Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

I. Những đe dọa định chế hôn nhân và gia đình


       
Chúng ta có thể khởi đầu bằng việc nêu lên những đe dọa phá huỷ GĐ trong thời buổi chúng ta, khởi đi từ những học thuyết triết học hoặc nhân văn.
       1/ Định chế gia đình không cố định
       Dựa vào thuyết tiến hóa, có học thuyết cho rằng vào lúc khởi thuỷ con người sống theo bầy đàn, chồng chung vợ chạ. Dần dần tiến đến các bộ tộc, gia trưởng, đa thê, nhất phu nhất phụ.
       Từ quá khứ, người ta dự phóng cho tương lai: định chế gia đình vẫn còn biến đổi. Không thể nói đến một “bản tính” (nature) cố định của GĐ. Tại sao hôn nhân phải là giữa người nam và người nữ, chứ không phải giữa hai người đồng tính? Tại sao trong quá khứ đã có chế độ “chồng chung” (đa thê), mà không thể tiếp tục “chung chồng chung vợ”?
       2/ Tình yêu cấu thành GĐ
       Ai cũng biết rằng tình yêu là cốt yếu của hôn nhân và gia đình. Nhưng điểm xác tín này có thể bị lật ngược như thế này: bao lâu còn yêu thì ở với nhau; hết yêu thì chia tay, đường ai nấy đi!
       Nguyên tắc này là bối cảnh của những luật lệ cho phép ly dị (bằng sự thỏa thuận), hoặc bằng những cặp nhân tình sống chung không giá thú.
       3/ GĐ là sở hữu của xã hội
       Đối lại quan điểm tự do (cá nhân chủ nghĩa), nhóm xã hội chủ trương rằng chuyện hôn nhân con cái là quyết định của xã hội. Quan điểm gia đình cổ truyền là vết tích của chế độ tư sản (vợ của tôi, con cái của tôi). Đã đến lúc xã hội phải quản lý tất cả các tài sản của quốc gia. Con cái phải được giao cho Nhà Nước giáo dục. Khuôn mẫu này đã được áp dụng ở các kibbutz ở Israel vào thập niên 30 của thế kỷ XX.
       4/ Tình yêu hay truyền sinh?
       Trong quá khứ, thần học công giáo cho rằng: (a) mục tiêu chính của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái; (b) mục tiêu thứ yếu là giải quyết đòi hỏi của tính dục. Kể từ công đồng Vaticanô II, người ta lật ngược lại thứ tự: hôn nhân tiên vàn là cộng đồng tình yêu; tình yêu nảy sinh hoa trái là con cái[i].
       Trên thực tế, hai mục tiêu ấy dần dần bị tách biệt:
       a) Có người muốn nhấn mạnh đến tình yêu nhưng không muốn nói đến truyền sinh: cổ động các phương thế ngừa thai.
       b) Có người muốn nhấn mạnh đến truyền sinh mà không cần đến tình yêu: cổ động việc thụ thai nhân tạo.
       5/ Kinh tế và gia đình
       Bên cạnh những tấn công do các ý thức hệ gây ra, định chế gia đình còn bị đe doạ bởi những điều kiện khó khăn của cuộc sống hiện nay.
       - Trong nền kinh tế nông nghiệp, các gia đình (hay đại gia đình) trở thành đơn vị sản xuất. Với nền kinh tế công nghiệp, với sự tập trung tại các thành thị, các đại gia đình dần dần bị phân rẽ. Thậm chí, do tình trạng công văn việc làm, nhiều người chồng phải bỏ gia đình kiếm kế sinh nhai.
       - Trong văn hóa cổ truyền, người chồng quản lý tiền bạc và do đó khống chế được người vợ. Đến khi người vợ cũng làm ra tiền, thì bà trở nên tự lập, và không chịu để cho người chồng thao túng. Trên thực tế, có thể ông chủ “trao đổi” với cô thư ký nhiều hơn là với vợ của mình; đối lại, có thể một bà vợ “sát cánh” với đồng nghiệp nhiều hơn là với chồng mình.
       - Khi chồng đi làm, vợ đi làm, thì ai lo việc nhà? Ai phụ trách việc giáo dục con cái?
       - Một luận cứ của nhiều chính quyền xử dụng là “Nhân mãn”: càng đông con thì càng nghèo. Vì thế mỗi gia đình chỉ nên có một con.
       Phần lớn nội dung của chương Năm nhằm trả lời cho những vấn nạn ấy.


[i] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 48; 50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét