Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

IV. Hợp tác để phát triển

Sự hợp tác giữa các quốc gia mang nhiều hình thức: văn hóa, quân sự, kinh tế, vv. Trong chương 9, sách TLHT bàn đến một đề tài: hợp tác để phát triển. 

A. Lịch sử vấn đề này khá phức tạp. Trong quá khứ, các nước Âu châu chiếm thuộc địa để khai thác tài nguyên. Mặc dầu chính sách thuộc địa đã cáo chung, nhưng ý đồ khai thác nhiên liệu vẫn tiếp tục dưới hình dạng khác, tinh vi hơn và thâm độc hơn. Mặt khác, chính sách thuộc địa kinh tế cũng kèm theo công tác “khai hóa” cho dân bị trị, với những ý đồ khác nhau, hoặc công tác “viện trợ”, “phát triển” ở các nước nghèo. 

B. GHXH muốn đặt lại vấn đề trong bối cảnh tình liên đới các dân tộc, với dấu mốc là thông điệp Populorum progressio của đức Phaolô VI (26/5/1967), được cập nhật với thông điệp Sollicitudo rei socialis của đức Gioan Phaolô II (30/12/1987) và Caritas in veritate (29/6/2009) của đức Bênêđictô XVI. 

1/ Những nguyên tắc 

Trong số những nguyên tắc luân lý mà GHXH nhấn mạnh, chúng ta nên lưu ý đến nguyên tắc: “phát triển toàn diện” (xc. TLHT số 373, trưng dẫn Populorum progressio), nghĩa là phát triển toàn thể con người, gồm cả tinh thần (trong đó có tín ngưỡng) lẫn vật chất, cũng như phát triển tất cả mọi người, làm sao để giảm bớt sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo. 

Quan điểm này cũng được lặp lại trong các văn kiện Tòa thánh về việc truyền giáo, chẳng hạn như tông huấn Evangelii nuntiandi (số 30-36) của đức Phaolô VI và thông điệp Redemptoris missio (số 58-59) của đức Gioan Phaolô II. Cần phải tránh hai thái cực: có khi ta chỉ lo đến phần rỗi linh hồn mà không quan tâm đến nâng cao đời sống vật chất; đối lại, đôi khi chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế và bỏ qua việc rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Dù sao, một khía cạnh cần đặt nặng trong sự hợp tác là nâng cao trình độ giáo dục (Caritas in veritate số 61). 

2/ Những nguyên nhân 

Sách TLHT không quên phân tích những nguyên nhân của sự kém phát triển (số 447) cũng như những nguyên nhân của nợ nước ngoài (số 450), mà lỗi có thể quy về phía các nước nghèo cũng như về phía các nước giàu. Điều này cũng đã được sách GLCG đề cập ở các số 2438-2440. 

Trong lãnh vực này, ngoài những nguyên tắc dựa trên công bằng và liên đới[1], các Kitô hữu còn được thúc đẩy bởi đức ái, khi biết rằng Chúa đồng hóa mình với những người nghèo, người bị bỏ rơi. Sách TLHT bàn đến nguyên tắc này ở phần cơ bản (số 184). 

Khía cạnh này có thể đào sâu thêm bằng cách học hỏi thông điệp Caritas in veritate, đặc biệt trong khung cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay 

Có thể đối chiếu vài nguyên tắc căn bản: 

- Yêu thương: 1, 2, 5a, 6b, 52, 77, 79 
- Chân lý: 1, 3, 4, 8, 9b, 18, 52, 70, 73, 77, 79 
- Công bằng: 6, 7, 35a, 37b 
- Công ích: 7, 36a, 71, 73 
- Huynh đệ: 19, 20, 73 
- Tự do có trách nhiệm: 17, 40, 68, 70, 73 
- Hỗ trợ: 57, 58, 60 
- Liên đới: 38, 58 


----

[1] Một số nguyên tắc này đã được đề cập ở phần tổng quát hoặc ở các chương trước, chẳng hạn như: Những quyền lợi của con người và những quyền lợi của các dân tộc; Mọi tài sản đều được nhằm phục vụ toàn thể nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét