Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

III. Sự tổ chức cộng đồng quốc tế

Đoạn trên đây bàn về chiều kích luân lý mang giá trị bền vững; đoạn này bàn đến khía cạnh tổ chức, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Hai đề tài được nêu lên: a) Tổ chức Liên hợp quốc; b) Tòa thánh. 

A. Giá trị của các Tổ chức quốc tế 

Đứng đầu các tổ chức quốc tế là Liên Hợp quốc; nhưng bên cạnh đó còn có những tổ chức chuyên môn khác, cũng như những cơ quan phi chính phủ. 

1/ Giáo hội ủng hộ con đường tiến đến một cộng đồng quốc tế mang hình thức cụ thể là việc thành lập Tổ chức Liên Hợp Quốc vào năm 1945 (số 440). 

Tổ chức này đã góp phần vào việc cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, tự do của các dân tộc và yêu sách phát triển, chuẩn bị nền tảng văn hóa và thể chế để xây dựng hòa bình. Tuy tán đồng những thành quả đã đạt được, nhưng GHXHCG cũng bày tỏ vài dè dặt bởi vì cơ quan này chưa hành động đúng mức. 

2/ Ước muốn đạt đến sự chung sống yên ổn của gia đình nhân loại đã thúc đẩy Huấn quyền nhấn mạnh đến yêu sách thiết lập một quyền bính quốc tế được mọi người nhìn nhận, có quyền hành hữu hiệu để bảo đảm an ninh, thực hiện công bằng và tôn trọng các quyền lợi (số 441). 

Một quyền bính chính trị ở cấp độ cộng đồng quốc tế cần phải được điều hành bởi pháp luật, nhắm tới công ích, và tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Quyền bính này không thay thế hoạt động của các quốc gia, nhưng là giúp cho các quốc gia chu toàn nhiệm vụ, thực thi những quyền lợi và nghĩa vụ của họ. 

3/ Do tính cách toàn cầu của các vấn đề, ngày nay rất cần một chính sách quốc tế đặt mục tiêu là hòa bình và phát triển nhờ những phương thế hợp tác (số 442). 

Sự lệ thuộc hỗ tương giữa các quốc gia về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo đòi hỏi phải xét lại vai trò của các tổ chức quốc tế. 

Mục tiêu duy nhất của các tổ chức quốc tế là công ích, và cần vượt lên những sự tranh giành chính trị hoặc muốn lèo lái các tổ chức này theo mục đích riêng tư. 

Cách riêng, những cơ cấu liên chính phủ cần thi hành hữu hiệu vai trò kiểm soát và hướng dẫn trong lãnh vực kinh tế. 

4/ Huấn quyền nhìn nhận vai trò tích cực của các tổ chức phi chính phủ (ONG, hay NGO), đặc biệt là về sự đóng góp trong lãnh vực tôn trọng nhân quyền, cổ động tình liên đới và hòa bình (số 443). 

B. Tư cách pháp nhân quốc tế của Tòa thánh 

Hai điều khẳng định: một điều liên quan đến hoạt động của Tòa thánh nói chung; một điều liên quan đến cơ quan ngoại giao của Tòa thánh nói riêng. 

1/ Tòa thánh là một chủ thể quốc tế[1], xét như là một quyền bính có chủ quyền thi hành những hành vi riêng biệt mang tính pháp lý: quyền lập pháp, quyền ký thỏa ước, tham gia vào những cơ quan phi chính phủ. Tòa thánh thi hành chủ quyền được cộng đồng quốc tế nhìn nhận (số 444). 

Mục tiêu của hoạt động Tòa thánh là công ích của gia đình nhân loại. 

2/ Một dụng cụ để Tòa thánh thi hành sứ mạng là cơ quan ngoại giao của mình (số 445). 

Mối quan tâm của ngành ngoại giao Tòa thánh là phục vụ con người, bảo vệ sự tự do của Giáo hội, bảo vệ nhân phẩm, cũng như để thiết lập một trật tự xã hội dựa trên những giá trị của công bằng, chân lý, tự do và tình yêu. 
-------



[1] Như sẽ nói trong mục 2, đừng lẫn lộn giữa “Tòa thánh” và “Quốc gia Vatican”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét