Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

II. Lịch sử


      Vào lúc sơ khởi, chưa có sự phân biệt giữa các hình thái hoặc cấp độ xã hội, nhưng dần dần nhiều khái niệm và thể chế mới nảy ra không chỉ bởi sự tiến triển của văn minh, nhưng cũng vì muốn chỉnh sửa những chính sách độc đoán.
      Chúng ta sẽ xét đến hai điểm chính: lịch sử tiến triển các thể chế, và lịch sử tiến triển các học thuyết.
      A. Các thể chế
      Lịch sử nhân loại đã chứng kiến một sự tiến triển về hình thức thể chế, không những từ đơn giản đến phức tạp (bộ lạc, chủng tộc, quốc gia) mà còn đến những dạng thức khác biệt của cộng đồng: cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân sự; cộng đồng dân sự và cộng đồng chính trị.
      1/ Dân tộc và quốc gia
      Theo cách tổ chức xã hội hiện hành, bên trên gia đình là làng xóm, huyện xã, tỉnh thành, quốc gia. Ta có thể coi đó như là những định chế nảy sinh do sự phát triển dân số từ một nhóm người, lên tới bộ lạc, dân tộc. Tuy nhiên cái nhìn của các nhà nghiên cứu dân tộc học thì khác. Một đàng có những người chủ trương rằng vào thời nguyên thuỷ, con người sống thành bầy đàn (tức là cộng đồng), rồi dần dần mới tách ra thành những đơn vị nhỏ như là gia đình. Đàng khác, có người lấy gia đình làm tế bào cơ bản, và các hình thức khác chỉ là tiếp nối của gia đình. Các gia trưởng họp nhau thành bộ lạc, dưới sự lãnh đạo của một tù trưởng với vai trò cũng giống như cha mẹ của bộ lạc. Ta có cũng có thể nói như vậy về quốc gia. Cách đây không lâu, nhà vua cũng tự coi mình như là “cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu), và có trách nhiệm giáo dục con dân, nhưng ngày nay, chính quyền được nhìn như nô bộc của dân. Nhưng đó là hiểu về “nhân dân”; còn “dân tộc” thì sao?
      a) Dân tộc
      Trong tiếng Hán Việt, “tộc” có nghĩa là dòng họ. Danh từ này được ghép với nhiều từ khác như là gia tộc, chủng tộc, dân tộc. Ý nghĩa của gia tộc thì xem ra rõ ràng, nghĩa là dòng tộc gia đình; còn sự phân biệt giữa “chủng tộc” và “dân tộc” thì phức tạp hơn.
      Trước đây, người ta quan niệm rằng dân tộc là một thành tố cấu thành quốc gia (cùng với lãnh thổ và chủ quyền), vì thế Việt Nam chỉ có một dân tộc (tuy với nhiều sắc tộc thiểu số nhưng cũng là dân Việt). Ngày nay, các tài liệu chính thức nhìn nhận rằng có 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Như vậy thuật ngữ “dân tộc” đã thay đổi ý nghĩa.
      Một sự thay đổi khác xảy ra tại các đại học. Trước đây môn ethnology được dịch là “chủng tộc học” (hoặc “nhân chủng học”); ngày nay được dịch là “dân tộc học”. Phải chăng “chủng tộc” và “dân tộc” đồng nghĩa với nhau?
      Thiết tưởng một nguyên nhân của sự rắc rối nằm ở vấn đề dịch thuật: cùng một từ tiếng Anh (ethnology) nhưng được dịch ra hai từ trong tiếng Việt (chủng tộc và dân tộc); ngược lại, có lúc  cùng một danh từ tiếng Việt được sử dụng để dịch hai từ trong tiếng Anh: “chủng tộc” có thể là race hoặc people; “dân tộc” có thể là people hoặc nation. Trong chương mở đầu của giáo trình Dân tộc học đại cương (Nhà Xuất Bản Giáo dục 1999), ông Nguyễn Văn Tiệp viết như sau:
Thuật ngữ Dân tộc ở nước ta từ lâu được dùng với hai nghĩa: 1) Khi ta nói đến dân tộc Kinh (Việt), dân tộc Tày hay dân tộc Bana, chúng ta hiểu đó là một cộng đồng người, gọi tắt là tộc người tương đương với thuật ngữ ethnos, ethnie, ethnicity trong tiếng Pháp, tiếng Anh. 2) Khi ta gọi dân tộc Việt Nam, ta lại hiểu đó là quốc gia Việt Nam được hình thành từ thời các vua Hùng dựng nước, một quốc gia tiền công nghiệp với một nhà nước, một thể chế chính trị nhất định, có một lãnh thổ, một tiếng nói giao tiếp chung giữa các tộc người trong một quốc gia, một ý thức tự giác của mỗi người là thành viên của dân tộc đó, bên cạnh ý thức về tộc người của mình. Dân tộc hiểu theo nghĩa này dùng để chỉ thuật ngữ nation hay nation-état (trang 7).
Tác giả đề nghị dùng thuật ngữ “tộc người” cho ethnos, và “dân tộc” cho nation, nhưng ông vẫn giữ lại tên của bộ môn (“Dân tộc học” chứ không phải “Tộc người học”).
            b) Dân tộc và Quốc gia
      Sự phân biệt giữa  “dân tộc” và “quốc gia” không chỉ là chuyện từ ngữ được đặt ra ở Việt Nam, nhưng còn gợi lên vấn đề chính trị ở nhiều nơi trên thế giới: dân tộc có nhất thiết gắn liền với quốc gia không? Phải chăng mỗi dân tộc có quyền được họp thành một quốc gia độc lập? Có thể một quốc gia gồm nhiều dân tộc, và một dân tộc sống trong nhiều quốc gia không? (Xem TLHT số 386-387). Ở Việt Nam hình như chỉ vấn đề người Tây nguyên muốn đòi tự trị, nhưng trên thế giới, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự ly khai giữa hai nước Séc và Slovac (hai dân tộc hai quốc gia), cũng như nhiều nước nằm trong khối Liên Bang Sô viết cũ; đang khi đó, Canada, Bỉ, Thụy sĩ là những thí dụ của một quốc gia với nhiều dân tộc hoặc ngôn ngữ.
      Vấn đề nữa khá phức tạp là “Etat” có khi được hiểu là “quốc gia” (cộng đồng chính trị), chẳng hạn quốc gia Việt Nam (nước Việt Nam), có khi được hiểu về “nhà nước” nghĩa là chính phủ, những người cầm quyền. Điều này đưa ta đến sự phân biệt giữa xã hội dân sự và Nhà Nước.
      2/ Xã hội dân sự và Nhà Nước
      Tuy nhiều lần xã hội được với nhà nước, nhưng thực ra đó là hai ý niệm khác biệt. Xã hội còn bao gồm nhiều thực thể khác nữa (gia đình, bộ lạc, dân tộc), và nhà nước chỉ là một trong các thực thể đó.
            a) Dưới khía cạnh từ ngữ, hai danh từ “Nhà Nước” và “Quốc gia” coi như là đồng nghĩa: một bên là tiếng Việt, một bên là tiếng Hán (quốc là nước, gia là nhà). Tuy nhiên theo cách sử dụng hiện hành, “Nhà Nước” ám chỉ quyền lực cai trị, còn “Quốc gia” bao gồm cả nhân dân, lãnh thổ, văn hóa của dân tộc nữa. Sự phân biệt giữa Quốc gia (Nation) và Nhà Nước (Etat) mới được du nhập vào thời cận đại. Trước kia, nhà vua không những tự phong cho mình là kẻ lãnh mệnh trời để trị dân, nhưng còn tự coi mình là cha mẹ của dân, và có quyền quản lý tài sản quốc gia như là sở hữu của mình. Những cuộc cách mạng chính trị và pháp luật vào thời cận đại đã dần dần du nhập sự phân biệt giữa tài sản của hoàng gia và tài sản của quốc gia, cũng như tách rời đời sống tư riêng và tư cách chính trị của các người lãnh đạo. Đến khi quyền lãnh đạo được chuyển từ chính thể quân chủ sang chế độ dân cử, sự phân biệt này càng rõ rệt hơn nữa: “Nhà Nước” ám chỉ các cơ quan cầm quyền mà nhiệm vụ chính là lo bảo đảm an ninh, sao cho dân giàu nước mạnh. Nhà Nước chỉ là một công cụ của quốc gia, chứ không phải là toàn thể quốc gia[1]. Có lẽ vì muốn tránh sự hàm hồ của từ Etat (quốc gia - nhà nước) cho nên TLHT dùng từ “cộng đồng chính trị” (hiểu về quốc gia) và “quyền bính chính trị” (hiểu về nhà nước).
      Sự phân biệt giữa Nhà Nước và Quốc gia đưa đến sự phân biệt giữa “xã hội dân sự” và “xã hội chính trị”.
      b) Trải qua lịch sử thuật ngữ “xã hội dân sự” đã thay đổi ý nghĩa nhiều lần.
      - Trong văn hóa cổ điển Hy-lạp và Rôma, thuật ngữ societas civilis (tiếng Latinh, tương đương với koikonia politiké trong tiếng Hy lạp) ám chỉ đời sống xã hội (điển hình là thành phố), nơi mà các công dân bàn thảo với nhau về cách tổ chức đời sống chung.
      - Vào thế kỷ XVIII, trong khung cảnh của trào lưu tự do về kinh tế, các học giả người Anh (John Locke, Tom Paine, Adam Smith, Adam Ferguson) dùng thuật ngữ “xã hội dân sự” (civil society) để đối chiếu với Nhà Nước (State): xã hội dân sự mang bộ mặt kinh tế; Nhà Nước chú trọng đến luật lệ.
      - Ông Hegel đối chọi xã hội dân sự vừa với gia đình vừa với Nhà nước:  “gia đình” (nặng về tình yêu), “xã hội dân sự” (nặng về lý trí), “Nhà Nước” là tổng hợp giữa hai thực thể vừa nói. Karl Marx, lúc đầu cũng chấp nhận sự phân biệt của Hegel, nhưng về sau, ông thấy thuật ngữ “xã hội dân sự” vô dụng cho nên ông không đếm xỉa đến nữa.
      - Vào cuối thế kỷ XX, sau những kinh nghiệm chua chát của các chủ nghĩa toàn chế (totalitarism), thuật ngữ “xã hội dân sự” lại xuất hiện để đối chọi với “nhà nước”. “Xã hội dân sự” gồm bởi nhiều mối quan hệ được hình thành do ý muốn của các phần tử (chẳng hạn: các đoàn  thể, hiệp hội, các tôn giáo, các công đoàn, vv); “Nhà nước” (cũng gọi là “xã hội chính trị”) là guồng máy cai quản để phục vụ xã hội dân sự. Tuy là hai thực thể khác biệt, nhưng xã hội dân sự và nhà nước liên hệ chặt chẽ với nhau (HTXH số 417-418).
      B. Các học thuyết chính trị
      Trong suốt dòng lịch sử nhân loại đã có  rất nhiều học thuyết chính trị bên Đông Phương cũng như bên Tây phương. Chúng tôi chỉ dừng lại ở những vài điểm liên quan đến các vấn đề được nêu lên trong GHXH
      1/ Nguồn gốc quyền bính
      a) Từ ngàn xưa, các vua chúa vẫn nhận rằng mình nhận được mệnh Trời để trị dân. Kinh thánh cũng nói rằng mọi quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa (Rm 13,1). Nhưng phải hiểu câu nói này như thế nào?                                         
      - Khi có cuộc ly khai của nước Anh khỏi Giáo hội công giáo, vua James I (1603/1625) chủ trương rằng nhà vua nhận lãnh quyền hành trực tiếp từ Thiên Chúa, cũng giống như giáo hoàng vậy.
      - Về phía Công giáo, cha Francisco Suarez S.J. (1548-1617) chủ trương rằng quyền bính được Thiên Chúa trao cho nhân dân, nhưng vì nhân dân không thể thi hành việc cai trị được cho nên đồng thuận (minh nhiên hoặc ám tàng) chuyển quyền sang nhà vua.
      - Theo ý kiến của cha Francisco de Vitoria O.P. (1483-1546), nhân dân chỉ định người lãnh đạo, và vị này được Chúa trực tiếp trao quyền.
Giáo hội không lên tiếng trong cuộc tranh luận này.
      b) Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của quan điểm nguồn gốc quyền bính từ Thiên Chúa trong đoạn tới, khi bàn về GHXH. Tạm thời nên biết là quan điểm nguồn gốc quyền bính từ Thiên Chúa có thể phát sinh hai hiệu quả trái nghịch:
      - Tuyệt đối hóa quyền bính: quyền bính thay mặt cho Thiên Chúa. Vua là Thiên tử. Ai chống lại nhà vua là chống lại Trời.
      - Tương đối hóa quyền bính: quyền bính bắt nguồn từ Thiên Chúa cho nên không thể nào làm trái lệnh Thiên Chúa. Nếu nhà vua làm trái lệnh Chúa thì mất giá trị.
      2/ Chủ quyền thuộc về toàn dân
      Với các trào lưu dân chủ hiện đại, người ta không cần biết đến nguồn gốc thần linh của quyền bính nữa. Các triết gia dựa theo thuyết “Hợp đồng xã hội” (Contrat social) của Jean Jacques Rousseau, theo đó, vào hồi nguyên thủy, con người sống rải rác lẻ loi. Vì nhận thấy bị nhiều đe dọa sinh tồn , cho nên con người đồng lòng sống thành xã hội qua một hợp đồng, trong đó họ nhượng lại chủ quyền (souveraineté) cho xã hội, tuy vẫn giữ lại cho mình vài tự do căn bản (ngày nay gọi là nhân quyền).
      Mặc dầu thuyết của Rousseau bị chỉ trích dưới nhiều khía cạnh, nhưng châm ngôn “chủ quyền thuộc về toàn dân” đã được đưa vào các bản hiến pháp hiện đại. Nhân dân bầu ra các đại biểu quốc hội, và những người này phải soạn thảo các luật lệ “theo ý dân”.
      Quan điểm của các giáo hoàng đối với thuyết chủ quyền thuộc về toàn dân đã thay đổi.
      - Vào lúc đầu, các giáo hoàng lên án thuyết của cách mạng Pháp bởi vì họ lấy ý dân làm gốc mà không đếm xỉa gì đến Thiên Chúa. Ngày nay, tuy GHXH chấp nhận nguyên tắc chủ quyền thuộc về toàn dân (TLHT số 395), nhưng luôn hiểu ngầm rằng ý dân không đương nhiên là ý Trời! Ý dân cần quy chiếu về luật luân lý của Thiên Chúa (TLHT số 397)
      - Kể cả ngày nay, GHXH không chấp nhận thuyết khế ước xã hội của Rousseau. Xã hội thành hình do chính bản chính của con người, chứ không phải do một hợp đồng. Xem thêm TLHT số 149, chú dẫn 297 quy chiếu đức Lêô XIII, Libertas praestantissimum.
      3/ Quyền hành và chính thể
      Chính trị thường gắn liền với quyền hành. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng kiến nhiều chính thể, nhiều mô hình tổ chức việc nắm giữ quyền hành trong một quốc gia.
      a) Một cách tổng quát, người ta thường tổ chức công quyền thành ba ngành: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hành pháp cũng có thể chia thành các cơ quan lãnh đạo (chính trị gia) và các cơ quan hành chánh.
      - Nguyên tắc phân quyền được đặt ra nhằm tránh sự tập trung quyền bính vào tay một người hoặc một nhóm người. Ngay từ thời thượng cổ, triết gia Aristote đã biết dến các hình thức nắm giữ quyền bính, và ông đã đặt tên cho các hình thức đó là monarchia (một người), aristocratia (một số người), republica (nhiều người). Cả ba hình thức đều có thể là tốt khi những nhà cầm quyền biết nhắm đến ích chung. Tiếc rằng, cả ba hình thức ấy đều đã có lúc bị méo mó, vì thế mà sinh ra ba thứ “dị hình”: monarchia trở thành tyrannia (bạo vương), aristocratia trở thành oligarchia (đầu sỏ), republica trở thành democratia.
      - Vào thời cận đại, người ta thường nói đến các chính thể: quân chủ chuyên chế, độc tài, đảng trị, dân chủ, cộng hòa[2]. Nên lưu ý rằng một nước quân chủ có thể được cai trị theo đường lối dân chủ (thí dụ nước Anh).
      b) Xét về tổ chức hành chánh, quốc gia có thể là “duy nhất” hay “liên bang” (liên hiệp quốc gia: thí dụ: Hoa kỳ, Canada, Đức).
      Lịch sử còn cho thấy nhiều hình thức khác nữa: trong quá khứ, hình thức Đế quốc (một nước lớn với các nước chư hầu); trong hiện tại và tương lai, các khối hay vùng (ASEAN, Cộng đồng châu Âu), vv
      4/ Uy thế và quyền hành
      Trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ khác, các từ ngữ: quyền bính, quyền hành, quyền lực được coi như đồng nghĩa. Tuy nhiên, dần dần, các học giả phân biệt giữa authoritépouvoir (Anh: authority / power)
      Authorité gốc Latinh là auctoritas, bởi auctor (= tác giả), có nghĩa là người làm ra cái gì đó: nó nói lên một sức mạnh sáng tạo, hướng dẫn, có khả năng hướng dẫn sự phát triển của xã hội. Nhờ sức mạnh tinh thần ấy, ai có auctoritas có sức thuyết phục, thu hút
      Pouvoir gốc Latinh là potestas, bởi động từ posse (= có thể) nói lên khả năng để thực hiện điều gì; trên thực tế, pouvoir thường hiểu về khả năng cưỡng bách người khác phải theo.
      Từ đó đưa đến sự phân biệt: auctoritas nói lên sức mạnh luân lý (uy tín, uy thế), còn pouvoir nói lên sức mạnh cưỡng bách (quyền lực, quyền hành). Người có uy tín thu hút người khác bằng đạo đức của mình; một người không có uy tín thì sử dụng quyền lực để bắt buộc người khác phải theo mình.
      Nói như thế có nghĩa là người giữ quyền bính cần phải dựa trên sức mạnh tinh thần, sức mạnh của luân lý (TLHT số 396; 410).
      5/ Chính trị và tôn giáo
      Trước khi bước sang đoạn bàn về giáo huấn của Giáo hội về chính trị, thiết tưởng nên ôn lại một chút lịch sử Giáo hội.
      Sách TLHT trình bày quan điểm của Giáo hội về vai trò của chính quyền thuộc bất cứ tôn giáo nào. Trước đây, thần học chỉ nói đến tương quan giữa Giáo hội và Nhà Nước trong một quốc gia công giáo. Lịch sử thần học về vấn đề này bắt đầu từ khi hoàng đế Constantinô trở lại đạo, và không lâu sau đã đặt Kitô giáo làm quốc giáo. Từ đó đã nảy sinh ra nhiều chủ quyết khác nhau, tạm quy về hai thuyết: nhất nguyên và nhị nguyên, mỗi thuyết với nhiều dạng thức.
      a) Nhất nguyên (monisme): không phân biệt quyền đạo và quyền đời. Nhưng ai lãnh đạo?
      - Quyền đời bảo hộ tôn giáo: Cesaropapisme thời cổ và cách riêng bên các Giáo hội Đông phương: Hoàng đế quản lý giáo hội. Vào thời cận đại, đó là thuyết gallicanisme bên Pháp, febronianisme bên Đức, josephinisme bên Áo, regalisme bên Tây ban nha.
      - Quyền đạo chỉ huy quyền đời: hierocratia, ở Tây Au thời Trung cổ. Giáo hoàng tấn phong hoàng đế và có thể truất chức hoàng đế.
      b) Nhị nguyên (dualisme): quyền đời và quyền đạo tách biệt nhau.
      - Chính trị và tôn giáo là hai thực thể biệt lập: hai bên không can thiệp vào nội bộ của nhau. Đó là chủ trương của Hoa kỳ vào thời lập quốc.
      - Chính trị tách rời khỏi tôn giáo (tục hóa: laicisme), không để cho tôn giáo chi phối. Thậm chí chính quyền không nhìn nhận Giáo hội như một thực thể công pháp. Giáo hội là một đoàn thể giống như các hiệp hội khác, đặt dưới sự kiểm soát của Nhà Nước.
      Đó là nói về Giáo hội và chính quyền ở các nước theo Kitô giáo. Ngoài Kitô giáo ra, chúng ta cũng nên lưu ý rằng thuyết nhất nguyên vẫn tồn tại ở nhiều nơi:
      a) Tại hầu hết các quốc gia theo Hồi giáo, không có sự phân biệt giữa luật đạo với luật đời. Ai bị kết tội  lộng ngôn phạm thượng đều bị xử tử hình.
      b) Các nhà xã hội học ghi nhận khuynh hướng của chính quyền muốn trở thành tôn giáo. Điều này xảy ra tại các bộ lạc sơ khai (thờ totem vật tổ), tại các quốc gia thần giáo, và thậm chí tại các quốc gia vô thần: có những cuộc viếng lăng lãnh tụ (hành hương), có những cuộc biểu tình (đi kiệu), có những đài kỷ niệm liệt sĩ (thánh địa), vv


[1] Vì thế xảy ra chuyện một quốc gia có hai nhà nước, tựa như Việt nam từ năm 1954 đến năm 1975, hoặc Trung quốc và Triều tiên hiện nay.
[2] “Cộng hòa” (cộng tác và hòa hợp) dịch từ république (Pháp), republic (Anh), nguồn gốc từ tiếng Latinh res publica có nghĩa là: việc công . 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét