Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

I. Những khía cạnh Thánh Kinh



      Tựa đề “Những khía cạnh Thánh Kinh” ra như muốn cho thấy vài khía cạnh của Thánh Kinh liên quan đến quyền bính chính trị, chứ không dám nói đến “cộng đoàn chính trị dựa theo Thánh kinh”. Đoạn này bàn đến ba giai đoạn trong lịch sử mạc khải: 1/ Cựu ước (Dân Israel). 2/ Chúa Giêsu. 3/ Thời các tông đồ.
      A. Thiên Chúa là Chủ tể (Cựu ước)
      377. Vào giai đoạn khai nguyên, dân tộc Israel chỉ nhìn nhận Giavê như là Chúa tể.
      - Về sau, dân Israel xin Chúa ban cho họ một ông vua, giống như các dân tộc khác (1Sm 8, 5 ;10,18-19). Ông Samuel đã cảnh báo cho Israel về những hậu quả của nền quân chủ độc đoán (1Sm 8,11-18); tuy nhiên, vương quyền cũng có thể được trải nghiệm như là hồng ân của Giavê đến cứu giúp dân tộc (xc. 1Sm 9, 16). Cuối cùng, ông Saulê được tấn phong làm vua (1 Sm 10,1-2).
      - Những đặc trưng của vương quyền ở Israel: + Nhà vua do Giavê chọn lựa và tấn phong; + ông được coi như là con của Giavê; + ông có bổn phận phải làm sáng tỏ quyền chủ tể của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ, qua việc bênh vực kẻ nghèo hèn, thi hành công lý.
      378. Khuôn mẫu của nhà vua được Giavê tuyển chọn là ông Đavít, một người thuộc hạng cùng đinh (1Sm 16, 1-13). Đavít khai mào một truyền thống vương giả của đấng Mêsia mà tuyệt đỉnh sẽ đạt tới nơi đức Giêsu Kitô.[1]  Sự thất bại của vương quyền trên lãnh vực lịch sử không làm tiêu tan lý tưởng về một vị vua trung tín với Giavê; Người ấy sẽ cai trị cách khôn ngoan và hành quyền theo công lý. Người ấy sẽ được đầy tràn Thần khí Chúa, sẽ là mục tử chân chính của Israel, sẽ mang thái bình đến cho các nước. Tân ước sẽ nhận ra nơi Đức Giêsu Nazareth hiện thân của vị vua lý tưởng được mô tả.
      B. Đức Giêsu với quyền bính chính trị
      379. “Hãy trả cho Cesar cái gì thuộc về Cesar, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,13-17). Đức Giêsu không chấp nhận sự chuyên chế của quyền bính các vua chúa trần gian. Người đã chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ muốn làm vua Mêsia chính trị. Người đến để phục vụ và trao hiến mạng sống của mình. Người dặn dò các môn đệ: “Người làm lớn phải trở thành kẻ phục vụ tất cả” (Mc 9,33-35).
      C. Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi
      380. Việc tùng phục quyền bính hợp pháp là điều hợp với trật tự do Thiên Chúa thiết lập. Sự tùng phục này là một nghĩa vụ lương tâm (xc. Rm 13,5), chứ không phải chỉ hoàn toàn thụ động. Một cách cụ thể, thánh Phaolô nhắc nhở nghĩa vụ phải đóng thuế (Rm 13,17), phải quan tâm làm điều tốt trước mặt mọi người (Rm 12,17), tôn trọng chính quyền bởi vì họ phục vụ Thiên Chúa khi nhằm đến điều tốt cho mọi người, trừng phạt kẻ gian ác (Rm 13,4). Thánh Phêrô khuyên nhủ các tín hữu vì lòng mến Chúa hãy tùng phục các thể chế nhân loại (1Pr 2,13), phải tôn trọng chính quyền (1Pr 2,17) vì họ được đặt lên để phạt người ác và thưởng người tốt (1Pr 2,17).
      381. Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu nguyện cho nhà cầm quyền vì họ phải duy trì nếp sống trật tự yên ổn (1Tm 2,1-2), hãy mau mắn thi hành những việc tốt (Tt 3,1), hãy tỏ ra hoà nhã với hết mọi người (Tt 3,2). Các tín hữu hãy nhớ đến thân phận khốn khổ của con người, nếu không được ơn Chúa xót thương thì có thể rơi vào đủ thứ tội ác, thù ghét lẫn nhau (Tt 3,3).
      382. Khi quyền bính con người vượt ra khỏi giới hạn của trật tự mà Thiên Chúa thiết định thì nó tôn mình làm Thượng đế và bắt nhân dân thờ lạy (Kh 17,6). Trong trường hợp ấy, nó trở thành công cụ của Satan. Đức Kitô là Con Chiên đã chiến thắng mọi quyền bính muốn tự tôn phong như là tuyệt đối. Đối diện với thứ quyền bính như vậy, thánh Gioan khuyên nhủ các tín hữu hãy kháng cự như các thánh tử đạo.
      383. Giáo hội loan báo rằng Đức Kitô, kẻ chiến thắng tử thần, đang hiển trị trên thế giới mà Người đã cứu chuộc. Vương quyền của Người cũng kéo dài cho đến hôm nay cho đến ngày chung thẩm.
      Quyền bính dễ bị cám dỗ muốn thống trị. Đức Kitô cho biết rằng quyền bính chân chính nhằm phục vụ. Thiên Chúa là người cha duy nhất của tất cả mọi người; họ phải đối xử với nhau như là anh chị em. Đức Kitô là Tôn sư của tất cả mọi người. Người không muốn nắm giữ hết mọi quyền hành trong tay, nhưng Người trao cho mỗi người những chức vụ mà họ có khả năng thi hành. Cách cư xử này cần được họa lại trong đời sống xã hội. Những kẻ cầm quyền cần phải tỏ ra như là những tác viên của Chúa quan phòng (GLCG số 1884).
      Tóm lại, Kinh thánh chấp nhận rằng quyền bính cần thiết cho đời sống xã hội, vì thế người tín hữu phải tôn trọng chính quyền. Xã hội cần có quyền bính: điều này nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên nếu chính quyền vượt quá giới hạn của mình, thì người tín hữu có bổn phận phải kháng cự.


[1] Nên nhớ “Kitô” là phiên âm từ Christos (tiếng Hy-lạp) tương đương với Messiah trong tiếng Híp-ri có nghĩa là: kẻ được xức dầu (tấn phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét