Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

II. Những nguyên tắc luân lý

Trong những chương vừa rồi, chúng ta nhận thấy rằng mỗi khi can thiệp vào chuyện thế sự (lao động, kinh tế, chính trị), Giáo hội nhìn từ góc cạnh luân lý, chứ không phải từ góc cạnh kỹ thuật. Đó cũng là lối tiếp cận trong vấn đề cộng đồng quốc tế[1]. 

A. Luân lý và Pháp lý (Droit) 

Như đã thấy trong những chương trước đây, GHXH nhấn mạnh rằng các hành vi kinh tế chính trị đều phải tuân thủ các nguyên tắc luân lý. Điều này cũng đúng đối với các bang giao quốc tế (TLHT số 433; 436). 

Sách TLHT nhắc lại những nguyên tắc điều hành các mối tương quan xã hội đã được trình bày trước đây, chẳng hạn như: 

- Việc tìm kiếm công ích (TLHT số 433). Đối với cộng đồng quốc tế thì đó là “công ích của nhân loại” (TLHT số 442). 
- Những giá trị cần phải bảo vệ là: chân lý, công bằng, liên đới, tự do. Bốn cột trụ này được phát biểu trong thông điệp Pacem in terris, và đã được giải thích trong phần tổng quát của sách TLHT (số 197 tt). 

B. Luật quốc tế 

Trong tương quan xã hội, những giá trị luân lý cần được diễn tả thành quy tắc pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý sự khác biệt giữa cái “Pháp” và cái “Luật” (trong tiếng Pháp là “Droit” và “Loi”; tiếng Anh không có sự phân biệt này). 

- Droit (tương đương với Ius trong tiếng La-tinh) - tạm dịch là “Pháp” - là cái ngay thẳng, hay nói cụ thể hơn, cái gì thuộc về một người nào đó. Công lý hay công bằng là như thế: của ai thì trả lại cho người đó. Trong tương quan xã hội, bên cạnh “công bằng giao hoán” (trao đổi: iustitia commutativa), còn có “công bằng phân phối” (iustitia distributiva) và “công bằng xã hội” (iustitia socialis)[2]. Chúng ta đã đề cập điểm này trong chương trước đây khi bình luận khái niệm “Quốc gia pháp trị” (Etat de Droit: TLHT số 406; 408; 423)[3]. 
- Các “Luật” (Loi) xác định những gì là quyền lợi và nghĩa vụ giữa các phần tử; nhưng không phải mọi luật lệ đều hợp với Pháp (công lý). Pháp chế các quốc gia đều dự trù những định chế để kiện những đạo luật bất hợp hiến hay bất hợp pháp. 

Khi bước sang lãnh vực quốc tế, chúng ta gặp thấy hai vấn đề khó khăn: 1/ Ai có thẩm quyền ban hành các luật? Ai có thẩm quyền lập pháp trong lãnh vực quốc tế? 2/ Ai có thẩm quyền cưỡng bách việc thi hành luật quốc tế, và chế tài khi có sự vi phạm? 

Cho đến nay, hai câu hỏi này chưa được giải đáp, hay nói đúng hơn là chưa có giải pháp. 

GHXH tìm cách bù đắp vào hai lỗ hổng đó bằng cách đưa ra hai đề nghị: 

1/ Tương quan quốc tế cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “Pháp trị” (TLHT số 434), như đã nói về quyền bính trong quốc gia. Mặc dù chưa có cơ quan lập pháp cho luật quốc tế, nhưng đã có những truyền thống pháp lý điều hành các tương quan giữa các xã hội: luật tự nhiên, luật chư dân (droit des gens)[4]. Truyền thống “bất thành văn” này là nền tảng của các thỏa ước quốc tế, cũng như cho công pháp quốc tế (TLHT số 437). Nói cho cùng, đó là luật của lý trí, thay cho luật của vũ lực (luật rừng). 

2/ Cần tiến tới việc thiết lập một “quyền bính quốc tế hữu hiệu”, có khả năng bảo đảm an ninh, tôn trọng công lý và các quyền lợi, hay nói tắt là: “Công ích quốc tế”. GHXH dùng thuật ngữ “universal public authority” (TLHT số 441, trích dẫn Gaudium et spes 82; Pacem in terris 55; Populorum progressio 78)[5]. Đề tài cũng được lặp lại trong thông điệp Caritas in veritate số 67. 


-----



[1] Sách GLCG đề cập đến những vấn đề này ở các số 1882; 1911; 2437-2441. 
[2] Xc. TLHT số 201; GLCG số 2411; 2236. 
[3] Tiếng Việt (và tiếng Anh) thiếu nhiều từ ngữ chuyên môn để dịch các từ trong nguyên gốc Latinh, thí dụ như Ius (đối tượng của iustitia: công lý, công bằng), được dịch sang tiếng Pháp là Droit, nhưng tiếng Anh là Law (luật); như đã nói trên đây, “pháp” và “luật” không đồng nghĩa. Ordo iuridicus (gốc bởi ius, iuris) được dịch là ordre juridique (Pháp), juridic order (Anh), “trật tự pháp lý”. Đừng quên rằng trật tự này dựa trên “công lý” chứ không phải là “luật” của Nhà Nước. 
[4] Xc. TLHT số 437 
[5] Xin nhắc lại sự phân biệt giữa “authority” và “power” đã nói trong bài trước. Ở đây chúng ta nói đến “authority”, một thứ “thẩm quyền pháp lý” (juridical authority): TLHT số 439.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét