Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

V. “NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ” TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (Chương VII)


a. Toàn cầu hoá: những cơ may và rủi ro
361Kỷ nguyên chúng ta hiện nay đang được đánh dấu bởi một hiện tượng phức tạp, là sự toàn cầu hoá về kinh tế và tài chính: đó là một quá trình tích hợp dần dần các nền kinh tế của các nước qua việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ, cũng như qua những giao dịch tài chính. Trong quá trình này, ngày càng có nhiều người liên quan tới lĩnh vực kinh tế sẽ phải chấp nhận một cái nhìn bao quát hơn mỗi khi lựa chọn làm điều gì có liên quan đến sự tăng trưởng và lợi nhuận trong tương lai. Viễn tượng mới của một xã hội toàn cầu không chỉ đơn giản là ngày càng có nhiều mối quan hệ kinh tế và tài chính giữa các lực lượng của quốc gia đang làm việc tại nhiều nước khác nhau – những lực lượng này lúc nào cũng có – mà còn là bản chất của hệ thống các mối quan hệ đang phát triển này lại đang toả rộng khắp nơi và hoàn toàn bất ngờ chưa từng thấy. Các thị trường tài chính càng ngày càng đóng vai trò trung tâm và mang tính quyết định. Sau khi sự trao đổi vốn và luân chuyển vốn được tự do hoá, các thị trường ấy đã phát triển theo những chiều hướng ngày càng mở rộng đáng kể và nhanh chóng không thể tưởng tượng được, tới mức các nhân viên thị trường này có thể chuyển giao vốn với một số lượng hết sức lớn từ chỗ này sang chỗ khác của hành tinh “ngay trong tích tắc”. Đây là một thực tế đa diện rất khó nắm bắt, vì nó bành trướng ở nhiều cấp độ khác nhau và liên tục tiến hoá theo những hướng mà chúng ta không dễ gì dự đoán.
362Toàn cầu hoá làm nảy sinh nhiều hy vọng mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề phiền phức749. Toàn cầu hoá có thể tạo ra những kết quả khả dĩ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Nhờ những sự phát triển chóng mặt trong lĩnh vực viễn thông, hệ thống quan hệ kinh tế và tài chính đã tăng trưởng tới mức có thể vừa giúp hạ phí tổn truyền thông xuống một cách đáng kể, vừa có được những công nghệ truyền thông mới mẻ, đồng thời thúc đẩy nhanh hơn tiến trình làm cho sự trao đổi thương mại và các giao dịch tài chính được lan rộng khắp thế giới. Nói cách khác, hai hiện tượng toàn cầu hoá kinh tế - tài chính và sự tiến bộ trong công nghệ đã củng cố cho nhau, khiến cho toàn bộ tiến trình chuyển tiếp trong giai đoạn hiện tại được vô cùng nhanh chóng.
Khi phân tích bối cảnh hiện tại, ngoài việc nhận ra các cơ hội đang mở ra trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu, người ta cũng nhận thấy những rủi ro gắn liền với những chiều hướng mới trong các quan hệ thương mại và tài chính. Thật vậy, có nhiều dấu chỉ cho thấy có xu hướngcác sự bất bình đẳng ngày càng tăng cao giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển, cũng như ngay trong chính các nước đã công nghiệp hoá. Những tiến trình trên đây giúp nhiều người càng ngày càng giàu về kinh tế, nhưng cũng làm nhiều người càng ngày càng nghèo đi.
363Chăm lo cho ích chung có nghĩa là phải tận dụng các cơ hội mới để tái phân phối của cải giữa các khu vực khác nhau trên hành tinh, làm sao cho những người kém may mắn được hưởng lợi, những người mà cho đến nay vẫn bị loại trừ hay bị đẩy ra ngoài những tiến bộ xã hội và kinh tế750. “Nói cách vắn gọn, thách đố đặt ra là làm sao bảo đảm cho việc toàn cầu hoá diễn ra trong sự liên đới, một sự toàn cầu hoá mà trong đó không có ai bị gạt ra ngoài”751. Sự tiến bộ về công nghệ này tự nó đã có nguy cơ là không được phân phối công bằng giữa các quốc gia. Thật vậy, những cải tiến công nghệ có thể xâm nhập và lan tràn trong một cộng đồng nào đó chỉ khi nào những người thụ hưởng những cải tiến ấy có một kiến thức và một nguồn tài chính ở mức tối thiểu. Rõ ràng là vì có sự chênh lệnh rất lớn giữa các quốc gia với nhau liên quan tới việc tiếp cận kiến thức kỹ thuật - khoa học và tiếp cận các sản phẩm công nghệ mới mẻ nhất, nên tiến trình toàn cầu hoá cuối cùng đã làm tăng, hơn là làm giảm, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia về sự phát triển kinh tế và xã hội. Với bản chất của sự năng động hiện thời, việc lưu thông nguồn vốn cách tự do tự nó không đủ sức để lấp đầy hố ngăn cách giữa các quốc gia đang phát triển với các quốc gia tiến bộ hơn.
364. Thương mại là một yếu tố căn bản làm nên các quan hệ kinh tế thế giới, góp phần quyết định vào việc chuyên biệt hoá một số kiểu sản xuất và sự tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia. Hiện nay, hơn bao giờ hết, nếu được định hướng thích đáng, thương mại quốc tế sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển, có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, cũng như mang lại những nguồn lợi rất hữu ích. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội vẫn thường kêu gọi mọi người chú ý tới những sai lạc trong hệ thống thương mại thế giới752, mà do những chính sách bảo hộ, thường tỏ ra kỳ thị các sản phẩm đến từ các nước nghèo hơn, và vì thế, cản trở sự tăng trưởng hoạt động công nghiệp trong các nước ấy và cản trở việc chuyển giao công nghệ cho các nước ấy753. Chính vì chứng kiến tình trạng cứ liên tục xấu đi trong việc trao đổi các nguyên liệu thô và sự ngăn cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo, nên huấn quyền xã hội của Giáo Hội đã phải gấp rút nói lên tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đạo đức, kêu gọi lấy đó làm nền tảng cho các quan hệ kinh tế thế giới như: theo đuổi công ích và mục tiêu phổ quát của của cải; công bằng trong các quan hệ thương mại; quan tâm tới quyền lợi và nhu cầu của người nghèo mỗi khi đưa ra chính sách có liên quan tới thương mại và sự hợp tác quốc tế. Bằng không, “các nước nghèo sẽ vẫn cứ nghèo, còn các nước giàu sẽ ngày càng giàu hơn”754.
365. Muốn có một sự liên đới tương xứng trong kỷ nguyên toàn cầu hoá này, người ta phải bảo vệ các quyền của con người. Về điểm này, Huấn Quyền đã chỉ rõ hiện nay người ta không những chưa có được một “cái nhìn về một thẩm quyền quốc tế có năng lực phục vụ các quyền con người, phục vụ tự do và hoà bình, mà trong cộng đồng thế giới, người ta còn do dự rất nhiều về bổn phận phải tôn trọng và phải thực hiện các quyền con người. Bổn phận này có liên hệ đến hết mọi quyền căn bản, không cho phép chúng ta tuỳ tiện chọn lựa quyền nào để từ đó hợp pháp hoá một số hình thức kỳ thị và bất công. Cũng thế, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện một hố ngăn cách đáng báo động giữa một loạt các “quyền” mới đang được cổ vũ tại những nước tiên tiến - kết quả của tình trạng thịnh vượng và áp dụng công nghệ mới mẻ - với những quyền căn bản hơn vẫn chưa được đáp ứng, nhất là tại các nước chậm phát triển. Ở đây, chúng ta muốn nói tới quyền có lương thực và nước sạch, quyền có nhà ở và được an toàn, quyền tự quyết và độc lập chẳng hạn, là những quyền vẫn còn lâu lắm mới được bảo đảm và thực hiện”755.
366Song song với việc toàn cầu hoá ngày càng lan rộng, các tổ chức khác nhau của xã hội dân sự càng phải nhận thức một cách trưởng thành hơn về những nhiệm vụ mới mà mình đang được mời gọi đảm nhận ở cấp độ toàn cầu. Cũng nhờ hành động quyết liệt của các tổ chức ấy mà người ta mới có thể đặt tiến trình phát triển kinh tế và tài chính ở cấp toàn cầu hiện nay vào một khuôn khổ bảo đảm có sự tôn trọng các quyền của cá nhân và của các dân tộc, cũng như bảo đảm có sự phân phối công bằng các nguồn lợi ngay trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau: “sự tự do thương mại chỉ tốt đẹp khi nó phù hợp với những đòi hỏi của công lý”756.
Phải đặc biệt chú ý tới những nét riêng của mỗi địa phương và những sự khác biệt về văn hoá, có thể bị đe doạ bởi tiến trình kinh tế và tài chính đang diễn ra: “Không được coi việc toàn cầu hoá là một phiên bản mới của chế độ thực dân. Toàn cầu hoá phải tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá; đó chính là điểm then chốt để hiểu được cuộc sống trong thế hài hoà phổ quát giữa các dân tộc. Cách riêng, không được lấy đi của người nghèo những gì đối với họ vẫn còn quý giá, kể cả tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của họ, vì những niềm tin tôn giáo chân chính là biểu hiện rõ ràng nhất tự do của con người”757.
367 Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, phải hết sức nhấn mạnh tới sự liên đới giữa các thế hệ. “Trước kia, tại nhiều nơi, tình liên đới giữa các thế hệ là một thái độ rất tự nhiên trong các gia đình; nó cũng đã trở thành một nghĩa vụ bắt buộc trong các cộng đồng”758. Thật là tốt đẹp nếu sự liên đới ấy vẫn được tiếp tục theo đuổi trong các cộng đồng chính trị quốc gia. Nhưng hiện nay, vấn đề này cũng được đặt ra trong cộng đồng chính trị toàn cầu, làm sao cho việc toàn cầu hoá diễn ra mà không làm hại tới những người túng thiếu và yếu kém nhất. Muốn có sự liên đới giữa các thế hệ, cần phải làm sao cho mỗi khi lập kế hoạch toàn cầu, người ta luôn làm đúng nguyên tắc của cải dành cho hết mọi người, và vì thế, sẽ không hợp pháp về mặt luân lý và sẽ phản tác dụng về mặt kinh tế, nếu bắt các thế hệ sau phải chịu gánh nặng là trang trải các phí tổn hiện nay: không hợp pháp về mặt luân lý vì làm như thế là trốn tránh trách nhiệm của chính mình; phản tác dụng về mặt kinh tế vì sửa chữa những sai lầm còn tốn kém hơn là ngăn ngừa chúng. Nguyên tắc này phải được áp dụng ưu tiên – dù không phải là duy nhất – cho các tài nguyên trái đất và cho việc bảo vệ công trình sáng tạo. Việc bảo vệ công trình sáng tạo đã trở thành một vấn đề hết sức tế nhị vì việc toàn cầu hoá làm liên luỵ đến toàn thể hành tinh, mà toàn thể hành tinh này được coi như một hệ sinh thái đơn nhất759.
b. Hệ thống tài chính quốc tế
368. Thị trường tài chính chắc hẳn không phải là một cái gì mới mẻ trong thời đại chúng ta; đã có một thời gian dài, dưới nhiều hình thức khác nhau, các thị trường tài chính tìm cách đáp ứng các nhu cầu tài chính của khu vực sản xuất. Kinh nghiệm lịch sử chỉ cho thấy nếu không có những hệ thống tài chính tương xứng, thì sẽ không có sự tăng trưởng kinh tế. Những sự đầu tư trên quy mô lớn – điển hình của các nền kinh tế thị trường hiện nay – sẽ không thể có được nếu không có vai trò trung gian căn bản của các thị trường tài chính. Một trong nhiều điểm mà các thị trường tài chính ấy mang lại là đã biết đánh giá đúng đắn các vai trò tích cực của tiền tiết kiệm trong sự phát triển toàn diện của hệ thống kinh tế và xã hội. Nếu việc tạo ra cái gọi là “thị trường tư bản toàn cầu” đã mang lại nhiều lợi ích, nhờ tư bản được lưu động dễ dàng hơn mà khu vực sản xuất dễ tiếp cận với các tài nguyên, thì ngược lại, nó cũng làm tăng rủi ro về các cuộc khủng hoảng tài chính. Khu vực tài chính có khối lượng giao dịch tài chính vượt quá xa những giao dịch thật sẽ có nguy cơ phát triển theo tư duy cho rằng chỉ có mình mới là điểm quy chiếu mà không liên kết với những nền tảng thật của nền kinh tế.
369Một nền kinh tế tài chính, lấy mình làm cứu cánh sẽ chắc chắn đi ngược lại mục tiêu của mình, vì nó không còn liên hệ với nguồn gốc của nó, cũng như đã không còn nhìn thấy mục tiêu làm ra nó. Nói cách khác, nó đã đánh mất vai trò nguyên thuỷ và căn bản của mình là phục vụ nền kinh tế đích thực, và cuối cùng, góp phần phát triển dân tộc và cộng đồng nhân loại. Khi nhận thấy rõ sự mất thăng bằng trầm trọng là đặc điểm của hệ thống tài chính quốc tế, bức tranh toàn cảnh trên đây còn trở nên đáng lo ngại hơn nữa: những tiến trình không kiểm soát các thị trường tài chính và hướng cải tiến các thị trường ấy xem ra chỉ được củng cố tại một số nơi trên thế giới. Đây là nguồn của mối quan tâm hệ trọng về đạo đức, vì các quốc gia bị loại khỏi các tiến trình ấy không những không được hưởng các lợi ích đã được tạo ra, mà còn phải chịu các hậu quả tiêu cực do sự bất ổn tài chính gây ra cho các hệ thống kinh tế đích thực, nhất là khi các quốc gia ấy yếu kém hay đang phải chịu thiệt thòi do sự phát triển bị trì trệ760.
Sự tăng tốc đột ngột của các tiến trình ấy, chẳng hạn như sự gia tăng khổng lồ trong giá trị phần đầu tư chứng khoán của các tổ chức tài chính và sự sinh sôi nảy nở hết sức nhanh chóng của các phương tiện tài chính vừa mới mẻ vừa tinh vi, càng bắt chúng ta hơn bao giờ hết phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp mang tính định chế, có thể hỗ trợ cách hữu hiệu sự ổn định của hệ thống, mà không cần phải làm giảm tiềm năng và hiệu năng của hệ thống. Bởi đó, cần phải đưa vào một khuôn khổ quy phạm và có khả năng điều phối để bảo vệ sự ổn định của hệ thống trong mọi biểu hiện phức tạp của nó, đồng thời cổ vũ sự cạnh tranh giữa các đoàn thể trung gian, bảo đảm tính minh bạch cao nhất để các nhà đầu tư có lợi.
c. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu
370Các Nhà Nước sẽ không còn đóng vai trò trung tâm nữa, nhưng bù lại, cộng đồng quốc tế phải dấn thân nhiều hơn để đóng vai trò hướng dẫn mạnh mẽ. Thật vậy, một hậu quả quan trọng của tiến trình toàn cầu hoá là Nhà Nước của mỗi quốc gia mất dần hiệu năng trong việc điều khiển sự năng động của các hệ thống tài chính và kinh tế của quốc gia. Chính phủ các nước nhận thấy hoạt động của mình trong lĩnh vực kinh tế và xã hội càng ngày càng bị điều kiện hoá nhiều hơn bởi những viễn tượng của các thị trường tư bản thế giới, và bởi những yêu sách ngày càng bức bách từ thế giới tài chính nếu Nhà Nước muốn giành được sự tín nhiệm. Vì các mối quan hệ mới mẻ lệ thuộc nhau giữa các người điều hành chương trình toàn cầu hoá ấy, nên xem ra các biện pháp tự vệ truyền thống của các Nhà Nước đã thất bại, và đứng trước những lĩnh vực cạnh tranh mới mẻ ấy, khái niệm về thị trường riêng của mỗi quốc gia đã lùi vào dĩ vãng.
371Hệ thống kinh tế - tài chính trên toàn thế giới càng đạt tới mức phức tạp cao về mặt tổ chức và về chức năng, thì người ta càng cần phải giành ưu tiên cho nhiệm vụ điều hành các tiến trình ấy, hướng chúng đi tới mục tiêu là đạt được công ích cho toàn thể gia đình nhân loại. Đến đây, chúng ta mới thấy rõ nhu cầu cần đáp ứng không những cho các chính phủ mà cả cộng đồng quốc tế là hãy dùng các phương thế chính trị và pháp lý hữu hiệu và thích đáng để đảm nhận công việc tế nhị này.
Bởi đó, các cơ quan kinh tế và tài chính quốc tế cần có khả năng nhận biết các giải pháp thích hợp nhất, mang tính định chế, đồng thời đưa ra được những kế hoạch hành động thích hợp nhất nhằm đem lại sự thay đổi. Đó là một sự thay đổi mà nếu phải thụ động chấp nhận và cứ để mặc cho nó xảy ra, thì sẽ đưa đến một tình thế bi thảm, có hại nhiều nhất cho những giai cấp yếu kém và ít được bảo vệ trong cộng đồng thế giới.
Trong các cơ quan quốc tế, điều cần thiết là các quyền lợi của toàn thể gia đình nhân loại phải được trình bày cách công bằng. Ngoài ra, “khi đánh giá các hậu quả do các quyết định của mình, các cơ quan ấy phải luôn lưu ý đủ tới các dân tộc và các quốc gia không mấy quan trọng trong thị trường quốc tế, nhưng lại đang bị đè nặng bởi các nhu cầu cấp thiết và đáng lo nhất, và vì thế phải cậy nhờ vào sự giúp đỡ của các quốc gia khác để phát triển”761.
372Lĩnh vực chính trị, cũng giống như lĩnh vực kinh tế, phải ở vào một vị trí có thể trải rộng tầm hoạt động của mình vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, nhanh chóng mang chiều hướng hoạt động toàn thế giới, và chỉ có như thế, quốc gia ấy mới có thể điều khiển các tiến trình đang diễn ra, không những đúng theo các thông số của kinh tế mà còn phù hợp với các tiêu chuẩn luân lý. Mục đích căn bản của các nhà chính trị là hướng dẫn các tiến trình kinh tế bằng cách bảo đảm cho phẩm giá và sự phát triển toàn diện của con người được tôn trọng, trong khuôn khổ ích chung762. Lãnh nhận nhiệm vụ này là phải chịu trách nhiệm thúc đẩy nhanh hơn việc củng cố các định chế có sẵn và thành lập các đơn vị mới chịu trách nhiệm về vấn đề này763. Thật vậy, sự phát triển kinh tế sẽ chỉ bền vững bao lâu nó được thực hiện trong một khuôn khổ luật pháp rõ ràng và minh bạch, cũng như trong một kế hoạch rộng lớn để giúp tăng trưởng toàn thể nhân loại về mặt luân lý, dân sự và văn hoá.
d. Một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới
373Một trong những nhiệm vụ căn bản của những người tích cực tham gia vào các vấn đề kinh tế thế giới là làm sao thực hiện cho nhân loại một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới, tức là “phát huy điều tốt của mỗi người và của toàn thể con người”764. Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần phải có một cái nhìn về nền kinh tế thế nào để cả trên cấp độ quốc tế cũng bảo đảm có được sự phân phối công bằng các nguồn lực, đáp ứng được sự lệ thuộc lẫn nhau – về kinh tế, chính trị và văn hoá – đang liên kết mọi người lại với nhau, làm cho họ cảm thấy bị ràng buộc với nhau do có chung một định mệnh duy nhất765. Các vấn đề xã hội đang càng ngày càng mang chiều hướng toàn cầu. Không Nhà Nước nào có thể đối diện và tìm ra giải pháp cho các vấn đề ấy một mình. Các thế hệ hiện nay đã có kinh nghiệm trực tiếp về nhu cầu liên đới và đã nhận thức cụ thể bổn phận phải vượt lên trên nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa766. Càng ngày người ta càng nhận thức rộng rãi hơn về nhu cầu cần phải có những mô hình phát triển, đó là không chỉ tìm cách “nâng mọi dân tộc lên ngang mức mà các nước giàu nhất hiện nay đang hưởng, mà đúng hơn là xây dựng một nếp sống thích đáng hơn thông qua việc lao động chung, nâng cao phẩm giá và sự sáng tạo của mỗi người một cách cụ thể, cũng như giúp mỗi người có khả năng đáp lại thiên chức riêng của mình, từ đó đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa”767.
374Một sự phát triển nhân bản hơn trong tình liên đới cũng đem lại lợi ích cho chính các nước giàu. Tại các nước này, “người ta thường thấy có một nhận thức còn mơ hồ về cuộc sống, tức là thiếu khả năng sống và khả năng trải nghiệm ý nghĩa của cuộc đời cách thích đáng, dù chung quanh họ có dư thừa của cải vật chất. Một cảm nghĩ bị tha hoá và mất mát cái nhân tính riêng của mình đủ làm cho con người thấy mình bị thu nhỏ để đóng vai trò của những răng bánh xe trong guồng máy sản xuất và tiêu thụ, không tìm ra cách nào để khẳng định phẩm giá của mình như những con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa”768. Các nước giàu đã tỏ ra có khả năng tạo ra sự an vui vật chất, nhưng lại thường phải hy sinh con người và các giai cấp xã hội yếu kém hơn. “Người ta không thể không biết tới sự thật: ranh giới giữa giàu với nghèo đan chéo với nhau ngay trong chính các xã hội, bất kể là xã hội đã phát triển hay đang phát triển. Thật vậy, những bất bình đẳng xã hội – thậm chí tới mức sống cơ cực và nghèo khổ – có mặt trong các nước giàu thế nào, thì tương tự như vậy, trong các nước kém phát triển hơn, người ta cũng thường chứng kiến những biểu hiện của sự ích kỷ và một sự phô trương giàu có rất đáng lo ngại và chướng tai gai mắt”769.
e. Nhu cầu cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa về giáo dục và văn hoá
375Theo học thuyết xã hội của Giáo Hội, kinh tế “chỉ là một khía cạnh và là một chiều hướng trong toàn bộ hoạt động của con người. Nếu đời sống kinh tế được tuyệt đối hoá, nếu việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trở thành trung tâm của đời sống xã hội và là giá trị duy nhất của xã hội, không tuỳ thuộc giá trị nào khác, thì đó không phải là vì bản thân hệ thống kinh tế cho bằng vì toàn bộ hệ thống văn hoá-xã hội đã bị suy yếu khi bỏ quên chiều hướng đạo đức và tôn giáo, và rốt cuộc tự giới hạn mình trong khuôn khổ sản xuất hàng hoá và cung ứng các dịch vụ mà thôi”770. Không được giản lược đời sống của con người, cũng như đời sống xã hội của cộng đồng, vào chiều hướng duy vật, cho dù của cải vật chất hết sức cần thiết cho việc tồn tại cũng như để cải thiện chất lượng cuộc sống. “Tăng cường nhận thức về Thiên Chúa và ý thức về bản thân mình nhiều hơn chính là cơ sở để thực hiện bất cứ sự phát triển nào của xã hội loài người771.
376Đứng trước sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và kinh tế, và đứng trước sự thay đổi cũng nhanh chóng trong các tiến trình sản xuất và tiêu thụ, Huấn Quyền cảm thấy cần phải đề ra rất nhiều chương trình đào tạo về giáo dục và văn hoá, vì Giáo Hội nhận thức rằng “đòi hỏi một cuộc sống thoả đáng hơn về mặt chất lượng tự nó là một đòi hỏi chính đáng, nhưng người ta không thể không lưu ý tới các trách nhiệm mới và các nguy cơ mới gắn liền với giai đoạn lịch sử này… Trong lúc chọn lựa ra những nhu cầu mới và những phương thế mới để đáp ứng các nhu cầu ấy, người ta phải luôn luôn để cho mình được hướng dẫn bởi một hình ảnh toàn diện về con người, trong đó mọi chiều hướng của hữu thể con người đều được tôn trọng, các chiều hướng vật chất và tự nhiên phải tuỳ thuộc các chiều hướng nội tâm và tinh thần… Tự bản thân mình, một hệ thống kinh tế không hề có các tiêu chuẩn để phân biệt đúng đắn các hình thức vừa mới mẻ vừa lớn lao hơn để thoả mãn các nhu cầu của con người, với các nhu cầu mới mẻ nhưng giả tạo, cản trở con người vươn tới một nhân cách trưởng thành. Vì thế, công việc giáo dục và văn hoá là hết sức cấp bách, trong đó có việc giáo dục người tiêu thụ biết sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách có trách nhiệm; có việc đào tạo một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ nơi các nhà sản xuất và nơi dân chúng, cách riêng khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; cũng như có sự can thiệp cần thiết của các cơ quan chính quyền”772.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
749  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in America, 20: AAS
    91 (1999), 756.
750  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn với các thành viên tổ chức Thông điệp “Centesimus
    Annus” ủng hộ Đức Giáo hoàng (09-05-1998), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh
    ngữ, 27-05-1998, tr. 6.
751 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 3:AAS 90 (1998), 150.
752  x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 61: AAS 59 (1967), 287.
753  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 43: AAS 80 (1988), 574-575.
754  Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 57: AAS 59 (1967), 285.
755 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2003, 5: AAS 95 (2003), 343.
756  Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 59: AAS 59 (1967), 286.
757 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (27-04-
   2001), 4: AAS 93 (2001), 600.
758 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (11-04-
   2002), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 24-04-2002, tr. 10.
759 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn với các thành viên các Hiệp hội Lao động Kitô giáo tại
   Italia (27-04-2002), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 12-06-2002, tr. 11.
760 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (25-04-
   1997), 6: L’Osservatore Romano, bản Anh Ngữ, 14-05-1997, tr. 5.
761 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 58: AAS 83 (1991), 864.
762  x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 43044: AAS 63 (1971), 431-433.
763 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2440; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio,
   78: AAS 59 (1967), 295; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollictudo Rei Socialis, 43:
   AAS 80 (1988), 574-575.
764 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 14: AAS 59 (1967), 264.
765  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2437-2438.
766  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 13-14: AAS 92
    (2000), 365-366.
767 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 29: AAS 83 (1991), 828-829; x.
   Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 40-42: AAS 59 (1967), 277-278.
768 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại buổi triều yết chung (01-05-1991): L’Osservatore
   Romano, bản Anh ngữ, 06-05-1991, tr. 3. X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo
   Rei Socialis, 9: AAS 80 (1988), 520-523.
769 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 14: AAS 80 (1988), 526-527.
770 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 842.
771  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2441.
772 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: AAS 83 (1991), 838-839.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét