Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

I. Từ ngữ


      Trong vấn đề từ ngữ, chúng ta gặp hai khó khăn chính: 1/ Từ ngữ hàm hồ trong tiếng Việt cũng như tiếng Tây: Chính trị là gì? 2/ Việc dịch thuật vài từ ngữ từ tiếng Tây sang tiếng Việt.
      1/ Đứng đầu các sự hàm hồ trong tiếng Việt cũng như tiếng Tây là câu hỏi: chính trị là gì?
      “Chính trị” là từ ngữ được sử dụng hằng ngày, đặc biệt là các cơ quan truyền thông xã hội, nhưng chắc chắn là không phải hết mọi người đều hiểu như nhau. Có người cho rằng làm chính trị có nghĩa là tham gia quyền bính. Có người lại cho rằng chỉ trích Nhà nước cũng làm chính trị rồi, và thậm chí ai không ủng hộ Nhà nước cũng là làm chính trị! Thử hỏi Chính trị là gì? 
      Nếu xét theo từ ngữ Hán Việt, thì “chính” là làm cho ngay, còn “trị” là sắp đặt công việc; vì thế “chính trị” là  trông coi sắp đặt trong nước để trị cho yên (Lê Gia, Tiếng nói nôm na, trang 141).
      Bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (tập I, Hà Nội 1995, trang 478) định nghĩa chính trị như là “Toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ nội dung hoạt động của nhà nước”.
      Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1997) cung cấp đến 5 nghĩa của từ “chính trị”:
1/ Những vấn đề về tổ chức và điều hành bộ máy nhà nước trong nội bộ một nước, và về quan hệ về mặt nhà nước giữa các nước với nhau. 2/ Những hoạt động của một giai cấp, một chính đảng, một tập đoàn xã hội nhằm giành hoặc duy trì quyền điều hành bộ máy nhà nước. 3/ Những hiểu biết về mục đích, đường lối, nhiệm vụ đấu tranh của một giai cấp, một chính đảng nhằm giành hoặc duy trì quyền điều khiển bộ máy nhà nước. 4/ Những hoạt động nhằm nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng (...) 5/ Sự khéo léo đối xử để đạt mục đích mong muốn.
Ta có thể gom lại 5 nghĩa vừa nói vào hai ý tưởng chính: một, chính trị liên quan đến việc điều khiển bộ máy nhà nước; hai, chính trị sử dụng mưu lược.
       Thực ra thuật  ngữ “chính trị” được dùng để chuyển dịch hạn từ politique trong các tiếng Pháp và Anh. Theo nguyên gốc Hy-lạp, politicos liên quan đến việc tổ chức cai quản thành phố (polis). Dĩ nhiên là có nhiều quan điểm về “chính trị”, tức là về việc cai quản. Nói chung, thời Cổ điển và Trung đại, các triết gia thảo luận về những đường hướng tối ưu để đạt được “thiện ích” cho các công dân. Nói khác đi, chính trị được gắn liền với luân lý đạo đức. Vào thời cận đại, chính trị được coi như một thủ đoạn để chiếm đoạt  quyền bính cũng như để hành sử và nắm giữ quyền bính. Quyền bính trở thành mục tiêu của chính trị, chứ không phải là phương tiện để thực hiện công ích nữa. Lát nữa, chúng ta sẽ trở lại vấn đề từ ngữ: quyền bính, quyền lực, quyền hành.
      - “Chính quyền” cũng là một từ ngữ hàm hồ. Có lúc được hiểu như là những người đang nắm quyền cai trị (đối lại với “nhân dân”). Có khi “chính quyền” được dùng theo nghĩa đối nghịch với “ngụy quyền”. Lúc khác, “chính quyền” được dùng như là đối lại với “giáo quyền” (quyền đời / quyền đạo).
      2/ Việc chuyển ngữ từ tiếng Tây sang tiếng Việt
      Một từ ngữ trong tiếng Tây có thể chuyển sang nhiều từ trong tiếng Việt; nhưng lắm khi các từ ấy không đồng nghĩa (chúng tôi gọi tắt “tiếng Tây” là tiếng Pháp và tiếng Anh: cả hai đều bắt nguồn từ tiếng La-tinh)
      - Politique được dịch là “chính trị”. Thực ra đây là một từ gốc Hy-lạp politicos  bởi polis có nghĩa là “thành phố” (thí dụ Constantinopolis là thành phố của Constantinô); politicos liên quan đến việc tổ chức cai quản thành phố. Tuy nhiên vào thời cổ, polis  tượng trưng cho tổ chức hành chánh quy mô (khác với thôn quê hoang dã), vì thế đôi khi polis cũng có nghĩa tương đương với “quốc gia” hiện đại, đặc biệt khi dịch ra tiếng Latinh là civitas, mà vết tích còn thấy nơi tác phẩm của thánh Augustinô De civitate Dei hoặc Cité du Vatican, được  hiểu về vương quốc, quốc gia). Ta cũng thấy trường hợp tương tự trong tiếng Pháp (cité, citoyen) và tiếng Anh (city, citizen).
      - Peuple (Anh: people) có thể hiểu là “dân tộc” (thí dụ: dân tộc Việt), nhưng cũng có thể hiểu là “nhân dân”, đối lại với “chính quyền”.
      - Nation: quốc gia (nationalité, nationality: quốc tịch). Gốc bởi động từ Latinh nasci (sinh ra); tiếng Pháp có từ ngữ natif (sinh quán) cũng giống như native trong tiếng Anh.
      - Etat (Anh: State): có khi dịch là “quốc gia” có khi dịch là “nhà nước”. Xét theo từ ngữ “Quốc gia” với “Nhà Nước” đồng nghĩa (một bên là chữ Hán, một bên là chữ Việt: quốc là nước, gia là nhà), nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Danh xưng của Hoa kỳ là Etats Unis (United States of America) thì chỉ có thể dịch là “Hợp chủng quốc” (quốc gia) chứ không thể gọi là “Liên bang nhà nước”.  NationEtat đều là “quốc gia” (thí dụ ONU, Liên hợp quốc): có gì khác biệt giữa hai danh từ ấy không? Chúng ta sẽ bàn sau, chỉ cần lưu ý rằng về từ ngữ état (state) chỉ có nghĩa là: tình trạng, trạnh thái.
      - Authorité (Anh: authority) được dịch là “quyền bính, quyền hành, quyền lực”. Tuy nhiên ba danh từ này cũng được dùng để dịch pouvoir (Anh: power). Tuy nhiên authoritépouvoir không hoàn toàn đồng nghĩa, có thể so sánh với “uy thế” và “quyền lực”: người không còn uy thế thì thích sử dụng quyền lực! Điều trớ trêu là trong tiếng Việt “quyền” cũng được dùng để dịch từ droit (Anh: right); trên thực tế, “quyền lực” (pouvoir) của nhà nước thường xung khắc với “quyền lợi” (droit) của người dân: người dân đòi quyền lợi, nhà nước đem quyền lực ra đàn áp: cả hai đều đòi “quyền”! Về điểm này tiếng Tây rõ hơn tiếng Việt.
      - Droit trong tiếng Pháp không chỉ có nghĩa là “pháp luật” nhưng còn có nghĩa là “công lý”. Nói khác đi,  droit thì rộng hơn là loi. Vì thế khi dịch Etat de droit là “Nhà Nước pháp trị” thì sẽ gây hiểu lầm là “Nhà Nước dùng luật để trị dân”, đang khi mà thuật ngữ muốn nói rằng: “Nhà Nước phải ở dưới công lý” (chứ không phải ở trên công lý). Tiếng Anh không có từ tương đương với Droit (right chỉ có nghĩa là “quyền lợi”).
      - Liberté religieuse: tự do “tín ngưỡng” hay tự do “tôn giáo”? Thoạt tiên xem ra “tín ngưỡng” và “tôn giáo” đồng nghĩa, nhưng sự thực không phải như vậy. Tín ngưỡng là niềm tin chủ quan, cá nhân; còn tôn giáo thì mang tính cách cộng đồng. Hầu như đâu đâu cũng có tự do tín ngưỡng (ai muốn tin gì thì tin), nhưng muốn thực hành tự do tôn giáo thì cần phải xin phép!
      Sở dĩ các từ ngữ vừa nói mang tính hàm hồ bởi vì chúng thay đổi ý nghĩa trải qua dòng lịch sử. Đoạn tiếp theo đây muốn làm sáng tỏ điều ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét