Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

III. MỤC TIÊU PHỔ QUÁT CỦA CỦA CẢI (Chương IV)


a. Nguồn gốc và ý nghĩa
171Trong số rất nhiều hệ luỵ rút ra từ công ích, quan trọng nhất là nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát: “Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý, được điều tiết bởi bác ái”360. Nguyên tắc này dựa trên sự kiện “nguồn cội sau hết của mọi điều tốt lành là chính Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng cả trái đất lẫn con người, và đã trao trái đất cho con người để con người dùng lao động mà thống trị nó và hưởng dùng hoa trái của nó (St 1,28-29). Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống mọi người trong nhân loại, không loại trừ người nào mà cũng không ưu đãi người nào. Đây chính là nền tảng của mục tiêu phổ quát được gán cho các của cải trên trái đất. Vì mang lại nhiều hoa trái và có khả năng thoả mãn các nhu cầu của con người, nên trái đất chính là quà tặng đầu tiên Chúa ban cho để bảo tồn sự sống con người”361. Con người không thể làm gì mà không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người và cũng là điều kiện căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác, và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành362.
172Quyền sử dụng của cải trên trái đất là quyền dựa trên nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải. Mỗi người phải đạt được mức an sinh cần thiết để có thể phát triển trọn vẹn. Quyền dùng chung của cải là “nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội”363 và là “nguyên tắc điển hình của giáo huấn xã hội Công giáo”364. Chính vì lý do này, Giáo Hội thấy mình có nghĩa vụ phải xác định bản chất và đặc tính của nguyên tắc này. Trước hết, đó là một quyền tự nhiên, được khắc ghi trong bản tính con người chứ không chỉ là một quyền thiết định có liên quan với hoàn cảnh xã hội hay thay đổi. Ngoài ra, đó còn là một quyền “nội tại”365. Đó là một quyền bẩm sinh nơi mỗi cá nhân trong mỗi con người, và có trước khi con người can thiệp bằng bất cứ cách nào liên quan đến tài sản, có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống hoặc bất cứ phương pháp nào trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội: “Mọi quyền lợi khác, kể cả quyền tư hữu và quyền buôn bán tự do, đều phải lệ thuộc chuẩn mực này (tức là mục tiêu phổ quát của của cải); chúng không được cản trở, mà phải tìm cách áp dụng chuẩn mực này vào thực tế nữa. Chúng ta phải coi việc quy chiếu các quyền này về với mục tiêu ban đầu của chúng là một bổn phận xã hội hết sức cấp thiết và nghiêm trọng”366.
173Đưa nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải vào thực tiễn, tuỳ theo những bối cảnh văn hoá và xã hội khác nhau, là phải xác định thật chính xác các phương pháp, các giới hạn và các đối tượng. Phân phối và sử dụng của cải một cách phổ quát không có nghĩa là mọi sự đều dành cho mỗi người và cho mọi người sử dụng cách tuỳ tiện, cũng không có nghĩa là cùng một vật nhưng có thể có ích hay thuộc về mỗi người hoặc thuộc về hết mọi người. Nếu đúng là mọi người đều được sinh ra với quyền sử dụng của cải trên trái đất, thì cũng đúng không kém là để bảo đảm cho quyền này được thi hành một cách công bằng và trật tự, cần phải có những sự can thiệp để điều hoà, theo sau những thoả thuận cấp quốc gia và quốc tế, và phải có một trật tự pháp lý để phán đoán và xác định việc thi hành quyền ấy.
174Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải chính là lời mời gọi chúng ta hãy triển khai một tầm nhìn kinh tế, được gợi hứng từ các giá trị luân lý, nhờ đó con người không đánh mất nguồn gốc và mục tiêu của của cải, ngõ hầu từ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới, trong đó việc tạo ra của cải có thể mang một chức năng tích cực. Thật vậy, của cải cho thấy lý tưởng trên đây có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn của cải có thể xuất hiện như kết quả của một tiến trình sản xuất, một tiến trình đã được thực hiện có sự giúp đỡ của các nguồn công nghệ và kinh tế có sẵn, cả tự nhiên lẫn phi tự nhiên. Kết quả này có được là do có năng lực kinh tế, biết lập kế hoạch và cách làm việc, đồng thời biết sử dụng kết quả ấy làm phương tiện đẩy mạnh sự an sinh cho hết mọi người, mọi dân tộc, cũng như ngăn chặn sự khai trừ và bóc lột mọi người, mọi dân tộc.
175Muốn thực hiện được mục tiêu phổ quát cho của cải, cần phải có nỗ lực chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện, hầu ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới nhân bản hơn. “Trong thế giới ấy, mỗi cá nhân có thể cho và nhận, và trong thế giới ấy, sự tiến bộ của người này không còn cản trở sự phát triển của những người khác, cũng không còn là chiêu bài để bắt người khác làm nô lệ”367. Nguyên tắc này phù hợp với tiếng gọi mà Tin Mừng không ngừng loan báo cho con người và xã hội mọi thời, dù con người luôn luôn bị cám dỗ bởi ước muốn chiếm hữu, những cám dỗ mà chính Chúa Giêsu đã chọn để trải nghiệm (x. Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13) hầu dạy chúng ta biết làm thế nào để thắng vượt các cám dỗ ấy cùng với ơn Người ban.
b. Mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu
176Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, người ta có khả năng thống trị trái đất và biến nó thành một nơi ở thích hợp: “Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình đã thu được thông qua lao động; đây chính là nguồn gốc của tư hữu368. Nhờ tư hữu và các hình thức khác trong việc làm chủ của cải cách cá nhân, con người đã “bảo đảm cho mình có một không gian hết sức cần thiết để thực hiện sự độc lập cho cá nhân và gia đình, có thể coi đó là sự nối dài tự do của con người… thúc giục con người thi hành trách nhiệm, và là một trong những điều kiện để có được sự tự do dân sự”369. Tư hữu chính là một yếu tố căn bản làm nên chính sách kinh tế và xã hội thực sự dân chủ; đó cũng là một bảo đảm để có một trật tự xã hội đúng đắn. Học thuyết Xã hội Công giáo đòi việc làm chủ của cải phải được mở ra một cách đồng đều cho hết mọi người370, để mọi người đều có thể trở thành chủ nhân, ít là trong một chừng mực nào đó, và tránh được tình trạng phải chấp nhận những hình thức “làm chủ một cách chung chạ và hỗn độn”371.
177. Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm: “Ngược lại, truyền thống ấy luôn luôn hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được sử dụng tài nguyên của toàn vũ trụ: quyền tư hữu phải lệ thuộc quyền sử dụng chung, lệ thuộc thực tế sau đây: của cải là nhằm phục vụ hết mọi người”372. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là một cách khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và trọn vẹn của Thiên Chúa trên mọi thực tại và yêu cầu phải luôn đặt của cải phục vụ sự phát triển toàn diện con người và toàn thể nhân loại373. Nguyên tắc này không đi ngược quyền tư hữu374 nhưng chỉ cho chúng ta biết bổn phận phải điều hoà quyền ấy. Thật vậy, bất luận thi hành việc điều hoà và áp dụng các chuẩn mực pháp lý liên quan đến tư hữu dưới hình thức cụ thể nào, thì tư hữu tự nó vẫn chỉ là một công cụ giúp chúng ta tôn trọng nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải; bởi đó, phân tích tới cùng, tư hữu không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện375.
178Ngoài ra, Học thuyết Xã hội Công giáo còn kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào376, và quy chiếu rõ ràng mối quan hệ tất yếu giữa tư hữu với công ích377. Con người nên “nhìn các sự vật bên ngoài mà mình đang sở hữu cách hợp pháp không chỉ như các sự vật của mình mà còn như của chung, theo nghĩa chúng phải làm lợi không chỉ cho mình mà còn cho những người khác”378Mục tiêu phổ quát của của cải kéo theo những bổn phận liên quan đến việc các sở hữu chủ hợp pháp phải sử dụng của cải ấy thế nào. Các cá nhân không được phép sử dụng các tài nguyên của mình mà không xét tới các hiệu quả mà việc sử dụng ấy có thể đem lại; tốt hơn, họ phải hành động thế nào để chúng có lợi không những cho họ và gia đình họ mà còn có lợi cho công ích. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một nghĩa vụ dành cho các chủ nhân, đó là không được để tài sản mà mình đang sở hữu hoá thành vô ích, nhưng đúng hơn phải làm sao đưa chúng vào hoạt động sản xuất, thậm chí còn giao các tài sản ấy cho những người nào mong ước và có khả năng đưa chúng vào sản xuất.
179Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, có nhiều của cải mới để cho xã hội sử dụng mà trước đây xã hội hoàn toàn không biết đến. Tình hình này kêu gọi chúng ta phải đọc lại nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải trên trái đất theo một cách mới và cần phải mở rộng nguyên tắc ấy sao cho nó bao gồm được cả những sự phát triển mới nhất do các tiến bộ kinh tế và công nghệ mang lại. Quyền làm chủ các tài sản mới mẻ – như các kết quả của kiến thức, công nghệ và kỹ năng thực hành – càng ngày càng trở nên có tính quyết định, vì “sự thịnh vượng của các quốc gia công nghiệp được xây dựng dựa trên hình thức sở hữu loại này hơn là dựa trên các tài nguyên thiên nhiên”379.
Phải đưa các kiến thức mới mẻ về công nghệ và khoa học phục vụ các nhu cầu căn bản của con người, để dần dần gia tăng di sản chung của nhân loại. Bởi đó, muốn cho nguyên tắc phân phối phổ quát của cải này mang lại hiệu quả đầy đủ, cần phải có những hành động ở cấp quốc tế và phải đưa ra những chương trình làm việc có sự góp phần của mọi nước. “Cần phải phá bỏ các rào cản và các tổ chức độc quyền, đã khiến cho rất nhiều nước phải đứng bên lề cuộc phát triển, và phải cung cấp cho các cá nhân và quốc gia những điều kiện căn bản, giúp họ tham gia vào sự phát triển”380.
180Nếu có nhiều hình thức sở hữu không được biết đến trong quá khứ, thì nay chúng lại trở nên quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển kinh tế và xã hội. Tuy vậy, không được quên các hình thức tư hữu truyền thống. Tài sản cá nhân không phải là hình thức hợp pháp duy nhất cho người ta làm chủ. Hình thức sở hữu chung ngày xưa cũng có tầm quan trọng đặc biệt; dù người ta cũng có thể tìm thấy hình thức này tại các nước tiến bộ về kinh tế, nhưng đó là hình thức điển hình trong cơ cấu xã hội của nhiều dân tộc bản địa. Đây là một hình thức sở hữu có ảnh hưởng sâu xa trên đời sống kinh tế, văn hoá và chính trị của những dân tộc ấy, đến nỗi đó chính là nhân tố căn bản giúp họ tồn tại và sống tốt đẹp. Tuy nhiên, không được vì bảo vệ và đánh giá cao việc sở hữu chung mà quên rằng kiểu sở hữu này cũng phải thay đổi. Nếu làm nhiều cách chỉ để duy trì hình thức hiện tại của kiểu sở hữu này, sẽ có nguy cơ trói buộc kiểu sở hữu chung này với quá khứ và như vậy sẽ làm cho nó bị tổn hại381.
Việc phân chia đất đai cho công bằng vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt tại các nước đang phát triển và các nước mới chuyển đổi từ một hệ thống được xây dựng dựa trên các tập thể hay chế độ thực dân382. Tại những khu vực nông thôn, khả năng có được đất đai thông qua các cơ hội mà lao động và thị trường tín dụng đem lại chính là điều kiện cần thiết để có thể đạt được các của cải và dịch vụ khác. Ngoài việc tạo ra một phương cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, khả năng này còn cho thấy một hệ thống an ninh xã hội có thể tổ chức tại các nước có cơ cấu hành chính quá yếu.
181Việc thi hành quyền làm chủ dưới những hình thức khác nhau sẽ giúp cho các chủ thể, cá nhân hay cộng đồng, được hưởng thêm nhiều lợi ích khách quan như điều kiện sống tốt hơn, tương lai được an toàn hơn, và có khả năng lựa chọn nhiều hơn. Nhưng của cải cũng có thể mang lại nhiều hứa hẹn hão huyền, là nguồn cám dỗ nhiều người. Những dân tộc và xã hội nào đi xa tới mức tuyệt đối hoá vai trò của của cải không sớm thì muộn sẽ kinh nghiệm được thế nào là bị nô lệ một cách cay đắng nhất. Thật vậy, không có loại của cải nào được cho là không có ảnh hưởng gì đối với cá nhân và cơ chế. Chủ nhân nào biến của cải thành ngẫu tượng một cách thiếu thận trọng (x. Mt 6,24; 19,21-26; Lc 16,13) sẽ bị của cải làm chủ và biến họ thành nô lệ383. Chỉ khi nào nhìn nhận mọi của cải đều lệ thuộc Thiên Chúa Tạo Hoá và sử dụng chúng cho công ích, mới có thể trả lại cho của cải vật chất chức năng đúng đắn của chúng, tức là công cụ hữu ích giúp cá nhân và dân tộc phát triển.
c. Mục tiêu phổ quát của của cải và sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo
182Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát buộc chúng ta phải coi người nghèo, người bị gạt ra bên lề và người bị ngăn cản không phát triển được do các điều kiện sống của họ, là những tiêu điểm cần quan tâm đặc biệt. Muốn vậy, cần phải tái xác nhận cách mạnh mẽ sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo384. “Đây là một lựa chọn hay là một hình thức đặc biệt của việc sắp xếp ưu tiên trong khi thi hành đức bác ái Kitô giáo, như toàn bộ truyền thống Giáo Hội đã làm chứng. Sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu khi họ tìm cách bắt chước cuộc sống của Đức Kitô, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và các quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải. Hơn thế nữa, hiện nay, với chiều hướng toàn cầu mà các vấn đề xã hội đều có, tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những quyết định phát sinh từ đó chắc hẳn bao trùm lên vô số người đói khát, người túng thiếu, người vô gia cư, người không được chăm sóc y tế, và trên hết, người không hy vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn”385.
183Sự khốn khổ của con người chính là một dấu chỉ rõ ràng rằng thân phận tự nhiên của con người thật yếu đuối và cần được cứu độ386. Về mặt này, Đức Kitô Cứu Thế đã tỏ ra rất thông cảm, khi Người tự đồng hoá mình với người “nhỏ nhất” trong loài người (x. Mt 25,40.45). “Chính qua những gì người ta làm cho người nghèo mà Đức Kitô sẽ nhận ra họ là người được Người chọn lựa. Khi ‘người nghèo được nghe những tin tốt lành’ (Mt 11,5), đó chính là dấu cho thấy Đức Kitô đang hiện diện”387.
Đức Kitô tuyên bố: “Anh em sẽ luôn luôn có người nghèo bên cạnh, nhưng anh em sẽ không luôn luôn có Thầy đâu” (Mt 26,11; x. Mc 14,7; Ga 12,8). Người nói ra điều này không phải để đối chọi việc quan tâm tới Người với việc phục vụ người nghèo. Quan điểm hiện thực của Kitô giáo vừa trân trọng các nỗ lực đáng khen trong việc đánh bại sự nghèo đói, vừa dè dặt đối với những lập trường chịu ảnh hưởng bởi những ý thức hệ và những niềm tin cứu thế luôn nuôi ảo tưởng rằng có thể loại bỏ hoàn toàn vấn đề nghèo đói ra khỏi thế giới này. Điều này sẽ chỉ xảy ra khi Đức Kitô trở lại để  ở với chúng ta một lần nữa và ở mãi mãi. Còn trong lúc này, người nghèo vẫn được ký thác cho chúng ta và chúng ta sẽ bị xét xử trong ngày tận thế dựa trên chính trách nhiệm này (x. Mt 25,31-46): “Chúa đã cảnh cáo chúng ta là chúng ta sẽ bị chia cách với Người nếu chúng ta không đáp ứng các nhu cầu nghiêm trọng của người nghèo và những người bé nhỏ, vì họ là anh em của Người”388.
184Lòng yêu thương mà Giáo Hội dành cho người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng Tám Mối Phúc, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo. Lòng yêu thương này không những có liên quan tới sự khó nghèo vật chất, mà còn liên quan tới nhiều hình thức khác nhau của sự nghèo nàn về văn hoá và tôn giáo389. “Từ lúc khởi đầu và dù có nhiều phần tử của Giáo Hội đã không làm, Giáo Hội vẫn không ngừng làm việc để xoa dịu, bảo vệ và giải phóng những người cùng khổ qua biết bao việc làm bác ái, mà thời nào và ở đâu vẫn luôn luôn cần thiết”390. Được lời mời gọi của Tin Mừng thôi thúc – “Các ngươi đã nhận không thì cũng phải cho không” (Mt 10,8) – Giáo Hội yêu cầu chúng ta phải giúp đỡ đồng loại của mình trong mọi nhu cầu khác nhau và phải làm cho cộng đồng nhân loại tràn ngập các việc thương xác và thương linh hồn. “Trong số các việc ấy, bố thí cho người nghèo là một trong những chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ: đó cũng là một việc làm của đức công bằng mà Chúa rất hài lòng”391, dù thi hành bác ái không chỉ là bố thí mà còn liên hệ tới khía cạnh xã hội và chính trị của vấn đề nghèo nàn. Trong giáo huấn của mình, Giáo Hội thường xuyên nhắc tới mối tương quan giữa lòng bác ái và sự công bằng: “Khi chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng”392. Các Nghị phụ Công đồng đã mạnh mẽ nhắn nhủ chúng ta phải chu toàn nghĩa vụ này cách đúng đắn và luôn nhớ rằng “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biếu như quà của lòng bác ái”393. Lòng yêu thương người nghèo chắc chắn “không thể đi đôi với sự yêu thích các của cải cách thái quá hay sử dụng của cải một cách ích kỷ”394 (x. Gc 5,1-6).
------------------------------------------------------------------------------------------------------
360  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090.
361  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 831.
362  x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum
    Novarum: AAS 33 (1941), 199-200.
363  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 525.
364  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 (1988), 573.
365  Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum
    Novarum: AAS 33 (1941), 199.
366  Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268.
367  Bộ Giáo lý Đức tin, Thông điệp Libertatis conscientia, 90: AAS 79 (1987), 594.
368  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 832.
369  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 71: AAS 58 (1966), 1092-1093;
    x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 103-104; Piô
    XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum:
    AAS 33 (1941), 199; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1942: AAS 35
    (1943), 17; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 01-09-1944: AAS 36 (1944),
   253; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 428-429.
370  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 6: AAS 83 (1991), 800-801.
371  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 102.
372  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 613.
373  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090-
    1092; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2402-2406.
374  x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892),102.
375  x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22-23: AAS 59 (1967), 268-269.
376 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 430-431; Gioan
   Phaolô II, Diễn văn gửi Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần thứ ba,
   Puebla, Mexico (28-01-1979), III/4: AAS 71 (1979), 199-201.
377  x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 191-192, 193-194, 196-197.
378  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090.
379  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 832.
380  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.
381  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966),   
    1090-1092.
382  x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tiến tới chỗ phân phối đất đai tốt
    đẹp hơn. Thách thức của việc cải cách ruộng đất (23-11-1997), 27-31: Libreria
    Editrice Vaticana, Vatican City 1997, tr. 28-31.
383  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 27-34, 37: AAS 80 (1988),
    547-560; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 843-845.
384  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần
    thứ ba, Puebla, Mexico (28-01-1979), I/8: AAS 71 (1979), 194-195.
385  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 (1988), 572-573; x.
    Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 32: AAS 87 (1995), 436-437; Gioan
   Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 51: AAS 87 (1995), 36; Gioan
   Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 49-50: AAS 93 (2001), 302-303.
386  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2448.
387  Ibid., 2443.
388  Ibid., 1033.
389  x. Ibid., 2444.
390  Ibid., 2448.
391  Ibid., 2447.
392  Thánh Gregoriô Cả, Regula Pastoralis, 3, 21: PL 77, 87: Nam cum qualibet necessaria  
    indigentibus ministramus, sua illis reddimus, non nostra largimur; justitiae potius
    debitum soluimus, quam misericordiae opera implemus.
393  CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 8: AAS 58 (1966), 845; x. Giáo
     lý Giáo hội Công giáo, 2446.
394  Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2445.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét