Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Phần Kết


Thông điệp Tân Sự (kỳ cuối)
CÁC NGHIỆP ĐOÀN
36. Anh hưởng tốt của nghiệp đoàn trong xã hội
Sau hết chính phủ và thợ cũng có thể góp một phần trong việc giải quyết vấn đề này nhờ các công cuộc hiệu nghiệm do họ tổ chức để nâng đỡ hạng người túng thiếu và thân thiện hóa hai giai cấp xã hội…
Trong những công cuộc đó, có những hội tương tế; có những hội đoàn tư nhân sáng lập để cứu giúp công nhân, có những bảo trợ nhi đồng nam nữ…
Nhưng đứng đầu là các nghiệp đoàn bao quát đủ mọi công cuộc từ thiện có thể lập ra được.
Xưa kia tổ tiên ta đã thụ hưởng phước thiện cua các nghiệp đoàn ấy. Trước hết, nghiệp đoàn đem lại cho công nhân bao nhiêu phúc lợi, sau nữa có bao nhiêu thành tích chứng minh rằng nghiệp đoàn đã làm các mỹ nghệ phát triển rực rỡ và thịnh đạt.
Ngày nay lớp hậu tiến được giáo dục sâu rộng hơn, biện pháp được khai trương thêm mãi; những đòi hỏi của đời sống càng càng phức tạp hơn. Cho nên các nghiệp đoàn phải tổ chức lại cho thích hợp với những hoàn cảnh mới của đời sống. Ta hân hạnh thấy đâu đâu bao công đoàn được lập ra theo mục đích ấy, hoặc riêng cho công nhân, hoặc mở rộng cho cả chủ nhân tham gia vào. Mong rằng các hội đoàn ấy sẽ càng tăng thêm và hành động càng đắc lực thêm.
Vấn đề công đoàn này biết mấy lần được Ta nêu lên. Kèm theo đây là chỉ giải thêm vài điều: Thứ nhất các công đoàn ấy cần thiết và hợp thời; thứ hai là những hội đoàn hợp pháp luật; thứ ba, cách tổ chức chương trình hành động phải như thế nào.
37. Những hội tư có mục đích hạn hẹp
Kinh nghiệm dạy rằng: năng lực sản xuất của con người thì có chừng hạn. Nên ai cũng thấy cần phải chung lưng đấu cật cùng anh em. Thánh Kinh lại rằng: hai người ở với nhau còn hơn mỗi người ở một mình. Ở chung với nhau thì phúc lợi biết bao nhiêu. Người này ngã thì được người kia nâng đỡ; lại câu này nữa: người được anh em nâng đỡ thì vững như một thành kiên cố. Xu hướng tự nhiên ấy là cái mầm tự nhiên nảy ra trong xã hội dân chính trước, rồi trong xã hội cứ nảy thêm các đoàn thể khác, tuy nhỏ hẹp và kém hoàn hảo, nhưng cũng là hội đoàn chính thức.
Các hội đoàn nhỏ này thì khác xã hội lớn kia, ở nhiều chỗ phụ thuộc mục đích của chúng.
Mục đích xã hội dân chính thì bao quát các công dân ý thức công ích. Mọi người có phận sự gây dựng, và từng người có quyền hưởng phần nhiều ít tùy theo tỷ lệ công tác của họ.
Xã hội này gọi là “công” vì nó hợp với tất cả mọi người thành một dân nước. Trái lại, các hội đoàn được lập ra trong xã hội ấy toàn là những hội tư. Hội tư, vì mục đích trực tiếp là mưu ích riêng cho các hội viên. Một hôi tư thì được lập ra vì một mục đích tư, như khi đôi ba người chung hợp nhau để buôn bán.
38. Quốc gia không thể cấm cản các hội tư
Các hội tư này là thành phần của xã hội dân chính, nên chỉ tồn tại được trong xã hội ấy. Nói vậy là nói chung, nói theo tích cách riêng của chúng, nên không ai kết luận được rằng: chính phủ toàn quyền từ chối không cho thành lập.
Quyền lập hội tư là quyền tự nhiên của con người. Xã hội dân chính lại được lập ra để bảo vệ quyền tự nhiên của con người, chứ không phải để phế bỏ nó. Thành ra hễ xã hội dân chính cấm công dân không được lập hội tư, thì xã hội ấy chỉ diệt mình thôi. Vì tất cả mọi hội công và mọi hội tư đều cùng chung một nguồn gốc là tính hợp quần của nhân loại.
Quả thật, có những trường hợp buộc pháp luật phải cấm không cho lập những hội tư này: tỉ dụ như xét theo điều lệ, có những hội tư theo đuổi một mục đích trái ngược với sự minh chính, sự công bằng, hay an ninh quốc gia. Đối với những hội đó, chính phủ phải cấm không cho thành lập. Và nếu đã thành lập chính phủ có quyền giải tán. Nhưng dầu sao, chính phủ cũng phải can thiệp một cách rất khôn ngoan. Chính phủ phải tránh mọi hành động vốn vi phạm quyền lợi của các công dân, và chỉ không được lấy cớ bảo vệ công ích mà quyết định những điều trái lý.
Công dân chỉ bắt buộc phục luật khi luật ấy hợp với chính lý, và đạo vĩnh cửu của Thiên Chúa.
39. Trường hợp các dòng tu
Đến đây Ta phải nhắc đến những giáo đoàn hay dòng tu đủ thứ do lòng đạo đức của các tín hữu lâp ra dưới quyền Giáo hội chuẩn y. Lịch sử từ xưa đến nay vẫn minh chứng các dòng tu nam nữ kia, đã rưới ra bao ân ích cho nhân loại. Cứ lẽ tự nhiên mà xét, thì các dòng tu đã được lập ra vì những mục đích đứng đắn, và do đó đã căn cứ vào luật tự nhiên. Về mặt tôn giáo, các tu viên kia chỉ thuộc về giáo quyền của Hội thánh mà thôi. Thành ra chính phủ không lẽ nào mà đòi quyền đến các dòng tu. Huống chi đòi quyền quản trị. Trái lại, chính phủ có phận sự tôn trọng, bảo vệ, và nếu cần lại bênh vực nữa.
Nhưng lạ thay! Việc mới xảy ra thì lại trái ngược hết. Ở nhiều dân nước, chính phủ đã nhúng tay vào nội bộ các tu viện, và chồng chất hết sự bất công này trên sự bất công kia. Nào là bắt tu sĩ phải theo luật đời; nào là truất tư cách pháp nhân của họ, nào là tước đoạt hết tài sản. Đáng lẽ những tài sản ấy, phải được công nhận là sở hữu của Giáo hội: mọi tu sĩ có phần quyền đến lại thêm quyền của những ân nhân đã định thể thức hưởng dụng, và quyền lợi của nạn nhân được nâng đỡ bằng những tài sản ấy.
Cho nên Ta ưu sầu nhưng cũng buộc lòng phải lên án những cuộc cưỡng đoạt bất công và tai hại đó. Thật là một việc vô lý, vì đang lúc chính quyền cấm cách các giáo đoàn Kitô hữu này thì lại xác nhận các hội tư kia là hợp pháp. Quyền mà họ không chịu ban cho những người thuận hòa, chỉ sống vì ích lợi chung, sao họ lại rộng rãi nhường cho bao người mưu toan làm hại cho cả tôn giáo lẫn quốc gia?
40. Công nhân Kitô hữu khó chọn lựa trước một số hội đoàn
Quả thực, suốt trong lịch sử nhân loại chưa có đời nào các hội tư được thành lập nhiều và đủ mọi mục đích, nhất là nghiệp đoàn, bằng đời ta bây giờ. Ở đây, ta không cần tìm cho ra các hội đoàn ấy bởi đâu mà có, mục đích là gì và thường theo đuổi muchj đích bằng cách nào. Nhưng đây là một dự luận: - một dư luận không thiếu chứng cớ - các hội đoàn ấy được chỉ huy ngấm ngầm cho những người cùng mộ lệnh kín, ngược lại với danh nghĩa Kitô hữu, và gây bao nguy hại đến an ninh quốc tế. Các hội đoàn ấy đã chiếm đoạt được mọi xí nghiệp rồi, thì hễ công nhân nào từ chối không chịu gia nhập, thì công nhân ấy phải sống túng cực, để đền tội ngỗ nghịch ấy. Trong trường hợp đó, công nhân công giáo chỉ hai đường lối, mà lại bắt buộc chọn lấy một: một là nhập vào những hội đoàn ấy, là mối nguy hiểm lớn cho đức tin của họ; hai là tổ chức những hội đoàn riêng, để cùng nhau góp sức và mạnh bạo trút ách bât công kia không ai chịu được.
Thật không ai là người tận tâm cương quyết cứu đỡ công ích tối cao của nhân loại khỏi tai nạn kinh khủng ấy, mà còn hồ nghi được, họ phải chọn đường thứ hai.
41. Những công đoàn công giáo
Bởi vậy, Ta phải cất tiếng ca tụng lòng nhiệt thành của một số đông Kitô hữu ấy đã ý thức những đòi hỏi của thời cuộc, mà lại dò dắt tình thế kỹ lưỡng, để tìm ra một con đường chính đáng, mà đưa giai cấp lao động đến một trình độ cao hơn. Họ đã đứng dậy để bênh vực giai cấp lao động. Họ tìm trăm ngàn phương cách để nâng cao sự thịnh đạt cá nhân và gia đình của công nhân. Họ tìm phương liệu kế quy định cho đúng phép công bằng những mối liên lạc giữa chủ và thợ. Họ không ngừng nhắc nhủ và củng cố đôi bên tuân giữ phận sự và đạo phúc âm, toàn là những điều luật giúp con người bác bỏ những sự quá khích, tập cho con người sống điều độ lại, suy trì sự hòa thuận giữa các dân nước được êm thấm. Nương theo lý tưởng ấy, thì bao nhiêu người tài đức lỗi lạc hay tổ chức những hội nghị cho họ tiện dịp trao đổi ý kiến, chung sức góp lực và ấn định những chương trình hành động rất hợp thời. Còn bao nhiều người khác thì đua nhau lập ra những công đoàn theo từng ngành chuyên nghiệp để quy tụ các công nhân. Họ lại giúp lời chỉ giáo, giúp tài chính và tính liệu cho các bạn đồng nghệ luôn luôn có công ăn việc làm, hẳn hoi hiệu lực.
Các giám mục về mặt khác, thì không ngừng khuyến khích và đem uy quyền bảo trợ những hành động ấy. Nhận lệnh giám mục và dưới quyền che chở của giáo phẩm, cũng có những linh mục, hoặc ở bậc tu trì, hoặc ở bậc triều cũng tận tâm hiệp lực, để cấp đủ sự cần phần hồn cho các đoàn viên.
Sau hết, thì không thiếu những hạng người Công giáo có tiền ức bạc triệu, đã tự ý kết nghĩa bạn vè với các công nhân và không quản tổn hao, để thành lập khuếch trương các công đoàn ở khắp đó đây. Công nhân nhờ đó mà hưởng phần sung túc ngay từ bây giờ, và đến khi họ lão thành thì họ được hy vọng an nghỉ xứng đáng.
Những hành động đủ mọi mục đích và rất phấn khởi này đã thực hiện giữa các dân tộc, những phúc lợi vĩ đại ai cũng biết đến. Nên ta không cần dài lời đi sâu vào từng chi tiết. Đối với ta, đó là việc tiên báo cho thế giới một tương lại rực rỡ. Ta hy vọng ác nghiệp đoàn kia cứ tuần tự phát triển trong sự khôn ngoan cần thiết cho mọi tổ chức nhân tạo, sẽ kết quả rất tốt đẹp. Mong chính quyền luôn luôn bảo vệ những tổ chức hợp pháp này mà không bao giờ nhúng tay vào việc nội trị của chúng, và không bao giờ động đến những động lực mất thiết là lẽ sống của chúng.
Sự sống cốt ở một nội lực phát ra, mà lại dễ tiêu đi, khi gặp phải những ngoại hưởng bất hợp.
42. Tổ chức nghiệp đoàn
Lẽ dĩ nhiên nghiệp đoàn phải có tổ chức và kỹ thuật, vừa khôn ngoan vừa cẩn trọng thì hành động mới duy nhất, nhân viên mới đồng thâm nhất trí. Vậy nếu ta nhận thức rằng: công dân tự do hội họp, ắt công dân tự do đặt ra cho hội đoàn của họ những điều lệ và những quy định hợp với mục đích họ quyết theo đuổi. Ta thiết tưởng rằng: Ta khó an định những phương thức rõ ràng và chắc chắn về những điều lệ và những quy định đó. Mọi sự đều tùy thuộc đặc tính của từng dân, từng nước; tùy theo những điều thí nghiệm và lịch lãm; tùy theo mọi công việc; tùy theo thương mại khuếch trương nhiều hay ít; và cũng còn tùy theo thời thế hoàn cảnh nữa. Toàn là những điều cần thiết phải xét kỹ.
Đại cương chỉ nói được rằng: mực thước chung và bền vững ai cũng phải tuân theo, là mỗi nghiệp đoàn phải được tổ chức và chỉ huy làm sao cho các nhân viên tìm đủ phương tiện cần thiết để bước tới mục đích họ theo đuổi một cách mau chóng và dễ dàng hơn cả. Mục đích ấy là cho mỗi người thêm phúc lợi hồn xác và tăng gia sản xuất chừng nào hay chừng ấy.
Nhưng lẽ cố nhiên mục đích đầu tiên ai cũng phải nhắm tới là cải thiện đời sống nhân viên. Về mặt luân thường đạo hạnh. Mục tiêu này là quy tắc căn bản của nền kinh tế xã hội. Khinh thường điều ấy, thì các nghiệp đoàn kia không chóng thì chày sẽ suy đồi, và xuống cùng một hàng với các hội hè vô tôn giáo. Quả thực công đoàn cho các nhân viên sung mãn về vật chất mà lại thiếu lương thực phần hồn, thì nào có ích gì cho thợ thuyền hằng liều mình mất linh hồn.
Khôi phục cả thiên hạ mà mất linh hồn nào có ích gì! Theo Chúa Kitô ta phải đặt điểm này phân rõ Kitô hữu và tha dân: tha dân thì tham của phàm trần, còn anh em thì hãy tìm nước Chúa, còn mọi sự khác thì sẽ được ban thêm dư dật.
Vậy đã lấy lòng tin ở Chúa làm khởi điểm, ta phải dành phần chính chương trình cho việc học đạo lý, để cho ai nấy hiểu rõ phận sự của mình đối với Chúa. Những điều phải tin, những điều phải trông cậy, toàn là những điều phải dạy cho công dân rất kỹ lưỡng. Phải săn sóc họ một cách rất đặc biệt cho họ khỏi nhiễm các tà thuyết và tật xấu. Ta hãy lo cho công nhân thành thật kính thờ Chúa. Luôn luôn đề cao lòng đạo đức và nhất là trung thành giữ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng. Mong công nhân tôn kính và mến phục Hội thánh là thân mẫu chung của các Kitô hữu; mong họ tuân giữ luật Giáo hội, năng chịu các Phép bí tích là những nguồn mạnh thiên hiệu, cho họ rửa sạch mọi vết nhơ và được thánh hóa nữa.
43. Chương trình hành động của nghiệp đoàn
Khi đã đặt tôn giáo làm nền tẳng luật pháp xã hội thì ta rất dễ dàng ấn định những mối tương quan cần thiết cho các nhân viên luôn luôn hòa thuận và thịnh đạt trong xã hội.
Phận vụ thì khác nhau, nhưng phải phân phối thế nào cho thuận tiện để mưu ích chung, và liệu cho khỏi sự chênh lệch hại đến sự “đồng tâm nhất trí” của mọi tầng lớp xã hội. Việc tối cần là phân công cho sáng suốt, phân minh kẻo có người phải chịu sự bất công. Phần của chung phải quản trị cho thanh liêm, phần lương trợ cấp cho mọi người lại phải tiền định tùy theo công nghiệp và tài trí của từng người.
Quyền lợi và phận sự của chủ nhân cũng phải được dung hòa hoàn toàn với quyền lợi và bổn phận của công nhân.
Trong những trường hợp chủ nhân hay công nhân bị thiệt hại nào, thì ta mong điều lệ công hội có khoản ủy thác cho các nhân viên khôn ngoan và liêm chính hơn cả, lấy tư cách trọng tài mà phân xử điều xích mích.
Lại phải tiên liệu làm sao cho công nhân không bao giờ thiếu việc làm, và lập sẵn một phần vốn tích trữ, để đề phòng khỏi những tai nạn bất ngờ thường xảy ra trong xí nghiệp đã đành mà còn phải đề phòng ki bệnh tật, tuổi giả và những khi thất cơ lỡ vận.
Thi hành những luật lệ kể trên, nếu người ta thật lòng thì cũng đủ cho hạng người nghèo hèn ấm no và thư thái đôi phần.
Nhưng các nghiệp đoàn Công giáo còn có thể góp phần rất quan trọng vào nền thịnh vượng chung. Xét quá khứ và phỏng đoán tương lai, không phải là táo bạo đâu. Đời này thay thế cho đời kia, nhưng mọi sử xảy ra cùng giống nhau lạ lùng. Chúa quan phòng xếp đặt mọi việc để cho loài người luôn luôn hướng về cứu cánh đã tiền định ngay trong lúc tạo thiên lập địa.
Thời kỳ Giáo hội mới phôi thai, người ta hay tố cáo giáo dân tiên khởi, toàn là những kẻ bần cùng, chỉ sống nhờ của bố thí hay lao công vất vả. Dầu sao bổn đạo thời kỳ đó thiếu thốn, không quyền thế nào, họ cũng khiến được kẻ giầu người sang thông cảm thân phận họ. Ai cũng cảm phục các Kitô hữu siêng năng, cần mẫn, thuận hòa, nêu gương công bằng và nhất là bác ái. Trước cảnh đời sống trọn lành, những phong tục thuần mỹ như thế, mọi thành kiến đều biến tan; tiếng nhạo cười im phắc, tín ngưỡng dị đoan mê ảo dầu đã lâu đời bao nhiêu cũng lần lượt điêu tàn, trước những lẽ chân thực của đạo Chúa Kitô.
44. Lợi ích của công đoàn cho toàn xã hội
Vấn đề lao động ngày nay sôi nổi. Không biết lý trí tư nhiên có giải quyết được hay không? Giải pháp người ta sẽ ứng dụng sẽ gây ảnh hưởng rất quan trọng đến vận quốc.
Những vấn đề lao động rất có thể nhờ công nhân Kitô hữu giải quyết dễ dàng và hợp lý được. Họ chỉ cần họp thành những đoàn thể linh động và được chỉ huy rất khôn ngoan rồi nhịp bước theo đường tổ tiên đã theo từ trước mà tìm cứu rỗi cho mình và cho các dân tộc.
Dầu người ta thành kiến nhiều, bị dục vọng lôi cuốn, thì bao giờ lòng công bình và chân thành cũng không bị những ý định quỷ quái dập tắt hẳn, và không kíp thì chày họ sẽ đồng lòng cảm phục yêu quý những đoàn thể lao động kia, là những đoàn người chuyên cần và khiêm tốn, đặt công chính trên tư lợi và trọng kính nghĩa vụ trên hết mọi sự.
Nhờ đó, thế giới sẽ lại hưởng một đặc ân khác nữa. Những công nhân hiện đang khinh đạo thánh Chúa, hay đang trôi theo những tục lệ mà đạo thánh Chúa bài xích thì sẽ hồi tâm lại mà hy vọng thân phận của họ có thể đổi mới được.
Sự thường họ ý thức ngay không cần suy nghĩ lâu ngày lâu tháng, họ đã bị đánh lừa bằng những lời hứa hão huyền và những tổ chức bề ngoài dối trá. Theo cách cư xử của những chủ bất nhân ham lợi tham của, thì họ hiểu ngay mình chỉ được quý trọng tùy theo năng lực mưu ích gây lợi cho chủ. Còn cho các hội đoàn đã lung lạc rũ họ nhập vào, họ chẳng thấy đâu là nghĩa bác ái, là tình yêu. Trái lại họ chỉ gặp sự bất hòa, kình địch nhau là sự thường hay xẩy ra, trong giới khổ cực, ngạo mạn và vô thần. Tâm hồn chán nản thể xác kiệt quệ ai lại không mong cởi ách tủi nhục ấy. Nhưng họ cũng không dám hoặc vì tự ái hoặc sợ túng thiếu.
Vậy, đối với những công nhân ấy, những nghiệp đoàn Công giáo sẽ là một phương tiện hữu ích bất ngờ. Thấy họ ngần ngại thì các nghiệp đoàn ấy cần niềm nở đón tiếp họ và thành thực bênh vực che chở họ.
LỜI KHÍCH LỆ CUỐI CÙNG
45. Để tái lập những phong tục Kitô giáo
Vậy chắc anh em đã được thấy rõ vấn đề khắt khe này cần phải bàn tán và giải quyết thế nào.
Mong người nào có phận nấy, sẽ kíp bắt tay vào việc kẻo vì chậm thuốc mà cơn bệnh đã quá trầm trọng rồi, khó mà thuyên giảm được.
Yêu cầu các nhà chính trị, dùng quyền pháp luật và cơ cấu xã hội mà bảo vệ công nhân.
Yêu cầu các kẻ giầu và các chủ nhân tỉnh thức lại với phận sự. Yêu cầu các công nhân ý thức số phận nguy cấp của họ mà tiếp tục đòi quyền lợi của họ theo đường ngay và nẻo chính.
Theo lời Ta tuyên bố ngay từ đầu: chỉ có đạo thánh Chúa mới trừ diệt tật nạn từ tận gốc. Vậy ai cũng phải thú nhận rằng điều cần thiết nhất ta phải thực hiện ngay là phục hưng phong hóa Kitô hữu trong đời sống. Thiếu điều kiện này dầu những phương tiện hiệu nghiệm nhất do trí thông minh người phàm bày vẽ được cũng sẽ khó đưa lại những kết quả hữu ích.
Còn Giáo hội sẽ không bao giờ ngừng hành động tùy theo tài lực. Những hành động ấy càng được tự do khuếch trương thì càng chắc hiệu lực nhiều.
Điều Ta mong nhất là tất cả những ai có phần trách nhiệm đến công ích sẽ hiểu rõ điều này. Mong hàng giáo phẩm tận tâm hiệp lực và dùng đủ mọi phương tiện họ nhiệt thành nghĩ ra được, để tuân theo huấn thị và gương tốt của anh em mà tái huấn mọi giai cấp xã hội, cho thích hợp với luật Phúc âm về đời sống Công giáo.
Chớ gì các giáo sĩ, theo quyền hạn mình mà nỗ lực cứu dân độ thế, nhất là chăm chú vun trồng trong chính mình họ và làm trổ sinh nơi các kẻ khác, bất phân kẻ sang người hèn, đức bác ái của Phúc âm là nhân đức chỉ huy và làm nảy sinh các nhân đức khác.
Quả thực muốn cứu giúp các dân tộc, cần nhất là làm cho đức bác ái lan tràn thiên hạ. Ta nhấn mạnh vào điều đó. Đức bác ái của đạo thánh Chúa gồm tóm cả Phúc âm, và luôn luôn khiến người sẵn sàng hy sinh để cứu giúp anh em đồng loại.
Nhân đức này là môn thuốc hiệu nghiệm để trị tính kiêu hãnh của người đời và diệt trừ lòng tự ái quá độ. Chính là nhân đức mà thánh Phaolô diễn tả thiên vụ và tính cách siêu nhiên rằng: đức bác ái thì kiên nhẫn, hòa nhã, không tìm tư lợi. Đức bác ái chịu mọi sự đau khổ và chịu đựng mọi căm hờn.
Để bảo đảm ân huệ Chúa sẽ ban dồi dào, và tỏ lòng nhân ái, Ta hận hạnh ban phép lành Tòa Thánh cho toàn thể anh em giáo sĩ và tín hữu trong Chúa
Ban bố tại Lamã gần Đền thờ thánh Phêrô
ngày 15.5.1891
Lêo XIII

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét