Trang

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Chương Ba: Tình huynh đệ, Phát triển kinh tế và Xã hội dân sự

Như đã nói lần trước, chúng ta có thể xem chương Hai như là chuẩn bệnh (vạch ra những thiếu sót trong sự phát triển), để rồi từ đó đưa ra những bài thuốc trong những chương kế tiếp.Thật ra, Giáo huấn xã hội chỉ muốn đưa ra những hướng đi cho sự phát triển “toàn diện” (phát triển toàn thể con người và phát triển cho hết mọi người), chứ không đề ra một chính sách phát triển kinh tế với tất cả những chi tiết kỹ thuật.

Như thường lệ, chúng tôi sẽ chia thành hai mục: thứ nhất, tóm tắt ý chính; thứ hai, vài ghi chú (không ai cấm đọc mục II trước mục I). 

Trước khi vào đề, nên lưu ý về việc dịch thuật vài từ ngữ.

- Có hai từ ngữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong chương này: gift và gratuity, và có thể dịch bằng nhiều từ tương đương: 1/ “gift”: món quà, quà tặng, trao tặng, trao ban, ơn ban, hồng ân, ân ban (donum trong tiếng Latinh bởi động từ donare có nghĩa là: cho, biếu, tặng); 2/. “gratuity”: cho không, nhưng không, không công, vô vị lợi, bất vụ lợi (gratis trong tiếng Latinh có nghĩa là: không đòi hỏi gì; cùng gốc với gratia: ân huệ). Mỗi dịch giả có thể dùng một hay nhiều từ ngữ khác nhau, và người đọc khó nhận thấy sự xuyên suốt của vài “từ khóa” của bản văn. Chúng tôi sẽ dùng từ “trao tặng” và “bất vụ lợi”.
- Ngoài ra trong chương này, ta thấy xuất hiện một số từ ngữ chuyên môn của ngành kinh tế học: “thị trường” (market, bắt đầu từ “cái chợ” nơi trao đổi hàng hóa, rồi được nới rộng ra nghĩa bóng); “doanh nghiệp, doanh nhân”; “share holders” / “stake holders”(số 40).

Tựa đề bao gồm ba từ ngữ: tình huynh đệ - phát triển kinh tế - xã hội dân sự. Như sẽ thấy trong mục II, chúng ta sẽ gặp nhiều “bộ ba” trong chương này, nhằm bổ túc cho những thiếu sót của hai quan điểm “tự do” và “xã hội” trong hoạt động kinh tế. Tựa đề của chương ra như muốn cho thấy ba khía cạnh mà GHXH muốn đóng góp: “tình huynh đệ” (chứ không phải chỉ nhắm lợi nhuận cá nhân); “phát triển kinh tế” (hướng tới sự phát triển toàn diện con người – chứ không phải chỉ có phần vật chất, - và toàn thể loài người – chứ không phải chỉ một thiểu số may mắn); “xã hội dân sự” như là một chủ thể của hoạt động kinh tế (chứ không chỉ có doanh nhân và Nhà Nước).

Mục I. Tóm lược

Chương Ba khá dài (từ số 34 đến số 42), có thể chia làm bốn đoạn như sau:

1/ Nguyên tắc định hướng (số 34). Cần gây một tinh thần mới vào hoạt động kinh tế: kinh nghiệm “trao tặng” (gift) và nguyên tắc “bất vụ lợi” (gratuity)
2/ Thị trường và những hình thức công bằng (số 35-39)
3/ Doanh nghiệp: lợi nhuận và phi lợi nhuận (số 40-41)
4/ Việc toàn cầu hóa (số 42)

I. Nguyên tắc định hướng (số 34)

1. Tuy kinh tế có những định luật riêng, nhưng tiên vàn nó cần phải tuân theo quy tắc luân lý. Những lệch lạc của hoạt động kinh tế (được ghi nhận trong chương trước) bắt nguồn từ một “tội nguyên tổ”, đó là con người có tham vọng muốn tạo ra những quy luật hành động cho mình, không cần đếm xỉa đến Đấng Tạo hóa (chiều kích siêu việt). Đó là đầu mối của những rối loại trong những tương quan xã hội, và gồm cả hoạt động kinh tế. Con người cho rằng mình có thể xác định hạnh phúc cho mình, nghĩa là sự phong phú tài sản, và không ý thức rằng cuộc sống là một quà tặng của Thiên Chúa. Từ chỗ mất ý thức về chiều kích siêu việt, con người cũng mất niềm hy vọng là một nguồn lực mạnh mẽ để phụng sự phát triển con người.

2. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa hy vọng / tình yêu / chân lý. Tình yêu được nuôi dưỡng bằng hy vọng. Vì tình yêu và chân lý được trao tặng, cho nên chúng ta hy vọng sẽ đạt được những gì mà tự sức mình không làm nổi. Tình yêu không loại bỏ công bằng, nhưng để sự phát triển đượm tình nhân bản, cần phải đem vào nguyên tắc “bất vụ lợi”.

II. Thị trường và các hình thức công bằng

1/ Thị trường là một định chế kinh tế nhằm trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Để thị trường có thể hoạt động tốt đẹp, cần có sự tin tưởng (tín nhiệm) giữa các bên, nghĩa là sự công bằng (số 35). 

Thị trường được điều khiển bởi công bằng giao hoán (giữa các thành phần ngang hàng với nhau), nhưng cũng cần phải quan tâm đến công bằng phân phối (Nhà Nước cần phân phối các thiện ích cho những các thành phần thấp kém) và công bằng xã hội (nghĩa là sự bổ sung của xã hội cho những thiếu sót của Nhà Nước. (Chúng ta sẽ trở lại khái niệm về ba thứ công bằng trong mục II).

Nếu thiếu những hình thức liên đới và tin tưởng lẫn nhau thì sẽ không tạo ra được sự đoàn kết trong xã hội là một yếu tố để cho thị trường hoạt động đúng với chức năng của mình. Tiếc rằng ngày nay chúng ta chứng kiến sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, thiếu tình liên đới. 

Theo nhận xét của Đức Phaolô VI, giả như thị trường hoạt động đúng đắn thì sẽ không còn chênh lệch giữa người giàu và người nghèo (giữa những nước giàu và nước nghèo). Có người chủ trương rằng để hệ thống kinh tế hoạt động tốt, cần có một “quota” những người nghèo. Nói thế là sai lầm, bởi vì sự phát triển nằm trong những lợi ích của thị trường. Tuy nhiên, chắc chắn là thị trường không thể giải quyết được nạn nghèo; cần phải nhờ đến các sức mạnh luân lý.

2/ Vai trò của Nhà Nước: công bằng phân phối (số 36)

Thật là sai lầm nếu quan niệm rằng mục tiêu duy nhất của thị trường là tạo ra sự giàu sang thịnh vượng, còn công bằng là chuyện của chính quyền; chủ trương như thế là tách rời kinh tế ra khỏi luân lý. Nếu kinh tế chỉ nhắm đến lợi nhuận mà thôi[1], thì sẽ phát sinh nhiều bất công.

Vai trò của Nhà Nước (cộng đồng chính trị) là theo đuổi ích chung (công ích), thực hiện sự quân bình qua việc tái phân phối, không để cho kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu. Nói đúng ra, tình trạng này không phải do lỗi của thị trường. Thị trường không phải là cái gì trừu tượng; nó hiện hữu trong những văn hóa cụ thể. Nó không xấu tự bản chất, nhưng nó tốt hay xấu tùy theo những con người sử dụng nó vào mục tiêu ích kỷ hay là phục vụ con người. Nó cần được cấu trúc dựa trên luân lý, kết nạp những tương quan xã hội nhân bản tựa như tình hữu nghị, liên đới và hỗ tương. Điều này đòi hỏi rằng cần hoạt động kinh tế cần dành chỗ đứng cho những nguyên tắc luân lý cổ truyền tựa như sự trong sáng, thanh liêm, trách nhiệm, cộng thêm nguyên tắc “bất vụ lợi” và logic của “trao tặng”.

3/ Xã hội dân sự và công bằng (số 37-38)

Cần phải áp dụng công bằng trong hết mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế: tìm nguyên liệu, tài trợ, sản xuất, tiêu thụ. Thật là sai lầm khi nói rằng kinh tế chỉ quan tâm đến việc sản xuất, còn sự phân phối là nhiệm vụ của chính quyền. Tất cả những ai tham gia vào hoạt động kinh tế cần phải quan tâm đến việc xác định các mục tiêu; những mục tiêu này vượt trổi hơn thu tích lợi nhuận. Dĩ nhiên, hoạt động kinh tế không thể nào bỏ qua lợi nhuận, nhưng cũng không thể chỉ coi lợi nhuận như là mục tiêu duy nhất. Trên thực tế, đã có những dự án kinh tế “phi lợi nhuận” và cho thấy rằng kế hoạch này khả thi. Bởi vậy, ngoài hai nhân tố cổ điển (thị trường và Nhà nước), cần phải dành chỗ đứng cho các hoạt động kinh tế không trực tiếp nhắm mục tiêu lợi nhuận.

Trong thời buổi toàn cầu hóa, các mô hình cạnh tranh thay đổi tùy theo các nền văn hóa. Vì thế các cuộc trao đổi cần được điều hành bằng công bằng giao hoán; tuy vậy, các hình thức tái phân phối và tinh thần trao tặng cũng cần thiết.Trước đây, người ta cho rằng công bằng đi trước, còn “bất vụ lợi” đi sau. Nhưng ngày nay, ta thấy rằng nếu thiếu “bất vụ lợi” thì không thể nào đạt được công bằng.

Trong thông điệp Centesimus annus, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nói đến sự cần thiết của ba chủ thể trong hệ thống kinh tế: thị trường, Nhà Nước, xã hội dân sự. Xã hội dân sự là khung cảnh thuận lợi nhất để nảy nở một nền kinh tế “bất vụ lợi” và huynh đệ.

Trong thời buổi toàn cầu, hoạt động kinh tế không thể nào bỏ qua sự “bất vụ lợi”, gieo rắc tình liên đới và trách nhiệm đối với công lý và công ích giữa những tác nhân kinh tế. Tình liên đới tiên vàn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với người khác; vì thế không thể nào ủy thác hoàn toàn cho Nhà Nước. Nói cách khác, để có thể đạt được công ích và tình liên đới thì cần có cả ba tác nhân: thị trường, Nhà Nước, xã hội dân sự. Cụ thể, cần có những doanh nghiệp đi tìm những mục tiêu cao hơn là thuần túy lợi nhuận, nhằm phát triển một nền “văn minh kinh tế”.

4/ Kinh tế và phát triển toàn diện (số 39)

Đức Phaolo VI kêu gọi tạo ra một mô hình thị trường kinh tế trong đó hết mọi dân tộc đều được tham gia, chứ không chỉ dành riêng cho những dần tộc tiên tiến. Thực ra đó cũng điều mà đức Lêô XIII đã nghĩ tới trong thông điệp Rerum novarum khi yêu cầu sự can thiệp của Nhà Nước vào kinh tế. Điều này càng cần thiết hơn nữa vào thời đại hôm nay.

Khi thị trường và chính trị tách rời nhau, thì chẳng còn tình liên đới giữa các công dân với nhau, sự tham gia và những hành vi “bất vụ lợi”. Để diệt trừ sự kém phát triển, chúng ta cần đến không những là sự trao đổi công bằng (công bằng giao hoán) và các cơ cấu an sinh (công bằng phân phối), mà còn cần tăng gia các hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu với tinh thần bất vụ lợi và hiệp thông.

III. Các doanh nghiệp

1/ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (số 40)

Trong các mô hình xã hội cũ, chỉ có tương quan giữa chủ / thợ; hoặc tư bản / công nhân. Người chủ có quyền quyết định tất cả những gì liên quan đến sinh hoạt của doanh nghiệp. Ngày nay, mô hình không còn giới hạn vào hai thành phần vừa kể, bởi vì có thêm những tác nhân khác: tư bản (có thể là một nhóm vô danh, gồm những góp cổ phần), doanh nhân (người đứng ra điều hành hoạt động kinh tế), công nhân (nhưng đôi khi công nhân cũng có cổ phần trong doanh nghiệp), và sự can thiệp của Nhà Nước (không những qua những pháp luật ban hành, mà đôi khi qua các doanh nghiệp do Nhà Nước quản lý). Mặt khác, hoạt động kinh tế không chỉ giới hạn vào các người góp phần vào việc sản xuất, mà còn chịu ảnh hưởng của những người tiêu thụ. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta còn gặp thấy những công ty đa quốc gia, thoát quyền kiểm soát của chính quyền của mỗi quốc gia. Lợi nhuận của các công ty đó không đáp ứng với nhu cầu tại nơi sản xuất (chẳng hạn tại các quốc gia nghèo, nhân công rẻ) nhưng nhằm phục vụ những nhu cầu khác.

Trong bối cảnh này, cần phải suy nghĩ về vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân.

- Doanh nhân (manager) không chỉ phải chịu trách nhiệm đối với tư bản (các cổ đông: shareholders) trong ngắn hạn, nhưng còn phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những người liên quan đến đời sống của doanh nhiệp (stake holders)[2]: các công nhân, người cung cấp nguyên liệu, người tiêu thụ, môi trường thiên nhiên.
- Các nhà đầu tư cũng cần phải quan tâm đến trách nhiệm của việc đầu tư, ảnh hưởng đối với thị trường.
- Nói cách khác, ngày nay cần phải lưu ý đến “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp. Doanh nhiệp không thể chỉ nghĩ đến sự tăng gia lợi nhuận, mà con phải quan tâm đến việc đóng góp thực tiễn cho xã hội tại địa phương, bằng cách giúp họ phát triển một hệ thống sản xuất và xã hội.

2/ Trách nhiệm luân lý của doanh nhân (số 41)

- Kinh doanh là một hành vi nhân linh, bởi vì nó là một hoạt động của con người để đáp ứng lại những nhu cầu và phẩm giá của công nhân và những nhu cầu của xã hội (công ích).

Cần phải nghĩ đến nhiều hình thức đa dạng của doanh nghiệp: doanh nghiệp tư (với một chủ, hay một tập đoàn chủ nhân), doanh nghiệp công, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp lợi nhuận và phi lợi nhuận, vv. 

- Chính quyền cũng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một trật tự xã hội mới. Trước tình hình mới, cần có sự cộng tác nhiều hơn giữa các chính phủ. Sự viện trợ quốc tế trong kế hoạch kinh tế toàn cầu phải mang lại việc xây dựng Quốc gia pháp trị, củng cố những hệ thống lập pháp, tư pháp và hành chánh tại những nước được viện trợ khi cần. 

Sự phối hợp của quyền hành chính trị ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, là một trong những phương tiện tốt nhất để điều hành tiến trình toàn cầu hóa kinh tế.

IV. Sự toàn cầu hóa (số 42).

Sự toàn cầu hóa không phải là một tiến trình kinh tế xã hội tất định đến nỗi không thể nào điều khiển được. Sự toàn cầu hóa không tốt không xấu.Chúng ta không nên rơi vào thế bị động nhưng cần phải nắm phần chủ động. Nếu được điều khiển đúng đắn, sự toàn cầu hóa có thể đưa tới việc tái phân phối tài nguyên trên bình diện thế giới. Nếu bị điều khiển lệch lạc, nó sẽ dẫn tới sự tăng gia hố chênh lệch giàu nghèo và khủng hoảng toàn cầu.

Chân lý về sự toàn cầu hóa cần phải đặt ở tính duy nhất của gia đình nhân loại, hướng tới nhân vị và cộng đồng, mở ra đến chiều kích siêu việt. Chúng ta cần thấm nhiễm tinh thần đạo đức để hướng dẫn sự toàn cầu hóa tiến tới tình liên đới, nếu muốn tránh những nguy cơ và tai hại của nó.

Mục II. Nhận xét

A. Vài ý tưởng nổi bật 

Trong chương này, ĐTC khai triển vài tư tưởng đã được nhắc đến trong nhập đề và các chương trước, chẳng hạn như:

- Thuật ngữ “yêu thương trong sự thật” mở đầu chương ba (số 34), đã được nhắc đến nhiều lần trong thông điệp. (Một cách tương tự như vậy, thuật ngữ “giáo huấn xã hội” được nhắc đến ở các số 36; 37).

- “Trao tặng”. Đây là một từ khóa của chương Ba. Tư tưởng này đã được đề cập ngay từ số 5 của thông điệp, và được khai triển ở số 34: cảm nghiệm về trao tặng (ân ban, món quà) dưới nhiều hình thức. Cảm nghiệm này đưa đến nguyên tắc “bất vụ lợi”. Sự trao tặng được trình bày như là một “logic” đối lại với logic của hợp đồng (số 36 cuối; số 37 cuối). Nói cho cùng, phải lên đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc của “trao tặng” (số 5; 78).

- “Con đường thứ ba”. Thuật ngữ này không xuất hiện trong bản văn, nhưng núp ở hậu trường trong suốt chương này. Như chúng ta đã biết, lịch sử xã hội học bên Tây phương cận đại được đánh dấu bởi hai chủ thuyết: tự do và xã hội, được diễn ra thành hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Mỗi bên đều có khuyết điểm của nó. Học thuyết xã hội của Giáo hội đưa ra “con đường thứ ba”, không phải để cạnh tranh với hai khối đó, nhưng để bổ túc những thiếu sót của chúng. Thông điệp Caritas in veritate ra đời khi mà chủ nghĩa cộng sản không còn thống trị ở châu Âu nữa, đang khi mà Trung quốc cũng đi theo một thứ thị trường cạnh tranh “rừng rú”. Mặt khác, trong những thập niên gần đây, không có quốc gia nào theo đuổi chính sách tự do thuần túy hoặc xã hội thuần túy. Vấn đề là làm sao tìm được sự quân bình giữa “sáng kiến tư nhân” và sự “can thiệp của Nhà Nước”. Học thuyết xã hội của Giáo hội đưa vào một nhân tố thứ ba, đó là “xã hội dân sự”. Trong chương này, chúng ta thấy nhiều lần “yếu tố thứ ba” được đưa vào không phải chỉ để làm trọng tài cho hai yếu tố trước nhưng còn để mở ra một cái nhìn toàn diện hơn đối với vấn đề. Vài thí dụ:

1) Công bằng: bên cạnh “công bằng giao hoán” và “công bằng phân phối”, còn thêm “công bằng xã hội” (số 35). 

2) Quy tắc hoạt động kinh tế: ngoài (a) các hợp đồng dựa trên công bằng giao hoán, (b) pháp luật dựa trên công bằng phân phối, còn cần đến (c) tinh thần trao tặng (số 37, cuối). Như vậy, có ba thứ logic: logic của hợp đồng, logic chính trị, logic của trao tặng bất vụ lợi.

3) Thị trường (công bằng giao hoán), Nhà Nước (công bằng phân phối), Xã hội dân sự (tình huynh đệ).

4) Sự phát triển kinh tế cần tuân theo: (a) logic của thị trường, “cho đi để có lại”; (b) logic của công quyền, “cho đi vì nghĩa vụ”; (c) nguyên lý trao tặng, “cho đi như trao tặng” (số 39, cuối).

5) Ba loại doanh nghiệp: (a) “tư”, theo quy luật thị trường; (b) “công”, nhằm ích chung; (c) “bất vụ lợi” (số 41).

B. Hoạt động kinh tế và luân lý

1/ Hoạt động kinh tế tuân theo những định luật riêng của nó (thí dụ: cung cầu). Tuy nhiên, xét vì là hành vi của con người, kinh tế còn cần tuân theo những nguyên tắc luân lý nữa: cái gì là tốt? thế nào là công bằng? mục đích hoạt động kinh tế là để kiếm lợi nhuận cho bản thân hay còn để phục vụ tha nhân, giúp cho họ thăng tiến? (xem thêm: cuối số 33, chương Hai)

2/ Luật luân lý không phải là cái gì áp đặt từ bên ngoài, nhưng nằm trong chính bản chất của hành vi, và sẽ có lợi cho chính hành vi. Khi buôn bán, tôi phải giữ công bằng đối với khách hàng; đây không phải là “điều răn” do Chúa truyền (mà nếu tôi không tuân giữ thì sẽ bị Chúa phạt!), nhưng là một yêu sách của tương quan xã hội; nếu tôi lừa gạt khách hàng thì có lẽ tôi thu được lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài thì sẽ có hại cho tôi, bởi vì khách hàng sẽ bỏ không đến mua hàng của tôi nữa, và cửa hàng của tôi sẽ đóng cửa. Một cách tương tự như vậy, một doanh nghiệp không thể nào chỉ nghĩ đến tăng lợi nhuận cho công ty mà không đếm xỉa đến quyền lợi các công nhân: những người này sẽ bất mãn và sẽ giảm năng xuất làm việc! Một chính sách kinh tế không nhắm đến sự phồn thịnh của toàn dân mà chỉ phục vụ một thiểu số, thì sẽ đưa đến hậu quả là biến đa số trở thành dân nghèo, không còn tiền để mua sắm nữa, và kinh tế sẽ gặp khủng hoảng! Đó mới chỉ là vài lý luận thiển cận. “Tình yêu trong chân lý” còn muốn tôi nhìn nhận hết mọi người như anh em, và phải quan tâm đến họ.

Trong số những nguyên tắc luân lý thường được nhắc đến trong chương này, đứng đầu là đức công bằng (dưới ba dạng như vừa nói trên đây), rồi đến các giá trị cổ truyền tựa như: sự trong sáng, sự thanh liêm, trách nhiệm, nguyên tắc bất vụ lợi và trao tặng (xem số 37 cuối). Những nguyên tắc này phải theo sát tất cả tiến trình kinh tế, chứ không phải là chỉ ở giai đoạn phân phối (số 37). Nên lưu ý về ba hình thức công bằng. Ba hình thức này được nói trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2411) và trong Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội (số 201). Các triết gia Hy lạp đã nói đến công thức “giao hoán” (trao đổi: commutativa) và “phân phối” (distributiva): a) công bằng giao hoán chi phối các tương quan giữa cá nhân với nhau; b) công bằng phân phối chi phối tương quan giữa nhà cầm quyền với các phần tử của cộng đồng (Sách GLHTCG số 2236). Hình thức thứ ba mới được Giáo huấn Xã hội du nhập trong thế kỷ XX (ĐGH Piô XI, thông điệp Divini Redemptoris (năm 1937) và nó mang nhiều tên khác nhau: có khi được gọi là công bằng “pháp lý” (legalis), có khi được gọi là công bằng “xã hội” (socialis: Sách GLHTCG số 1928-1942; 2425-2449), mang nhiều ý nghĩa khác nhau: có khi thì được quan niệm như là công bằng chi phối sự đóng góp của các phần tử đối với cộng đồng (ngược chiều với công bằng phân phát), nghĩa là quan tâm đến công ích; có khi được hiểu như là công bằng mở rộng đến tình yêu, và như vậy đồng nghĩa với nhân đức liên đới. Trong chương này, có lúc hình thức thứ ba được mang tên là “tinh thần trao tặng” (cuối số 37).

3/ Các hoạt động kinh tế cần được điều hành bởi các nguyên tắc luân lý, chứ không chỉ tuân theo các định luật sản xuất và tiêu thụ. Điều này có nghĩa là các định luật kinh tế không có tính cách tất định: con người có thể thay đổi chúng, hướng dẫn hoạt động kinh tế đến các mục tiêu nhân bản. Chương này nhiều lần nhắc nhở điều ấy, chẳng hạn như ở số 36 đoạn 3 (hoạt động kinh tế); số 42 đoạn 2 (về toàn cầu hóa).

Thiết tưởng không phải là thừa khi chúng ta đọc lại sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, chương Bảy về đời sống kinh tế, trong đó nhiều đoạn bàn về kinh tế và luân lý, thị trường, doanh nghiệp, toàn cầu hóa.

Kết luận

Khi bình luận chương này, nhiều tác giả nhận rằng nhiều khó khăn. Có người trách rằng thông điệp chống lại chủ nghĩa tư bản, và bênh vực chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, ranh giới phân biệt giữa hai bên không đơn giản như hồi đầu thế kỷ XX. Dù sao, thông điệp muốn đưa ra những nhận định mới để bổ túc cho các chính sách kinh tế hiện hành, qua việc nêu bật nguyên tắc liên đới, nền tảng cho hai nguyên tắc “trao tặng” và “bất vụ lợi”.

Có dễ gì áp dụng tinh thần này vào hoạt động kinh tế không? Trên thực tế đã có nhiều người mang ra thực hành, nhưng đó là nói trên bình diện tư nhân. Liệu các nhà lãnh đạo quốc gia có thể đưa vào các tương quan quốc tế không, đó là chuyện khác. Thông điệp tố cáo rằng kinh tế thế giới ngày nay đã thoát khỏi vòng kiểm soát của các chính quyền, và nằm trong tay các quyền lực tư bản. Nói cách khác, kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng vô chính phủ: chỉ còn thị trường chứ không còn công quyền nữa, và công quyền tại mỗi quốc gia cũng dễ bị thị trường mua chuộc. Dù sao, cùng lúc với việc đọc thông điệp, chúng ta cũng cần theo dõi các phát biểu của Tòa thánh tại các hội nghị quốc tế, hoặc quan điểm của các kinh tế gia, để xem học thuyết đã được chấp nhận như thế nào[3].

Dù sao, đối với những ai có đức tin, những dòng đầu tiên của chương này nhắc nhớ chúng ta rằng các đề nghị này có thể thực hiện được, dựa trên niềm hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa. Giáo huấn xã hội chỉ là một hạt cải, nhưng cần phải tung gieo, và duy Thiên Chúa mới biết lúc nào và bằng cách nào nó tăng trưởng (x. số 78).

-----

[1]Ở số 21, thông điệp CIV đã tuyên bố rằng lợi nhuận tự nó không phải là điều xấu. Xấu tốt là tùy mục tiêu nhắm tới. 
[2] Lý thuyết của R. Edward Freeman, Strategic Management: A stakeholder approach. Boston 1984 
[3] Về sự cần thiết của giá trị luân lý trong kinh tế xem: Jim Wallis, Rediscovering VALUES On Wall Street, Main Street, and your Street, Howard Books, A Division of Simon & Shuster, New York, 2010 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét