Như đã nói trên đây, GHXH lên tiếng về vấn đề môi sinh dưới góc độ luân lý chứ không đi vào các lãnh vực chuyên biệt của các ngành chính trị, kinh tế, khoa học. Trong chương này, sách TLHT đã đưa ra nhiều nhận định về nghĩa vụ luân lý của cá nhân hay tập thể thuộc nhiều cấp độ (các nhà chính trị, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế, các nhân viên ngành truyền thông xã hội). Khỏi nói ai cũng biết, không dễ gì tuân hành các nghĩa vụ ấy. Dù vậy, sách TLHT còn muốn đi xa hơn nữa khi đề nghị một “linh đạo” trong việc tiếp cận với môi trường, có thể diễn tả ra hai điểm như sau:
1/ Thay đổi não trạng. Những vấn đề môi sinh không thể giải quyết đến nơi đến chốn nếu thiếu những tâm tình cần thiết, đứng đầu là mối quan tâm đến tha nhân (chứ không đặt cái tôi làm trung tâm vũ trụ): tôi phải chú ý đến quyền lợi của tha nhân nữa. Để được như vậy, chúng ta cần phải tạo ra một não trạng mới, đòi hỏi nhiều nhân đức, như là điều độ, thanh đạm, khắc khổ... (số 486)
2/ Thân thiện với các thụ tạo. Đối lại với vào phong trào dựa vào Phật giáo để cỗ vũ sự tôn trọng thiên nhiên (cấm sát sinh, kể cả côn trùng), Kitô giáo không thiếu những mẫu gương sống thân thiện với thiên nhiên: không những chúc tụng Thiên Chúa qua những công trình tuyệt vời của thiên nhiên, nhưng còn nhận thấy thiên nhiên như là sứ giả của Thiên Chúa (số 487). Thánh Phanxicô Assisi là một tấm gương trong lãnh vực này (số 465), vì thế đã được tôn làm bổn mạng của môi sinh. Thánh nhân đã nổi tiếng với “Bài ca tạo vật” (đã được Hải Linh phổ nhạc)
Lạy Thiên Chúa tối cao,
toàn năng và tốt lành,
mọi vinh quang và danh dự,
lời chúc tụng và ngợi khen,
đều thuộc về Ngài,
và xứng hợp cho riêng mình Ngài,
ôi Đấng tối cao,
không một ai xứng đáng gọi Danh Ngài.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
với muôn loài thụ tạo,
đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời,
anh là ánh sáng ban ngày,
nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi,
Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
anh tượng trưng Ngài, ôi Đấng tối cao.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Trăng và muôn Sao
Chúa tạo dựng trên nền trời:
lung linh, cao quí và diễm lệ.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Gió, Không khí và Mây trời,
cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời
nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Nước,
thật ích lợi và khiêm nhu,
quí hóa và trinh trong.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Lửa,
nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,
Anh đẹp và vui tươi,
hùng tráng và mạnh mẽ.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất,
Chị nâng đỡ, Chị dìu dắt
Chị sinh ra bao thứ trái,
hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại.
Để hoà giải hiềm khích giữa Đức Giám mục và viên Thị trưởng thành phố Assisi, ngài nảy sinh ý tưởng thêm một tiểu khúc vào Bài Ca Anh Mặt trời:
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì những người biết thứ tha
nhân danh tình yêu Chúa,
chịu bệnh tật ưu phiền.
Phúc cho ai chấp nhận trong an hoà,
vì lạy Chúa tối cao,
Ngài sẽ tặng triều thiên.
Sức khoẻ ngài ngày càng sa sút. Cuối mùa hè năm 1226, ngài trở bệnh trầm trọng hơn. Biết sắp phải từ giã cõi đời này, ngài sáng tác một điệp khúc thêm vào Bài Ca Anh Mặt trời:
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác
không ai sống trên đời hòng thoát nổi.
Bất hạnh người khi lâm chung,
hồn còn mang tội trọng!
Phúc thay người trong giờ Chị tới,
Thánh Ý Ngài một mực tuân theo,
chết thứ hai không làm hại được.
Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa tôi,
hãy tạ ơn và phụng sự Người
với trọn lòng khiêm hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét