Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

V. Suy tư Kinh thánh

Sách TLHT mở đầu mỗi chương bằng việc tìm hiểu nền tảng Kinh thánh của vấn đề. Lời Chúa mang lại ánh sáng cho những suy tư của chúng ta. Tuy nhiên, chúng tôi đặt phần suy tư ở cuối vì hai lý do chính: thứ nhất, những lý luận của Kinh thánh chỉ có giá trị cho các Kitô hữu, chứ không thể thuyết phục những người khác tín ngưỡng với chúng ta; thứ hai, có nhiều cách tiếp cận Kinh thánh. Ở đây chúng tôi muốn dừng lại ở lý do thứ hai. Kinh thánh nói gì về gia đình nhân loại? Các Kitô hữu đã hiểu thế nào về cộng đồng nhân loại? 

A. Lịch sử mạc khải 

Kinh thánh nói gì về “cộng đồng quốc tế”? Không dễ gì tìm được câu trả lời. Thoạt tiên, chúng ta có cảm tưởng rằng theo Kinh thánh, vào lúc đầu nhân loại là một “gia đình duy nhất”, nhưng sau đó đã bị phân tán vì tội lỗi (tháp Babel). Nhờ công trình cứu chuộc của đức Kitô, những bức tường chia rẽ đã bị phá hủy, nhân loại tìm lại được sự hợp nhất, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa và với nhau. 

Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sử mạc khải Cựu và Tân ước cũng như lịch sử Hội thánh, người ta nhận thấy rằng câu chuyện phức tạp hơn nhiều. 

1/ Cựu ước 

Lịch sử mạc khải Cựu ước không bắt đầu từ nguyên tổ Ađam, xuống tới ông Noe, rồi tiếp tục đến Abraham, Mosê, các ngôn sứ, vv. Thực vậy, các sử gia thời nay cho rằng cần khởi đi từ Mosê: dân Israel ý thức rằng mình được Thiên Chúa chọn làm dân riêng. Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với họ, đã ban cho họ một vùng đất làm quê hương. Israel là một dân tộc ưu tuyển giữa ngàn dân. 

Kinh nghiệm đau thương của sự mất nước và lưu đày sang Babylon đã làm thay đổi hình ảnh đó. Thiên Chúa (Giavê) không chỉ là một Chúa của dân Israel bên cạnh những Chúa khác, nhưng là Chúa của hết mọi dân: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn vật, muôn dân. Thiên Chúa đã ký kết với Israel một giao ước trên núi Sinai, nhưng Ngài cũng thiết lập một giao ước với muôn dân được đại biểu nơi ông Noe (Sách Sáng thế chương 9). 

Nói cách khác, ý thức về Thiên Chúa chung cho tất cả mọi dân đã được tiến triển dần dần. Ngôn sứ Isaia tiên báo rằng vào thời cánh chung, muôn dân sẽ tiến về Sion để thờ lạy Giavê. 

2/ Tân ước 

Đức Giêsu xuất hiện như là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ loan báo. Tiếc rằng dân tộc Israel có một ý tưởng sai lệch về Người: họ tưởng rằng đức Giêsu sẽ khôi phục vương triều Đavit. Đức Giêsu lại tuyên bố rằng Người đến thiết lập Nước Thiên Chúa (triều đại, vương quốc Thiên Chúa), nhưng vương quốc này không còn gắn liền với một dân tộc, một lãnh thổ như trong Cựu ước. Nước Thiên Chúa bao trùm tất cả muôn dân. 

Lời giảng của đức Giêsu chứa đựng mầm mống cho sự hợp nhất của gia đình nhân loại, khi Người cho biết rằng Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, và muôn dân từ Đông sang Tây sẽ được tập họp vào gia đình của Chúa. 

3/ Lịch sử Hội thánh 

Thánh Phaolô được mệnh danh là “Tông đồ của dân ngoại”, bởi vì Người mang Tin mừng cứu độ đến với Dân ngoại, loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho họ nữa, chứ không giới hạn vào dân tộc Israel. 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phác họa đại cương. Trải qua hai ngàn năm lịch sử, đã có nhiều mô hình nảy sinh liên quan đến sự quy tụ gia đình nhân loại. 

- Đã có một thời mà người ta nghĩ rằng sự duy nhất của gia đình nhân loại được thể hiện nhờ một đế quốc chính trị. Đó là giấc mơ của nhiều giáo phụ vào thời hoàng đế Constantinô: Chúa dùng bàn tay của hoàng đế để quy tụ các dân nước vào trong Hội thánh. Giấc mơ này vẫn còn tái diễn vào thời Trung cổ (chẳng hạn như với hoàng đế Charlemagne) và cận đại (các đế chế công giáo của Tây ban nha, Bồ đào nha, Pháp, vv). Với mô hình này, Giáo hội và thế quyền dễ trà trộn với nhau. 
- Vào những thế kỷ gần đây, người ta ý thức rõ rệt hơn sự phân biệt giữa “đạo / đời”. Kế hoạch của Thiên Chúa muốn quy tụ muôn dân nên một được hiểu về “đạo”, nghĩa là Hội thánh, đoàn dân nhìn nhận đức Kitô là Đấng cứu chuộc, chứ không phải về một “cộng đồng chính trị” (chẳng hạn một đế quốc). 

Đến đây người ta tự hỏi: Kinh thánh có nói gì về sự duy nhất của nhân loại hiểu như một cộng đồng chính trị không? Đồng thời, một câu hỏi khác cũng được đặt ra. Ngày nay, chúng ta phân biệt Hội thánh khỏi các thể chế chính trị; nhưng đến thời cánh chung, có còn sự phân biệt ấy nữa không? Phải chăng vào thời cánh chung, các thể chế chính trị sẽ biến, Hội thánh cũng sẽ biến, và chỉ còn lại gia đình nhân loại được quy tụ nên một Dân của Thiên Chúa?[1]

B. Những hệ luận cho hoạt động truyền giáo 

Ngay từ khi được thành lập, Hội thánh đã ý thức rằng sứ mạng của mình bao trùm toàn thể nhân loại, theo như Chúa Phục sinh đã nói: “Hãy đi rao giảng Tin mừng khắp muôn dân” (Mc 16,15). Biến cố lễ Ngũ tuần được coi như lật ngược lại biến cố Babel. Babel đánh dấu sự phân tán nhân loại vì ngôn ngữ bất đồng, lễ Ngũ tuần biểu lộ sự hợp nhất bất chấp sự khác biệt ngôn ngữ (Cv 2,8-11). Hội thánh là một cộng đồng có khả năng đón nhận hết mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. 

Như vừa nói, trong quá khứ, đã có lúc Hội thánh nghĩ rằng sự thống nhất nhân loại được thành tựu qua sự thống trị của một thể chế dân sự. Ngày nay, người ta không còn nghĩ như vậy nữa: Nước Thiên Chúa không bị đồng hóa với bất cứ một thể chế nào của nhân loại, dù đó là một đế quốc hay một hợp chủng quốc, và kể cả cơ cấu hữu hình của Hội thánh. Không ai biết được hình thù của “dân Thiên Chúa” vào thời cánh chung sẽ như thế nào. Đang khi chờ đợi, Hội thánh cố gắng xây dựng sự hợp nhất của nhân loại nhờ những chân lý được mạc khải cũng như nhờ quyền năng của Thánh Linh. 

Hội thánh tìm thấy trong Kinh thánh những chân lý nền tảng cho việc xây dựng một gia đình nhân loại: 

- Tất cả nhân loại có cùng một nguồn gốc và một định mệnh chung, như thánh Phaolô đã tuyên bố tại Athènes (Cv 17.26-28). 
- Ở bình diện siêu nhiên, Hội thánh đã được trang bị với những yếu tố xây dựng sự hợp nhất: “một thân thể, một Thần khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Ep 4,4-6). 
- Hiện nay, Hội thánh là dấu chỉ và dụng cụ của sự hợp nhất của nhân loại, bởi vì các thành phần của Hội thánh thuộc nhiều sắc tộc, ngôn ngữ khác nhau, song vẫn tuyên xưng một đức tin duy nhất, và tương trợ lẫn nhau nhờ đức ái. 
- Trên đường tiến tới sự hợp nhất, Hội thánh cố gắng dung hòa sự quân bình giữa hai yêu sách: duy nhất và đa dạng. Sự duy nhất không hủy bỏ vẻ phong phú của tính đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ. Sự đa dạng không được phép phá vỡ sự duy nhất của đức tin và thể chế. Khuôn mẫu của sự duy nhất trong đa dạng cần được học từ sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba ngôi. Xem thêm Sách GLCG số 813-814 (Hội thánh duy nhất trong đa dạng), số 830-831 (Hội thánh công giáo). 

Kết luận 

Có lẽ do hoàn cảnh đặc biệt của quốc gia, chúng ta vẫn sống trong một não trạng bị “cấm vận”, ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế, ngay cả những vấn đề trong vùng ASEAN. 

1/ Dù sao, chương Chín này cũng cung cấp cho ta vài suy nghĩ, cách riêng khi có dịp tiếp xúc với các người “dân tộc”. Như đã có dịp nhận xét trong bài trước, tên gọi “dân tộc” không chính xác: phải chăng người Việt không phải là “dân tộc” hay sao? Như thế gọi những nhóm người này bằng từ ngữ gì: Mọi, Thượng, Thiểu số ? Tuy danh xưng quan trọng, nhưng cách chúng ta cư xử với họ mới là điều đáng nói hơn nữa. Chúng ta có thể đối xử với họ cách bình đẳng không? Chúng ta phải giúp họ bảo vệ văn hóa của họ, hay phải giúp họ vượt qua điều kiện “chậm tiến” của họ? Không dễ gì tìm câu trả lời. 

2/ Một vấn đề khác được đặt ra do hiện tượng “toàn cầu hóa”, với nhiều hậu quả về kinh tế, chính trị, thương mại, văn hóa. Sách TLHT đã đề cập đến vấn đề này ở chương Bảy (số 361-372). Hiện tượng này mang lại nhiều điều tích cực và tiêu cực. Dù sao, trong bối cảnh này, người ta thấy rõ hơn rằng thế giới là một cái làng nhỏ, và tất cả mọi chuyện xảy ra trong làng đều có ảnh hưởng đến tất cả các người dân trong làng. Vì thế tương quan giữa các quốc gia đã thay đổi từ chỗ “dependence” (lệ thuộc, của nước yếu vào nước mạnh), sang qua “independence” (độc lập, tự trị), và đến chỗ “interdependence” (hỗ tương). 


-----



[1] Xc. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế về Hội thánh số 9; Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 39. Xem thêm TLHT số 52-55; 56-58.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét