Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

I. Khía cạnh Thánh kinh

Đoạn này gồm ba mục, tương đương với: 1/ Cựu ước. 2/ Tân ước. 3/ Truyền thống Giáo hội. 

A. Nhân loại là một gia đình 

Sách TLHT trình bày ba chặng của Cựu ước liên quan đến mạc khải về sự duy nhất của gia đình nhân loại: 1/ Khởi nguyên. 2/ Babel. 3/ Ngôn sứ 

1/ Vào lúc khởi nguyên (số 428) 

Kinh thánh cung cấp cho chúng ta những nền tảng cho việc suy tư về việc xây dựng cộng đồng quốc tế bao trùm toàn thể nhân loại. Sự duy nhất của gia đình nhân loại dựa trên ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: 

- mọi người đều có phẩm giá ngang nhau vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; 
- con người có tự do; 
- con người sống có tương quan, biểu tượng qua việc tạo dựng người nam và người nữ; 
- con người mang trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ vũ trụ (canh tác cái vườn). 

2/ Thời ông Noe (số 429) 

Có lẽ chúng ta chỉ nhớ đến hình phạt lụt hồng thủy, nhưng sau cơn lụt ấy, Kinh thánh còn nhiều điều khác quan trọng hơn. 

- Thiên Chúa lặp lại lời chúc lành, và hứa sẽ không hủy diệt nhân loại: giao ước với ông Noe. Qua giao ước này, muôn dân biết được những chân lý căn bản của luân lý tự nhiên (tôn trọng sự sống)[1]. 
- Tháp Babel: sự chia rẽ giữa các dân tộc xảy ra do tội kiêu căng của con người. 

3/ Thời các ngôn sứ (số 430) 

Giao ước với ông Abraham mở đầu cho một kế hoạch tập trung nhân loại thành một gia đình. Lúc đầu Israel được Chúa chọn làm dân riêng, và họ nghĩ rằng Chúa chỉ quan tâm đến họ mà thôi. Nhưng các ngôn sứ (cách riêng là Isaia) đã mở rộng nhãn giới: muôn dân sẽ được tụ họp thành một gia đình; hòa bình sẽ ngự trị, thay cho gươm giáo (Is 2, 2-5 ; 66, 18-23). 

B. Đức Kitô là khuôn mẫu và nền tảng của nhân loại mới 

Số 431 rất cô đọng, bởi vì nói đến công trình tái tạo nhân loại được thực hiện nơi Đức Kitô. 

- Nhờ cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau. Người đã phá đổ những bức tường phân cách giữa các dân tộc (Ep 2,12-18). 
- Biến cố Ngũ tuần (Cv 2,6) công bố vai trò của Thánh Linh quy tụ muôn dân về sự hợp nhất tuy vẫn duy trì tính đa dạng, lật ngược lại tìn thế của tháp Babel. 
- Các thánh tông đồ loan báo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân, tập họp họ vào trong một Hội thánh. 

C. Ơn gọi phổ thế của Kitô giáo 

(Số 432) Sứ điệp Kitô giáo cống hiến một cái nhìn phổ cập[2] về đời sống của các cá nhân con người và các dân tộc trên địa cầu, nhờ đó làm sáng tỏ sự duy nhất của gia đình nhân loại. Sự hợp nhất này được xây dựng theo khuôn mẫu của sự thông hiệp của Ba Ngôi, và được thực hiện nhờ sức mạnh tinh thần, chứ không phải do vũ khí. 

Sứ điệp Kitô thúc đẩy sự hợp tác giữa các dân tộc, nhờ ý thức về nguồn gốc chung của nhân loại, nhằm tìm công ích của toàn thể gia đình nhân loại. 
--------------------------




[1] Về tầm quan trọng của giao ước với ông Noe, xem GLCG số 56-58. 
[2] “Phổ thế” (phổ cập, phổ quát): universalis; từ này có nghĩa là “toàn thể”; nếu hiểu về địa lý thì có nghĩa là “toàn cầu”, toàn thể thế giới hoặc toàn thể nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét