Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH (Chương XI)


CỔ VŨ HOÀ BÌNH

488Trước khi là ân huệ Chúa ban cho con người và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa: “Đức Chúa là sự bình an” (Tp 6,24). Thụ tạo – phản ánh vinh quang Thiên Chúa – luôn khao khát hoà bình. Thiên Chúa đã tạo ra tất cả những gì đang hiện hữu, và mọi thụ tạo làm nên một tổng thể hài hoà mà phần nào cũng tốt đẹp (x. St 1,4,10.18.21.25.31). Hoà bình được xây dựng dựa trên mối quan hệ căn bản giữa mọi người với Thiên Chúa, một quan hệ được đánh dấu bằng sự công chính (x. St 17,1). Vì con người đã làm đảo lộn trật tự thần thánh do một hành vi chủ ý, nên thế giới đã trải qua việc đổ máu và chia rẽ. Bạo lực bắt đầu xuất hiện trong các mối quan hệ liên vị (x. St 4,1-16) và trong các mối quan hệ xã hội (x. St 11,1-9). Hoà bình và bạo lực không thể đi đôi với nhau; nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa (x. 1 Bn 22,8-9).
489Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Thay vì là công lao của bàn tay con người, hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nam cũng như nữ, và vì thế, nó đòi chúng ta phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa. Hoà bình là kết quả của phúc lành Chúa ban cho dân Ngài: “Đức Chúa đoái nhìn đến các ngươi và ban cho các ngươi sự bình an” (Ds 6,26). Hoà bình sẽ mang lại sự sung túc (x. Is 48,19), an vui (x. Is 48,18), thịnh vượng (x. Is 54,13), hết lo sợ (x. Lv 26,6) và niềm vui sâu xa (x. Tv 12,20).
490Hoà bình là mục đích của cuộc sống trong xã hội, như đã được nói rất rõ trong viễn tượng về hoà bình của Đấng Mêsia: khi mọi dân tộc tiến lên đền Chúa, Ngài sẽ dạy họ đường lối của Ngài và họ sẽ đi theo đường lối bình an ấy (x. Is 2,2-5). Một thế giới mới hoà bình bao trùm lên mọi thụ tạo, đó chính là lời hứa cho thời đại Đấng Mêsia (x. Is 11,6-9); chính Đấng Mêsia cũng sẽ được gọi là “Thái Tử hoà bình” (Is 9,5). Nơi nào có hoà bình của Ngài, nơi nào có hoà bình ấy dù chỉ phần nào, nơi đó không ai có thể làm dân Chúa lo sợ nữa (x. Zc 3,13). Chính lúc ấy, hoà bình sẽ bền vững: khi nhà vua đã cai trị theo công lý của Chúa thì sự công chính sẽ nở hoa và hoà bình sẽ lan tràn “cho tới khi mặt trăng không còn nữa” (Tv 72,7). Thiên Chúa mong muốn đem hoà bình đến cho dân Ngài: “Ngài sẽ nói chuyện hoà bình với dân mình, với các thánh của mình, với những ai đã quay về với Ngài tự trong lòng” (Tv 85,9). Khi lắng nghe những gì Chúa muốn nói với dân Ngài về hoà bình, Tác giả Thánh Vịnh đã nghe được những lời sau đây: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý sẽ giao duyên” (Tv 85,11).
491Lời hứa hoà bình trải dài suốt toàn bộ Cựu Ước và đã được thực hiện trọn vẹn nơi chính con người Đức Giêsu. Thật vậy, hoà bình là thuộc tính trên hết của Đấng Mêsia, trong đó bao gồm tất cả các ơn ích khác của sự cứu độ. Từ “shalom” (hoà bình) trong tiếng Hipri đã diễn đạt ý nghĩa ấy vì từ gốc của chữ này có nghĩa là “sung mãn” (x. Is 9,5tt; Mch 5,1-4). Vương quốc của Đấng Mêsia đích thực là vương quốc hoà bình (x. G 25,2; Tv 29,11; 37,11; 72,3.7; 85,9.11; 119; 125,5; 128,6; 147,14; Dc 8,10; Is 26,3.12; 32,17tt; 52,7; 54,10; 57,19; 60,17; 66,12; Ag 2,9; Zc 9,10…). Đức Giêsu là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người đã phá đổ bức tường thù nghịch chia rẽ dân chúng khi hoà giải họ với Chúa (x. Ep 2,14-16). Với thái độ đơn sơ chân thành mà hiệu quả này, thánh Phaolô đã cho các Kitô hữu biết đâu là động cơ sâu xa khiến họ bắt tay tổ chức một cuộc sống hoà bình và thi hành một sứ mạng hoà bình.
Trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã nói tới mối quan hệ yêu thương của Người với Chúa Cha và sức mạnh thống nhất mà tình yêu ấy mang lại cho các môn đệ. Trong bài diễn văn chia tay ấy, Người đã cho thấy ý nghĩa sâu xa của cuộc đời mình, có thể được coi là bản tóm tắt tất cả giáo lý của Người. Ơn hoà bình chính là dấu ấn Người đóng trên chúc thư thiêng liêng của mình: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em; Thầy không ban như thế gian ban tặng anh em” (Ga 14,27). Khi sống lại, Đức Giêsu cũng không nói khác: mỗi khi gặp các môn đệ, Người cũng đều ban cho họ lời chào và ơn bình an: “Chúc anh em bình an” (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26).
492Hoà bình của Đức Kitô trước tiên là sự làm hoà với Chúa Cha, sự làm hoà này có được là do thừa tác vụ mà Đức Giêsu đã uỷ thác cho các môn đệ, và nó khởi sự với lời công bố bình an: “Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói ‘bình an cho nhà này’” (Lc 10,5; x. Rm 17). Tiếp đến, hoà bình là làm hoà với anh chị em, vì trong kinh Đức Giêsu dạy chúng ta – Kinh Lạy Cha – ơn tha thứ mà chúng ta cầu xin nơi Thiên Chúa gắn liền với sự tha thứ mà chúng ta làm cho anh chị em mình: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con” (Mt 6,12). Qua sự hoà giải hai hướng ấy, các Kitô hữu có thể trở thành chuyên viên hoà giải, và từ đó, được tham gia vào Vương quốc của Thiên Chúa đúng như những gì Đức Giêsu tuyên bố trong Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
493Nỗ lực xây dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng, vì đây đúng là “Tin Mừng hoà bình” (Cv 10,36; x. Ep 6,15) cho hết mọi người. Trung tâm điểm của “Tin Mừng hoà bình” (Ep 6,15) này vẫn là mầu nhiệm thập giá, vì hoà bình được phát sinh từ hy tế của Đức Kitô (x. Is 53,5). “Hình phạt đã giáng xuống trên Người làm cho ta nên trọn vẹn; và nhờ những roi vọt đánh đập lên Người mà chúng ta được chữa lành”. Đức Kitô bị đóng đinh đã thắng vượt các mối chia rẽ, tái lập hoà bình và hoà giải chính là nhờ thập giá, và “do đó làm chấm dứt mọi sự thù nghịch” (Ep 2,16) và đem ơn cứu độ của mầu nhiệm Phục Sinh đến cho loài người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét