Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

IV. Chế độ dân chủ


      406. Giáo hội đề cao chế độ dân chủ vì bảo đảm sự tham gia của các công dân vào những chọn lựa chính trị (trích dẫn thông điệp Centesimus annus số 46)
      Giáo hội không thể chấp nhận một nhóm người lãnh đạo chiếm giữ quyền lực Nhà nước để làm lợi cho cá nhân hay phục vụ một ý thức hệ.
      Chỉ có thể có một nền dân chủ chân chính trong một quốc gia pháp trị[1] và dựa trên một quan niệm đúng đắn về nhân vị.
      A. Những giá trị của dân chủ (số 407)
      1/ Những giá trị của nền dân chủ chân chính. Không phải chỉ cần tôn trọng các quy tắc nhưng còn phải thâm tín về các giá trị: phẩm giá con người, tôn trọng nhân quyền, công ích như là mục đích và tiêu chuẩn cho hoạt động chính trị.
      2/ Những sai lầm của các chế độ dân chủ hiện nay
      - Thuyết tương đối luân lý chủ trương rằng không có tiêu chuẩn khách quan và phổ quát để làm nền tảng cho các giá trị.
      - Thuyết bất-khả-tri và thuyết hoài nghi: chân lý được ấn định bởi đa số hoặc bởi sự thương thảo giữa các lực lượng cầm quyền.
      Một nền dân chủ mà thiếu giá trị luân lý thì sẽ dễ rơi vào chế độ toàn chế, như lịch sử đã cho thấy. Dân chủ là một chế độ và như vậy nó là một công cụ chứ không phải là cứu cánh.
      B. Các định chế và chế độ dân chủ
      1/ Huấn quyền của Hội thánh nhìn nhận nguyên tắc phân quyền trong một quốc gia, bởi vì nó duy trì sự thăng bằng giữa các quyền lực (số 408). Đó là lợi ích của “Quốc gia pháp trị”, trong đó quyền tối thượng thuộc về pháp lý chứ không tùy thuộc vào ý định chuyên quyết của con người.
      Trong thể chế dân chủ, chính quyền chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân giữ vai trò kiểm soát, qua những cuộc bầu cử định kỳ.
      2/ Chính quyền có bổn phận trả lời với nhân dân. Điều này không có nghĩa là các đại biểu chỉ là những nhân viên thụ động của các cử tri (số 409). Những người đắc cử được hưởng tự do để theo đuổi những mục tiêu phục vụ công ích trong nhiệm kỳ của mình.
      C. Những yếu tố luân lý trong việc đại diện chính trị
      1/ Những người có trách nhiệm chính trị không được bỏ qua hoặc coi nhẹ chiều kích luân lý của việc đại điện (số 410):
      - tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội;
      - hành sử quyền bính trong tinh thần phục vụ;
      - nhằm tới công ích, chứ không phải danh vọng hoặc ích lợi cá nhân.
      2/ Trong những lệch lạc của chế độ dân chủ, sự tham nhũng phải được liệt kê vào số trầm trọng nhất (số 411). Nó phản bội những nguyên tắc của luân lý và những quy luật của đức công bằng xã hội. Nó làm tổn hại sự điều hành đúng đắn bộ máy chính quyền. Nó làm cho người mất tin tưởng vào các thể chế chính trị.
      3/ Các cơ quan hành chánh ở mọi cấp bậc (quốc gia, miền, làng)  đều nhằm để phục vụ các công dân (số 412). Là quản lý các tài sản của nhân dân, chính quyền phải thi hành chức năng nhằm công ích. Một nguy cơ của guồng máy hành chánh là tật quan liêu bàn giấy, với những thủ tục phiền toái; muốn nắm trong tay hết mọi vấn đề.
      Cơ quan hành chánh phải có tinh thần phục vụ nhân dân, giúp đỡ thay vì hống hách.
      D. Những công cụ để tham gia chính trị
      1/ Các đảng phái có bổn phận cổ động việc tham gia vào các chức vụ chính trị (số 413). Họ phát biểu những nguyện vọng của xã hội dân sự nhắm tới công ích; họ cung cấp cho công dân những cơ hội để góp phần vào những hình thành các chính sách. Các đảng phái cần phải được tổ chức nội bộ theo đường lối dân chủ.
      2/ Một công cụ khác để tham gia chính trị là cuộc trưng cầu dân ý.
      E. Thông tin và dân chủ
      1/ Ngành thông tin[2] là một trong những công cụ chính của việc tham gia dân chủ (số 414). Cần phải đảm bảo tính đa nguyên trong lãnh vực tế nhị này.
      Những điều ngăn cản việc thực hiện quyền lợi được thông tin khách quan:
      - Sự tập trung trong ngành xuất bản và truyền hình vào những tư nhân hoặc chính quyền;
      - Sự liên kết ngành thông tin với các cơ quan Nhà Nước hoặc các nhóm tài phiệt.
      2/ Các phương tiện truyền thông xã hội phải được sử dụng để xây dựng và nâng đỡ cộng đồng nhân loại trong những lãnh vực khác nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo (số 415).
      - Việc thông tin nhằm phục vụ công ích. Xã hội có quyền lợi được thông tin dựa trên sự thật, tự do, công bằng, và liên đới.
      - Một vấn đề thiết yếu liên quan đến hệ thống thông tin ngày nay là xem nó có giúp cho con người nên tốt hơn hay không: chín chắn hơn về tinh thần; có ý thức hơn về phẩm giá của mình; có trách nhiệm và cởi mở hơn đối với tha nhân, cách riêng đối với những thành phần yếu kém.
      3/ Những khó khăn mà các phương tiện truyền thông gặp phải (số 416): đề cao ý thức hệ; lợi nhuận; kiểm soát chính trị; cạnh tranh giữa phe phái.
      a) Ngành truyền thông cũng phải tuân theo những giá trị và nguyên tắc luân lý liên quan đến: nội dung (của sứ điệp), tiến trình truyền thông (cách thức thực hiện), những cơ chế căn bản của việc truyền thông (sự phân phối các kỹ thuật tân tiến). Nguyên tắc luân lý căn bản là: việc sử dụng các phương tiện truyền thông phải nhắm đến nhân vị và cộng đồng nhân loại.
      b) Một nguyên tắc thứ hai bổ túc cho nguyên tắc vừa nói là: điều thiện của các cá nhân không thể nào tách rời khỏi điều thiện của các cộng đồng mà cá nhân là thành phần.
      Vì thế sự tham gia vào việc quyết định chính sách truyền thông là điều cần thiết. Sự tham gia này phải mang tính cách đại diện thực sự, chứ không thiên vị một nhóm nào.


[1] “Quốc gia pháp trị” : Etat de droit, không có nghĩa là quốc gia được cai trị bằng một rừng pháp luật, nhưng là quốc gia dựa trên Pháp Lý (hay: Công lý). Trong tiếng Pháp, “Droit” là Công lý, Chính nghĩa; khác với “loi” là luật lệ. Tiếng Anh không có sự phân biệt này; nếu muốn dịch sát chữ thì Droit là “Right (cái ngay thẳng).  Vì thế thiết nghĩ nên gọi là “pháp trị” hơn là “luật pháp”.
[2] Sách TLHT bàn thông tin trong chương nói về chính trị. Giám mục Nguyễn Thái Hợp dành một chương riêng cho đề tài “Đạo đức truyền thông” (chương 21).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét