Sách TLHT mở đầu chương
Tám với các suy tư Kinh thánh, còn chúng ta dùng Kinh thánh để kết luận bài học.
Lý do đã được trình bày rồi: chúng ta không thể tìm thấy trong Kinh thánh một
thủ bản cho hoạt động chính trị ở thế kỷ XXI. Khung cảnh xã hội của dân tộc
Israel khác với khung cảnh xã hội thời nay. Thậm chí Israel cũng đã có nhiều
thay đổi ngay trong lịch sử của mình. Đừng kể thời kỳ du mục của các tổ phụ và
giai đoạn lữ hành trên sa mạc (nghĩa là thời kỳ trước khi lập quốc), từ khi
định cư ở Cana, Israel đã trải qua thời kỳ không có vua (bởi vì chức vụ này
dành cho Thiên Chúa), rồi sau đó là chế độ quân chủ; kế đến là thời kỳ mất
nước. Dù sao trong Cựu ước, dân Israel là một “dân tộc thánh”: tất cả dân tộc
đều theo một tôn giáo; ai vi phạm luật tôn giáo cũng bị trừng trị giống như khi
vi phạm luật xã hội. Thực ra chuyện này không chỉ xảy ra cho dân Israel nhưng
còn ở nơi các dân tộc khác nữa, theo nghĩa là không có sự phân biệt giữa “luật
đạo” với “luật đời”. Thêm vào đó, nhà cầm quyền cũng nại đến tôn giáo để biện
minh cho quyền bính của mình. Các hoàng đế ở Á đông đã chẳng xưng mình là thiên
tử, đã lãnh mệnh trời để trị dân đấy ư? Và các vua cũng có nhiệm vụ thay mặt
cho dân để dâng lễ tế trời: nhà vua lãnh đạo cả việc chính trị lẫn việc tế tự.
Xã hội ngày nay khác hẳn.
Đừng kể các quốc gia theo chủ nghĩa vô thần, ngay tại các quốc gia “Kitô giáo”,
không chính quyền nào dám tự hào là họ nắm quyền thay mặt Chúa! Họ được nhân
dân bầu lên và chịu trách nhiệm trước mặt nhân dân, chứ không phải trước mặt
Thiên Chúa[1].
Tuy nhiên, việc quy chiếu
về Kinh thánh không phải là thừa thãi.
1/ Kinh thánh nhắc nhở
tất cả những nhà cầm quyền trên mặt đất rằng họ không phải là Thượng đế. Họ chỉ
là những thụ tạo mỏng dòn, xuất thân từ cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Họ đừng
tự phụ ra như “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Họ phải tuân thủ những luật
lệ luân lý, hoặc dựa theo lý luận tự nhiên (luật tự nhiên) hay được biết nhờ
mặc khải.
2/ Dù sao, Kinh thánh
không chỉ nhắc nhở giới hạn của mọi quyền bính trên đời này, nhưng còn mở ra
những hướng tích cực hơn. Kinh thánh cho thấy những đường hướng cư xử tốt đẹp
trong xã hội, lưu ý các nhà lãnh đạo hãy quan tâm đến việc bênh vực người thấp
cổ bé miệng, bảo vệ công lý.
3/ Sang đến Tân ước chúng
ta thấy nhiều hướng dẫn tích cực hơn, khi Chúa Giêsu mời gọi các nhà lãnh đạo
hãy bắt chước tấm gương của Người: một nhà lãnh tụ đến để phục vụ chứ không
phải để thống trị. Nói cách khác, Tân ước giới thiệu một linh đạo cho các nhà cầm quyền.
4/ Các tín hữu tìm nơi
Tân ước nhiều ánh sáng để hiểu biết những bổn phận của mình. Họ được khuyến
khích hãy hợp tác với chính quyền để xây dựng xã hội, kể cả qua việc tuân giữ
luật pháp. Tuy nhiên, khi gặp những trường hợp mà luật lệ Nhà Nước đi ngược lại
với luật Chúa, thì họ bắt buộc phải lựa chọn: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn
vâng lời người đời”, kể cả bằng việc trả giá bằng cái chết. Các tín hữu nên
cảnh giác cơn cám dỗ của quyền bính là muốn tôn mình làm Thượng đế, như sách
Khải huyền đã nhắc nhở. Điều này vẫn tồn tại trong thời đại chúng ta.
5/ Với sự thành lập Giáo
hội, Chúa Giêsu đã muốn tách biệt “quyền đạo” ra khỏi “quyền đời”. Tuy nhiên,
cơn cám dỗ thống trị cũng không buông tha những người nắm giữ quyền bính cho dù
chỉ là “quyền đạo”, thậm chí phải nói rằng cơn cám dỗ ấy còn lớn hơn nữa bởi vì
họ dễ đồng hóa mình với Đấng Tối cao, với Chân lý. Một lần nữa, cần phải mở
Kinh thánh để học hỏi “linh đạo phục vụ”.
[1] Một điều khá
ngạc nhiên là tại Hoa kỳ, nơi chủ trương tách biệt Chính trị với tôn giáo, tân
tổng thống đặt tay trên sách Kinh thánh để tuyên thệ nhậm chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét