người.

Số 56. Thiên Chúa trong đời sống công

Tôn giáo chỉ có thể đóng góp vào tiến trình phát triển con người nếu nhà cầm quyền cho phép tôn giáo hiện hữu trong lãnh vực công, nghĩa là nếu cho phép các tôn giáo được phát biểu về tình trạng xã hội, kinh tế và nhất là chính trị.

Việc trục xuất tôn giáo ra khỏi lãnh vực công, cũng như chính sách bảo căn tôn giáo (fundamentalism), đều làm ngăn cản các nhân vị gặp gỡ nhau và hợp tác nhắm đến sự tiến bộ.

Một hệ quả của việc ngăn cấm các tôn giáo hiện diện ở lãnh vực công là nguy cơ chà đạp các quyền lợi con người, bởi vì hoặc là không nhìn nhận các quyền ấy đặt nền tảng nơi Thiên Chúa, hoặc là phủ nhận sự thực thi quyền ấy khi hạn chế các quyền lợi của công dân.

Số 57. Đối thoại giữa đức tin và lý trí

Lý trí và đức tin cần phải đi đôi với nhau để phê bình và thanh luyện lẫn nhau. Khi đức tin và lý trí đối thoại với nhau, thì có thể có sự đối thoại giữa những người tín hữu và những người không tin, và giữa những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, nhờ vậy người ta có thể cùng nhau hoạt động cho công lý và hòa bình cho nhân loại. Đó là giáo huấn của hiến chế mục vụ “Vui mừng và hy vọng” của công đồng Vaticanô II.

Một trong những nguyên tắc nền tảng của cuộc đối thoại này là sự bổ trợ, nghĩa là: quyền bính ở cấp trên để tự do cho các nhân vị thực thi trách nhiệm riêng của mình. Tuy nhiên, nguyên tắc này còn một ý tưởng khác, đó là: cấp trên hãy nâng đỡ cấp dưới theo tinh thần liên đới, mỗi khi cấp dưới yêu cầu hỗ trợ. Vì thế sự bổ trợ nhìn nhận phẩm giá của mỗi nhân vị, đồng thời nhìn nhận sự liên hệ hỗ tương cần thiết giữa các cá nhân. Nguyên tắc bổ trợ một đàng chống lại sự bao cấp, nhưng đồng thời cũng chỉ trích các chính sách hạn chế sự giúp đỡ xã hội cho những người cần thiết. Sự bổ trợ cho phép các dân tộc được phát biểu các đặc trưng của mình, và áp dụng các dự án phát triển theo nhiều hướng đa dạng.

Áp dụng nguyên tắc bổ trợ vào sự toàn cầu hóa. Cơ quan lãnh đạo của việc toàn cầu hóa phải dựa trên mô hình bổ trợ, phối hợp các dự án đa dạng trên nhiều bình diện khác nhau, để có sự hợp tác hỗ tương. Nếu muốn cho sự toàn cầu hóa phục vụ nhân loại thì cần đến một quyền bính điều hành. Quyền bính này không mang tính “độc tài” nhưng là bổ trợ, với sự phân chia quyền hành tôn trọng sự tự do tuy vẫn hữu hiệu.

Số 58. Nguyên tắc bổ trợ trong các công tác tương trợ quốc tế

Tính liên đới và bổ trợ là hai nguyên tắc cần đi đôi với nhau, bởi vì liên đới mà thiếu bổ trợ sẽ là bao cấp, và bổ trợ mà thiếu liên đới thì sẽ không vượt qua biên cương địa phương. Điều này rất quan trọng khi bàn về sự giúp đỡ quốc tế. Sự giúp đỡ này cần lưu ý đến từng hoàn cảnh, và vận động sự tham gia tích cực của các viên chức địa phương. Cần phải động viên yếu tố nhân sự, bởi vì nguồn lực nhân sự là phần quan trọng nhất trong bất cứ tiến trình nào của sự phát triển.

Về phương diện kinh tế, điều cần thiết của các quốc gia nghèo là sản phẩm của họ có thể gia nhập thị trường quốc tế. Vì thế họ cần sự trợ giúp để sản phẩm được nâng cao và đổi dạng. Điều này cần áp dụng cách riêng cho các sản phẩm nông nghiệp. Thường các nước giàu hạn chế sự nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp của các nước nghèo. Đây là chuyện sinh tử của các nước nghèo, và sự công bằng đòi hỏi rằng phải kiếm các phương thế ngõ hầu sản phẩm của các nước nghèo có thể gia nhập thị trường quốc tế.

Số 59. Đối thoại giữa các nền văn hóa

Khi nói đến sự hợp tác quốc tế, chúng ta không giới hạn vào lãnh vực kinh tế mà thôi. Sự gặp gỡ văn hóa và nhân bản giữa các quốc gia cũng rất quan trọng. Khi các quốc gia thương luận với nhau về các hiệp ước thương mại mà bỏ qua những đóng góp văn hóa và nhân bản của mỗi bên, thì các cuộc đàm phán sẽ thất bại, Một quốc gia tiến bộ hơn về kỹ thuật thì không có nghĩa là văn hóa của mình cũng phong phú hơn quốc gia kia. Ngược lại, các quốc gia trên đường phát triển hãy thận trọng đừng bỏ rơi các truyền thống của mình đang khi khao khát thích nghi với thế giới tân thời.

Xét vì các nền văn hóa được hình thành bởi những con người, và con người có luật luân lý ghi khắc trong tâm khảm, cho nên tất cả mọi nền văn hóa đều phản ánh thực tại của luật tự nhiên ấy: đây là nền tảng của tất mọi sự hợp tác xã hội mang tính cách xây dựng. Ngoài ra, tuy rằng tất cả các nền văn hóa đều biểu lộ luật tự nhiên, nhưng cũng có những tội lỗi, và cần đến đức tin Kitô giáo để mở ra đến sự phát triển toàn diện.

Số 60. Tình liên đới trong việc tương trợ

Khi các nước giàu giúp đỡ các nước nghèo thì không chỉ là một hành động thuần túy quảng đại về phía các nước giàu. Cần phải coi việc giúp đỡ các nước nghèo như là một công cụ để tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả.

Các chính phủ của các nước giàu cần duyệt lại các chương trình xã hội trong nước mình: nếu áp dụng đúng đắn nguyên tắc bổ trợ và gạn lọc các chương trình khỏi nạn tham nhũng và bàn giấy, thì sẽ dư ra một phần lớn sản lượng dành cho sự trợ giúp nước ngoài.

Vài quốc gia đã cho phép các công dân khi đóng thuế có quyền yêu cầu dành thuế này vào các chương trình trợ giúp các nước nghèo. Đó là một hành vi cụ thể của nguyên tắc liên đới.

Số 61. Phát triển và giáo dục

Một khía cạnh quan trọng trong các chương trình trợ giúp quốc tế là phát huy ngành giáo dục. Ở đây không chỉ chú ý đến việc đào tạo kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến sự giáo dục toàn diện. Điều này đòi hỏi phải chú ý đến các giá trị của nhân vị, bản tính con người, tránh một thứ chủ nghĩa tương đối về các giá trị luân lý, làm nguy hại cho nền văn hóa. Biểu hiệu của não trạng ấy là nạn “du lịch dâm ô”, lợi dụng việc thăm viếng nước khác để có những hành vi đồi trụy kể cả với các thiếu nhi. Điều này làm thiệt hại cho nạn nhân cũng như thủ phạm. Điều đáng buồn là đôi khi chính quyền địa phương đã dung túng hành động này. Ngược lại, cuộc du lịch lành mạnh sẽ phát triển sự hiểu biết hỗ tương giữa các dân tộc.

Số 62. Hiện tượng di dân

Đây là một hiện tượng rộng lớn trong thời buổi toàn cầu hóa, do nhiều động lực thúc đẩy: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Cần sự phối hợp giữa nhiều quốc gia mới có thể giải quyết được tình trạng này. Đặc biệt cần có một hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người di trú cũng như quyền lợi của nơi tiếp nhận.

Cách riêng, cần nuôi dưỡng tâm tình tiếp nhận về phía nhân dân tại nơi mà người di dân đến: các công nhân nước ngoài nhờ sức lao động của mình thực sự góp phần vào sự phát triển kinh tế của nước tiếp đón, cũng như làm lợi cho quê hương của mình nhờ số tiền gửi về nhà. Tuy nhiên, người công nhân là một nhân vị, vì thế không được đối xử chỉ như là một món hàng hay yếu tố sản xuất.

Số 63. Nạn thất nghiệp

Một vấn đề liên hệ đến sự phát triển là nạn thất nghiệp. Khi khả năng kiếm việc làm của các người nghèo bị giới hạn, khi đồng lương lãnh được không đủ chu cấp cho gia đình, thì đã có sự vi phạm phẩm giá của lao động con người.

Vào năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi Tổ chức Lao động quốc tế hãy cổ võ một sự hợp tác quốc tế nhằm đến sự lao động xứng đáng. Thế nào là lao động “xứng đáng”? Thưa rằng: 

- khi nó biểu lộ phẩm giá của nhân vị; 
- được chọn lựa tự do và liên kết với sự phát triển của cộng đồng; 
- tránh mọi hình thức kỳ thị; 
- cho phép thỏa mãn những nhu cầu của gia đình, ngõ hầu con cái không buộc phải lao động; 
- cho phép các công nhân được họp công đoàn;
- cho phép người thợ được nghỉ ngơi và tiếp xúc với văn hóa địa phương;
- cho phép người công nhân được hưởng tiền hưu bổng khi đến tuổi.

Số 64. Các tổ chức nghiệp đoàn công nhân

Các tổ chức nghiệp đoàn cầm đáp ứng những vấn đề mới của xã hội, vượt qua những ranh giới cổ điển dựa trên giai cấp kinh tế.

Một trong những đề tài cần suy nghĩ là tương quan giữa con người xét như là công nhân và xét như là người tiêu thụ.

Đề tài khác là liên hệ giữa những công nhân tham gia nghiệp đoàn với những công nhân ngoại quốc không được hưởng quyền này.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn chủ trương rằng cần phân biệt vai trò của nghiệp đoàn và vai trò của nhà chính trị. Lãnh vực hoạt động của nghiệp đoàn là xã hội dân sự, bởi vì nơi đây mà cần gây ý thức của dư luận về tình trạng của các công nhân.

Số 65. Tài chính. Tín dụng nhỏ

Tài chính là cội rễ của vấn đề kinh tế hiện nay. Tiên vàn, cần nhấn mạnh rằng tài chính thật là cần thiết, bởi vì đó là cách thực vận hành của kinh tế. Tuy nhiên, tài chính không chỉ đơn thuần là chuyện kỹ thuật.

Cần phải cổ động những sáng kiến tài chính đặt nặng chiều kích nhân đạo. Có người cho rằng không thể nào kết hợp giữa “làm điều tốt lành” và “sản xuất hiệu năng” được. Nhưng nghĩ như vậy là không đúng. Các nhà tài chính cần phải tái khám phá nền tảng luân lý của hoạt động của mình để khỏi lạm dụng các dụng cụ tinh xảo để phản bội những người tiết kiệm. Chúng ta đang chứng kiến những vụ đầu cơ tài chính kinh khủng, mà cuối cùng những người yếu phải chịu thiệt thòi.

Mặt khác, cũng đã có những thử nghiệm tích cực như là tài chính vĩ mô (microfinance): các dân tộc nghèo đã học cách sử dụng tín-dụng- nhỏ (microcredit), và đề phòng nạn cho vay nặng lãi. Xét rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tác dụng toàn thế giới, mô hình tiểu tài trợ cũng có thể giúp cho những ngành yếu ớt tại các nước giàu.

Số 66. Hiệp hội những người tiêu thụ

Trong thế giới hiện đại, đã nảy sinh ra một quyền lực chính trị mới: chính những người tiêu thụ đã thành lập hiệp hội để bảo vệ lợi ích của mình. Vì thế họ cũng hãy thi hành trách nhiệm xã hội của mình, chẳng hạn như qua lối sống của mình. Các người tiêu thụ có thể hoạt động sáng tạo với những kiểu tiêu thụ mới mẻ tựa như các hợp tác xã tiêu thụ.

Một hình thức khác có thể phát triển là buôn bán công bình nhằm trợ giúp các sản phẩm đến từ các nước nghèo. Nhờ vậy, những người tiêu thụ có thể thúc đẩy một nền dân chủ kinh tế thực sự.

Số 67. Cơ quan điều hành quốc tế

Để có thể đối phó với những cuộc khủng hoảng và đề xuất những dự án mới, cần phải củng cố tổ chức Liên hợp quốc và các cơ chế tài chính và kinh tế quốc tế. Các nước nghèo cần có tiếng nói tại đó.

Như đã nói trên, đây không phải là một quyền bính độc tài, nhưng là để bảo đảm một sự điều hành chính trị, pháp lý và kinh tế nhằm tăng gia và hướng dẫn sự hợp tác quốc tế đến cuộc phát triển liên đới của tất cả mọi dân tộc. Dù sao, nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đại cũng như cổ vũ hòa bình, sự an toàn lương thực và bảo vệ môi sinh, cần phải có một quyền bính chính trị thế giới, như chân phúc Gioan XXIII đã nói. Quyền bính này cần đi tìm sự quân bình năng động giữa sự hỗ trợ và tình liên đới nhắm tìm kiếm ích chung.

Nếu muốn bảo đảm an ninh, thể hiện công lý và tôn trọng những quyền lợi con người, quyền bính ấy cần được hết mọi quốc gia nhìn nhận và có những quyền hành hữu hiệu để thực thi những quyết định của mình. Nếu không đạt được điều ấy thì sẽ có nguy cơ là chúng ta bị lệ thuộc vào sự cân đối quyền lực giữa các cường quốc.

Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện của tất cả mọi quốc gia và sự hợp tác quốc tế để điều hành cuộc toàn cầu hóa, thì cần có một cơ quan pháp luật quốc tế mang tính bổ trợ.

Mục II. Nhận xét

Sau khi đã xác định bệnh lý ở hai chương đầu, thông điệp đã lần lượt kê ra những bài thuốc điều trị, nhằm cỗ võ sự phát triển toàn diện trong những tiếp theo: tình huynh đệ (chương 3); nghĩa vụ và quyền lợi, chăm sóc môi trường (chương 4); hợp tác và liên đới (chương 5); sử dụng kỹ thuật đúng đắn (chương 6).

I. Nói chung

Như vậy chương này tiếp tục suy tư về những khía cạnh khác nhau của sự phát triển, cách riêng nhìn trong bình diện của toàn thể nhân loại (phát triển toàn thể nhân loại). Những dòng suy tư này mang tính triết học và nhất là thần học, khi mà mẫu gương tột đỉnh của sự hiệp thông được rút từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có lẽ trong chương này, một ý tưởng chủ chốt nằm đàng sau tất cả dòng suy tư là chúng ta hãy biết “phân định”: mỗi thực tại trên đời này đều có hai mặt, tùy theo cách ta sử dụng mà nó trở thành có lợi hay có hại cho ta. Thực tại mà chương này muốn sử dụng sự phân định là “sự toàn cầu hóa”. Nó có thể thu nhỏ thế giới lại, giúp các các cá nhân và dân tộc xích lại gần nhau hơn; nhưng nó cũng có thể làm cho con người xa cách nhau hơn, với những bức rào ngăn cản mới.

Chương này mở đầu bằng một thực tại trớ trêu (số 53). Ngày nay, đa số nhân loại sống tại các đô thị lớn, chứ không còn ở thôn quê hẻo lánh; chúng ta có rất nhiều phương thế để liên lạc với nhau, cách riêng là qua các mạng lưới thông tin, điện thoại, vv.. Thế nhưng con người lại cảm thấy cô đơn lạc lõng hơn bao giờ hết, mặc dù ở giữa số đông người hoặc giữa bao nhiều nhịp cầu chat, nối mạng. Tại sao vậy? Phải chăng bởi vì chúng ta chưa biết sống “tương quan”?

Từ đó, thông điệp trình bày những mô hình kiểu mẫu để sống tương quan: gần nhất là gia đình, cao nhất là Chúa Ba Ngôi. Sống tương quan thông hiệp không dễ: một đàng phải quan tâm đến người khác, đàng khác phải tôn trọng người khác. Trong tương quan cá nhân, chúng ta có thể rơi vào hai thái cực: hoặc thái độ hờ hững lãnh đạm hoặc thái độ thống trị. Trong một quốc gia, đó có thể là chính sách cạnh tranh tự do (của tư bản chủ nghĩa), hay chính sách bao cấp (của các chế độ toàn chế). Sự quân bình được duy trì nhờ hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới, được áp dụng trong những tương quan từ hàng ngang cho đến hàng dọc, nghĩa là trong những tương quan giữa tư nhân, rồi trong gia đình, trong một cộng đồng địa phương, trong một quốc gia (tương quan giữa trung ương với địa phương), trong cộng đồng quốc tế (giữa các nước giàu với các nước nghèo).

Sự toàn cầu hóa không nên đi chỗ áp đặt một khuôn mẫu văn hóa cho tất cả mọi dân tộc (cần phải tôn trọng tính da dạng của các nền văn hóa), đồng thời cũng cần quan tâm đến những nhu cầu của những dân tộc nghèo. Thông điệp ước ao có một cơ quan lãnh đạo quốc tế (số 57 và 67) giữ vai trò bổ trợ cho các quốc gia, với sự tham gia của tất cả mọi quốc gia, chứ không chỉ do một số cường quốc điều khiển.

II. Tôn giáo và phát triển

Bản tóm lược đã khá chi tiết liên quan đến các vấn đề cụ thể. Ở đây chỉ xin nêu bật một khía cạnh đặc biệt, đó là tương quan giữa tôn giáo và phát triển.

1. Đạo nào cũng như đạo nào? Không đâu. Các tôn giáo không chỉ khác nhau trong quan điểm về các thần linh (Đức Chúa Trời, Thượng đế, Đức Phật, vv) mà ngay cả về nhân sinh quan. Mỗi tôn giáo có thể đưa ra những lý giải khác nhau về nguồn gốc và cứu cánh cuộc đời, ý nghĩa cuộc sống; mà ngay cả về cách tổ chức xã hội, ý nghĩa của lao động, kinh tế.

2. Kitô giáo có một nhân sinh quan riêng. Cụ thể hơn nữa, Kitô giáo có một học thuyết xã hội (điều mà không phải tôn giáo nào cũng có). Học thuyết này dựa trên quan niệm của Kitô giáo về phẩm giá con người (từ đó có chương nói về quyền lợi và nghĩa vụ của con người).

3. Nếu Kitô giáo có một nhân sinh quan riêng (và học thuyết xã hội riêng, nghĩa là khác với các tôn giáo khác), thì liệu có thể đối thoại với các tôn giáo khác không? Thưa rằng có thể, bởi vì Kitô giáo thâm tín rằng Thiên Chúa đã ghi trong tâm khảm mỗi người một “luật tự nhiên” (biểu lộ nơi lương tâm): đây là nền tảng cho các cuộc đối thoại và hợp tác với hết mọi người thiện chí (số 59).

4. Thông điệp Caritas in veritate đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tôn giáo đối với việc phát triển (số 29). Do đó, nếu muốn bàn đến phát triển con người mà loại trừ vai trò của tôn giáo thì sẽ không có phát triển đích thực (số 56). Tuy nhiên, thông điệp cũng cảnh giác rằng có những tôn giáo không góp phần vào sự phát triển con người, chẳng hạn như khi không tôn trọng nhân phẩm, khi chủ trương kỳ thị đẳng cấp. Tiếc rằng Kitô giáo cũng không tránh khỏi những lầm lỗi ấy! Nếu các Kitô hữu sống đúng với Tin mừng, thì đâu có bùng nổ cách mạng Pháp hay cách mạng cộng sản? 

5. Do đó, các nhà cầm quyền cần phải phân định: không hoàn toàn gạt các tôn giáo ra ngoài đời sống chính trị; cũng không thể cho một tôn giáo lạc hậu (fundamentalism) thống trị quốc gia. Cần bảo đảm tự do tôn giáo cho mọi người (số 56).

III. Những giá trị cần cổ vũ

Trong phần thứ hai (số 59-67), thông điệp phân tích nhiều vấn đề nảy sinh từ hoàn cảnh toàn cầu hóa. Những vấn đề này cần được nhìn dưới ánh sáng của các giá trị nhân bản Kitô giáo: phẩm giá con người, sự bình đẳng, tương quan xã hội, con người có những nhu cầu tinh thần chứ không chỉ có nhu cầu vật chất. Chỉ có sự phát triển đích thực khi tôn trọng Chân lý về con người

Đọc thêm: Tóm lược HTXH
* Số 185-188 (nguyên tắc bổ trợ); 192-196 (nguyên tắc liên đới).
* Số 255-322 (lao động và nghiệp đoàn); 297-298 (di dân); 440-450 (cộng đồng quốc tế).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét