Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

III. SÁNG KIẾN CÁ NHÂN VÀ SÁNG KIẾN KINH DOANH (Chương VII)


336Học thuyết xã hội của Giáo Hội coi sự tự do của con người trong các vấn đề kinh tế là một giá trị căn bản và là một quyền không thể chuyển nhượng cần phải được thúc đẩy và bảo vệ. “Mỗi người đều có quyền có sáng kiến về kinh tế; mỗi người cần phải sử dụng những tài năng của mình cách hợp pháp để đóng góp vào sự thịnh vượng có lợi cho mọi người, và để gặt hái những thành quả chính đáng do lao động của mình”702. Qua giáo huấn này, Giáo Hội cảnh giác những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh do việc làm suy yếu hay chối bỏ quyền có sáng kiến về kinh tế: “Kinh nghiệm cho thấy, chối bỏ quyền này, hay nhân danh sự ‘bình quân’ của mọi người trong xã hội để giới hạn quyền ấy, sẽ làm giảm sút, hay thực tế hơn, sẽ hoàn toàn tiêu diệt tinh thần sáng kiến, tức là chủ thể tính sáng tạo của người công dân703. Từ quan điểm ấy, sáng kiến cách tự do và có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế cũng có thể được định nghĩa như một hành vi phản ánh nhân tính của con người, là những chủ thể sáng tạo và có tương quan. Thế nên, cần trao cho quyền sáng kiến một không gian hoạt động rộng lớn. Nhà Nước có bổn phận về mặt luân lý là chỉ áp dụng những giới hạn nghiêm nhặt trong những trường hợp không thể tìm được sự hoà hợp giữa công ích đang theo đuổi với loại hình hoạt động kinh tế được đưa ra, hay với đường lối mà hoạt động kinh tế ấy tiến hành704.
337. Sáng tạo là một yếu tố căn bản làm nên hoạt động của con người, kể cả trong lĩnh vực kinh doanh, và điều ấy được biểu lộ cách đặc biệt trong khâu lập kế hoạch và cải tiến. “Tổ chức được một nỗ lực sản xuất, lên kế hoạch đúng thời hạn, bảo đảm rằng nỗ lực ấy đáp ứng cách tích cực những yêu cầu cần thoả mãn và dám chấp nhận những rủi ro cần thiết – tất cả những việc này cũng là nguồn đem lại sự giàu có cho xã hội hôm nay. Theo cách này, lao động có kỷ luật và đầy sáng tạo của con người, cũng như sáng kiến và khả năng kinh doanh – như một phần thiết yếu của lao động – rõ ràng càng ngày càng đóng vai trò quyết định”705. Giáo huấn này dựa trên niềm tin tưởng rằng “nguồn lực chính yếu của con người là bản thân con người. Nhờ trí thông minh, con người có thể khám phá ra tiềm năng sản xuất của trái đất và nhiều phương cách khác nhau để thoả mãn các nhu cầu của con người”706.
a. Doanh nghiệp và các mục tiêu của doanh nghiệp
338Doanh nghiệp cần phải mang đặc tính là có khả năng phục vụ công ích của xã hội thông qua việc sản xuất hàng hoá hữu ích và cung cấp các dịch vụ. Khi tìm cách sản xuất hàng hoá và cung cấp các dịch vụ theo đúng kế hoạch là phải đạt hiệu quả và thỏa mãn lợi ích của các bên khác nhau có liên quan, là doanh nghiệp đã tạo ra của cải cho toàn thể xã hội, không những cho các chủ nhân mà còn cho các chủ thể khác có tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Bên cạnh chức năng kinh tế đặc thù này, doanh nghiệp còn thực hiện một chức năng xã hội khác, đó là tạo cơ hội để gặp gỡ, hợp tác và phát huy hơn nữa khả năng của những người tham gia. Bởi đó, khi điều hành doanh nghiệp, chiều hướng kinh tế chính là điều kiện giúp chúng ta không những đạt được các mục tiêu kinh tế, mà còn thực hiện được cả những mục tiêu xã hội và luân lý; tất cả các mục tiêu này đều được theo đuổi chung với nhau.
Mục tiêu của một doanh nghiệp cần phải được hội đủ điều kiện về những điều khoản kinh tế và theo tiêu chuẩn kinh tế, nhưng không vì thế mà bỏ quên những giá trị đích thực giúp cá nhân và xã hội được phát triển cách cụ thể. Trong quan điểm đề cao nhân vị và cộng đồng này, “một doanh nghiệp không thể chỉ được coi là một loại ‘xã hội của cải tư bản’, mà còn là một ‘xã hội con người’, trong đó người ta có thể tham gia theo nhiều cách khác nhau và với những trách nhiệm riêng biệt, bất kể là cung cấp vốn cần thiết cho các hoạt động của công ty hay tham gia vào các hoạt động ấy bằng chính sức lao động của mình”707.
339Tất cả những ai tham gia vào một doanh nghiệp đều cần phải nhớ rằng cộng đồng mà trong đó mình đang làm việc đại diện cho lợi ích của hết mọi người, chứ không phải chỉ là một cơ cấu giúp thoả mãn những quyền lợi cá nhân của một ai đó. Chỉ cần nhận thức như vậy cũng đủ để có thể xây dựng một nền kinh tế nhằm phục vụ nhân loại và có thể lập ra những chương trình cộng tác thực sự giữa các đối tác khác nhau trong lao động.
Một thí dụ rất quan trọng và rất có ý nghĩa về mặt này có thể được tìm thấy trong hoạt động của các tổ chức được gọi là những công ty liên doanh, những doanh nghiệp có tầm mức nhỏ và vừa, những tổ chức thương mại đề cao các sản phẩm thủ công và những doanh nghiệp canh nông có quy mô gia đình. Học thuyết xã hội của Giáo Hội vẫn lưu ý tới sự đóng góp mà các hoạt động kinh tế này mang lại để đề cao giá trị của lao động, làm tăng ý thức trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội, cổ vũ một nếp sống dân chủ và những giá trị nhân bản, vốn rất quan trọng cho sự tiến bộ của thị trường và của xã hội708.
340Học thuyết xã hội của Giáo Hội thừa nhận vai trò thích đáng của lợi nhuận, coi đó như chỉ số đầu tiên cho biết một doanh nghiệp hoạt động tốt: “Khi một công ty làm ăn có lời, điều đó có nghĩa là những nhân tố sản xuất đã được công ty ấy sử dụng thích đáng”709. Nhưng điều đó cũng không che lấp được sự kiện là một doanh nghiệp có thể làm ăn có lời, trong khi đó nó lại không phục vụ xã hội cách đúng đắn710. Chẳng hạn, “có thể các tài khoản tài chính của công ty đều ổn thoả, nhưng con người – là tài sản quý giá nhất của công ty – lại bị làm nhục và phẩm giá của họ lại bị xúc phạm”711. Đó là điều xảy ra khi các doanh nghiệp là một bộ phận trong hệ thống văn hoá và xã hội được ghi dấu có sự bóc lột của con người, có xu hướng né tránh những bổn phận đối với công lý xã hội và xâm phạm các quyền lợi của công nhân.
Trong doanh nghiệp, việc theo đuổi cách chính đáng các lợi nhuận rất cần được tổ chức sao cho hài hoà với việc bảo vệ phẩm giá của những người đang làm việc ở những cấp khác nhau trong cùng một công ty. Hai mục tiêu này không hề mâu thuẫn nhau, vì một đàng quả là không thực tế chút nào khi đòi bảo đảm tương lai của công ty mà không chịu sản xuất và cung cấp các hàng hoá và dịch vụ hữu ích, cũng như không chịu tìm kiếm lợi nhuận, mà lợi nhuận lại chính là kết quả của hoạt động kinh tế. Đàng khác, càng cho phép người lao động tự phát triển thì càng làm tăng sản lượng và tính hiệu quả của công việc họ đảm nhận. Một doanh nghiệp phải là một cộng đồng liên đới712, nghĩa là không đóng kín trong những quyền lợi riêng của công ty. Doanh nghiệp phải tiến theo hướng của khoa “sinh thái học xã hội”713 về lao động và phải đóng góp cho công ích bằng cách bảo vệ môi trường tự nhiên.
341Dù tìm kiếm lợi nhuận cách công bằng là điều có thể chấp nhận được trong các hoạt động kinh tế và tài chính, nhưng cho vay nặng lãi là điều cần phải lên án về mặt luân lý.“Những kẻ nào làm nghề cho vay nặng lãi và thông đồng để kiếm lợi, khiến cho anh chị em trong gia đình nhân loại của mình phải đói khát và chết chóc kể như đã gián tiếp phạm tội giết người, có thể bị quy tội sát nhân”714. Lời lên án này cũng có giá trị cho những quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là đối với tình cảnh tại các nước kém phát triển, những nước này không bao giờ bị buộc phải chịu đựng “sự ngược đãi nếu không có những hệ thống cho vay nặng lãi”715. Gần đây, Huấn Quyền đã dùng những lời lẽ rõ ràng và mạnh mẽ để chống lại lề thói này, một thói xấu đáng tiếc đang lan tràn khắp nơi: cho vay nặng lãi được mô tả là một “mối hoạ đã trở thành một thực tế trong thời đại chúng ta và vẫn còn đang bóp nghẹt cuộc sống của nhiều dân tộc”716.
342Các doanh nghiệp hiện nay đang tiến vào những bối cảnh kinh tế ngày càng trở nên rộng lớn hơn, cũng là bối cảnh trong đó Nhà Nước lộ rõ giới hạn trong việc quản trị những tiến trình thay đổi quá nhanh, làm ảnh hưởng tới các quan hệ kinh tế và tài chính quốc tế. Tình hình này sẽ đưa các doanh nghiệp tới chỗ phải lãnh lấy trách nhiệm vừa mới mẻ vừa lớn lao so với quá khứ. Chưa bao giờ vai trò của các doanh nghiệp lại mang tính quyết định như thế đối với sự phát triển toàn diện thật sự của con người trong tình liên đới. Một yếu tố cũng có tính quyết định như thế là các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng “sự phát triển phải được chia đều trong cộng đồng đến mọi khu vực trên thế giới hoặc phải rơi vào tình trạng thoái hoá, ngay cả ở những khu vực được ghi nhận là có sự tiến bộ liên tục. Điều này cho chúng ta hiểu thêm rất nhiều về bản chất của một sự phát triển đích thực: hoặc đó là sự phát triển mà mọi quốc gia trên thế giới đều tham gia, hoặc đó không phải là sự phát triển chân chính”717.
b. Vai trò của các chủ doanh nghiệp và việc quản lý  
343Sáng kiến kinh tế là một sự biểu hiện của trí thông minh con người và của sự cần thiết phải đáp ứng các nhu cầu của con người một cách vừa sáng tạo vừa hợp tác. Sáng tạo và hợp tác là những dấu hiệu cho biết thế nào là cạnh tranh kinh doanh đúng đắn: ‘cạnh tranh’ (cumpetere) (theo nghĩa chữ) là cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích đáng nhất để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu vừa nảy sinh. Ý thức trách nhiệm, xuất phát từ những sáng kiến kinh tế tự do, không những sẽ mang hình thức là một đức tính cá nhân, rất cần để cá nhân được phát triển, mà còn mang hình thức của một đức tính xã hội, cũng rất cần cho một cộng đồng liên đới với nhau được phát triển. “Những đức tính quan trọng cần phải có trong tiến trình này, như siêng năng, cần mẫn, khôn ngoan trong việc ứng phó với những rủi ro hợp lý, đáng tín nhiệm và trung thành trong các mối quan hệ liên vị, cũng như can đảm thực hiện các quyết định tuy khó khăn và có thể gây đau khổ nhưng cần thiết cho toàn bộ hoạt động của một doanh nghiệp lẫn việc đối phó với những trở ngại có thể xuất hiện”718.
344Vai trò của các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp có tầm quan trọng chủ yếu dựa vào quan điểm của xã hội, vì họ là trung tâm của cả một hệ thống bao gồm những quan hệ kỹ thuật, thương mại, tài chính và văn hoá, là những đặc điểm của thực tế kinh doanh hiện nay. Vì các hoạt động kinh doanh ngày càng phức tạp, nên các quyết định do các công ty đưa ra sẽ gây rất nhiều hậu quả quan trọng có liên quan với nhau, cả trong địa hạt kinh tế lẫn trong địa hạt xã hội. Chính vì lý do đó, khi thi hành trách nhiệm, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp phải luôn luôn nghĩ tới những động cơ luân lý cần thiết để hướng dẫn những lựa chọn của những người có trách nhiệm, thêm vào đó là phải cập nhật đầy đủ những động cơ này, đây chính là mục tiêu của những cố gắng liên tục.
Các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp không được chỉ cứu xét các mục tiêu kinh tế của công ty, những tiêu chuẩn làm sao cho có hiệu năng kinh tế và đặc biệt chăm lo đến “tư bản”, tức là tổng số các phương tiện sản xuất của công ty; họ còn có nghĩa vụ tôn trọng cách cụ thể phẩm giá của những người lao động trong công ty nữa719. Những người lao động này là “tài sản quý giá nhất của công ty”720 và là nhân tố đóng vai trò quyết định của việc sản xuất721. Trong những quyết định quan trọng liên quan đến chiến lược và tài chính, trong những quyết định mua bán, thay đổi quy mô, đóng cửa hay sáp nhập một công ty, không được coi các tiêu chuẩn tài chính và thương mại là những tiêu chuẩn duy nhất cần cứu xét.
345Học thuyết xã hội của Giáo Hội lưu ý tới một nhu cầu mà các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp phải đáp ứng, đó là cố gắng tổ chức lao động thế nào để thăng tiến gia đình, nhất là giúp các bà mẹ trong việc chu toàn nghĩa vụ riêng của mình722đó là dựa trên một quan điểm toàn diện về con người và sự phát triển, cố gắng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các hàng hoá được sản xuất và tiêu thụ, cũng như chất lượng của các dịch vụ cần cung ứng cho con người, chất lượng của môi trường và chất lượng của đời sống nói chung”723; đó là đầu tư vào những địa điểm và những khu vực sản xuất để khi đã có các điều kiện kinh tế cần thiết và các điều kiện chính trị ổn định, các cá nhân và các dân tộc có “cơ hội tận dụng tốt sức lao động của mình”724.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
702 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2429; x. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et
   Spes, 63: AAS 58 (1966), 1084-1085; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus
   Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei
   Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-530; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem 
   Exercens, 17: AAS 73 (1981), 620-622; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra:
    AAS 53 (1961), 413-415.
703 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 529; x.
   Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2429.
704  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 16: AAS 83 (1991), 813-814.
705 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 833.
706  Ibid.
707  x. Thông điệp Centesimus Annus, 43: AAS 83 (1991), 847.
708  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 422-423.
709 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.
710  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2424.
711 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.
712  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 43: AAS 83 (1991), 846-848.
713 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 38: AAS 83 (1991), 841.
714  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2269.
715  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2438.
716 Gioan Phaolô II, Bài Giáo lý tại buổi triều yết chung (04-02-2004), 3: L’Osservatore
    Romano, bản Anh ngữ, 11-02-2004, p.11.
717 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 17: AAS 80 (1988), 532.
718 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 833.
719  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2432.
720 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.
721  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 832-835.
722  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629.
723 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: AAS 83(1991), 838.
724 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: AAS 83 (1991), 840.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét