Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

IV. Sự hợp tác quốc tế nhắm đến sự phát triển

Đoạn này bàn về một khía cạnh của sự hợp tác giữa các quốc gia: sự phát triển các dân tộc, chia làm ba mục: 1/ nguyên tắc: quyền lợi và nghĩa vụ đặt ra do sự phát triển; 2/ vấn đề cụ thể: chống nạn nghèo đói; 3/ vấn đề cụ thể: nợ nước ngoài. 

A. Hợp tác để đảm bảo quyền phát triển 

1/ Việc giải quyết sự phát triển đòi hỏi sự hợp tác giữa các cộng đồng chính trị nhằm vượt qua những nguyên nhân của sự kém mở mang (số 446). 

Các nguyên nhân ấy là kết quả của những sự lựa chọn sai lầm, của những cơ chế kinh tế, tài chánh và xã hội, và những “cấu trúc của tội lỗi”[1]. 

Tuy vậy, cần phải đối phó với những khó khăn với sự quyết tâm kiên trì, bởi vì sự phát triển không chỉ là một khát vọng mà còn là một quyền lợi, và mọi quyền lợi đều hàm ngụ một nghĩa vụ. Sự hợp tác vào sự phát triển toàn diện con người và mỗi người là một nghĩa vụ đối với mọi người, và đồng thời, phải là chung cho tất cả bốn phương trời, Đông Tây, Bắc Nam. 

Những nguyên tắc nền tảng của quyền phát triển: 

- Gia đình nhân loại có cùng một nguồn gốc và chung một định mệnh. 
- Sự bình đẳng giữa các cá nhân và các cộng đồng dựa trên phẩm giá con người. 
- Mọi tài sản trên trái đất nhắm đến phục vụ cho toàn thể nhân loại. 
- Quan điểm về sự phát triển toàn diện: phát triển tất cả con người và tất cả mọi người. 
- Lấy nhân vị làm trung tâm. 
- Tình liên đới. 

2/ GHXH tán thành những hình thức hợp tác có khả năng đưa tất cả các quốc gia lâm cảnh nghèo đói tiến đến thị trường quốc tế (số 447). 

Điều quan trọng là thị trường quốc tế được xây dựng không phải trên nguyên tắc đơn phương của việc khai thác nguồn lực thiên nhiên, nhưng là trên sự đánh giá các tài nguyên nhân lực (CA 33). 

Những nguyên tắc đưa đến tình trạng kém phát triển: nạn mù chữ; sự bất ổn lương thực; thiếu thốn các cơ cấu và dịch vụ; thiếu những biện pháp bảo đảm y tế cơ bản; thiếu nước uống; tham nhũng; tình trạng bấp bênh của các thể chế và đời sống chính trị; thiếu tự do, thiếu sáng kiến kinh tế; thiếu chính quyền có khả năng thiết lập hệ thống giáo dục và thông tin. 

3/ Tinh thần hợp tác quốc tế đòi hỏi rằng, bên trên lý luận chật hẹp của thị trường, cần phát triển ý thức về nghĩa vụ liên đới, công bằng xã hội và bác ái quốc tế (số 448), bởi vì có một món nợ đối với con người xét vì phẩm giá cao quý của nó. 

B. Chống nghèo đói 

Khởi đầu một ngàn năm mới, cảnh nghèo đói của hằng tỉ người là một vấn đề chất vấn lương tâm con người và Kitô hữu của chúng ta (số 449). 

Sự nghèo đói đặt ra vấn đề công bằng: sự chênh lệch trong sự phát triển khiến cho nhiều dân tộc không được ngồi vào một bàn chung. 

Động lực của việc chống lại sự nghèo đói là lòng thương yêu ưu tiên dành cho người nghèo. 

Giáo hội không ngừng nhắc nhở các nguyên tắc tựa như: tài sản nhắm đến mọi người; tình liên đới (tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau) kèm theo nguyên tắc hỗ trợ (thôi thúc tinh thần sáng khởi ngay tại các nước nghèo). 

Không nên coi những người nghèo như là một vấn đề, nhưng như là những chủ thể có khả năng đạt được một tương lai xứng với nhân đạo hơn. 

C. Nợ nần nước ngoài 

Quyền phát triển cần lưu ý đến những vấn đến liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ nần của nhiều nước nghèo (số 450). 

Nguyên nhân của nợ người ngoài: hối đoái lên xuống; đầu cơ tài chính; chủ nghĩa tân thực dân về kinh tế; tham nhũng hoặc phung phí tài sản quốc gia; sử dụng tiền vay không phù hợp với mục đích. 

Tuy vẫn tôn trọng nguyên tắc phải trả nợ đã vay, nhưng cần phải tìm ra những phương sách nhằm bảo đảm cho các dân tộc quyền được tồn tại và được tiến bộ. 

------



[1] Xc. Thông điệp Sollicitudo rei socialis 36-37, được TLHT giải thích ở số 119.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét