Tựa đề của chương này là “cộng đồng quốc tế”. Trong tiếng Hán-Việt, “quốc tế” chỉ có nghĩa “giao thiệp giữa các quốc gia” (tế: giao thiệp), và như vậy dịch sát từ “international” (gốc Latinh inter nationes: giữa các quốc gia). Tự nó, mối liên lạc giữa hai quốc gia đã đủ để mang danh “international” (thí dụ một trận túc cầu giữa đội Việt Nam và đội Căm-bốt đã có thể được gọi là trận cầu “quốc tế”). Tuy nhiên, trong bài này, khi nói đến “cộng đồng quốc tế” (international community) thì từ “international” được dùng theo nghĩa rộng hơn, không những bao gồm nhiều quốc gia mà thậm chí tất cả các quốc gia trên thế giới, nghĩa là toàn thể nhân loại được quan niệm như một gia đình.
Không rõ ý tưởng “gia đình nhân loại” đã ra đời từ lúc nào. Bên Đông phương cũng có khái niệm “tứ hải giai huynh đệ”. Trên thực tế, có lẽ thuật ngữ này muốn nói đến tình nghĩa giữa các cá nhân của loài người, chứ không áp dụng cho các cộng đồng. Lịch sử đã cho chúng ta thấy cảnh “cá lớn nuốt cá bé”, nước mạnh xâm chiếm nước yếu, bắt nước này phải phục tùng nếu chưa nói là bị thôn tính. Dân tộc Việt Nam chuyên bị phương Bắc lăm le bắt làm chư hầu của “thiên triều”, nhưng mặt khác, dân Việt cũng đã thôn tính và tiêu diệt các nước Lâm ấp (Chiêm thành), Chân lạp, đến độ xóa nhòa chúng khỏi bản đồ thế giới.
Qua kinh nghiệm của nước nhà, chúng ta có thể đọc lịch sử thế giới như là một chuỗi những cuộc xâm lăng của các đế quốc để mở mang bờ cõi. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các đế quốc không chỉ hùng mạnh về lực lượng quân sự mà còn về văn hóa nữa. Các đế quốc thời cổ (Ai cập, Ba-tư, Ấn độ, Trung hoa) là những thí dụ điển hình về sự liên kết giữa lực lượng quân sự và trung tâm văn hóa; kế đó là đế quốc Rôma (thống trị lâu dài nhất, từ đầu Công nguyên cho đến khi thủ đô Constantinopolis thất thủ năm 1453); đế quốc Ả-rập (và Thổ nhĩ kỳ) vào thời Trung cổ, và các đế quốc Anh, Pháp vào thời cận đại. Thế kỷ XX được ghi dấu bởi những cuộc xung đột của các cường quốc muốn thiết lập “bá quyền” của mình (quân sự, ý thức hệ, văn hóa, kinh tế).
Trong bối cảnh lịch sử như vậy, khó lòng chấp nhận sự “bình đẳng” giữa tất cả các quốc gia. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa khi chúng ta biết rằng khái niệm “quốc gia” không có gì rõ ràng: trong một quốc gia có thể có nhiều “dân tộc” (Việt Nam là một trường hợp điển hình), và nếu mỗi dân tộc cũng đòi hỏi quyền tự trị, thì liệu cái thực thể quốc gia còn tồn tại nữa chăng? Vấn đề tương tự cũng được đặt ra trong các tổ chức quốc tế hiện nay: thế nào là chủ quyền của quốc gia? Chủ quyền này bất khả xâm phạm, hay có lúc nào đó, quốc gia phải hy sinh một phần chủ quyền vì ích lợi của “khối” hoặc của “tổ chức quốc tế”?
Chính vì tính cách phức tạp của vấn đề, cho nên chúng ta thấy rằng Sách TLHT phải tách biệt ra hai khía cạnh: một đàng là khía cạnh triết lý và luân lý, mang tính cách nguyên tắc bền vững; đàng khác là khía cạnh kỹ thuật, tùy thuộc vào sự tiến triển lịch sử.
B. Những nguyên tắc triết lý nền tảng của cộng đồng quốc tế
Trong thế kỷ XX, các tổ chức quốc tế (Hội Quốc tế, Liên Hợp quốc) đã thành hình sau mỗi thế chiến, xem ra nhằm mục tiêu xây dựng hòa bình, tránh những cuộc xung đột. Bên cạnh đó, còn có những tổ chức quốc tế được thành lập cho một mục tiêu cụ thể, thí dụ văn hóa (UNESCO), lương thực (FAO), di cư (UNHCR). Ngoài ra còn có những khối quân sự (thí dụ NATO), kinh tế (Thị trường châu Âu, ASEAN) giới hạn trong một vùng.
Sách TLHT (số 433) tìm thấy một nền tảng chung ở nơi tất cả các hình thức liên minh giữa các quốc gia và quốc gia, là khuynh hướng tự nhiên của con người muốn sống thành xã hội. Nói cho cùng, điều này có giá trị cho bất cứ hình thức xã hội nào, chứ không riêng gì của cộng đồng quốc tế. Có lẽ điều đặc trưng nằm ở chỗ là: tất cả mọi người đều là nhân vị, bình đẳng về phẩm giá (cho dù là người Âu Mỹ, hay người Á Phi), vì vậy họp thành một cộng đồng duy nhất, vượt lên trên biên cương dân tộc hay quốc gia.
Người ta có thể hình dung rằng vòng “xã hội tính” được nới rộng dần dần: từ bộ lạc, sang làng mạc, tộc, dân, nước và cuối cùng là thế giới. Như chúng ta đã biết, biên cương của các quốc gia trên thế giới ngày nay không giống như cách đây 100 năm, 500 năm, 1000 năm về trước. Điều này có nghĩa là qua dòng thời gian, các quan niệm về dân tộc và quốc gia đã thay đổi nhiều[1]. Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng quốc tế cần được đặt nền tảng trên niềm thâm tín rằng: tất cả nhân loại họp thành một dòng giống duy nhất, và do đó loại bỏ tất cả mọi kỳ thị dựa trên màu da, sắc tộc, như đã từng xảy ra trong quá khứ, đưa đến chính sách diệt chủng (génocide) hoặc kỳ thị chủng tộc (racisme). Tương tự như vậy, một chế độ “quốc gia” (patriotisme, nationalisme) cực đoan (quen gọi là chauvinisme) cũng làm thiệt hại tình huynh đệ đại đồng.
---------
[1] Trong bài trước, chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa: dân tộc (people), quốc gia (nation), nhà nước (state), tuy rằng các từ ngữ này thường được dùng lẫn lộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét