Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

III. Những hình thức lịch sử

Trải qua lịch sử, đã có nhiều hình thức liên minh quốc gia. Đừng kể những tương quan giữa đế quốc và chư hầu[1], thiết tưởng không nên bỏ qua những hình thức khá quen thuộc với chúng ta vào thời cận đại: Liên hiệp Anh (Commonwealth) và Liên hiệp Pháp (Union Française), tuy những khối này chỉ có tầm mức giới hạn. Vào thời đại chúng ta, do nhiều hoàn cảnh thúc đẩy cũng như nhờ những phương tiện liên lạc dễ dàng, đã có nhiều tổ chức ra đời với tầm mức hoạt động bao trùm toàn thể nhân loại. 

Như đã nói ở nhập đề, những hình thức này đang trên đường tiến triển. GHXH chỉ đưa ra những “góp ý” cải thiện, khác với những nguyên tắc luân lý trên đây. 

A. Các tổ chức quốc tế: Liên hợp quốc, NGO 

Trong số những tổ chức bao gồm liên minh tất cả các quốc gia trên hoàn cầu, ta phải kể đến Liên hợp quốc (United Nations; Organization des Nations Unies), với tiền thân là Hội Quốc Liên (Société des Nations, League of Nations). 

Tuy rằng LHQ đã có những thành tựu đáng kể, nhưng cũng vẫn còn nhiều thiếu sót ngay trong cơ cấu tổ chức. Hội đồng Bảo An gồm năm cường quốc thắng trận (thế chiến thứ hai: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Hoa), và bất cứ nghị quyết nào cũng có thể bị tê liệt do phiếu biểu quyết của một trong năm nước đó. Ba nước bại trận, ngày nay là những quốc gia mạnh về chính trị và kinh tế (Đức, Ý, Nhật) thì lại không có tiếng nói quyết định. Đã có nhiều đề nghị cải tổ cơ cấu của LHQ kể cả về phía Tòa thánh. Các đức giáo hoàng cũng đã có cơ hội phát biểu tại diễn đàn của tổ chức này: đức Phaolô VI (4/10/1965), Gioan Phaolô II (2 lần: 2/10/1979 và 5/10/1995), Bênêđictô XVI (18/4/2008). 

LHQ có những tổ chức trực thuộc, đặt trụ sở ở nhiều nơi: Paris, Bruxelles, Genève, Vienne, vv, là những cơ quan chuyên biệt, chẳng hạn về lương thực, văn hóa, nhân quyền. 

Ngoài ra còn nhiều tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là các cơ quan phi chính phủ (trong đó có nhiều tổ chức của Công giáo). 

B. Tòa thánh 

Một cơ quan quốc tế đặc biệt là Tòa Thánh. Tòa thánh không phải là một quốc gia, nhưng từ lâu đời, Tòa thánh ý thức rằng mình là một cơ quan siêu quốc gia, với vai trò cổ võ sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia. Thiết tưởng, cần phải đánh tan một sự hiểu lầm (vô tình hay cố ý). Trong tiếng Việt, chúng ta thường nghe nói đến “Tòa thánh Vatican”. Thực ra, đó là hai thực thể khác biệt: 

- Một bên là “Tòa Thánh” (Holy See, Saint Siège) nghĩa là Đức Thánh Cha. Đây là một thực thể tinh thần, tượng trưng cho Giáo Hội Công giáo, một tổ chức siêu quốc gia. 
- Một bên là “Quốc gia Vatican” (Vatican City, Cité du Vatican). Quốc gia Vatican là một thực thể giống như các quốc gia khác (ra đời ngày 11/2/1929), với một lãnh thổ (rộng 44 mẫu nằm ở trong thành phố Rôma) và một pháp chế riêng; nó tượng trưng cho sự độc lập của Đức Thánh Cha khỏi các chính quyền dân sự, đặc biệt là đối với chính phủ Italia. 

Các chính phủ (cho dù rằng thuộc một quốc gia đa số Hồi giáo, hoặc trung lập đối với tất cả các tôn giáo) gửi đại sứ đến Tòa Thánh, nghĩa là đến vị lãnh đạo của Giáo hội công giáo, vì nhìn nhận uy tín của Ngài đối với hòa bình và trật tự luân lý trên thế giới; chứ không ai cử đại sứ đến Quốc trưởng Vatican hết. Cần thêm rằng, trong các tôn giáo hoàn cầu, chỉ Giáo hội công giáo mới có tính cách pháp nhân quốc tế như vậy. 

Tòa thánh (Đức Thánh Cha) cử các phái viên (sứ giả) đến các Giáo hội địa phương và các quốc gia[2]. Các phái viên này được phân làm nhiều cấp bậc: 

- Nếu chỉ có sứ mạng thuần túy tôn giáo, nghĩa là chỉ đại diện Đức Thánh Cha cạnh các giáo đoàn địa phương thì mang danh là: Khâm mạng Tòa thánh (Delegati Apostolici). 
- Nếu còn bao gồm thêm sứ mạng đại diện Đức Thánh Cha cạnh chính phủ nữa, thì sẽ được gọi là: "Sứ thần Tòa thánh" (Nuntii Apostolici). Sứ thần được hưởng quy chế danh cho ngoại giao đoàn, do các hiệp định quốc tế Vienne (1815 và 1961) ấn định. Dĩ nhiên, điều này giả thiết là giữa Tòa thánh với chính phủ liên hệ có sự trao đổi liên hệ ngoại giao, thường là trên cấp bậc Đại sứ[3]. 
- Ngoài các Khâm mạng, Sứ thần với sứ mạng cạnh các Giáo hội địa phương, còn các loại phái viên Tòa thánh khác cạnh các tổ chức quốc tế, các hội nghị hay phiên nhóm, với nhiều cấp bậc: (a) "Đại biểu" (Delegati): khi đại diện Tòa thánh cạnh một cơ quan quốc tế mà Tòa thánh là thành viên, hoặc tham dự một hội nghị mà Tòa thánh có quyền biểu quyết. (b) "Quan sát viên" (Observatores): khi đại diện Tòa thánh tại một cơ quan quốc tế mà Tòa thánh không phải là hội viên (tỉ như LHQ), hoặc tham dự một hội nghị mà Tòa thánh không có quyền biểu quyết. Các Đại biểu và Quan sát viên có thể là một cá nhân hay một phái đoàn, có tính cách thường trực hay nhất thời, có thể gồm cả giáo dân làm thành viên. 
- Sau cùng, chúng ta có thể thêm hai loại phái viên có tính cách ngoại thường đó là: (a) "Đặc sứ" (Legati a latere): thường là Hồng y được cử thay mặt Đức Thánh Cha chủ tọa một buổi lễ hay một Đại hội . (b) "Kinh lược", hay "Thanh tra" (Visitatores apostolici): được cử thi hành một sứ mạng đặc biệt. 

Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh; vì thế vị đại diện Tòa Thánh tại nước ta được gọi là Khâm mạng (hay Khâm sứ) chứ không phải là Sứ thần. Dù sao, giả như có quan hệ giữa chính phủ Việt Nam với Tòa thánh thì đó không phải là giữa hai quốc gia, nhưng là giữa một quốc gia (Việt Nam) với một cơ quan quốc tế (Tòa thánh), cũng tương tự như Đại sứ VN tại LHQ. 

Vai trò ngoại giao của Tòa thánh không phải chỉ là để bảo vệ quyền lợi của Giáo hội mà còn cổ võ những quyền lợi của con người, một tiếng nói của lương tâm trên diễn đàn quốc tế. 


-----

[1] Chẳng hạn như giữa “Trung quốc” (nghĩa là nước “ở giữa”) với các nước rợ bao quanh (trong đó Nam Man là một) 
[2] Xc. ĐTC Phaolô VI, Tự sắc Sollicitudo omnium ecclesiarum (24/6/1969). Bộ Giáo luật điều 362-367. 
[3] Hiện nay là 179 quốc gia, mới nhất là Malaysia, ngày 27/7/2011. Nên biết là Cuba không bao giờ cắt đứt bang giao với Tòa Thánh dù dưới chế độ Fidel Castro.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét