Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

I. Những khái niệm


     
 A. Từ ngữ
      Ai ai cũng phải “làm việc”; nhưng “làm việc” có phải là “lao động” không? Nếu xét theo tầm nguyên Hán Việt, thì phải nói rằng “làm việc” khác với “lao động”. Lao động: lao là mệt nhọc, cực khổ (động: không ở yên). Lao công: người làm việc nặng nhọc (công: người làm việc)4. Như vậy, theo nguyên ngữ, lao động phải là làm việc mệt nhọc vất vả. Do đó, chúng ta có thể nói rằng “Thiên Chúa làm việc, hoạt động”, chứ không thể nói rằng Thiên Chúa “lao động”; điều này chỉ có thể áp dụng cho Đức Giêsu ở Nazareth. Nhưng đó là nói về từ ngữ trong tiếng Việt. Tiếng Anh (to work, working, worker) và tiếng Pháp (travailler, travail, travailleur) không có vấn đề này.
      B. Định nghĩa
      Từ xa xưa, các triết gia đã định nghĩa con người như là “hữu thể có lý trí”: con người khác động vật ở chỗ nó trí khôn: homo sapiens. Ông Karl Marx đã mở thêm một chiều hướng mới khi ông định nghĩa con người dựa theo tiêu chuẩn lao động: con người là homo faber; nhờ lao động mà con người giải quyết được các nhu cầu của mình. Con người khác loài động vật bởi vì biết chế tạo dụng cụ làm việc và sản xuất những đồ tiêu dùng. Lao động là một đặc trưng của con người, cũng ngang hàng với ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật, tôn giáo. Nhận xét này cũng đúng thôi, bởi vì lao động không chỉ là vận động các bắp thịt mà thôi, nhưng còn đòi hỏi vận dụng lý trí để biến đổi cái thô sơ nơi thiên nhiên sang cái gì hữu ích cho cuộc sống. Lao động là nền tảng cho sinh hoạt kinh tế, văn hóa của nhân loại. Mặt khác, lao động mang nhiều hình dạng, và cũng trở nên cơ sở để phân định sự tiến triển của các nền văn minh, từ chỗ thâu lượm đến chỗ cày bới, từ canh nông sang kĩ thuật, từ cơ xưởng đến dịch vụ.
      Nói chung, ai cũng biết thế nào là lao động, nhưng đến khi muốn định nghĩa Lao động là gì? thì chúng ta sẽ cảm thấy lúng túng. Thật vậy, định nghĩa lao động không chỉ giới hạn vào phạm vi triết học nhưng còn mang theo nhiều hệ luận về chính trị, pháp lý, kinh tế nữa. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ để hiểu tính cách phức tạp của vấn đề. Thí dụ thứ nhất lấy từ trường học. Ai ai cũng nhìn nhận rằng việc học tập là lao động tinh thần (chứ không phải là lao động chân tay); nhưng thử hỏi: ai là người lao động, học sinh hay thầy giáo? Dựa theo tiêu chuẩn nào để xác định? Nếu dựa theo tiêu chuẩn vất vả nặng nhọc, thì các học sinh cảm thấy việc học nặng nề hơn (họ miễn cưỡng đi vào lớp, tuy có lẽ họ thích đi làm chuyện khác); đang khi đó thầy giáo thao thao bất tuyệt, coi việc dạy học là điều hứng thú. Trên thực tế, luật pháp nhìn nhận công tác của thầy giáo là lao động vì thế được trả lương, còn các học sinh không những không được trả lương mà còn phải đóng tiền để trả lương cho thầy nữa. Một thí dụ khác lấy từ đời sống gia đình. Bà Bắc ngày ngày nấu cơm cho gia đình thì không phải là lao động; nhưng nếu bà đi làm thuê trong một tiệm cơm, hoặc bà đứng mở tiệm cơm thì mới gọi là lao động. Ông Nam có chiếc xe hơi: ông có thể dùng xe để chở con đi học và chở vợ đi chợ; nhưng đó không phải là lao động; nhưng nếu ông dùng xe đó chở khách thì được coi như lao động. Đâu là tiêu chuẩn để xác định bản chất lao động? Một điều chắc chắn là ông Nam chỉ có thể đòi tiền khách hàng, chứ không đời nào lại đòi tiền vợ con mình, cho dù đôi khi phải phục vụ lâu giờ hơn!
      Từ những thí dụ vừa trưng dẫn, ta có thể thấy vấn đề định nghĩa lao động không đơn giản. Tuy cùng là một công tác là học hành, nhưng công việc của thầy giáo được coi là lao động, còn công việc của học trò thì không phải là lao động. Nhưng đó là nhìn dưới khía cạnh pháp lý và tài chính mà thôi (hợp đồng lao động), chứ xét về bản chất thì việc học hành của các học sinh cũng là lao động, không những chỉ vì nó nặng nhọc nhưng nhất là vì nó giúp phát triển con người nữa.
      Trải qua dòng lịch sử, đã có nhiều định nghĩa về lao động, và những định nghĩa này bị chi phối bởi những quan niệm về giá trị của lao động (công tác nặng nhọc của người nô lệ hay cơ hội phát triển tài năng) cũng như về chính bản chất của lao động (lao động chân tay hay lao động trí tuệ). Nhiều yếu tố đã được đưa ra để xác định bản chất của lao động; có lẽ không một yếu tố nào mang tính cách phổ quát áp dụng cho tất cả mọi hình thức lao động; nhưng nếu gom lại nhiều yếu tố thì chúng ta có thể đưa ra một khái niệm bao quát về lao động, đó là:
      a) Ý định muốn thực hiện một điều gì đó ở bên ngoài của ta (khác với những tư tưởng ước muốn chỉ diễn ra trong đầu óc);
      b) Vận dụng cơ thể và nghị lực, hoặc trực tiếp với tay chân, hoặc với việc sử dụng các dụng cụ;
      c) Sự cố gắng (khác với giải trí) và kiên trì.
      C. Phân loại lao động
      Có nhiều tiêu chuẩn để phân chia lao động
      1/ Dưới khía cạnh chủ quan: lao động “nô lệ” (phải dùng sức lực tay chân) và lao động “tự do” (chú trọng về trí tuệ). Đây là sự phân chia dựa theo chế độ xã hội thời xưa, gồm những người nô lệ và tự do5. Ngày này ta có thể thay thế bằng các từ  lao động “cưỡng bách” và lao động “tình nguyện”.
      2/ Dưới khía cạnh khách quan, dựa theo công cụ: lao động “chân tay” (không có dụng cụ), lao động “thủ công” (dùng dụng cụ, như vẫn đòi hỏi sáng kiến cá nhân), lao động “công nghệ” (sử dụng cơ khí).
      3/ Dưới khía cạnh sản phẩm: lao động kinh tế (sản xuất đồ tiêu dụng) và lao động văn hoá (nhằm phát triển các giá trị tinh thần).
      4/ Dựa trên lịch sử hệ thống sản xuất, các nhà kinh tế học phân biệt các hình thức: nông nghiệp và chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ, vv
      5/ Trong lãnh vực triết học, khi bàn về lao động, Học thuyết Xã hội của Giáo hội nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa khía cạnh “chủ thể” và khía cạnh “khách thể”. Khía cạnh chủ thể là chính con người lao động, bởi vì duy chỉ có con người mới biết lao động (động vật và máy móc không biết đến lao động). Khía cạnh khách thể là những tài sản, cơ sở, dụng cụ, phương tiện,  ...  sử dụng vào sự làm việc hoặc là kết quả của nó6. Trong hệ trật các giá trị, cần phải đặt lao động chủ thể lên trên lao động khách thể, tài năng của con người đứng trên công cụ vật chất; con người chế ra công cụ chứ không phải ngược lại.


4 Công nhân: công là người thợ; công nhân: người thợ, người làm việc.  Cần lao: siêng năng, khó nhọc. Xc. Lê Gia, Tiếng nói nôm na, NXB Văn Nghệ, TPHCM 1999.
5 Đây là cơ sở để giải thích giới răn “kiêng việc xác ngày chủ nhật”: chỉ kiêng những công tác phần xác dành cho nô lệ.
6 Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Laborem exercens (14-9-1981), số 6. TLHTXH số 270-272.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét