Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

III. Quyền bính chính trị


      Đoạn này gồm 5 điểm: 1/ nền tảng của quyền bính chính trị. 2/ quyền bính chính trị như là sức mạnh luân lý. 3/ quyền phản đối theo lương tâm. 4/ quyền chống đối. 5/ hình phạt.
      Như sẽ nói trong mục 2, đây là một vấn đề nhạy cảm: nguồn gốc quyền bính bởi đâu: bởi trời hay bởi dân? Nếu là bởi dân thì có thể đặt ra những nghĩa vụ lương tâm không? Nếu là bởi trời thì mình có quyền chống đối không? Giữa hai thái cực đó, còn có một cách thức thứ ba để đặt câu hỏi: phải hiểu “bởi trời” như thế nào? Nên biết là những vấn đề này thuộc về luân lý Kitô giáo, được bàn trong sách GLCG số 2234-2243. 
A. Nền tảng của quyền bính chính trị
      1/ Giáo hội phải đương đầu với nhiều quan niệm về quyền bính, và luôn bảo vệ khuôn mẫu quyền bính dựa trên bản tính xã hội của các nhân vị (số 393).
      Bản tính của quyền bính:
      - xã hội không thể đứng vững nếu không có một người chỉ huy để điều động các phần tử phục vụ công ích;
      - vì thế tất cả mọi cộng đồng của con người đều cần đến một quyền bính điều hành.
      - quyền bính cũng như xã hội đều bắt nguồn từ bản chất của con người (nature)[1], có nghĩa là từ chính Thiên Chúa.
      Bởi vậy quyền bính chính trị (autorité politique gọi tắt: chính quyền) là điều cần thiết vì những nhiệm vụ được trao phó (GLCG 1897).
      2/ Chính quyền có trách nhiệm bảo đảm nếp sống yên ổn trật tự của cộng đồng, nhưng không phải thay thế các cá nhân hay đoàn thể cho bằng hướng họ về công ích (số 394).
      Chính quyền phải phục vụ sự thăng tiến toàn diện của con người, thi hành chức năng trong khuôn khổ của trật tự luân lý, phù hợp với một trật tự pháp lý đã được quy định hợp pháp. Trong điều kiện như vậy, các công dân có bổn phận lương tâm phải tuân hành.
      3/ Chủ thể của chính quyền là nhân dân xét theo toàn thể: họ là kẻ nắm giữ chủ quyền (số 395).
      -  Nhân dân chuyển giao việc thi hành chủ quyền cho những người mà họ lựa chọn làm đại biểu, và nhân dân giữ quyền kiểm soát.
      - Chủ nghĩa dân chủ, nhờ có những cơ chế kiểm soát, cho phép đảm bảo việc thực thi chủ quyền.
      - Tuy nhiên, chỉ nguyên sự đồng lòng của nhân dân chưa đủ để coi việc hành sử chính quyền là công bình[2].
      B. Quyền bính như là sức mạnh luân lý
      1/ Quyền bính cần được hướng dẫn bởi luật luân lý (số 396)
      - Quyền bính được uy tín khi thi hành trong khuôn khổ của trật tự luân lý. Trật tự luân lý dựa trên Thiên Chúa là nguyên ủy và cứu cánh.
      - Không thể nào quan niệm quyền bính như là một sức mạnh thuần tuý xã hội và lịch sử.  Nếu khước từ trật tự luân lý, thì không thể nào quy tụ được các phần tử, để thuyết phục họ nhất trí chấp nhận một quan điểm công lý.
      - Trật tự luân lý cần dựa trên Thiên Chúa; nếu tách rời khỏi Thiên Chúa thì nó sẽ tan rã. Nhờ dựa trên trật tự luân lý mà quyền bính lấy sức mạnh truyền khiến bó buộc.
      2/ Quyền bính cần phải nhìn nhận, tôn trọng và cổ động các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu (số 397).
      Các giá trị luân lý nằm ngay trong bản tính của con người, diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người, và là những yếu tố của một luật luân lý khách quan được khắc trong tâm khảm của mỗi người[3]. Những giá trị này không dựa theo ý kiến của đa số, và không có thể  thay đổi do một cuộc trưng cầu ý kiến.
      Các luật pháp của quốc gia cần phải quy chiếu về các giá trị luân lý.
      3/ Chính quyền phải ban hành những luật công bằng, nghĩa là phù hợp với phẩm giá nhân vị và với những đòi hỏi của lý trí ngay thẳng (số 398).
      Chỉ khi nào phù hợp với lý trí ngay thẳng và với luật vĩnh cửu thì luật pháp mới xứng đáng với danh nghĩa của nó. Nếu không, nó trở thành luật bất chính (bất nhân) và là hành động bạo lực.
      - Ai khước từ tuân phục quyền bính hành động theo trật tự luân lý thì sẽ làm trái ngược với trật tự do Thiên Chúa thiết lập (Rm 13,2). Một cách tương tự như vậy, quyền bính nào không quan tâm đến việc thực hiện công ích thì làm mất mục tiêu của mình và mất thế lực.
      C. Quyền phản đối theo lương tâm[4]
      Lương tâm không bắt buộc phải tuân giữ những quy định của chính quyền nếu chúng trái nghịch với những đòi hỏi luân lý (số 399).
      Sự phản đối theo lương tâm không chỉ là một bổn phận luân lý nhưng còn là một quyền lợi căn bản của con người. Quyền này phải được luật quốc gia bảo vệ.
      D. Quyền chống đối[5]
      1/ Luân lý cho phép chống đối quyền bính trong trường hợp họ vi phạm các nguyên tắc của luật tự nhiên một cách trầm trọng và liên tục (số 400). Thánh Tôma Aquinô viết rằng: “người ta chỉ buộc phải vâng lời trong mức độ do trật tự công lý đòi hỏi” (Summa Theologiae II-II, q.104, a.6). Do đó, nền tảng của quyền chống đối là luật tự nhiên.
      2/ GHXH đã vạch ra những tiêu chuẩn của việc thi hành quyền chống đối (số 401). Những điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ trang là:
      a) có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;
      b) đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;
      c) sự chống đối sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;
      d) có hy vọng thành công với những lý do có cơ sở;
      e) không thể tiên liệu hợp lý được những giải pháp nào tốt hơn” (GLCG số 2243).
      Xét vì những nguy hiểm của việc chống đối bằng vũ lực, khuyên nên sử dụng đường lối “chống đối thụ động” bởi vì phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và không kém hứa hẹn thành công.
      E. Hình luật
      1/ Để bảo vệ công ích, chính quyền hợp pháp có quyền lợi và bổn phận phải ra hình phạt tương xứng với mức độ nặng nhẹ của tội phạm (số 402).
      Nhà Nước có hai trách vụ: a) bài trừ những hành vi xâm phạm đến quyền lợi con người và những quy luật cơ bản của xã hội dân sự; b) dùng hình phạt để sửa chữa những xáo trộn mà tội phạm đã gây ra.
      2/ Những mục tiêu của hình phạt (số 403):
      - bảo vệ trật tự công cộng
      - bảo đảm an ninh cho các công dân
      - dụng cụ để cải tạo người lầm lỗi
      - Hình phạt cũng có giá trị luân lý của việc đền tội khi phạm nhân tình nguyện chấp nhận sự trừng phạt
      Hình phạt cần phải giúp các tội nhân trở về với xã hội, cũng như cỗ xuý một nền công lý hoà giải nhằm tái lập sự chung sống bị đỗ vỡ do tội phạm.
      3/ Các cơ quan tư pháp cần phải hết sức truy tầm sự thật và tôn trọng phẩm giá và quyền lợi các nhân vị (số 404).
      - Không thể tuyên án phạt nếu không chứng minh được tội phạm.
      - Sự tra tấn làm hạ giá kẻ bị tra tấn cũng như người tra tấn.
      - Việc xét xử cần tiến hành nhanh chóng
      - Các nhân viên toà án có bổn phận bảo mật.
      4/ Án tử hình (số 405)
      Dư luận càng ngày càng chống lại án tử hình, và muốn loại trừ hình phạt này. Hội thánh coi đó như là một dấu hiệu hy vọng, và tuy không chủ trương loại trừ hình phạt tử hình nhưng cho rằng những biện pháp trừng phạt không đổ máu thì tốt hơn, bởi vì phù hợp hơn với công ích và nhân phẩm (GLCG số 2267).


[1] Nature có thể dịch là: tự nhiên, thiên nhiên, bản tính, bản chất. Ở đây xin dịch là “bản chất”, nghĩa là sự cần thiết của quyền bính nằm trong bản chất của con người sống trong xã hội. Cái bản chất này do Thiên Chúa dựng nên, vì thế mà nói được là quyền bính bắt nguồn bởi Thiên Chúa.
[2] Nói cách khác, “ý dân không nhất thiết là ý Trời”:  không thể lấy sự đồng thanh chấp thuận của nhân dân làm tiêu chuẩn để định đoạt quy tắc luân lý. Nếu toàn dân nhất trí biểu quyết luật phá thai thì không vì thế việc phá thai trở thành tốt đẹp và phù hợp với luân lý!
[3] Luân lý Công giáo gọi là “luật luân lý tự nhiên” (GLCG 1954-1960)
[4] Phản đối theo lương tâm: objection de conscience (Pháp). Dĩ nhiên không thể hiểu theo nghĩa là “phản đối tiếng nói lương tâm” (không theo lương tâm), nhưng là “phản đối nhân danh lương tâm”. Sự phản đối không phải chỉ bằng lời lẽ, nhưng còn kèm theo việc bất tuân hành vì lý do lương tâm (“objection” là vấn nạn, phản biện, đối chất).  GLCG nói  điều này ở số 2242.
[5] Droit de résistance (Pháp): quyền chống đối, đề kháng, phản kháng. Phản kháng có lẽ hơi nhẹ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét