Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

V. Cộng đồng chính trị nhằm phục vụ cộng đồng dân sự


      Khái niệm về “cộng đồng dân sự” sẽ được giải thích trong mục II. Thuật ngữ này đã được sách TLHT sử dụng ngay từ chương Bốn (số 168;185).
      A. Giá trị của xã hội dân sự
      1/ Cộng đồng chính trị được thiết lập nhằm phục vụ xã hội dân sự (số 417).
      - Giáo hội đã góp phần vào sự phân biệt giữa cộng đồng chính trị và xã hội dân sự khi đương đầu với một vài ý thức hệ: a) chủ nghĩa cá nhân, coi nhẹ công ích chính trị; b) chủ nghĩa toàn chế muốn nắm gọn xã hội chính trị vào tay Nhà Nước.
      - Định nghĩa: “Xã hội dân sự là tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, độc lập một cách tương đối khỏi giới chính trị và kinh tế”.
      - Đặc trưng : a) Mục đích của xã hội dân sự bao gồm tất cả các công dân, bởi vì nó nó có liên quan tới công ích. b) Nó có khả năng thảo ra những dự án tạo điều kiện giúp cho cuộc sống xã hội được tự do và công bằng hơn, hầu đáp ứng các nhu cầu căn bản và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
      2/ Ưu thế của xã hội dân sự
      Xã hội dân sự đứng trước xã hội chính trị (số 418). Tuy cả hai nếu lệ thuộc lẫn nhau, nhưng phải nói rằng cộng đồng chính trị bắt nguồn từ xã hội dân sự.
      Mối tương quan giữa Nhà Nước và xã hội dân sự được điều hòa bằng nguyên tắc hỗ trợ (hay bổ trợ), đã được bàn ở số 185-188. Nhà Nước tạo ra khung cảnh pháp lý để xã hội dân sự hoạt động, và canh chừng để tránh sự xung đột giữa các nhóm.
      B. Việc áp dụng nguyên tắc hỗ trợ
      1/ Điều quan trọng là sự tăng trưởng đời sống dân chủ bắt nguồn từ khung cảnh xã hội (số 419). Cá nhân có thể phát huy chiều kích xã hội của mình trong các khuôn khổ của đoàn thể tự nguyện hoặc hợp tác trong “lãnh vực thứ ba” (secteur tertiaire, ngoài hai lãnh vực chính trị và kinh tế). Việc thực hành các quyền lợi bên ngoài cơ chế Nhà Nước góp phần vào việc làm cho đời sống dân chủ được phong phú hơn.
      2/ Các mối tương quan diễn ra trong bầu khí hợp tác và liên đới có sức vượt lên trên các mối chia rẽ do ý thức hệ, nhờ việc thúc đẩy đi tìm những gì liên kết hơn là những gì chia rẽ (số 420). Sự hợp tác này được xem như lời đáp trả mạnh mẽ nhất đối lại với não trạng tranh chấp và cạnh tranh đang ngự trị trong thế giới hiện nay. Các kinh nghiệm về thiện nguyện cho thấy sự tái lập một luân lý công dựa trên sự hợp tác và tình huynh đệ là điều có thể được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét