Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

VI. NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI (Chương IV)



a. Ý nghĩa và giá trị

192Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn. Trước đây, chưa hề có một sự nhận thức phổ biến như thế về mối quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, có thể tìm thấy ở mọi cấp độ413. Sự bành trướng nhanh chóng về cách thế và phương tiện truyền thông “trong thực tế hiện nay”, như những cách thế và phương tiện do công nghệ thông tin, do các tiến bộ vượt bậc trong công nghệ điện toán, do sự gia tăng khối lượng trao đổi thương mại và thông tin đã mang lại, tất cả đều minh chứng cho sự thật này là lần đầu tiên kể từ khi lịch sử nhân loại bắt đầu, người ta đã có thể thiết lập – ít là về mặt kỹ thuật – các mối quan hệ giữa những người ở cách nhau rất xa và hoàn toàn không quen biết nhau.
Tuy nhiên, trước hiện tượng lệ thuộc nhau và bành trướng liên tục về cách thức và phương tiện truyền thông như thế, khắp nơi trên thế giới vẫn còn thấy sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, những sự bất bình đẳng do các hình thức bóc lột, đàn áp và tham nhũng gây ra, từng gây ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống quốc nội và quốc tế của nhiều nước. Việc gia tăng các quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực khẩn trương không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hại là đưa bất công lên tới cấp toàn cầu. Điều này sẽ gây những âm hưởng rất tiêu cực cả tại các nước đang có lợi thế hơn414.
b. Liên đới, một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý
193Những mối quan hệ mới mẻ về sự lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, mới là những hình thức liên đới trong thực tế, cần phải được biến thành những quan hệ nhằm tạo ra sự liên đới đích thực trên bình diện đạo đức xã hội. Đây là một yêu cầu luân lý vốn tồn tại trong hết mọi mối quan hệ của con người. Bởi đó, cần phải nhìn sự liên đới dưới hai khía cạnh bổ sung cho nhau: liên đới là một nguyên tắc xã hội415 và là một đức tính luân lý416.
Trên hết, phải nhìn sự liên đới trong giá trị của nó như một đức tính luân lý, nhằm xác định trật tự của các định chế. Dựa trên nguyên tắc này, “các cơ cấu tội lỗi417 từng chi phối các quan hệ giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được khắc phục. Các cơ cấu ấy cần được thanh tẩy và biến thành “các cơ cấu liên đới” bằng cách thành lập hay điều chỉnh thích đáng các luật lệ, các sự điều tiết thị trường và các hệ thống tư pháp.
Liên đới cũng là một đức tính luân lý thực sự, không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại, liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích. Tức là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người”418. Liên đới được nâng lên hàng đức tính xã hội căn bản, vì đó là đức tính nằm trong phạm vi của  công bằng. Đó là một đức tính ưu tiên nhắm tới công ích và được tìm thấy nơi những người “dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức, theo nghĩa của Tin Mừng, sẵn sàng “liều mất bản thân mình” vì người khác thay vì khai thác người khác, và sẵn sàng “phục vụ người khác” thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng (x. Mt 10,40-42; 20,25; Mc 10,42-45; Lc 22,25-27)”419.
c. Liên đới và sự phát triển chung của nhân loại
194Thông điệp của Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, giữa liên đới với mục tiêu phổ quát của của cải, giữa liên đới với bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc, giữa liên đới và hoà bình trên thế giới420. Thuật ngữ “liên đới”, mà Huấn Quyền dùng rất nhiều421, diễn tả cách tóm tắt nhu cầu phải nhận ra trong những mối liên kết con người với nhau và các tập thể xã hội với nhau, có cả một không gian cho con người được tự do xây dựng sự phát triển chung, trong đó mọi người cùng chia sẻ và cùng tham gia. Sự dấn thân cho mục tiêu này được diễn tả thành việc tích cực đóng góp bằng cách lưu ý làm sao cho trong sự nghiệp chung không thiếu điều gì, cũng như tìm ra những điểm có thể giúp hai bên đồng thuận với nhau thay vì chia rẽ và tan rã. Sự dấn thân cho mục tiêu này cũng được diễn tả thành việc sẵn sàng thí mạng vì ích lợi của tha nhân, vượt lên trên những ích lợi cá nhân và cá biệt422.
195Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên. Họ là những người mắc nợ vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của họ trở nên đáng sống, và vì những di sản không thể phân chia được nhưng rất cần thiết do văn hoá, do sự hiểu biết khoa học và kỹ thuật, do của cải vật chất và phi vật chất cũng như do tất cả những gì mà điều kiện con người mang lại. Chúng ta cũng phải nhận ra món nợ tương tự như thế trong sự tương tác xã hội dưới nhiều hình thức, nhờ đó hành trình của nhân loại không bị gián đoạn mà luôn mở ra cho các thế hệ hiện tại và tương lai, mọi thế hệ này đều được mời gọi chia sẻ món quà ấy trong tinh thần liên đới.
d. Liên đới trong cuộc đời và thông điệp
    của Đức Giêsu Kitô
196Tột đỉnh của viễn tượng mà chúng ta đang nói đến ở đây là chính cuộc đời Đức Giêsu Nazareth, Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá” (Pl 2,8). Nơi Người, chúng ta luôn luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt của “Thiên-Chúa-với-chúng-ta”, Đấng đã mang lấy những tật bệnh của dân mình, cùng đồng hành với họ, cứu thoát họ và hợp nhất họ thành một423. Trong Người và nhờ Người, cuộc sống xã hội, dù có đầy mâu thuẫn và mơ hồ, cũng trở thành nơi chan chứa sự sống và hy vọng: đó là dấu hiệu của ân sủng không ngừng được ban tặng cho mọi người, và đó cũng là lời mời gọi con người chia sẻ cuộc sống ấy bằng những hình thức ngày càng cao cả và tích cực hơn.
Đức Giêsu Nazareth đã làm cho mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người, bằng cách làm sáng lên ý nghĩa của mối dây liên kết này424: “Trong ánh sáng đức tin, sự liên đới tìm cách vượt lên trên chính nó, mang lấy chiều hướng điển hình của Kitô giáolà trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hoà giải. Lúc ấy, người thân cận của chúng ta không phải chỉ là một con người có những quyền lợi và sự bình đẳng căn bản cùng với hết mọi người, mà còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, đã được máu Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động trường kỳ của Thánh Thần. Thế nên, phải yêu thương tha nhân, dù đó là kẻ thù, bằng cùng một tình yêu như tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương họ; và chính vì ích lợi của người ấy mà người ta sẵn sàng hy sinh, thậm chí tới mức cuối cùng là hy sinh tính mạng vì anh em (x. 1 Ga 3,16)”425.
---------------------------------------------------------------------------------------------
413  Có thể lấy chủ đề cổ điển là ‘xã hội hoá’ liên kết với khái niệm “lệ thuộc nhau”;
    chủ đề ‘xã hội hoá’ đã thường xuyên được giáo huấn xã hội Công giáo duyệt xét; x.
    Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 415-417; CĐ. Vatican II, 
    Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060-1061; Gioan Phaolô II,
    Thông điệp Laborem Exercens, 14-15: AAS 73 (1981), 612-618.
414  x.  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 11-22: AAS 80 (1988),
    525-540.
415  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1939-1941.
416  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1942.
417  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36, 37: AAS 80 (1988), 561-
    564; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985),
    213-217.
418  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 565-566.
419 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 566; x.
    Gioan Phaolô II, Thông điệp Laboerem Exercens, 8: AAS 73 (1981), 594-598; Gioan
    Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 57: AAS 83 (1991), 862-863.
420  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 17, 39, 45: AAS 80 (1988),
   532-533, 566-568, 577-578. Sự liên đới quốc tế cũng là điều mà trật tự luân lý đòi
   phải có; hoà bình trên thế giới phần lớn tuỳ thuộc vào điều này: x. CĐ. Vatican II,
   Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 83-86: AAS 58 (1966), 1107-1110; Phaolô VI.
   Thông điệp Populorum Progressio, 48: AAS 59 (1967), 281; Hội đồng Giáo hoàng về
   Công lý và Hoà bình, Để phục vụ cộng đồng nhân loại: một cái nhìn đạo đức học về vấn đề nợ quốc tế (27-12-1986), I, 1, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Vatican City 986, tr. 11; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1941, 2438.
421 Liên đới – dù chưa được gọi một cách minh bạch bằng từ ngữ ấy – đã là một trong những nguyên tắc căn bản của Rerum Novarum (x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 [1961], 407). “Cái mà hiện nay chúng ta gọi là nguyên tắc liên đới… đã thường được Đức Lêô XIII nói tới khi dùng thuật ngữ ‘hữu nghị’, một khái niệm đã có trong triết học Hy Lạp. Đức Piô XI cũng ám chỉ nguyên tắc ấy khi dùng thuật ngữ cũng rất có ý nghĩa là ‘bác ái xã hội’. Đức Phaolô VI thì nói tới ‘văn minh tình thương’ để mở rộng khái niệm bác ái xã hội hầu có thể bao gồm nhiều khía cạnh mới của vấn đề xã hội” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 10: AAS 83 [1991], 805). Liên đới là một trong những nguyên tắc căn bản của toàn bộ giáo huấn xã hội Công giáo (x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis conscientia, 73: AAS 79 [1987], 586). Kể từ Đức Piô XII (x. Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 [1939], 426-427) thuật ngữ ‘liên đới’ càng được dùng thường xuyên hơn và mang ý nghĩa rộng rãi hơn: từ chỗ là ‘luật’ trong cùng Thông điệp ấy đến chỗ trở thành ‘nguyên tắc’ (x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 [1961], 407), hay ‘nghĩa vụ’ (x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 17, 48: AAS 59 [1967], 265-266,281) và ‘giá trị’ (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 [1988], 564-566), cuối cùng trở thành một ‘đức tính’ (x. Gioan Phaolô II, Thông điệpSollicitudo Rei Socialis, 38, 40: AAS 80 [1988], 564-566, 568-569).
422  x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của
    Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 38, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
   1988, tr. 40-41.
423  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 32: AAS 58 (1966), 1051.
424  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568:
   Không hồ nghi gì nữa: liên đới là một đức tính của Kitô giáo. Theo những gì đã nói
   cho tới hôm nay, chúng ta có thể nhận ra nhiều điểm gặp nhau giữa liên đới và bác
   ái – vốn là dấu hiệu phân biệt các môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,35).
425  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét