Trang

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

CHƯƠNG BỐN: Sự phát triển các dân tộc, Những quyền lợi và nghĩa vụ, Môi trường

Cũng như những lần trước, chúng ta sẽ chia chương này làm 2 mục: 1) tóm tắt nội dung; 2) nhận xét.

Mục I. Tóm tắt

Chương bốn (từ số 43 đến 52) có thể phân chia theo bố cục như sau:

I. Nhập đề. Khái niệm về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sự phát triển các dân tộc (số 43)
II. Vài quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể
1/ Quyền sinh sản và vấn đề hạn chế dân số (số 44)
2/ Luân lý doanh nghiệp (số 46-47)
3/ Môi trường (số 48-51)
III. Kết luận (số 52)

I. Nhập đề: quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sự phát triển

1. Một trong những đóng góp lớn của GHXHGH cho học lý về quyền lợi ở chỗ vạch cho thấy rằng tương ứng với mỗi quyền lợi là một nghĩa vụ. Không ai có quyền nói rằng mình không mắc nợ ai hết. Không một nhóm hay quốc gia nào một đàng có thể đòi hỏi quyền lợi của mình nhưng đàng khác lại vi phạm quyền lợi của những người khác; tệ hơn nữa, khi những người giàu đòi hỏi những quyền lợi xa xỉ đang khi lại không đếm xỉa gì đến những quyền lợi căn bản của người nghèo (như cơm gạo, nước uống, sức khỏe, giáo dục). Làm như vậy là bóp méo ý nghĩa của quyền lợi con người. 

2. GHXHGH cũng dạy rằng nền tảng của các quyền lợi là bản tính của con người (bản tính do Thiên Chúa tạo nên), chứ không lệ thuộc vào ý chí của các phe nhóm đảng phái tùy tiện sửa đổi luật pháp. Điều này cũng đúng đối với các cơ quan quốc tế. Các cơ quan này có nhiệm vụ huy động sự chia sẻ các nghĩa vụ hỗ tương, hơn là chỉ tranh đấu cho các quyền lợi.

II. Vài nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể

A. Quyền sinh sản và hạn chế dân số (số 44)

Một lãnh vực xảy ra tranh chấp giữa các nghĩa vụ và quyền lợi là sự tăng dân số.

Thật là sai lầm khi chủ trương rằng sự gia tăng dân số là nguyên nhân của sự kém phát triển. Ngược lại, chính cuộc khủng hoảng giá trị đã đưa các nước giàu đến chỗ giảm tỉ lệ sinh sản.

Dĩ nhiên, việc sinh sản con cái cần phải có trách nhiệm[1]. Vì thế Giáo hội đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa của tính dục: không thể chỉ rút gọn tính dục vào thỏa mãn nhục dục. Những người chỉ đi tìm khoái lạc trong tính dục hoặc những chính phủ áp đặt kế hoạch dân số đều hạ giá tính dục vào khía cạnh vật chất và không màng tới ý nghĩa sâu xa của nó.

Việc mở rộng đến sự sống quả một cách có trách nhiệm là một sự phong phú xã hội và kinh tế. Chúng ta đang chứng kiến những hệ quả tiêu cực của những chính sách giảm bớt sinh đẻ, đó là dân số tăng theo tỉ lệ âm: càng ngày càng có nhiều người lớn tuổi và ít người trẻ, khiến cho tương lai của đất nước không lấy gì sáng sủa: người làm việc thì ít mà người hưu trí thì nhiều. Một hệ quả tiêu cực khác là các gia đình không con cái thì khép kín, không quan tâm đến các gia đình khác, và thiếu tình liên đới.

Vì vậy, cần phải kêu gọi các chính phủ thiết lập những chính sách cổ vũ vai trò trọng yếu của các gia đình.

B. Luân lý và kinh tế đối với sự phát triển

1/ Nguyên tắc: luân lý[2] nào? (số 45)

Ngày nay, người ta thường hay nghe nói đến “luân lý kinh doanh”, “luân lý ngân hàng”: đây là điều đáng mừng! Tuy nhiên, cần phải thận trọng bởi vì đôi khi những từ ngữ này được dùng để tuyên truyền chứ không phải để cổ võ một xã hội công bình hơn. Cần phải nắm vững một tiêu chuẩn phân định để phê bình các nỗ lực này.

Luân lý cần được áp dụng cho hết mọi hoạt động kinh tế chứ không phải chỉ một vài ngành. Để có một cái nhìn toàn diện về luân lý, GHXH dạy rằng khởi điểm của luân lý là nhân vị (con người có lý trí và tự do) được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa[3] và những giá trị luân lý được khắc ghi trong tâm khảm con người. Nếu một thứ luân lý nào bỏ quên hai nguyên tắc ấy thì có nguy cơ sẽ bị lèo lái. Điều này xảy ra khi luân lý được sử dụng như một nhãn hiệu dán bên ngoài một doanh nghiệp chứ không ảnh hưởng gì đến được lối hoạt động của nó.

2/ Doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế tại các nước nghèo (số 46)

Trước đây, người thường phân biệt giữa những doanh nghiệp có lợi nhuận (profit) hay phi lợi nhuận (no profit); nhưng ngày nay, viễn ảnh mở rộng hơn: a) có những doanh nghiệp hoạt động để giúp các nước nghèo; b) có những quỹ được các doanh nghiệp lớn bảo trợ; c) có những doanh nghiệp lấy ích lợi xã hội làm mục tiêu. Đây không phải là một loại doanh nghiệp thứ ba, nhưng là doanh nghiệp cổ điển mở rộng đến lãnh vực mới: dùng lợi nhuận để đạt tới sự nhân bản hóa thị trường và xã hội.

Nếu loại doanh nghiệp này quan trọng ở khắp nơi thì nó lại càng cần thiết hơn nữa tại những nước nghèo bởi vì nó cổ võ tính bổ trợ, tình liên đới và trách nhiệm. Điều quan trọng là nó lấy con người làm trung tâm, bởi vì con người mới thực là đối tượng của sự phát triển toàn diện.

Các dự án phát triển cần phải uyển chuyển, và cần phải lôi cuốn những dân tộc có liên hệ nhập cuộc. Như đức Phaolô VI đã viết trong thông điệp Populorum progressio: các dân tộc phải là những người đầu tiên lãnh trách nhiệm xây dựng sự phát triển của mình. Tất cả mọi thành phần của xã hội dân sự cần tham gia vào đó.

Các tổ chức quốc tế giữ vai trò không thể thiếu trong nỗ lực phát triển toàn diện tại các quốc gia nghèo. Thế nhưng, nhiều khi các tổ chức này trở thành quan liêu, và xem như mục tiêu của họ chỉ là duy trì hoạt động của chính mình. Vì thế các tổ chức này cần phải chứng tỏ sự trong sáng trong việc sử dụng các ngân sách và nội dung các chương trình. 

C. Môi trường thiên nhiên

Đề tài này bao gồm nhiều điểm: nguyên tắc về tương quan giữa con người với thiên nhiên (số 48); nguồn năng lượng (số 49); trách nhiệm với các thế hệ tương lai (số 50); môi trường nhân sinh (số 51).

1/ Tương quan giữa con người với môi trường thiên nhiên (số 48)

GHXHGH dạy rằng thiên nhiên (nature) là kết quả của công trình tạo dựng của Thiên Chúa; con người có thể sử dụng nó để thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của mình tuy vẫn tôn trọng sự quân bình nội tại của chính vạn vật. Thiên nhiên được Thiên Chúa trao tặng như món quà cho con người sử dụng, chứ không phải để lạm dụng (St 2,15).

Chúng ta phải tránh hai thái cực: một bên là những người chủ trương rằng thiên nhiên quan trọng hơn con người; bên kia là những người khẳng định rằng chúng ta có thể tự do muốn làm gì cũng được đối với thiên nhiên. Đúng ra chúng ta hãy giải thích thiên nhiên (nature) nhờ văn hóa (culture); văn hóa được định hướng bởi tự do có trách nhiệm và bởi những mệnh lệnh của luật luân lý được ghi trong tâm khảm. Một cách thức kiểm tra xem chúng ta có tuân hành như vậy hay không là: các kế hoạch phát triển của chúng ta có quan tâm đến các nhu cầu của những thế hệ tương lai hay không.

2/ Năng lượng (số 49)

Một khía cạnh quan trọng liên quan đến môi trường là các vấn đề năng lượng.

Khi nào một số quốc gia hay doanh nghiệp chiếm cứ các nguồn năng lượng không thể đổi mới[4] thì điều này trở thành một ngăn trở cho sự phát triển các nước nghèo. Cuộc khủng hoảng này trở thành trầm trọng hơn nữa khi các nguyên liệu năng lượng nằm ở các nước nghèo, nhưng các nước này thiếu những hạ tầng cơ sở để phát triển. Những nguyên liệu này trở nên lò lửa bạo lực để chiếm đoạt và thủ lợi. Chính tại đây mà cần phải thực hành tình liên đới giữa những nước kém phát triển và những nước công nghệ. 

Trước hết, các công dân của các nước giàu có bổn phận phải giảm bớt sự sử dụng các nguyên liệu năng lực này, và tìm kiếm những nguồn tương đương để thay thế. Dù sao, điều cần thiết hơn nữa là sự tái phân phối các nguyên liệu năng lượng trên khắp địa cầu ngõ hầu các nước nghèo cũng như các nước giàu đều có thể sử dụng chúng. Một lần nữa, cần phải nghĩ đến các nhu cầu của các thế hệ tương lai, và vai trò của các thanh niên tại các nước nghèo.

3/ Trách nhiệm toàn cầu đối với các thế hệ tương lai (số 50)

Trách nhiệm đối với các nguyên liệu năng lượng và đối với thụ tạo nói chung. Trái đất này là của chung mọi người: gia đình nhân loại cần phải tìm gặp những nguyên liệu cần thiết để sống xứng đáng. Dù sao đi nữa, cho dù hiện nguồn năng lượng đủ cho hết mọi người, nhưng chúng ta có trách nhiệm bảo đảm cho các thế hệ tương lại cũng được đủ nguyên liệu. Chúng ta phải nghĩ đến một giao ước giữa con người và môi trường; môi trường phản ánh tình thương tạo dựng của Thiên Chúa. Để đạt được điều này, các nhà hữu trách quốc tế cần chung nhau hoạt động chung, và chứng tỏ tình liên đới với những vùng yếu kém.

4/ Môi trường thiên nhiên và môi trường nhân sinh (số 51)

Cách thức đối xử với môi trường phản chiếu cách thức chúng ta đối xử giữa con người với nhau. Vì thế, chúng ta cần duyệt lại lối sống hiện nay, và nếu nhận thấy cần thiết thì cần phải du nhập những lối sống mới[5].

Sự thiếu liên đới gây ra những tổn thất cho môi trường, và sự tổn thất gây ra cho thiên nhiên cũng tác dụng đến các tương quan xã hội của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta cổ võ sự phát triển kinh tế và xã hội, thì đương nhiên chúng ta phải xét đến hiệu quả của những hành vi của chúng ta gây ra cho môi trường. Chẳng hạn như nếu chúng ta chiếm thủ một nguyên liệu thiên nhiên, nhất là nước, thì chúng ta gây ra những cuộc tranh chấp trầm trọng đối với dân cư.

Giáo hội có hai nhiệm vụ: bảo vệ các nguyên liệu tự nhiên như là tư hữu của hết mọi người, và bảo vệ con người để nó khỏi bị tự hủy diệt. Đây là điều được đặt tên là “sinh thái nhân bản”: khi ta tôn trọng con người, ta cũng tôn trọng thế giới tự nhiên.

Trên thực tế, để cứu thoát thiên nhiên khỏi bị tàn phá, cần đến sự giáo dục và những kích hoạt kinh tế, nhưng nhất là cần phải cổ động lương tâm luân lý. Vì thế những mưu toan phá thai hoặc những thí nghiệm trên thai người hoặc cổ động an tử đều đi ngược lại sinh thái nhân bản và sinh thái thiên nhiên. Làm thế nào chúng ta giáo dục các thế hệ trẻ hãy tôn trọng môi trường nếu chính chúng ta không biết tôn trọng sự sống con người? 

III. Kết luận (số 52)

Sau khi đã trình bày những câu chuyện về nhân sinh, chương Bốn kết luận với việc quy chiếu về Thiên Chúa, là Chân lý và Tình yêu. Ngài là nguồn mạch của mọi ân huệ (như đã nói trong chương trước), và cũng là quy chuẩn cho sự phát triển. Con người được mời gọi đến Tình yêu và Chân lý; đây mới là ơn gọi chân thực của sự phát triển, chứ không chỉ dừng lại ở các nhu cầu kinh tế vật chất. Điều này đã được nói ở các số 1; 16; 34.

Mục II. Nhận xét

Xem ra chương Ba trước đây nói đến “linh đạo” phát triển, với những từ ngữ “quà tặng” (gift), “vô vị lợi” (gratuity), “tình huynh đệ” (fraternity); còn chương Bốn này thì bàn đến “công lý” phát triển. Nên biết là trong tiếng Latinh, “quyền lợi” (ius) có liên quan đến “công bằng” (iustitia): quyền lợi là cái gì thuộc về tôi theo lẽ công bằng, chứ không phải là ân huệ.

Thực ra, vấn đề quyền lợi được đặt ra trong tương quan xã hội: đâu có hai người trở lên thì mới nảy sinh “quyền lợi và nghĩa vụ”: quyền lợi của người này đặt ra một nghĩa vụ cho người kia. Nếu tôi sống một mình trên ốc đảo thì không cần nói đến quyền lợi và nghĩa vụ.

Trong chương này, Đức Thánh Cha nhắc đến vài quyền lợi và nghĩa vụ cách tổng quát, và sau đó áp dụng vào vài điểm cụ thể liên quan đến sự phát triển các dân tộc.

I. Khái niệm về quyền lợi và nghĩa vụ

Mở đầu chương bốn, thông điệp nói rằng quyền lợi và nghĩa vụ đi đôi với nhau: không thể nào chỉ đòi quyền lợi mà không đếm xỉa gì đến nghĩa vụ. Dù sao, thông điệp chỉ giới hạn vấn đề vào lãnh vực phát triển các dân tộc.

1/ Bước thứ nhất: nền tảng của quyền lợi. Thông điệp chỉ dừng lại ở các quyền lợi “tự nhiên” (droits naturels), nghĩa là những quyền lợi dựa trên bản tính con người, nảy sinh từ phẩm giá con người, chứ không phải do một đoàn thể hoặc tổ chức ban cấp và bãi bỏ.

2/ Những quyền lợi căn bản này phải được hết mọi người tôn trọng. Dĩ nhiên, trong tương quan xã hội, như vừa nói, quyền lợi của một người này đặt ra nghĩa vụ cho người kia (tôi có quyền sống, và người kia phải tôn trọng sinh mạng của tôi). Tuy nhiên bên cạnh những tương quan “tư” (giữa các cá nhân với nhau) còn có những tương quan “công” (giữa chính quyền và các công dân). Trong lịch sử tranh đấu nhân quyền, người ta thấy có sự tiến triển trong vấn đề chủ thể quyền lợi và nghĩa vụ.

a) Bản Tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng Pháp nói đến các “tự do” của người công dân mà Nhà Nước không được xâm phạm.

b) Bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc kê ra những “quyền lợi xã hội” mà chính phủ phải bảo đảm và tạo cơ hội để thực hành (chẳng hạn quyền làm việc, quyền giáo dục, quyền sức khỏe).

c) Thông điệp Caritas in veritate kê ra thêm hai nhóm quyền lợi khác:
- các nước giàu có nghĩa vụ giúp cho các nước nghèo phát triển. Như vậy, các nước nghèo có quyền được bảo đảm những quyền sống tối thiểu (lương thực, sức khỏe, giáo dục, vv).
- thế giới hiện tại có nghĩa vụ phải nghĩ đến sự sống của các thế hệ tương lai (chúng ta không được để chúng bị không bị “ngột ngạt” vì môi trường ô nhiễm, không bị kiệt quệ nguyên liệu). Chủ thể quyền lợi là các thế hệ tương lai.

II. Những cái nhìn khác nhau trước cùng một vấn đề

GHXH của Giáo hội đặt nền tảng trên nhân sinh quan Kitô giáo, dựa trên lý trí và mạc khải. Các vấn đề nhân sinh được phân tích theo nhãn giới của phẩm giá con người. (Xem Tóm lược Học thuyết Xã hội, chương ba, số 105-159).

Trong chương này chúng ta có dịp đối chiếu những cái nhìn khác nhau về cùng một vấn đề: cái nhìn của GHXH và cái nhìn của kinh tế học hoặc xã hội học

1/ Quyền lợi và nghĩa vụ của con người

- Theo GHXH, nền tảng của chúng là bản tính của con người, chứ không phải là do một cơ quan hay tổ chức nào ban cấp và tước đoạt. Các dân tộc nghèo có quyền sống xứng với nhân phẩm. Các dân tộc giàu có nghĩa vụ bảo vệ những quyền ấy.

- Thông điệp tố cáo các nước giàu vì tạo ra nhiều quyền lợi xa xỉ, theo sở thích, mà bỏ qua những quyền lợi thiết yếu của các nước nghèo.

2/ Hạn chế sinh sản

- Theo cái nhìn của kinh tế học, dân số càng ít thì sự hưởng thụ càng tăng.

- Theo cái nhìn của GHXH, con người không chỉ có những nhu cầu vật chất mà còn có những nhu cầu khác nữa. Những gia đình con một thì dễ thiếu tình liên đới, những gia đình đông con sẽ tạo ra tình hợp tác giữa các anh chị em. Mặt khác, xét về dài hạn, những nước mà tỉ lệ sinh sản thấp sẽ có nguy cơ là một thiểu số lớp trẻ làm việc để nuôi lớp già.

3/ Luân lý doanh nghiệp

- Cái nhìn kinh tế học: trong nghề buôn bán, cần tôn trọng luân lý để giữ khách hàng; nhờ vậy mới có thể kiếm lời.

- Cái nhìn GHXH: nói cho cùng, kinh tế phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ kinh tế.

4/ Môi trường

- Cần phải giữ quân bình giữa hai thái cực: a) một đàng là thần thánh hóa thiên nhiên (đây là tình trạnh của nhiều tôn giáo thờ thiên nhiên trong quá khứ: thần Hà bá, thần Thổ địa, vv); b) đàng khác là coi thiên nhiên như một khối tài nguyên vật chất để ta tự do khai thác.

- Kinh thánh nói rằng: thiên nhiên do Chúa tạo dựng và ban cho con người hưởng dụng. Tuy nhiên con người phải cư xử như là quản lý, chứ không như chủ tể.

- Ngày nay, vấn đề là chúng ta cần quan tâm đến thế hệ tương lai, làm sao để lại cho chúng một môi trường không bị ô nhiễm.

- Mặt khác, khi lo bảo vệ môi trường thiên nhiên, GHXH còn lưu ý đến “môi trường nhân sinh” (human ecology), một thuật ngữ được sử dụng trong thông điệp Centesimus annus (số 39) và được Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội trưng dẫn ở các số 212 và 464. Nên nhớ là GHXH về môi trường được trình bày ở chương Mười của sách Tóm lược Học thuyết xã hội (số 451-487), cũng như sứ điệp ngày Hòa bình thế giới năm 2010.

5/ Thiên nhiên, tự nhiên, bản tính, bản nhiên

Trong chương này, chúng ta thấy có nhiều từ ngữ trong tiếng Việt được dùng để dịch từ “nature” trong các tiếng châu Âu. Natura trong tiếng Latinh gốc bởi nasci, natus (được sinh ra) ám chỉ cái gì bẩm sinh; nhưng triết học đã hiểu theo nhiều nghĩa: 

a) “Thiên nhiên”, cái gì do trời ban, đối lại với “văn hóa” do con người làm ra. Đôi khi trong khoa học “tự nhiên” người ta cũng dùng cụm từ “định luật thiên nhiên” (lois naturelles).

b) “Bản tính” của một vật, cái gì thuộc về bản chất của vật (đối lại với các gì là tùy thuộc, nhân tạo). Luân lý nói đến “luật tự nhiên” (loi naturelle, droits naturels) phát xuất từ bản tính con người, được ghi trong tâm khảm con người, đòi hỏi con người phải sống cho ra người.

------

[1] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 50. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae, số 10. 
[2] Ethics: chúng tôi dùng từ “luân lý” thay vì “đạo đức”. 
[3] Xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 355-357. 
[4] Người ta phân biệt năng lượng “có thể đổi mới” (thí dụ sau một vụ mùa, tiếp tục gieo giống và sẽ thu hoạch ở vụ mùa kế tiếp), và “không thể đổi mới” (thí dụ sau khi khai thác mỏ dầu thì nó sẽ cạn chứ không tiếp tục chảy thêm). 
[5] Những lối sống mới: đối lại với nếp sống hưởng thụ là nếp sống cần kiệm, liên đới. Xc Tóm lược HTXH số 486-487.

1 nhận xét:

  1. Slots Provider Review ᐈ Casinos to Play for Real Money - DrmCD
    Top 10 제천 출장안마 slots providers 공주 출장마사지 and top casinos 충청북도 출장마사지 to play for real money · 1. Ignition 강원도 출장안마 Casino - Highest quality casino 대구광역 출장마사지 games · 2.

    Trả lờiXóa