A. Từ lao động
tay chân đến lao động tinh thần
1/ Vào thời
xưa, tại nhiều nền văn minh, lao động bị coi là hèn hạ, không xứng với hạng quý
phái. Từ lúc nảy sinh các đế quốc và các giai cấp xã hội, thì lao động được
dành cho giới nô lệ. Các nô lệ không được đối xử như con người. Trong đế quốc
Rôma, sự phân biệt này rất rõ rệt: một bên là những công dân tự do và không
phải là lao công (chính quyền, quân nhân); bên kia là những lao công và nô lệ.
Những công việc nặng nhọc nhất được dành cho các nô lệ; những giai cấp nghèo mà
không làm nô lệ thì làm những công việc nhẹ hơn. Ông Cicêrô và ông Seneca ca
ngợi sự nhàn cư bởi vì nó cao thượng hơn lao động. Bên Ấn độ, các công việc đê
tiện nhất được dành do giai cấp hạ đẳng. Cho đến nay, bên Phi châu, lao động
được dành cho phụ nữ. Điều này không có nghĩa là phụ nữ được thăng tiến giống
như Âu-Mỹ, nhưng ngược lại. Đàn ông đi săn bắn, nhậu nhẹt hoặc tham gia công
chuyện xã hội, còn chuyện chân tay (kể cả làm ruộng) thì dành cho đàn bà.
Nói cho đúng,
không phải tất cả mọi thứ lao động đều bị coi rẻ. Công việc của các thủ công
nghệ (vì đòi hỏi tài trí và sáng tạo) được đánh giá cao, nhưng đại đa số các
người thợ sống trong hòan cảnh cùng cực. Trước khi có những kỹ thuật tân tiến
hiện đại, phần lớn các người thợ phải làm những công việc cực nhọc (như là đào
đất, đập đá, chặt cây) đòi hỏi sức mạnh gân guốc tuy thành quả thâu lượm chẳng
được bao nhiêu.
Trên thực tế,
trong quá khứ, xem ra là điều mỉa mai khi nói rằng con người chế ngự trái đất
bằng lao động (xc. St 1,28). Đúng hơn là trái đất đã chế ngự con người. Mục
tiêu của lao động là kiếm bát cơm để sống, hoặc là xây cất những công trình
dinh thự dành cho các vua chúa, hoặc là phục vụ những kẻ nắm giữ quyền lực.
Trong tâm thức đó, ta dễ hiểu vì sao có sự phân biệt giữa hai thành phần xã
hội: giới thượng lưu được danh giá bởi vì không phải làm việc; giới hạ lưu phải
làm việc và bị đối xử như tôi tớ không chút phẩm giá gì.
2/ Nhờ sự phát
triển của khoa học kỹ thuật, người ta có một quan niệm mới về phẩm giá lao
động. Người công nhân phải học hỏi kỹ thuật, cách điều khiển máy móc và các
dụng vụ tinh vi. Từ đó bộ mặt lao động
được thay đổi. Mức độ sản xuất tăng thêm. Những công việc nặng nhọc thì đã có
máy móc làm. Sự phân biệt giữa lao động “trí tuệ” và lao động “tay chân” được
thu hẹp lại. Các giới tư bản nhận ra tầm quan trọng của lao động trong việc sản
xuất và thay đổi thế giới. Từ đó, người ta xướng ra lý thuyết về giá trị của
lao động trong việc kiến thiết xã hội.
Các công nhân
cũng ý thức về sự đóng góp của mình, vì thế cũng tranh đấu đòi cải thiện điều
kiện làm việc xứng hợp với nhân phẩm. Tuy nhiên, với đà tiến triển của kỹ
thuật, dần dần sự đóng góp của công nhân trong tiến trình sản xuất cũng giảm:
máy móc đã lọai bỏ con người. Tình trạng thất nghịêp gia tăng khắp nơi. Vì thế
cuộc tranh đấu của các công nhân cũng chuyển mục tiêu: quyền lợi đầu tiên của
các công nhân là quyền được làm việc. Từ một nghĩa vụ, lao động trở thành một quyền
lợi.
B. Những sự
tha hóa của người lao công
Thuật ngữ “tha
hóa” (aliénation) được thuyết mác-xít sử dụng để chỉ trích chế độ tư
bản. Chính vì xuất xứ đó cho nên trước đây, thần học công giáo tỏ ra dè dặt khi
sử dụng. Ngày nay, khi phân tích những hoàn cảnh lịch sử, ta thấy có những tình
trạng nói được là tha hóa của người lao công (hay công nhân) dưới nhiều hình
thức.
1/ Khai thác
thân xác của người thợ
Mọi hình thức
lao động đều mang theo mồ hôi và nhọc nhằn. Tuy nhiên, có những công việc đưa
đến cả sự hủy hoại thân xác của người thợ. Điều này đã xảy ra đối với các nô lệ
trong quá khứ, đối với các tù nhân trong các trại tập trung khổ sai. Lao động
không còn phải là “vinh quang” nhưng sát hại người thợ. Đây là dạng tha hóa thứ
nhất.
2/ Khai thác
sức lực của người thợ
Đây là hình
thức tha hóa mà Marx đã chỉ trích chế độ tư bản: người thợ chỉ lãnh được tiền
lương đủ sống, chứ không lãnh trọn thành quả mà mình đã đóng góp. Một phần lợi
tức đã được chủ nhân giữ lại để tích lũy vào số tư bản. Tư bản trở thành chủ
nhân của sự sản xuất. Sự sản xuất không nhằm để thỏa mãn nhu cầu của người thợ,
nhưng là để tăng thêm số vốn, để cho sự sản xuất có thể tăng thêm vô hạn định.
3/ Sự xây dựng
một nền văn minh dành riêng cho một thiểu số
Sự tha hóa thứ
ba nằm ở chỗ người thợ xây dựng một thế giới hòan tòan xa lạ với mình: thế giới
dành cho hạng người dư giả, những khu ăn chơi xa hoa, các dãy khách sạn và nhà
hàng đủ tiện nghi. Lao động và tư bản nằm trong tay chỉ huy của một thiểu số
đại phú, và họ điều khiển nền kinh tế của quốc gia và thậm chí của thế giới
nữa. Các người thợ được thuê mướn để xây dựng những công trình được thiết kế,
nhưng sẽ không được đặt chân vào.
Nên biết rằng
cả ba điều tha hóa vừa rồi không chỉ được áp dụng vào điều kiện của chế độ tư
bản của thế kỷ XIX-XX. Ngày nay, sự tha hóa xảy ra trên một bình diện rộng lớn
hơn của việc toàn cầu hóa, và nội dung cũng không mấy thay đổi: người công nhân
làm việc đầu tắt mặt tối cho những kế họach (của một nhóm tư bản, một chính
phủ, một công ty liên quốc gia), mà họ không hề được bàn hỏi hay góp ý kiến. Họ
cũng chẳng biết ai là chủ nhân của mình.
4/ Sau cùng,
dưới khía cạnh luân lý đạo đức, thì cả chủ lẫn thợ đều có nguy cơ trở thành nô
lệ cho kỹ thuật mà con người đã tạo ra. Tuy nhìn nhận rằng “Lao động là vinh
quang”, nhưng nếu con người chỉ biết lao động chứ không biết nghỉ ngơi thì đâu
còn gì là phẩm giá nữa? Đấng Tạo Hoá cũng nghỉ ngơi để thưởng lãm công trình
của mình cơ mà!
C. Tin mừng lao động7
1/ Từ những
điều vừa nói trên đây, chúng ta thấy vấn đề giá trị lao động có thể được nghiên
cứu từ nhiều khía cạnh: về phía chủ thể hay về phía khách thể cũng như trong
tương quan xã hội.
a) Xét về
phía con người, nghĩa là phía chủ thể làm việc:
- lao động để
phát huy những khả năng của mình
- lao động để
góp ích cho tha nhân (dịch vụ, phục vụ)
- lao động để
có phương tiện sinh sống
- lao động để
gia tăng lợi tức
- lao động để
“nghỉ ngơi”, nghĩa là để có phương tiện thư dãn, hưởng thụ..
b) Xét
về phía sản phẩm: kết quả của lao động
Lao động mang
lại những thành quả vật chất, cung cấp các nhu cầu tối thiểu của nhân loại,
cũng như những thành quả tinh thần (văn hóa nghệ thuật).
c) Xét
về khía cạnh tương quan xã hội
Lao động tạo
ra tương quan giữa người thuê nhân công và người làm công; giữa chủ và thợ.
- Trong các xã
hội cổ truyền, mối tương quan tương đối đơn giản, và được ấn định qua các hợp
đồng, được quy định do đức công bình giao hoán.
- Trong các xã
hội kỹ nghệ, mối tương quan trở nên phức tạp hơn. Nhiều khi “chủ nhân” không
còn là một cá nhân nhưng là một tập đoàn (kể cả Nhà Nước): một công ty vô danh,
với tầm hoạt động quốc tế (các công ty đa quốc gia). Người công nhân không biết
khuôn mặt của những ông chủ đó (tư bản), mà chỉ gặp các trung gian (các doanh
nhân).
2/ “Linh đạo
lao động” (Spiritualité du travail) có thể áp dụng vào khía cạnh thứ
nhất (chủ thể) hơn là những khía cạnh khác. Kinh thánh cung cấp cho chúng ta
nhiều suy tư về ý nghĩa và giá trị của lao động.
a) Trước hết,
thiết tưởng không nên bỏ qua bối cảnh văn hóa của dân Do thái, khác với các xã
hội Hy-lạp Rôma. Israel là một dân tộc gồm những người thợ tự do, và họ chống
lại hết mọi hình thức nô lệ từ bên trong hay bên ngòai (xc. Đnl 15,12-18).
Trong dân Israel, không có sự phân biệt giữa giai cấp thợ thuyền (không có
quyền lợi) và giai cấp thống trị (với đủ hết mọi quyền lợi). Tại đây, không hề
có sự khinh miệt lao động. Kể cả các tư tế và kinh sư đều là những người làm
việc chân tay. Đức Giêsu cũng đã làm việc chân tay, không phải vì là một hình
thức sinh sống ngọai lệ, nhưng vì là một phần tử của dân tộc Israel. Người
không bị khinh thường bởi vì làm việc chân tay. Sự làm việc cũng chẳng phải là
một cách thức thực hành đức khiêm nhường, bởi vì nó không phải là điều hèn hạ.
Thánh Phaolô cũng lớn lên trong văn hóa Do thái.
b) Khi
trình bày “Tin mừng lao động”, các văn kiện của Giáo hội thường nói đến lao
động góp phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, dựa theo sách Sáng
thế. Những đọan văn này quả đáp lại ước nguyện của nền văn minh lao động ngày
nay: nhờ lao động mà con người biến đổi thế giới. Tuy nhiên, đó là nói một cách
tổng quát như một lý tưởng nêu lên cho toàn thể nhân lọai. Khi đi vào hoàn cảnh
cụ thể, ta thấy rằng khó mà nhận thấy sự tham gia vào công trình tạo dựng thế
giới ở nơi các công việc thường ngày: bán hàng, gác cổng, chạy xe, quét đường,
vv. Mặt khác, xem ra trong Cựu ước,
chính những công trình vĩ đại ra như tham gia vào công trình tạo dựng của Thiên
Chúa lại không được ca ngợi; ngược lại là đàng khác, chẳng hạn như tháp Babel,
kim tự tháp Ai cập, dinh thự của vua Salomon bị lên án như công trình của tính
kiêu ngạo, của sự bóc lột bất công (St 11,1-9; 1V 10,14-11,13: Gr 50-51; Ed
26-28).
c) Vì
thế, ta có thể đọc lại những trang Kinh thánh về giá trị lao động dưới một viễn
tượng khác. Thánh Phaolô không coi lao động như là cộng tác vào sự tạo dựng của
Thiên Chúa, nhưng với một động lực rất cụ thể là “ai không làm việc thì đừng
ăn” (2Tx 3,6-8.10-12). Đây không chỉ là một lý do thực tế (tay làm hàm nhai,
tay quai miệng trễ), nhưng còn hàm ngụ cái gì sâu xa hơn, đó là tình liên
đới với nhân lọai. Lao động là một trọng trách được trao cho tất cả nhân
lọai, và hết mọi người đều phải tham gia. Ai không tham gia là tự lọai mình ra
khỏi cộng đồng. Vì thế sự thay đổi thế giới đầu tiên mà ta có thể hình dung
được là thay đổi vật chất thành cơm bánh: lao động nhằm sản xuất lương thực
hằng ngày cho mỗi người. Không ai được phép miễn cho mình khỏi làm việc và dành
miếng ăn của người khác.
d) Lao
động không chỉ góp phần vào việc thay đổi thế giới mà còn đóng góp vào việc thay
đổi chính bản thân của con người. Con người có cơ hội phát triển những tiềm
năng sức lực của mình, vận dụng nghị lực về thể lý và tinh thần của mình, và
tập luyện những đức tính kiên nhẫn, cần cù, liên đới. Thêm vào đó, người Kitô
hữu cũng góp mồ hôi nước mắt của mình vào công trình cứu độ của Đức Kitô
trên thập giá.
e) Cao
điểm của linh đạo lao động là Thánh lễ. Cộng đoàn Hội thánh dâng lên Thiên Chúa
chính những tặng phẩm mà Ngài đã ban cho nhân loại (bánh và rượu), nhưng đồng
thời cũng là sản phẩm do bàn tay con người làm ra. Hội thánh dâng lên Thiên
Chúa bánh và rượu cùng với tất cả những mồ hôi nước mắt, những nỗi nhọc nhằn
của con người, để xin được biến đổi
thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Thánh lễ vừa là hy lễ tạ ơn và dâng hiến, đền tội
và chuyển cầu, vừa loan báo một thế giới mai hậu, khi mà những công việc của
chúng ta sẽ được biến đổi trong thế giới mới (Tông huấn Sacramentum caritatis
số 47).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét