Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

IV. CÁC ĐỊNH CHẾ KINH TẾ PHỤC VỤ CON NGƯỜI (Chương VII)


346Một trong các vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong kinh tế là việc sử dụng các nguồn lực725, tức là sử dụng tất cả hàng hoá và dịch vụ mà các thành phần kinh tế – từ nhà sản xuất đến người tiêu thụ trong phạm vi cá nhân cũng như cộng đồng – cho là có giá trị vì chúng hữu ích cho nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ. Tài nguyên thiên nhiên đang khan hiếm về số lượng, nghĩa là mỗi chủ thể kinh tế cá nhân hay xã hội đều nhất thiết phải nghĩ tới kế hoạch sử dụng các tài nguyên ấy một cách hết sức hợp lý, theo logic của “nguyên tắc tiết kiệm”. Muốn có giải pháp hữu hiệu cho một vấn đề kinh tế tổng quát và căn bản hơn, là vấn đề phương tiện bị giới hạn để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và xã hội, nhu cầu riêng tư hay nhu cầu chung, cũng như muốn toàn bộ hệ thống kinh tế được hữu hiệu về mặt cơ chế và chức năng, thì phải dựa theo nguyên tắc tiết kiệm trên đây. Muốn được hữu hiệu như vừa kể, các tác nhân khác nhau có liên quan như thị trường, Nhà Nước và các đoàn thể xã hội trung gian đều phải phát huy trách nhiệm và tận dụng khả năng của mình.
a. Vai trò của thị trường tự do
347Thị trường tự do là một định chế có tầm quan trọng xã hội vì nó có khả năng bảo đảm cho việc sản xuất hàng hoá và cung ứng các dịch vụ được kết quả thực sự. Theo lịch sử, thị trường tự do đã tỏ ra có khả năng khởi xuớng và duy trì sự phát triển kinh tế qua nhiều thời kỳ lâu dài. Chúng ta có lý do chắc chắn để tin rằng trong nhiều tình huống, “thị trường tự do là công cụ hữu hiệu nhất để con người sử dụng các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu cách hữu hiệu”726. Học thuyết xã hội của Giáo Hội đánh giá cao các lợi ích chắc chắn mà cơ chế của thị trường tự do có thể đem lại, nhờ biết sử dụng các nguồn lực cách tốt hơn và biết tạo điều kiện để hàng hoá được trao đổi cách thuận lợi hơn. Quan trọng hơn hết là những cơ chế ấy “… đã đặt trọng tâm vào ước muốn và sở thích của con người, mà thông qua một hợp đồng, để đáp ứng các ước muốn và sở thích của người khác”727.
Một thị trường cạnh tranh thực sự chính là một công cụ hữu hiệu để con người đạt được các mục tiêu quan trọng của công lý: đó là điều hoà các lợi nhuận quá đáng của các doanh nghiệp cá thể, đáp ứng các yêu cầu của người tiêu thụ, sử dụng và bảo tồn các nguồn lực cách hiệu quả hơn, tưởng thưởng xứng đáng cho việc điều hành và cải tiến, thực hiện hữu ích thông tin để người ta có thể so sánh và mua bán các hàng hoá trong bầu khí cạnh tranh lành mạnh.
348Không thể đánh giá thị trường tự do một cách độc lập với các mục tiêu mà thị trường tự do muốn thực hiện và độc lập với các giá trị mà thị trường ấy đem đến ở mức độ tác động vào xã hội. Thật vậy, thị trường không thể tìm ra các nguyên tắc để hợp pháp hoá nơi chính bản thân thị trường; việc thiết lập một mối tương quan chính đáng giữa phương tiện và mục đích tuỳ thuộc vào lương tâm của mỗi cá nhân và trách nhiệm của chính quyền728Lợi nhuận riêng lẻ của một tổ chức kinh tế, dù có hợp pháp đến đâu, cũng không bao giờ trở nên mục tiêu duy nhất của thị trường. Cùng với mục tiêu này, còn có một mục tiêu khác, cũng căn bản không kém nhưng thuộc về một trật tự cao hơn: đó là sự hữu ích cho xã hội, điều này được tạo ra không phải trong thế đối nghịch mà trong thế đồng hành với logic của thị trường. Khi thị trường tự do thực hiện được các chức năng quan trọng đã nói trên là nó đã phục vụ được ích chung và sự phát triển toàn diện của con người. Tuy nhiên, sự đảo ngược mối quan hệ giữa phương tiện và mục đích có thể làm cho thị trường bị thoái hoá thành một tổ chức phi nhân và tha hoá, với những hậu quả không thể kiểm soát được.
349Học thuyết xã hội của Giáo Hội vừa nhìn nhận thị trường là một công cụ không thể thay thế được để điều hoà các hoạt động bên trong của hệ thống kinh tế, vừa chỉ cho thấy thị trường cần phải bám chặt vào các mục tiêu đạo đức của nó, nhằm bảo đảm và quy định cách thích hợp không gian mà trong đó thị trường có thể hoạt động một cách độc lập729. Chúng ta không thể đồng ý với quan điểm cho rằng chỉ có thị trường mới có nhiệm vụ cung cấp hết mọi loại hàng hoá, vì quan điểm ấy đã dựa trên một cái nhìn quá giản lược về con người và xã hội730. Đứng trước “nguy cơ ‘thần thánh hoá’ thị trường” như thế, học thuyết xã hội của Giáo Hội đã lưu ý tới những giới hạn của thị trường, như chúng ta có thể dễ dàng thấy qua tình trạng thị trường không thể thoả mãn các nhu cầu quan trọng của con người, là những nhu cầu đòi những loại hàng hoá “mà theo bản chất không phải và không thể chỉ đơn thuần là những đồ dùng”731, những loại hàng hoá không thể mua cũng không thể bán theo quy luật “trao đổi tương đương” và theo logic của các hợp đồng, vốn là những hình thức hoạt động tiêu biểu của thị trường.
350Thị trường có một chức năng xã hội đầy ý nghĩa trong xã hội hiện nay, vì vậy cần nhận ra những tiềm năng tích cực nhất của thị trường và cần tạo những điều kiện cho phép các tiềm năng ấy được sử dụng cách cụ thể. Các nhà điều hành thị trường phải được tự do thật sự để so sánh, lượng giá và lựa chọn các giải pháp trong nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, sự tự do trong lĩnh vực kinh tế cần phải được điều tiết lại bởi các chuẩn mực luật pháp thích hợp, để thị trường có thể phục vụ sự tự do toàn diện của con người. “Tự do kinh tế mới chỉ là một phần trong sự tự do của con người. Khi để thị trường độc lập hoàn toàn, khi con người được coi là nhà sản xuất hay người tiêu thụ hàng hoá hơn là một chủ thể tạo ra và tiêu thụ hàng hoá để sống, lúc đó sự tự do kinh tế sẽ đánh mất mối tương quan cần thiết với con người và sẽ kết thúc bằng việc làm tha hoá và đàn áp con người”732.
b. Hành động của Nhà Nước
351Hành động của Nhà Nước và của các cơ quan công quyền khác phải ăn khớp với nguyên tắc bổ trợ và phải tạo ra những tình huống thuận lợi cho mọi người được tự do hoạt động kinh tế. Hành động ấy cũng phải xuất phát từ nguyên tắc liên đới, và phải đặt ra được những giới hạn cho sự độc lập của các bên, để có thể bảo vệ những bên yếu kém hơn733. Thật vậy, liên đới mà không bổ trợ có thể dễ dàng thoái hoá thành một “quốc gia chỉ sống bằng phúc lợi”, nhưng bổ trợ mà không liên đới sẽ có nguy cơ khuyến khích các hình thức địa phương khép kín. Để tôn trọng cả hai nguyên tắc căn bản ấy, sự can thiệp của Nhà Nước trong môi trường kinh tế phải vừa không được xâm chiếm tất cả vừa không được né tránh hoàn toàn, mà phải cân xứng với các nhu cầu thật của xã hội. “Nhà Nước có nghĩa vụ bảo vệ hoạt động kinh doanh bằng cách tạo những điều kiện bảo đảm cho có nhiều công ăn việc làm, bằng cách cổ vũ những hoạt động nào còn thiếu hay bằng cách nâng đỡ những hoạt động đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nhà Nước còn có nghĩa vụ xa hơn là can thiệp vào mỗi khi các doanh nghiệp độc quyền gây trì hoãn hay trở ngại cho sự phát triển. Ngoài những nhiệm vụ điều hoà và hướng dẫn sự phát triển, trong những tình huống ngoại lệ, Nhà Nước cũng có thể thi hành chức năng thay thế734.
352Nhiệm vụ căn bản của Nhà Nước trong các vấn đề kinh tế là xác định một khung pháp lý thích hợp để điều hành các sự việc kinh tế, hầu bảo đảm nguyên vẹn “những điều kiện tiên quyết của một nền kinh tế tự do, giả thiết như một sự bình đẳng nào đó giữa các bên, làm sao cho bên này không quá mạnh để bắt bên kia phụ thuộc mình”735. Hoạt động kinh tế, nhất là trong bối cảnh của thị trường tự do, không thể được tiến hành trong một khuôn khổ thể chế, pháp lý hay chính trị vô nghĩa. “Ngược lại, hoạt động kinh tế đòi phải có những sự bảo đảm chắc chắn cho sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như một hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu”736. Để chu toàn nhiệm vụ này, Nhà Nước phải chấp nhận một nền pháp chế thích hợp, đồng thời phải hướng dẫn các chính sách kinh tế và xã hội sao cho Nhà Nước không can dự vào các hoạt động thị trường khác nhau, và sao cho khi thực hiện các hoạt động ấy, người ta không bị và mãi mãi không bị khống chế bởi các kiến trúc thượng tầng và các sự kiềm chế độc đoán, hay tệ hơn là các kiến trúc thượng tầng và các sự kiềm chế độc tài.
353Thị trường và Nhà Nước cần phải làm việc ăn ý với nhau và hỗ trợ nhau. Thật ra, thị trường tự do chỉ có thể tạo ảnh hưởng có lợi trên toàn bộ công chúng khi Nhà Nước được tổ chức thế nào để xác định được và định hướng được việc phát triển kinh tế, bằng cách vừa tuân thủ các quy tắc minh bạch và công bằng, vừa can thiệp trực tiếp - chỉ trong thời hạn hết sức cần thiết737 - khi thị trường không đủ khả năng đạt được mức hiệu quả mong muốn và khi phải áp dụng nguyên tắc tái phân phối sao cho hiệu quả. Có vài khu vực trong đó tuy đã sử dụng các cơ chế có sẵn, thị trường vẫn không thể bảo đảm cho hàng hoá và những dịch vụ cần thiết cho sự phát triển của các công dân được phân phối công bằng. Trong những trường hợp ấy, những sự bổ sung giữa Nhà Nước và thị trường lúc nào cũng là cần thiết.
354Nhà Nước có thể khuyến khích các công dân và các doanh nghiệp đẩy mạnh công ích bằng cách đưa ra một chính sách kinh tế hỗ trợ sự tham gia của mọi công dân vào các hoạt động sản xuất. Chính vì tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, các chính quyền phải nhanh chóng tìm kiếm những điều kiện giúp phát triển các khả năng sáng kiến của cá nhân, phát triển tinh thần độc lập và trách nhiệm cá nhân của các công dân, tránh những sự can thiệp nào có thể chi phối lực lượng doanh nghiệp một cách không thích đáng.
Với quan điểm hướng đến công ích, cần phải luôn luôn theo đuổi mục tiêu với sự quyết tâm bền bỉ là tạo được một thế quân bình thích đáng giữa sự tự do của cá nhân với hành động của chính quyền, vừa được coi như một sự can thiệp trực tiếp vào các vấn đề kinh tế vừa được đánh giá như một cách hỗ trợ sự phát triển kinh tế. Nhưng dù ở trong tình huống nào, sự can thiệp của chính quyền cũng phải diễn ra một cách công bằng, hợp lý và hữu hiệu, không thay thế hẳn hoạt động của các cá nhân, nếu không sẽ đi ngược lại quyền của các công dân là được tự do thực hiện các sáng kiến kinh tế. Trong những trường hợp ấy, Nhà Nước làm hại xã hội: vì can thiệp trực tiếp sâu rộng cuối cùng sẽ tước đoạt khỏi người công dân tinh thần trách nhiệm, đồng thời sẽ làm phát triển thái quá các cơ quan chính quyền, là những tổ chức thường sẽ làm việc theo kiểu quan liêu hơn là nhằm thoả mãn các nhu cầu của con người738.
355Thu nhập từ thuế và các chi tiêu công cộng đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế trong mọi cộng đồng dân sự và chính trị. Mục tiêu phải nhắm tới ở đây là việc tài trợ của Nhà Nước phải làm sao tự nó có thể trở thành công cụ phục vụ sự phát triển và liên đới.Việc tài trợ của Nhà Nước cách công bằng, thực tế và hữu hiệu sẽ luôn luôn có những tác dụng tích cực trên nền kinh tế, vì nó sẽ thúc đẩy sự gia tăng công ăn việc làm, duy trì việc kinh doanh cũng như các hoạt động phi lợi nhuận, và làm tăng uy tín của Nhà Nước: Nhà Nước trở thành người bảo đảm cho hệ thống an sinh và bảo vệ xã hội, có mục đích trên hết là bảo vệ các thành phần yếu kém nhất của xã hội.
Việc chi tiêu công cộng sẽ thực sự phục vụ công ích khi người ta tuân thủ một số nguyên tắc căn bản sau đây: nộp thuế739 là một phần trong nghĩa vụ liên đới của mọi người; áp dụng các mức thuế cách công bằng và hợp lý740; giữ sự chính xác và thanh liêm trong việc quản lý và phân phối các nguồn lợi chung741. Khi phân phối lại các nguồn lợi, việc chi tiêu công cộng phải tuân thủ các nguyên tắc liên đới, công bằng và sử dụng các tài năng. Đồng thời cũng phải chú ý hơn tới các gia đình bằng cách dành một số nguồn lợi thích đáng cho mục tiêu này742.
c. Vai trò của các đoàn thể trung gian
356Hệ thống kinh tế - xã hội cần phải có sự hiện diện hai mặt của hoạt động công và hoạt động tư, kể cả những hoạt động tư phi lợi nhuận. Theo hướng này nhiều trung tâm khác nhau đưa ra quyết định và hoạch định hoạt động đã hình thành. Việc sử dụng những loại hàng hoá nào, chẳng hạn như hàng hoá tập thể và hàng hoá nào dành cho mọi người, không thể tuỳ thuộc các cơ chế máy móc của thị trường743, cũng không thể chỉ tuỳ thuộc thẩm quyền Nhà Nước. Nhiệm vụ của Nhà Nước đối với những hàng hoá ấy là tận dụng mọi sáng kiến về xã hội và kinh tế của các đoàn thể trung gian nhằm đem lại hiệu quả chung. Xã hội dân sự khi được tổ chức thành những tập thể trung gian như thế sẽ có khả năng đạt được ích chung bằng cách tham gia cộng tác và bổ túc một cách hữu hiệu mà vẫn tôn trọng Nhà Nước và thị trường. Nhờ đó, nó thúc đẩy sự phát triển một nền dân chủ kinh tế thích hợp. Trong bối cảnh ấy, sự can thiệp của Nhà Nước cần phải mang sắc thái liên đới thật sự, mà sự liên đới này phải luôn đi đôi với việc bổ trợ.  
357Những tổ chức tư nhân phi lợi nhuận cũng có vai trò riêng của mình trong lĩnh vực kinh tế. Những tổ chức ấy có đặc điểm là không ngại tìm cách liên kết tính hiệu quả trong sản xuất với sự liên đới. Nói chung, các tổ chức ấy được xây dựng dựa trên sự thoả thuận liên kết và cho thấy có một cách suy nghĩ chung giữa các thành viên tham gia các tổ chức. Nhà Nước được mời gọi hãy tôn trọng các tổ chức ấy đúng với bản chất của chúng và sử dụng những nét khác biệt của chúng, thực hành nguyên tắc bổ trợ, là nguyên tắc nền tảng đòi phải tôn trọng và cổ vũ cho phẩm giá và trách nhiệm độc lập của phía “được bổ trợ”.
d. Tiền tiết kiệm và hàng tiêu dùng
358Những người tiêu thụ nào có khả năng mua sắm rộng rãi, không chỉ để tồn tại mà thôi, thường có ảnh hưởng rất lớn trên tình hình kinh tế bởi những quyết định tự do của mình, như muốn chi tiêu vào các hàng tiêu dùng hay muốn tiết kiệm. Thật vậy, khả năng ảnh hưởng lên các sự lựa chọn trong địa hạt kinh tế nằm trong tay những người phải quyết định nên đặt nguồn tài chính của mình vào đâu. Hiện nay nhiều hơn trước kia, người ta có thể đánh giá các sự lựa chọn không chỉ dựa vào lợi nhuận hy vọng thu về và sự rủi ro tương đối, mà còn bằng cách thẩm định giá trị của các dự án đầu tư đang được các nguồn ấy tài trợ, trong sự ý thức rằng “quyết định đầu tư vào chỗ này thay vì chỗ kia, trong địa hạt sản xuất này thay vì địa hạt khác, luôn luôn là một sự lựa chọn mang tính luân lý và văn hoá”744
359Phải sử dụng sức mua sắm trong khuôn khổ những đòi hỏi luân lý về công lý và liên đới, và trong khuôn khổ các trách nhiệm xã hội cụ thể. Người ta không bao giờ được quên “nghĩa vụ bác ái…, là nghĩa vụ phải cho đi từ thứ ‘dư dật’ của mình, đôi khi còn lấy cả những cái mình cần để cung cấp điều cần thiết nhất cho sự sống của một người nghèo”745. Trách nhiệm này sẽ làm cho người tiêu thụ, nhờ các thông tin được phổ biến rộng rãi hơn, có khả năng điều khiển hoạt động của nhà sản xuất, qua những sự ưa thích mà cá nhân hay tập thể dành cho sản phẩm của các công ty này hơn là sản phẩm của các công ty khác, sau khi đã cứu xét không những giá cả và chất lượng của những hàng hoá đang được mua bán, mà còn cứu xét cả điều kiện làm việc trong công ty và mức độ bảo vệ môi trường tự nhiên tại nơi công ty hoạt động.
360Hiện tượng chỉ biết có tiêu thụ càng khiến người ta có xu hướng thiên về ‘sở hữu’ hơn là ‘hiện hữu’. Điều này đã làm rối loạn “các tiêu chuẩn giúp phân biệt đúng đắn những hình thức vừa mới mẻ vừa cao cấp hơn đang làm thoả mãn các nhu cầu của con người, với những nhu cầu mới mẻ và giả tạo gây trở ngại cho việc đào tạo con người trưởng thành”746. Để chống lại hiện tượng này, cần phải tạo ra “những lối sống, lấy việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác vì sự phát triển chung, làm những nhân tố cho người ta dựa vào mà quyết định lựa chọn mua sắm, tiết kiệm hay đầu tư”747. Không thể chối cãi là các nếp sống đang bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các bối cảnh xã hội khác nhau, và vì lý do đó mà ngày nay chúng ta phải đương đầu một cách kiên quyết hơn với sự thách thức về văn hoá mà chủ nghĩa tiêu thụ đang đặt ra cho chúng ta, và trên hết phải luôn nghĩ đến các thế hệ tương lai, là những người có nguy cơ phải sống trong một môi trường tự nhiên đã bị chủ nghĩa tiêu thụ thái quá và vô trật tự tàn phá748.
------------------------------------------------------------------------------------------------
726 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 34: AAS 83 (1991), 835.
727  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 34: AAS 83 (1991), 843.
728  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 843-845.
729  x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 41: AAS 63 (1971), 429-430.
730  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 34: AAS 83 (1991), 835-836.
731 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 40: AAS 83 (1991), 843; x. Giáo lý
   Giáo hội Công giáo, 2425.
732 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 843.
733  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 15: AAS 83 (1991), 811-813.
734 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 853; x. Giáo lý
   Giáo hội Công giáo, 2431.
735 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 15: AAS 83 (1991), 811.
736 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-853; x.
   Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2431.
737  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854.
738  x.  Ibid.
739  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 30: AAS 58 (1966), 1049-1050.
740  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 433-434, 438.
741  x, Piô XI, Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 29 (1966), 103-104.
742  x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum
    Novarum, 21: AAS 33 (1941), 202; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus,
    49: AAS 83 (1991), 854-856; Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 45:
    AAS 74 (1982), 136-137.
743  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 40: AAS 83 (1991), 843.
744 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 839-840.
745  Ibid.
746  Ibid.
747  Ibid.
748  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 37: AAS 83 (1991), 840.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét