Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

II. CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ CỦA THỤ TẠO (Chương X)


456Quan điểm của Thánh Kinh sẽ soi sáng cho người Kitô hữu biết phải có thái độ nào trong việc sử dụng trái đất, cũng như đối với các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Công đồng Vatican II khẳng định con người “có lý khi nhận định rằng nhờ trí khôn của mình, con người vượt lên trên vũ trụ vật chất, vì đã chia sẻ ánh sáng của trí khôn Thiên Chúa”946. Các Nghị phụ Công đồng đã nhìn nhận các tiến bộ do sự chuyên cần trau dồi tài năng của con người qua bao thế kỷ, bất kể trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, các ngành công nghệ hay trong các bộ môn nghệ thuật tự do947. Hiện nay, “nhất là với sự giúp đỡ của khoa học và công nghệ, con người đã mở rộng quyền làm chủ của mình gần như trên toàn thể thiên nhiên và còn tiếp tục đi xa hơn nữa”948.
Vì con người, “được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đã nhận được mệnh lệnh chinh phục trái đất và mọi sự chứa đựng trong đó, đồng thời cai trị thế giới trong công lý và thánh thiện; nhờ thi hành mệnh lệnh ấy, con người và toàn thể sự vật được liên kết với Đấng mà mọi người nhìn nhận là Chúa Tể và Tạo Hoá muôn loài. Như thế, khi đặt mọi sự vào tay con người là danh Chúa được tôn vinh trên khắp trái đất. [Công đồng dạy rằng] qua bao thế kỷ, con người đã lao động để cải thiện hoàn cảnh sống của mình nhờ những nỗ lực rất lớn của cá nhân lẫn tập thể. Đối với những tín hữu, điểm sau đây đã rõ ràng: tự bản thân nó, hoạt động cải thiện này của con người phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa”949.
457Những thành quả của khoa học và công nghệ tự chúng là tích cực. “Chẳng những không cho rằng những công trình do tài năng và nghị lực của con người làm ra là chống lại quyền năng Chúa, cũng như không cho rằng thụ tạo có lý trí như chúng ta luôn là một loại đối thủ của Tạo Hoá, người Kitô hữu còn xác tín những chiến thắng của nhân loại chính là dấu hiệu Thiên Chúa đang ban ơn và đang khai triển kế hoạch mầu nhiệm của Ngài”950. Các Nghị phụ Công đồng cũng nhấn mạnh “quyền uy con người càng lớn, trách nhiệm của con người – cá nhân hay cộng đồng – càng cao”951, hoạt động nào của con người cũng phải đáp ứng ích lợi thật của con người, như Thiên Chúa đã hoạch định và mong muốn952. Về điểm này, Huấn Quyền đã thường xuyên lưu ý rằng Giáo hội Công giáo không hề chống lại sự tiến bộ953, mà thậm chí còn coi “khoa học và công nghệ là một sản phẩm kỳ diệu của óc sáng tạo mà Chúa đã ban cho con người, và vì chúng đã cung cấp cho chúng ta những khả năng tuyệt vời nên tất cả mọi người chúng ta đều được hưởng lợi ích từ những công trình ấy”954. Vì lý do đó, “là những người tin vào Thiên Chúa, Đấng đã thấy mọi sự do mình tạo ra là ‘tốt đẹp’, chúng ta vui mừng trước những tiến bộ của công nghệ và kinh tế mà con người đã sử dụng trí khôn để làm ra”955.
458Những gì Huấn Quyền suy nghĩ về khoa học và công nghệ nói chung đều có thể áp dụng cho vấn đề môi trường và nông nghiệp. Giáo Hội đánh giá cao “những lợi ích thu được – và sẽ tiếp tục thu được – do con người đã nghiên cứu và ứng dụng khoa sinh học nguyên tử, có sự đóng góp thêm của các khoa khác như di truyền học và những ứng dụng công nghệ của nó trong nông nghiệp và công nghiệp”k956. Thật vậy, công nghệ “có thể là một công cụ vô giá dùng để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề nghèo đói và bệnh tật, bằng cách sản xuất những loài thảo mộc cao cấp và mạnh mẽ hơn, cũng như bằng việc sản xuất các dược phẩm giá trị”l957. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại khái niệm “ứng dụng cách thích hợp” vì “chúng ta biết rằng tiềm năng ấy không phải là vô thưởng vô phạt: vì người ta có thể dùng nó hoặc để giúp con người tiến bộ hoặc sẽ đẩy con người đi xuống”958. Chính vì lý do đó, “cần giữ thái độ thận trọng và chú ý sàng lọc ra bản chất, mục đích và các phương thế của mỗi hình thức công nghệ ứng dụng”959. Bởi vậy, các nhà khoa học phải “tận dụng khả năng nghiên cứu và kỹ thuật của mình một cách trung thực để phục vụ nhân loại”960, phải biết cách bắt các khả năng ấy tuân theo “các nguyên tắc và các giá trị luân lý, vốn luôn tôn trọng và giúp thực hiện trọn vẹn phẩm giá con người”961.
459Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ người ta phải tham chiếu là phải tôn trọng con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng các sinh vật khác. Ngay cả khi cần phải thay đổi điều gì đó nơi chúng, người ta cũng “phải xét tới bản chất của mỗi hữu thể và những mối liên kết hỗ tương của hữu thể ấy trong một hệ thống đã được sắp đặt”962. Theo cách hiểu này, phải nhìn nhận rằng những khả năng đáng nể sợ của công trình nghiên cứu sinh học đang gây ra nhiều điều lo ngại, trong khi “chúng ta chưa ở trong vị thế sẵn sàng để tiếp nhận các sự đảo lộn trong sinh học do vận dụng khoa di truyền một cách thiếu thận trọng và do phát triển một số hình thức mới của sự sống thực vật và động vật một cách bừa bãi, đó là chưa nói tới những thử nghiệm không thể chấp nhận được về nguồn gốc của chính sự sống con người”963. Thật vậy, “bây giờ đã rõ rằng việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại lâu dài. Từ đó, chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực hệ thống sinh thái mà không chú ý đủ tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai”964.
460Vì thế, con người không bao giờ được quên rằng “khả năng biến đổi, và theo một nghĩa nào đó, khả năng sáng tạo thế giới thông qua lao động của mình… luôn luôn dựa trên một điều có trước và có ngay từ đầu là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tất cả những gì đang hiện hữu”965Con người không được “sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu mà Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người thật sự có thể triển khai ra nhưng không được phép phản bội”966. Khi hành động như thế, “con người thay vì thi hành vai trò của người cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì đã hành hạ hơn là cai trị thiên nhiên”967.
Nếu con người can thiệp vào thiên nhiên mà không lạm dụng hay phá hoại thiên nhiên, thì ta có thể nói “con người đã can thiệp không phải để làm thay đổi cho bằng tạo điều kiện cho thiên nhiên phát triển theo sự sống riêng của mình, sự phát triển của thụ tạo mà Thiên Chúa đã nhắm tới. Khi làm việc trong lĩnh vực hết sức tế nhị này, nhà nghiên cứu phải bám sát kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài muốn con người phải là chúa tể các thụ tạo”968. Cuối cùng, chính Thiên Chúa đã ban cho con người vinh dự được cộng tác vào công trình tạo dựng bằng tất cả năng lực của trí khôn mình.
--------------------------------------------------------------------------------------
946  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 15: AAS 58 (1966), 1036.
947  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 15: AAS 58 (1966), 1036.
948  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 33: AAS 58 (1966), 1052.
949  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 34: AAS 58 (1966), 1052.
950  Ibid. 1053.
951  Ibid. 1053.
952  Ibid. 34: AAS 58 (1966), 1053.
953 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Bệnh viện Mẹ Nhân Ái, Melbourne (28-11-1986):
   L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-12-1986, tr. 13.
954  Gioan Phaolô II, Gặp gỡ các nhà khoa học và các đại diện của Đại học Liên Hiệp
    Quốc tại Hiroshima (25-02-1981), 3: AAS 73 (1981), 422.
955 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ công nhân các xí nghiệp thuộc Công ty Olivetti tại Ivrea,
    Italia (19-03-1990), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-03-1990, tr. 7.
956 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (03-10-1981), 3:
   L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 12-10-1981, tr. 4.
957 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các người tham dự hội nghị do Học viện Khoa học
   Quốc gia bảo trợ, nhân kỷ niệm 200 năm thành lập (21-09-1982), 4: L’Osservatore
   Romano, bản Anh ngữ, 04-10-1982, tr. 3.
958 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ các nhà khoa học và các đại diện của Đại học Liên Hiệp
   Quốc tại Hiroshima (25-02-1981), 3: AAS 73 (1981), 422.
959 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ công nhân các xí nghiệp thuộc Công ty Olivetti tại Ivrea,
   Italia (19-03-1990), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-03-1990, tr. 7.
960 Gioan Phaolô II, Bài giảng thánh lễ tại Câu lạc bộ Đua xe Victoria, Melbourne (26-
   11-1986), 11: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX, 2 (1986), 1730.
961 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (23-10-1982), 6:
    Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 892-893.
962  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis:, 34: AAS 80 (1988), 559.
963  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1990, 7: AAS 82 (1990), 151.
964  Ibid. 6: AAS 82 (1990), 150.
965  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 37: AAS 83 (1991), 840.
966  Ibid.
967  Ibid.
968 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Tổng Đại hội lần thứ 35 Hội Y khoa Thế giới (29-10-
    1983): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 05-12-1986, tr. 11.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét