Trang

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Chương II. Sự phát triển con người vào thời nay

Trong chương Một, đức Bênêđictô XVI ôn lại sứ điệp Populorum progressio, được đọc trong toàn bộ tư tưởng của đức thánh cha Phaolô VI về sự phát triển toàn diện.

Chương Hai điểm qua tình hình về sự phát triển vào thời nay, vạch ra những điểm tích cực và tiêu cực. Nói đúng ra, những điểm tiêu cực thì nhiều hơn những điểm tích cực. Ta có thể xem chương này như một thứ mô tả tình trạng bệnh lý, để rồi đề nghị các toa thuốc ở những chương kế tiếp.

Chúng tôi chia làm hai mục như thói quen. Mục thứ nhất tóm tắt tư tưởng bản văn. Mục thứ hai xếp đặt các bệnh lý theo thứ tự, đồng thời hướng đến các toa thuốc sẽ được đề ra trong những chương kế tiếp.

Mục I. Tóm tắt

Chương này khá dài (từ số 21 đến 33), không có phụ đề. Thiết tưởng có thể tạm chia ra làm ba đoạn chính như sau:

I. Tổng quan về việc phát triển thời nay từ cái nhìn của Populorum progressio (số 21)

II. Một vài khía cạnh lệch lạc trong sự phát triển

1/ Khía cạnh kinh tế (số 22-25)
2/ Biến đổi về văn hóa (số 26)
3/ Nạn đói (số 27)
4/ Tôn trọng mạng sống (số 28)
5/ Tự do tín ngưỡng (số 29)

III. Nhận định tình hình

1/ Những vấn đề mới đòi hỏi những giải pháp mới: cái nhìn toàn diện về hiểu biết và thương yêu (số 30-31)
2/ Suy tư về ý nghĩa của hoạt động kinh tế (số 32)
3/ So sánh tình hình với 40 năm về trước: những yếu tố mới (số 33).

I. Tổng quan về sự phát triển (số 21)

1. Đức Phaolô VI trình bày một quan niệm toàn diện về phát triển với mục tiêu đưa nhân loại ra khỏi cảnh đói khát, lầm than, bệnh tật, mù chữ. Như vậy, sự phát triển bao gồm nhiều khía cạnh:

a) Kinh tế: tham gia tích cực vào tiến trình kinh tế quốc tế
b) Xã hội: tiến tới xã hội văn minh, biết liên đới
c) Chính trị: củng cố chế độ dân chủ, bảo đảm tự do và hòa bình.

2. Tiếc rằng ước mơ ấy về sự phát triển chưa được hoàn thành. Các mô hình phát triển chỉ chú trọng đến khía cạnh kỹ thuật và kinh tế.

a) Sự phát triển kinh tế chỉ nhắm đến lợi nhuận (profit) như là mục tiêu, tạo ra sự phân rẽ giữa nền “kinh tế tài chánh” và “kinh tế thực sự”.

- Kinh tế “tài chánh” (financial) dựa trên các giá trị của thị trường chứng khoán, cổ phần, đầu tư. Nó mang tính cách chủ quan, dựa trên những dự đoán lên xuống thất thường. Từ đó sinh ra những cuộc khủng hoảng thị trường, do sự thao túng của các yếu tố tâm lý, đầu cơ.
- Kinh tế “thực chất” (real) dựa trên những tư bản và sản phẩm bền vững chắc chắn.

Cuộc khủng hoảng hiện tại của kinh tế “tài chính” gây tổn hại cho kinh tế “thực chất”, gây bất ổn cho các cuộc đầu tư và làm hoang mang cho những người tiêu thụ và các công ty sản xuất.

b) Sự phát triển kinh tế đã mang lại thịnh vượng, nhưng đồng thời cũng đã gây ra nhiều vấn đề nhân sinh: nạn di dân, sự khai thác nguồn lợi thiên nhiên cách bừa bãi.

3. Chính lòng tham lam (đặt cứu cánh ở lợi nhuận chứ không phải công ích) đã gây ra sự suy sút về tài sản và tăng gia cảnh nghèo đói. Cuộc khủng hoảng trở thành cơ hội để phân định và tái định hướng: tìm ra những giá trị đích thực và đảm nhận trách nhiệm.

II. Một vài khía cạnh lệch lạc của sự phát triển

Sự phát triển cần để ý đến các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân bản. Tiếc rằng không phải lúc nào những khía cạnh ấy đã được quan tâm. Thông điệp liệt kê những hướng lệch lạc trong cuộc phát triển từ số 22 đến 29. Những căn bệnh này làm ngăn trở sự phát triển toàn diện.

A. Những tệ đoan (số 22)

1/ Sự tăng gia hố ngăn cách giữa các nhóm giàu nghèo. Sự ngăn cách này không chỉ diễn ra giữa các quốc gia trên địa cầu, nhưng ngay trong các nước giàu cũng nảy ra những hình thức mới của sự bần cùng. Chủ nghĩa tiêu thụ đưa đến sự lãng phí nơi những người dư của, đang khi những người khác không đủ phương tiện tối thiểu để sống.

2/ Nạn tham nhũng và hành động phi pháp tiếp tục bành trướng, tại những quốc gia giàu cũng như các quốc gia nghèo.

3/ Không tôn trọng quyền lợi của các công nhân.

4/ Sử dụng sai lệch các cuộc viện trợ quốc tế, về phía người cho cũng như về phía người nhận.

5/ Những ngăn trở thuộc lãnh vực văn hóa

- Việc bảo vệ bằng sáng chế (cách riêng trong ngành y khoa) khiến cho giá thành rất cao, ngoài tầm tay của người nghèo.
- Những thành kiến và não trạng cổ truyền đôi khi cũng làm cản trở sự phát triển.

B. Tiến triển kinh tế và phát triển toàn diện (số 23).

Vài quốc gia đã tiến bộ về kinh tế và công nghệ và trở thành cường quốc (thí dụ Brasil, Ấn độ, Trung quốc: 40 năm về trước họ thuộc các quốc gia kém mở mang), tuy nhiên vẫn chưa giải quyết vấn đề phát triển trong nội bộ, đối phó với nạn nghèo đói. Lý do là vì sự phát triển không thể nào chỉ chú trọng đến khía cạnh kinh tế mà thôi.

Sự sụp đổ của khối Cộng sản ở Đông Âu đã cho thấy rằng một cản trở không nhỏ cho sự phát triển là “ý thức hệ”.

C. Vai trò của chính quyền (số 24) 

Thông điệp Populorum progressio yêu cầu các chính quyền can thiệp mạnh hơn để giải quyết tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, tình hình ngày nay đã thay đổi. Do hiệu quả của hiện tượng toàn cầu hóa, vai trò của Nhà Nước bị giảm sút. Các quyết định quan trọng về kinh tế tài chính được quyết định bởi những cơ quan siêu quốc gia, hoặc những công ty đa-quốc-gia.

Vì thế trong hoàn cảnh mới, cần phải xét lại vai trò của chính quyền đối với sinh hoạt kinh tế, cũng như sự tham gia của các cơ quan thuộc xã hội dân sự vào đời sống quốc gia và quốc tế.

D. Khủng hoảng an sinh xã hội (số 25)

1/ Các quỹ bảo đảm sức khỏe và hưu bổng bị giảm, do yêu sách cạnh tranh vốn đầu tư từ nước ngoài.

2/ Các nghiệp đoàn bị giới hạn hoạt động trong cuộc tranh đấu quyền lợi cho công nhân.

3/ Các công nhân không được bảo đảm về việc làm lâu dài. Các công ty chỉ ký những hợp đồng ngắn hạn. Từ đó sinh ra tâm trạng bất ổn trước nguy cơ thất nghiệp bất cứ lúc nào.

4/ Nên nhớ rằng tư bản nhân lực (con người) là điều quý trọng nhất trong các doanh nghiệp: “Con người là tác giả, trung tâm và cứu cánh của toàn thể đời sống kinh tế xã hội" (Gaudium et spes số 63).

E. Khủng hoảng về văn hóa (số 26)

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự trao đổi văn hóa trở nên rộng lớn hơn, nhưng nó cũng mang theo hai mối nguy:

1/ Đồng nhất hóa (hòa trộn) các nền văn hóa, xóa bỏ những nét đặc trưng của các nền văn hóa cổ truyền.

2/ Gây ra một não trạng tương đối, coi văn hóa chỉ như là thời trang, chứ không còn gắn liền với bản tính con người nữa.

F. Nạn đói (số 27)

- Nạn đói trên thế giới là một vấn đề luân lý, chứ không phải thuần túy kinh tế.
- Việc giải quyết nạn đói góp phần vào hòa bình và an ninh thế giới.
- Nguyên nhân nạn đói không phải vì thiếu nguyên liệu, nhưng tùy thuộc vào cơ chế. Nạn đói có thể giải quyết được qua việc đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, hệ thống dẫn nước, chuyên chở, tổ chức các thị trường, du nhập kỹ thuật canh nông.
- Điều quan trọng là sự tham gia của các cộng đồng địa phương vào các quyết định, cách riêng liên quan đến việc cải cách ruộng đất.
- Cần gây một ý thức về quyền lợi của hết mọi người được hưởng đồ ăn và nước uống.

F. Quyền sống (số 28)

1/ Việc tôn trọng mạng sống là một vấn đề quan trọng cho sự phát triển.

- Tình trạng nghèo đói đưa đến tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, thay vì giúp các nước nghèo nâng cao mức sống, các nước giàu lại cổ võ một chính sách chống lại sự sống qua việc truyền bá việc phá thai (coi như một quyền lợi).
- Nhiều cơ quan quốc tế gắn liền chương trình viện trợ với việc hạn chế sinh sản, triệt sản, phá thai.
- Nhiều pháp chế cổ võ việc trợ tử.

2/ Việc đón nhận sự sống là trung tâm của sự phát triển đích thực. Một xã hội khước từ hay khai trừ sự sống thì sẽ trở thành ích kỷ. Ngược lại, sự đón nhận sự sống, đưa đến một sự sản xuất hợp tình hợp nghĩa, gắn bó với tình liên đới.

G. Phủ nhận tự do tín ngưỡng (số 29)

1/ Một trở ngại nữa của sự phát triển là sự hạn chế tự do tín ngưỡng. Điều này xảy ra không chỉ do những cuộc xung đột mang chiêu bài tôn giáo (làm tiêu hao nhiều nguồn lực có thể sử dụng vào mục tiêu hòa bình), nhưng còn do những chủ nghĩa vô thần thực hành (những người không động lòng trắc ẩn trước sự thiếu thốn của tha nhân).

2/ Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho sự phát triển đích thực của con người. Ngài mở ra cho con người cho thấy ơn gọi đến chiều kích siêu việt, hiện hữu do tình yêu.

III. Nhận định tình hình

1/ Những bất cập vừa kể về sự phát triển bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Để giải quyết, cần phải huy động nhiều ngành hiểu biết (số 30). Sự phát triển toàn diện không phải là vấn đề thuần túy kỹ thuật, có thể giải quyết bằng kinh tế học, nhưng còn bao hàm chiều kích luân lý và tâm linh. Việc thẩm định luân lý và nghiên cứu kỹ thuật cần đi đôi với nhau. Thông điệp nhắc lại ở đây điều đã được chọn làm chủ đề, đó là “bác ái trong sự thật”. Các kiến thức cần được bổ túc với lòng thương yêu.

2/ Đức thánh cha nhắc vai trò đặc biệt của giáo huấn xã hội của Giáo hội, bởi vì là một môn học liên ngành: một kiến thức được soi sáng bởi đức tin, và đối thoại với triết học cũng như các ngành khoa học khác (số 31). Nó cung cấp một sự hiểu biết toàn diện về con người, với những chiều kích tâm linh, văn hóa, xã hội, kinh tế. Nó không chỉ dành cho con cái của Giáo hội, mà còn hướng tới toàn thể nhân loại.

2/ Suy tư về ý nghĩa của hoạt động kinh tế (số 32)

- Những thách đố mới đòi hỏi những giải đáp mới, dựa theo cái nhìn toàn diện về con người, đòi hỏi công bình cũng như sự quảng đại và lòng bác ái, để thực hiện những cuộc thay đổi. Bên cạnh những nỗ lực cá nhân, cần sự phối hợp của chính quyền.
- Những vấn đề của con người sớm muộn gì cũng tác dụng đến kinh tế. Những chênh lệch xã hội, tâm trạng bất ổn do công ăn việc làm không những làm rối loạn tương quan chính trị mà cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Nói khác đi, kinh tế học không thể làm ngơ “vốn xã hội”: có sự liên hệ hỗ tương giữa “giá cả con người” và “giá cả kinh tế”. 
- Kinh tế học không thể làm ngơ những vấn đề luân lý. Cần suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa và mục tiêu của kinh tế, xét ngắn hạn và dài hạn.

3/ So sánh tình hình với 40 năm về trước: những yếu tố mới (số 33).

Sự phát triển vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ, với những khó khăn mới. So với thời ban hành thông điệp Populorum progressio, một vài quốc gia đã thoát ra cảnh đói nghèo, nhưng nhiều quốc gia vẫn còn trong tình trạng ấy.

- Vài khó khăn vẫn còn tồn tại: hàng rào quan thuế; chế độ thuộc địa dưới hình thức lệ thuộc mới.
- Tình trạng hoàn toàn mới: sự toàn cầu hóa với mặt phải và mặt trái của nó. Để vượt qua, cần đến sự khôn ngoan của Tin mừng (tình huynh đệ, liên đới) thì mới có thể giải quyết những sự chia rẽ nhân loại.

Mục II. Nhận xét

Như đã nói trên, có thể xem chương này như là một thứ chẩn bệnh: những gì làm ngăn trở sự phát triển toàn diện con người? 

I. Bệnh lý

Có người (như cha Ferdinando Diaz del Castillo) đã kê ra 15 trở ngại:

1/ Sự đầu cơ chứng khoán gây ra khủng hoảng kinh tế
2/ Các cuộc di dân ra nước ngoài
3/ Sự khai thác bừa bãi các nguồn lợi thiên nhiên
4/ Sự xuất hiện những “lớp người nghèo mới” bên cạnh thiểu số hưởng thụ mọi thứ tiện nghi
5/ Nạn tham nhũng và phi pháp
6/ Không tôn trọng những quyền lợi của các công nhân
7/ Sử dụng sai trệch những quỹ viện trợ quốc tế
8/ Sự bảo vệ quá đáng quyền tư hữu trí thức, cách riêng trong lãnh vực y tế.
9/ Sự trà trộn văn hóa dẫn đến thuyết tương đối, hủy diệt các nền văn hóa địa phương
10/ Nạn đói tiếp tục hoành hành, mặc dù có tiến bộ kỹ thuật
11/ Hiện tượng toàn cầu hóa đem các nước lại gần lại nhau hơn, tuy nhiên khiến cho các nước nhỏ phải gánh lấy hậu quả tiêu cực của các nước mạnh.
12/ Khủng hoảng an sinh xã hội, cộng thêm sự bấp bênh của các hợp đồng lao động.
13/ Hoạt động kinh tế không đặt con người làm trung tâm
14/ Không tôn trọng mạng sống con người
15/ Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng

II. Phương thuốc

1/ Những phương thuốc sẽ được đề nghị trong những chương còn lại của thông điệp, chẳng hạn như:

- Ý nghĩa của thị trường, lợi nhuận, kinh doanh (số 35 tt). Kinh doanh và luân lý (số 46). 
- Ý nghĩa của hiện tượng toàn cầu hóa (sô 42)
- Sự gia tăng dân số và việc đón nhận sự sống (số 44)
- Lao động: sự di dân (số 62); thất nghiệp (số 63); nghiệp đoàn (số 64)
- Tôn trọng thiên nhiên (số 48). Các nguồn nhiên liệu (số 49)
- Chiều kích siêu việt của con người (số 56)

Dĩ nhiên, bên cạnh những toa thuốc cho những vấn đề cụ thể, cần phải nhìn chúng trong một cái nhìn toàn diện về con người, cũng như những nguyên tắc luân lý: liên đới, huynh đệ, bổ trợ.

2/ Trong chương này, chúng ta cũng thấy nhắc đến vài tư tưởng chủ yếu của thông điệp đã được đề cập trong những chương trước đây:

- Sự phát triển toàn diện con người bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh tâm linh.
- Cần sử dụng đến “tình yêu” (bác ái, liên đới) và “chân lý” (kiến thức) để giải quyết các vấn đề con người.
- Vai trò của giáo huấn xã hội của Giáo hội (đã nhắc tới ở số 5).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét