Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những giáo huấn cổ truyền


Mục 2. SỰ THÀNH HÌNH GHXH

       Trong mục vừa rồi, khi bàn về nguồn gốc của GHXH, chúng ta đã đả động sơ qua sự hình thành bộ môn GHXH.
       Hầu hết các tác giả đều nói rằng GHXH ra đời với thông điệp Rerum novarum của đức Lêô XIII (1891). Ý kiến không hoàn toàn đúng, bởi vì không phải là Giáo hội không hề lên tiếng về các vấn đề xã hội trong suốt 19 thế kỷ trước.
       Thực vậy, như vừa nói trên đây, liên quan đến nguồn tài liệu, GHXH phải quy chiếu về Kinh thánh và truyền thống. Điều này có nghĩa là ngay từ lúc ban đầu, Kitô  giáo đã có những giáo huấn về luân lý xã hội được phát biểu trong Kinh thánh (cách riêng là Tân ước), các giáo phụ, các vị tiến sĩ Hội thánh. Ngày nay, khi phải đối phó với những vấn đề mới, các giáo hoàng và công đồng Vaticanô II lục lọi những giáo huấn ấy, và tìm những giải đáp cho thời đại.
       Mục này được chia làm hai phần: thứ nhất, điểm lại những giáo huấn cổ truyền; thứ hai, nêu bật những vấn đề mới của thế kỷ XIX-XX.

I. Những giáo huấn cổ truyền
       Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể lướt qua vài nét nổi bật của Kinh thánh, các giáo phụ, các tiến sĩ Giáo hội, là nguồn cung cấp chất liệu cho các giáo hoàng tìm ra định hướng cho thời buổi hiện đại.
       Chúng ta có thể tóm vào ba giai đoạn chính: 1/ Kinh thánh. 2/ Các giáo phụ. 3/ Thời Trung Cổ.
       A. Kinh thánh[1]
            1/ Cựu ước
       Những chủ đề nổi bật
       - Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người được dựng nên có nam có nữ. Con người được trao vai trò quản trị vũ trụ.
      - Ảnh hưởng xã hội của tội nguyên tổ: những tương quan xã hội bị xáo trộn (giữa nam nữ, giữa con người với thiên nhiên). Đây là nguồn gốc của những lệch lạc trong đời sống cá nhân và cộng đoàn trải qua dòng lịch sử.
       - Cuộc giải phóng Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Tuy biến cố diễn ra trong một khung cảnh lịch sử chính trị và kinh tế, nhưng nó cho thấy rằng Thiên Chúa thương yêu con người, đặc biệt là những thành phần bị áp bức, bị bóc lột (xc. Xh 3,7-8).
       - Thiên Chúa ban bố lề luật cho dân Israel: đây là nền tảng cho sự tự do đích thực, khi con người duy trì những tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân[2].
       - Các ngôn sứ lên tiếng bảo vệ quyền lợi dân nghèo.
            2/ Tân ước
       Những chủ đề nổi bật
       - Cuộc cứu độ của Đức Kitô được nhìn như là sự hoà giải giữa Thiên Chúa và nhân loại và với vạn vật.
       - Đức Kitô mạc khải cho nhân loại ơn gọi làm con Thiên Chúa.
      - Ơn cứu độ được nhìn như cuộc giải phóng toàn diện con người: giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự chết. Một khi con tim được chữa lành thì các tương quan xã hội cũng được canh tân.
       - Luật Mới của Tân ước mở ra những viễn tượng mới cho thế giới:
       . Giới luật của tình yêu trong cách cư xử.
       . Những giá trị mới: các mối phúc thật; đề cao giá trị đích thực thay thế cho những giá trị hão huyền.
       . Trong tổ chức chính trị, đề cao sự phục vụ thay vì thống trị.
       . Mối quan tâm đến người nghèo.
       . Thế giới này chỉ có giá trị tương đối, so sánh với thời đại cánh chung.
      - Đức Giêsu không chỉ giảng dạy luật mới, nhưng Người còn thực hành luật ấy, đến nỗi hy sinh mạng sống cho bạn hữu.
       B. Các giáo phụ
       1. Các Kitô hữu tiên khởi đã để lại một truyền thống về đời sống xã hội từ kinh nghiệm sống động trong Giáo hội: sự chia sẻ huynh đệ (kể cả về tài sản vật chất), tình huynh đệ đại đồng (vượt lên trên biên cương của chủng tộc).
       2. Thái độ của các Kitô hữu đối với quyền lực chính trị (và thế giới nói chung) thay đổi trước và sau thế kỷ IV:
       - Trong thời kỳ bị bách hại, các tín hữu bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, kể cả bằng mạng sống. Thế gian bị đồng hoá với sự dữ, và các tín hữu tỏ ra thái độ thù nghịch.
       - Sau khi Kitô giáo được hưởng tự do và trở thành quốc giáo trong đế quốc Rôma, Giáo hội tỏ ra thiện cảm đối với chính quyền, và đôi khi đưa tới sự trà trộn giữa Giáo hội và xã hội chính trị.
       3. Giáo huấn các giáo phụ về các nghĩa vụ công bằng xã hội là một kho tàng lớn cho GHXH của các giáo hoàng cận đại
       C. Thần học kinh viện
       1. Các tiến sĩ hồi thế kỷ XIII, cách riêng thánh Tôma Aquinô, đã để lại nhiều khảo luận về luật tự nhiên, về cách tổ chức xã hội, về các nhân đức (công bằng xã hội).
       2. Những biến chuyển chính trị xã hội châu Âu thời cận đại:
       - Việc “khám phá” những châu lục mới đặt lên vấn đề luật quốc tế (trường phái Salamanca), quyền lợi của thổ dân,
       - Tại châu Âu, sự tách biệt “thế quyền” khỏi “giáo quyền”, “khoa học” tách khỏi “đức tin”, dẫn đến những suy tư về sự độc lập của mỗi lãnh vực.
       - Sự tham gia của các Dòng tu vào những công tác bác ái xã hội: mối quan tâm đến người nghèo, được thể hiện qua việc mở các bệnh viện, cô nhi viện, trường học.


[1] Xem thêm GM Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn ... chương Hai: Sứ điệp xã hội trong Kinh thánh
[2] Nên lưu ý là trong Kinh thánh, từ Justice áp dụng không những cho tương quan giữa con người với nhau, mà còn giữa con người với Thiên Chúa (sự “công chính”).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét