Trang

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Kết luận

Trong khi nhập đề gồm 9 số (1-9), kết luận chỉ có 2 số (78-79): xem ra quá ngắn ngủi và vội vàng. Thực ra những điều quan trọng đã được nói hết rồi, đặc biệt là thuật ngữ “caritas in veritate” được bình giảng trong nhập đề. Tư tưởng then chốt của kết luận là nhấn mạnh đến một nhân học toàn diện (humanisme intégral), đề tài đã được nhắc đến ở số 75. (Xem chương Ba của Sách Tóm lược Học thuyết xã hội). Tiếp nối tư tưởng của chương cuối cùng, phần kết luận nhắc nhở sự cần thiết kết hợp với Thiên Chúa để phục vụ tha nhân và xã hội.

Số 78

Nếu không có Thiên Chúa thì con người sẽ không biết đi về đâu, và cũng chẳng hiểu biết gì về chính mình. Chúa Giêsu đã cất đi nỗi lo sợ của chúng ta bởi vì Người ở với chúng ta luôn mãi. Vì thế, tuy rằng chúng ta không thể tự sức mình mà đạt tới sự tiến bộ, nhưng nếu chúng ta tin rằng Người đã kêu gọi chúng ta, xét như là những cá nhân và những cộng đồng, thì chúng ta sẽ tìm được những năng lực để phục vụ một nền nhân bản toàn diện và chân chính. Nếu chúng ta mở lòng cho Thiên Chúa, thì chúng ta cũng sẽ mở lòng cho những người khác do tình liên đới, và tình yêu của Người sẽ nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến đấu lâu dài. Ngược lại, nếu chúng ta quên Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể quên các giá trị của con người.

Số 79

Sự phát triển cần đến những Kitô hữu có ý thức rằng sự phát triển chân thực không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng là một quà tặng. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải là những con người cầu nguyện, biết quay về với tình thương của Chúa. Sự phát triển là công việc của con người, vì là những chủ thể có tự do và trách nhiệm đối với cuộc sống, nhưng đồng thời cũng là của Thiên Chúa là nguyên uỷ và cứu cánh của cuộc sống. Bởi vậy, chúng ta hoạt động cho toàn thể nhân loại, với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, tất cả mọi người có thể cất tiếng đọc kinh Lạy Cha, và đồng thời (1) có được cơm bánh mỗi ngày; (2) thông cảm với những người xúc phạm đến mình; (3) được giải thoát khỏi mọi sự dữ.

Thông điệp kết thúc với những lời nhắn nhủ của thánh Phaolô, khuyên hãy làm điều tốt chứ đừng làm điều xấu, và ăn ở tử tế với tất cả mọi người (Rm 12,9-10), cùng với lời ký thác gửi gắm cho Đức Maria, mẫu gương công chính và nữ vương hòa bình.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Chương VI. Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật

Chương V. Sự hợp tác của gia đình nhân loại

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Chương Ba: Tình huynh đệ, Phát triển kinh tế và Xã hội dân sự

Như đã nói lần trước, chúng ta có thể xem chương Hai như là chuẩn bệnh (vạch ra những thiếu sót trong sự phát triển), để rồi từ đó đưa ra những bài thuốc trong những chương kế tiếp.Thật ra, Giáo huấn xã hội chỉ muốn đưa ra những hướng đi cho sự phát triển “toàn diện” (phát triển toàn thể con người và phát triển cho hết mọi người), chứ không đề ra một chính sách phát triển kinh tế với tất cả những chi tiết kỹ thuật.

Chương II. Sự phát triển con người vào thời nay

Trong chương Một, đức Bênêđictô XVI ôn lại sứ điệp Populorum progressio, được đọc trong toàn bộ tư tưởng của đức thánh cha Phaolô VI về sự phát triển toàn diện.

Chương Hai điểm qua tình hình về sự phát triển vào thời nay, vạch ra những điểm tích cực và tiêu cực. Nói đúng ra, những điểm tiêu cực thì nhiều hơn những điểm tích cực. Ta có thể xem chương này như một thứ mô tả tình trạng bệnh lý, để rồi đề nghị các toa thuốc ở những chương kế tiếp.

Chúng tôi chia làm hai mục như thói quen. Mục thứ nhất tóm tắt tư tưởng bản văn. Mục thứ hai xếp đặt các bệnh lý theo thứ tự, đồng thời hướng đến các toa thuốc sẽ được đề ra trong những chương kế tiếp.