Đoạn này bàn về những nguyên tắc luân lý quy định các bang giao quốc tế, gồm hai mục. Mục thứ nhất lặp lại những giá trị chung cho mọi cấp xã hội; mục thứ hai bàn cách riêng đến luân lý dành cho cộng đồng quốc tế.
A. Cộng đồng quốc tế và những giá trị
1/ Hai yếu tố nền tảng để xây dựng một cộng đồng quốc tế là:
a) Lấy nhân vị làm trung tâm. Con người là trung tâm và cứu cánh của các mối tương quan; con người là chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ; con người phải được đối xử như là chủ thể, chứ không phải là đối vật.
b) Các cá nhân và các dân tộc có khuynh hướng muốn tạo ra những mối dây liên kết (số 433).
- Những rào cản sự hợp nhất của gia đình nhân loại: các ý thức hệ duy vật và quốc gia quá khích, chối bỏ giá trị của nhân vị; sự kỳ thị chủng tộc.
- Sự chung sống giữa các dân tộc cần phải dựa trên những giá trị chi phối đời sống xã hội, đó là: chân lý, công bằng, liên đới và tự do.
- Những nguyên tắc mang tính cấu tạo của cộng đồng quốc tế: các mối tương quan được điều hành bởi lý trí, công bằng, pháp lý, đàm phán; loại trừ vũ lực, chiến tranh, kỳ thị, đe dọa, lừa lọc.
2/ Công ích của một quốc gia cũng là công ích của gia đình nhân loại (số 434).
- Trật tự quốc tế cần được bảo đảm bởi pháp lý, nghĩa là công ích của tất cả các dân tộc.
- Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được xây dựng dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia. Hiểu như vậy, cộng đồng quốc tế không giảm thiểu hoặc hủy bỏ những dị biệt và đặc trưng của mỗi dân tộc, nhưng ngược lại, cần phải khuếch trương những đặc trưng ấy.
3/ Huấn quyền nhìn nhận tầm quan trọng của “chủ quyền”[1] mỗi quốc gia. “Chủ quyền” tượng trưng cho sự tự do trong tương quan giữa các quốc gia (số 435).
Mỗi quốc gia được nhìn nhận như là một chủ thể dưới khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. “Chủ quyền” duy trì sự độc lập của quốc gia trước đe dọa xâm lăng, bảo đảm căn tính của một dân tộc.
Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia không có tính cách tuyệt đối. Các quốc gia có thể khước từ một vài quyền lợi, nhằm đạt đến một mục tiêu chung, với ý thức tạo lập nên một gia đình.
B. Những giá trị dựa trên sự hài hòa giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý
1/ Những tương quan giữa các quốc gia cũng cần được điều hành bởi luật luân lý điều hành cuộc sống của con người (số 436).
Luật luân lý được ghi khắc trong tâm khảm con người, diễn tả một thứ “quy phạm” chung cho nhân loại. Tiếng nói của luân lý có sức mạnh đến nỗi không ai có thể dập tắt được.
2/ Việc tôn trọng những nguyên tắc quy định một nền trật tự pháp lý phù hợp với trật tự luân lý cũng là điều kiện cần thiết để trật tự quốc tế được vững bền (số 437).
Những nguyên tắc phổ quát này hiện hữu trước và ở trên luật của quốc gia, đã được hình thành dưới dạng của một “công pháp chư dân”[2], tựa như:
- Chỉ có một nhân loại;
- Tất cả mọi dân tộc đều bình đẳng;
- Khước trừ chiến tranh như phương thế giải quyết các mối tranh chấp;
- Nghĩa vụ hợp tác vào ích chung;
- Nghĩa vụ phải tôn trọng các thỏa ước đã ký kết.
3/ Giải quyết những tranh chấp bằng những quy tắc chung và sự đàm phán, chứ không phải bằng chiến tranh (số 438).
Những yếu tố để xây dựng một nền trật tự quốc tế mới:
- Tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia;
- Bảo vệ những quyền lợi của những nhóm thiểu số;
- Phân phát công bằng những nguyên liệu của trái đất;
- Khước từ vũ lực và giải trừ vũ khí;
- Tôn trọng những thỏa ước đã ký kết (pacta sunt servanda);
- Chấm dứt những cuộc bách hại tôn giáo.
4/ Tạo ra một thẩm quyền pháp lý (authorité juridique) hữu hiệu, như là biểu hiệu của tính cách pháp lý quốc tế (số 439).
Để củng cố vai trò thượng tôn pháp luật, tiên vàn cần củng cố nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau.
Luật quốc tế cần phải tránh đừng để cho luật của kẻ mạnh thắng thế. (Phải tuân theo “sức mạnh của luật, chứ không phải luật của sức mạnh”: la force du droit / droit de la force).
------------
[1] “Chủ quyền” (souveraineté) có nghĩa là tối cao, tối thượng (không có gì ở trên nữa).
[2] ius gentium (droit des gens) là một thuật ngữ đã được các triết gia Rôma sử dụng, theo đó, các công dân Rôma bị chi phối bởi luật “quốc nội” (ius civile, droit civil), còn các dân tộc khác tuân giữ ius gentium. Dần dần, thuật ngữ này được hiểu về một “công pháp”, luật chung có giá trị ở trên luật của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét