Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

II. Nền tảng và mục đích của cộng đồng chính trị


      Đoạn này bàn về bản chất của cộng đồng chính trị xét trong tương quan với những công dân là những nhân vị. (Chúng ta sẽ giải thích ý nghĩa của thuật ngữ “cộng đồng chính trị” ở trong mục 2). Có ba điểm chính: 1) Cộng đồng chính trị và nhân vị. 2) Cộng đồng chính trị và việc bảo vệ nhân quyền. 3) Nền tảng của các mối tương quan giữa các phần tử.
      A. Cộng đồng chính trị, nhân vị và dân tộc
      1/ Nhân vị là nền tảng và cứu cánh của cộng đồng chính trị (GLCG 1881). Nhân vị là một hữu thể có lý trí, có trách nhiệm về những hoạt động của mình; nhưng nhân vị chỉ đạt được sự thành tựu sung mãn và toàn diện trong mối tương quan với Đấng Siêu việt và với tha nhân. Do đó đời sống xã hội nằm trong yếu tính của con người chứ không phải là cái gì phụ thuộc[1] (số 384).
      2/ Cộng đồng chính trị phát sinh từ bản chất của các nhân vị. Cộng đồng chính trị phải tôn trọng trật tự luân lý và tôn giáo mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong lương tâm của con người. Trật tự luân lý và tôn giáo cần được nhân loại khám phá ra dần dần.
      Cộng đồng chính trị nhằm mục đích là sự tăng trưởng toàn diện của các phần tử, những người được mời gọi hợp tác để đạt được thiện ích chung[2].
      3/ Một cơ sở của cộng đồng chính trị là dân tộc[3] (số 385). Dân tộc là gì? (Xc. Sứ điệp truyền thanh của Đức Piô XII nhân lễ Chúa Giáng sinh năm 1944).
      - Dân tộc không phải là một đám đông không tên tuổi, có thể lèo lái và khai thác, nhưng là một tập hợp những nhân vị có khả năng tạo ra một ý kiến về việc chung; tập hợp ấy có tự do phát biểu cảm nghĩ chính trị của mình và đòi hỏi thực hiện; tập hợp ấy gồm bởi những con người có trách nhiệm, và có quyền tự trị trong đời sống cá nhân.
      - Đặc trưng của một dân tộc là chia sẻ sự sống và những giá trị là nguồn hiệp thông trên lãnh vực thiêng liêng và luân lý. Đời sống trong xã hội cần được nhìn như là một thực thể thuộc trật tự tinh thần: trao đổi những kiến thức trong ánh sáng của sự thật; thi hành các quyền lợi và chu toàn các nghĩa vụ; thi đua tìm kiếm đức hạnh; sẵn sàng truyền thông những gì tốt đẹp mang trong mình; khát vọng được luôn trau dồi về tinh thần. Đó là những giá trị định hướng cho tất cả mọi sinh hoạt: văn hoá, kinh tế, chính trị, tổ chức xã hội, pháp luật, vv.
      4/ Thông thường mỗi dân tộc họp thành một quốc gia (nation); tuy nhiên vì những lý do khác nhau, biên giới của quốc gia không luôn luôn trùng hợp với biên giới của chủng tộc (số 387).
      Huấn quyền Giáo hội khẳng định rằng các nhóm dân thiểu số được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ đặc thù.
      - Những quyền lợi: quyền hiện hữu; quyền bảo vệ văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng (kể cả quyền thực hành phụng tự).
      - Những nghĩa vụ: hợp tác vào công ích của quốc gia tại nơi họ đang sinh sống; cổ vũ tự do và phẩm giá của mỗi phần tử, tôn trọng sự lựa chọn của những người muốn chuyển sang văn hoá của nhóm đa số.
      Các nhóm thiểu số có thể tìm kiếm một sự tự trị rộng rãi hơn, kể cả sự độc lập (tách ra thành một quốc gia độc lập), bằng đường lối đối thoại và thương thuyết.
      B. Bảo vệ và thăng tiến các quyền lợi con người[4]
      1/ Đối với tư tưởng hiện đại, công ích hệ tại việc bảo vệ các quyền lợi và nghĩa vụ của nhân vị, tức là nhân quyền (số 388). Các nhân quyền:
      - tóm tắt những yêu sách luân lý và pháp lý chỉ huy việc xây dựng cộng đồng chính trị;
      - là quy chuẩn khách quan cho các luật lệ chế định (droit positif);
      - bắt nguồn từ phẩm giá của con người, vì thế nhân quyền có trước cộng đồng chính trị.
      2/ Cộng đồng chính trị cần tạo ra một môi trường trong đó các công dân có thể thực sự thi hành các quyền lợi và chu toàn các nghĩa vụ liên hệ.
      C. Đời sống xã hội dựa trên tình bằng hữu
      1/ Cuộc sống trong xã hội đạt được ý nghĩa trọn vẹn khi được dựa trên tình bằng hữu và huynh đệ[5] (số 390). Những quyền lợi và nghĩa vụ chẳng qua chỉ muốn diễn tả một thực tại thâm sâu hơn trong cuộc sống xã hội, đó là tình bằng hữu và huynh đệ. Thực vậy, lãnh vực của pháp luật (công bằng) là bảo vệ việc tôn trọng các thiện ích vật chất đã được phân phối; đối lại, lãnh vực của tình bằng hữu là sự vô vị lợi, ban phát tùy theo sự đòi hỏi của tha nhân (GLCG số 2212-2213). Như vậy tình bằng hữu dân sự (amicitia civilis) là sự thực thi tình “huynh đệ”, một điều gắn liền với sự “tự do” và “bình đẳng” (khẩu hiệu của cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng, huynh đệ).
      2/ Đời sống xã hội trở nên nhân bản hơn khi nó hướng đến nền “văn minh tình thương”[6] (số 391).
      - Công bằng có thể coi như mức tối thiểu của Bác ái (Thánh Tôma Aquinô).
      - Nhân vị là cái gì hơn là một cá thể: đó là một chủ thể có trí tuệ và ý chí tự do, không chỉ thoả mãn với việc đạt các sở thích vật chất, nhưng chỉ được thể hiện toàn vẹn khi biết trao ban vị tha.
      3/ Đối với người Kitô hữu, mệnh lệnh bác ái nêu bật hơn nữa ý nghĩa sâu xa của cộng đồng chính trị (số 392).  Những điều kiện cần thiết để cộng đồng chính trị trở nên nhân bản hơn là:
      - phát triển ý nghĩa nội tại của công bằng, nhân ái;
      - tận tâm với công ích;                              
      - củng cố những xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, cũng như về mục đích và những giới hạn của chính quyền.


[1] Điều này đã được nói trong chương ba, số 130 tt; 149 tt, trong phần cơ bản. Cần dung hoà hai thái cực: một bên đề cao cá nhân chủ nghĩa, cho rằng đời sống xã hội là thứ yếu đối với con người; bên kia đặt xã hội như một thực thể tuyệt đối và đối xử các phần tử như những con số vô danh. Lưu ý về dịch thuật: nguyên bản là “personne humaine”, dịch là “con người” thì cũng đúng; nhưng con người được định nghĩa như là con vật có lý trí”, còn “nhân vị” còn muốn bao hàm khía cạnh sống tương quan với các nhân vị khác (do ảnh hưởng của thuyết nhân vị, personnalisme).
[2] “Thiện ích chung” (quen dịch là “công ích”): bien commun (Pháp), common good (Anh) là cái điều tốt chung cho cộng đồng. Đây là một nguyên tắc căn bản của GHXH, được giải thích ở các số 164-170.
[3] Lưu ý về việc dịch thuật: peuple (Pháp), people (Anh) có thể hiểu theo nhiều nghĩa: “nhân dân” (đối lại với chính quyền); “dân tộc”: một cộng đồng gồm những con người có chung một gia sản lịch sử văn hoá. Tuy nhiên, như sẽ thấy trong mục II, việc xác định một “dân tộc” không phải là chuyện đơn giản. Nước Việt Nam là một dân tộc hay là 54 dân tộc? Sự khó khăn tương tự cũng gặp thấy trong ngôn ngữ Âu Tây khi phân biệt giữa peuplenation.
[4] Các quyền lợi con người đã được bàn ở chương ba, số 152-159.
[5] Đây là tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, trong quyển Chú giải sách Đạo đức học của Aristote và quyển De regno.
[6] Thuật ngữ “văn minh tình thương” (civilisation de l’amour) do đức thánh cha Phaolô VI đặt ra trong sứ điệp ngày hoà bình thế giới năm 1977. Sách TLHT bình luận đề tài này ở các số 204-208; 580-583.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét