Trang

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Caritas In Veritate: Đức Giáo Hoàng nói về kinh doanh

Kể từ khởi thủy thời Aristote và Platon, nghiên cứu kinh tế vẫn luôn là một ngành của triết lý, thuộc địa của chính trị học và đạo đức học. Nhưng tất cả đã thay đổi vào cuối thế kỷ 19 khi các nhà kinh tế cố gắng biến môn lúc đó gọi là kinh tế chính trị trở thành khoa học thuần túy có tên là kinh tế học. Gọi là khoa học "thuần túy" vì nó dựa theo mô hình môn vật lý, trong đó thị trường vận hành theo các luật nghiêm khắc giống hệt như sự dịch chuyển các ngôi sao và không có chỗ cho những cân nhắc luân lý. Được giải thoát khỏi cái "vòng kim cô" luân lý, các nhà khoa học kinh tế những tưởng có thể vạch được tiến trình kinh tế với sự chính xác như các nhà thiên văn có thể vẽ được quỹ đạo của các hành tinh. Chỉ có sự quan sát và toán học là đáng kể thôi. W.S. Jevons nói cách đây hơn 100 năm: nếu nhà kinh tế có thể thu thập được đủ số liệu thống kê, thì kinh tế sẽ "chính xác như nhiều môn khoa học vật lý khác"

Ngày nay ta có quá nhiều cỗ máy điện toán mà Jevons có nằm mơ cũng không thấy. Ấy vậy mà bất chấp những nguồn dữ liệu ngồn ngộn liên tục nạp vào các máy điện toán, khoa học kinh tế vẫn chẳng đón lõng, đón đầu được cuộc khủng hoảng đã và đang diễn ra làm rung chuyển địa cầu. 90% các nhà kinh tế không đoán trước được diễn tiến cuộc khủng hoảng. Ngay cả các nhà kinh tế lừng lẫy cũng cho rằng "tất cả đều tốt đẹp", “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” ngay vào lúc sự cố sắp đổ ụp xuống. Cứ vậy mà khủng hoảng xảy ra theo mô thức này và lặp đi lặp lại. Dường như người ta chỉ nắm được mỗi quy luật này: khủng hoảng càng lớn thì các nguyên nhân của nó lại càng tù mù, hũ nút, tối mò. 

Phải chăng như thế có nghĩa là "khoa học" của các nhà kinh tế chưa hoàn bị, họ còn thiếu nguyên tắc cơ bản nào đó tối cần thiết để nghiên cứu kinh tế? 

Giáo Hội Công giáo đã luôn luôn nghĩ như thế. Ngay từ năm 1891, thời điểm manh nha sự thống trị của "khoa học" kinh tế, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp Tân Sự đã khẳng định rằng kinh tế phải dựa trên công bằng. Hơn nữa, ngài nhấn mạnh dấu hiệu của sự công bằng này là ở đồng lương chính đáng. Các kinh tế gia bỡ ngỡ: tiền lương chẳng qua chỉ là một thứ hàng hóa, như lúa mì hay quặng sắt, mà lòng người thì hám lợi, cung trên “chợ người” cao mà cầu thì thấp, tội gì mà không ép giá sát sàn sạt tất tần tật. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng kế nhiệm cũng đều lập lại và mở rộng giáo huấn của Đức Lêô. Các vị cho rằng kinh tế học nghiên cứu các quan hệ cá nhân và các quan hệ của các tổ chức cần thiết cho việc cung cấp phẩm vật vật chất cho xã hội. Vì có liên quan đến các quan hệ con người, cho nên kinh tế học phải là một khoa học nhân văn, mang tính độc lập như toàn bộ các khoa học nhân văn, về các chuẩn mực của hành vi con người, các chuẩn mực mà ta gọi là các đức tính và luân lý. Nhân đức tự nhiên lớn nhất là công bằng, và trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, điều này có nghĩa là công bằng cá nhân và công bằng xã hội. 

Nay đến Đức Bênêđíctô XVI với Thông điệp Bác ái trong Chân lý, vượt trội lên trên toàn bộ các thông điệp xã hội trước đó bằng cách khẳng định rằng một nền kinh tế đúng đắn không những phải dựa trên nhân đức tự nhiên công bằng mà còn đặt cơ sở trên nhân đức siêu nhiên bác ái! Tất nhiên công bằng là một bộ phận của bác ái: bạn không thể bảo rằng bạn yêu ai mà lại đối xử bất công với người đó. Nhưng không có thông điệp nào trước đó lại khẳng định tính hàng đầu của tình yêu cần được cân nhắc trong thực tiễn của đời sống kinh tế và xã hội. Không những thế, Đức Bênêđíctô còn đi xa hơn: ngài khẳng định nguyên tắc nhưng không “tình cho không biếu không” trong kinh doanh, nhấn mạnh ý tưởng quà tặng cho không biếu không. Đến đây thì nhiều nhà quan sát kết luận rằng Đức Giáo hoàng đang lao quá sâu vào chủ nghĩa không tưởng, có lẽ thích hợp hơn trong thế giới thiên thần, nhưng sẽ chỉ có thảm bại trong thế giới loài người sa ngã. Doanh nhân có thể đưa cả hai tay lên và nói: "Điều hành doanh nghiệp cái ngữ này thì nhà cháu đến bó tay chào thua" và bỏ qua. Nhưng Đức Giáo hoàng cứ nằng nặc, sẽ là một sai lầm nếu bỏ qua, sai lầm không những trên bình diện trừu tượng hoặc thiêng liêng mà còn cả trên bình diện thực tiễn nữa. 

Điều Đức Bênêđíctô mang đến là câu hỏi lớn: Tình yêu phải làm gì trong hoàn cảnh này? 

Phạm vi Thông điệp khá rộng. Đức Giáo Hoàng đề cập đến các vấn đề toàn cầu hóa, đầu cơ tài chính, gia công sản xuất bên ngoài (outsourcing), tình trạng bất bình đẳng, di dân, công nghệ, luật bản quyền, môi sinh, vân vân và vân vân. Có lẽ ngài đang làm sống lại các tư tưởng của Đức Phaolô VI, vị Giáo Hoàng vào thời điểm kết thúc Công đồng Vatican II. Chính Đức Phaolô viết hai thông điệp gây nhiều tranh cãi: Phát triển Các Dân Tộc và Sự Sống Con Người. 

Đức Bênêđíctô đã hợp nhất, kết nối tư tưởng của hai Thông điệp lại thành một và áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay. Ngài tin rằng những ai không mở ra cho sự sống thì trong thực tế cũng không cởi mở với người anh em. Ngài xem phát triển như một sự thực thi tình liên đới với những người anh em của chúng ta, cho dù những người này có ở xa đến đâu chăng nữa. Suốt Thông điệp, ngài nhấn mạnh rằng quan tâm về luân lý cũng là quan tâm kinh tế. Chẳng hạn, khi bàn luận các mức bất bình đẳng cao độ, ở giữa các nước lẫn ở trong nội bộ các nước, Đức Bênêđíctô viết: 

"Kinh tế học bảo ta rằng những bất ổn về cấu trúc làm phát sinh những thái độ phản sản xuất gây lãng phí các nguồn nhân lực, vì công nhân có khuynh hướng thụ động chiều theo các cơ chế máy móc hơn phát huy tính sáng tạo. Cả về điểm này nữa, có sự đồng thuận giữa khoa kinh tế học và việc đánh giá luân lý. Giá trị nhân bản bao giờ cũng là một giá trị kinh tế, và những lệch lạc về mặt kinh tế bao giờ cũng kéo theo những trả giá về nhân bản". (32) 

Như vậy, ngài đề cao đạo đức xã hội như một nguyên tắc thực tiễn của nền kinh tế lành mạnh. Ở đây ta hãy tập chú vào nguyên tắc nhưng không. Liệu nguyên tắc này có thể là một bộ phận của khoa kinh tế học được không? Các doanh nghiệp, cuối cùng ra, được điều hành nhắm vào mục đích lợi nhuận, như thế thì điều này chẳng hóa ra dường như trái với ý tưởng quà tặng. 

Đức Giáo Hoàng hiểu rõ nhu cầu lợi nhuận, thuật ngữ ngài dùng 14 lần, nhưng ngài hiểu lợi nhuận như một phương tiện cho một cứu cánh, chứ không phải tự bản thân lợi nhuận là cứu cánh (21, 32, 38, 40, 41, 46, 47, 66, 71). Làm ra lợi nhuận đối với một doanh nhân có nghĩa là người đó đã phân bổ đúng các nguồn lực của công ty. Bằng không, chẳng có cách nào bảo rằng doanh nhân đó đang đi đúng đường. Há người ta chẳng hay nói giám đốc là người làm ra lợi nhuận đó sao? Tuy nhiên, "một khi lợi nhuận trở thành mục đích duy nhất, nếu được tạo bởi phương tiện bất chính và không lấy công ích làm cứu cánh tối hậu, thì có nguy cơ là lợi nhuận sẽ hủy hoại cảnh giầu có và tạo nên cảnh nghèo khó" (21). 

Thực vậy, hầu như mọi doanh nhân đều hiểu điều đó bằng trực giác. Bụng thì bảo dạ rằng “tôi kinh doanh là để làm ra lợi nhuận" nhưng họ cũng biết họ trở thành doanh nhân còn vì cả tá lý do khác: để thể hiện tài năng, giúp đỡ gia đình, ngay cả gia đình của những đồng nghiệp, đóng góp cho cộng đồng, để thành đạt với đời, thân tự lập thân, mình làm chủ mình. Đức Bênêđíctô ghi nhận: 

"Đang gia tăng một niềm xác tín là ban quản trị doanh nghiệp không thể chỉ quan tâm đến những lợi ích của chủ sở hữu, mà còn phải lãnh trách nhiệm đối với tất cả các người có lợi ích liên quan khác, là những người đóng góp vào đời sống doanh nghiệp: công nhân, khách hàng, các nhà cung cấp các yếu tố sản xuất khác nhau, cộng đồng có liên quan… nhiều quản trị viên nhìn xa trông rộng ngày nay đang càng ngày càng ý thức về những liên hệ sâu xa giữa doanh nghiệp của họ với lãnh thổ hay những lãnh thổ hoạt động của mình" (40). 

Những tình cảm này đối với với nhiều chủ doanh nghiệp hoàn toàn không có gì đang ngạc nhiên. Tuy nhiên, đối với nhiều viên chức thư lại của công ty thì những lời này nghe lạ tai vì họ được đào tạo để tin rằng họ chỉ có nghĩa vụ duy nhất đối với các cổ đông của mình mà thôi, ngoài ra chẳng có nghĩa vụ với ai hết. Ta có thói quen đánh đồng các doanh nghiệp trong khi có ít nhất hai loại hình doanh nghiệp: các đại công ty điều hành theo phong cách thư lại bởi và cho các viên chức thư lại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần do chủ doanh nghiệp điều hành. Nhóm doanh nghiệp thứ hai dễ có nhiều thời gian hơn để trông thấy các nghĩa vụ của mình đối với công nhân, nhà cung cấp, các người gần bên. 

Nay, với bối cảnh đó, ta thấy dễ hiểu hơn điều mà Đức Bênêđíctô muốn nói về sự nhưng không. Công nhân và chủ doanh nghiệp đều cung cấp dịch vụ cho cộng đồng và thực hiện điều này trong sự liên đới với tất cả các nhóm lợi ích khác. Trên bình diện thuần túy giao hoán theo kiều “ông mất chân giò bà thò chai rượu”, điều này dĩ nhiên chịu sự điều chỉnh của các quy định trong hợp đồng, luật cung cầu. Tuy nhiên, "trong cả các quan hệ thương mại, nguyên tắc nhưng không và lô-gích quà tặng như sự thể hiện tình huynh đệ có thể và phải tìm thấy chỗ đứng của mình ngay trong hoạt động kinh tế bình thường. Đây là một đòi hỏi của con người vào lúc này, nhưng cũng là đòi hỏi cho lô-gích kinh tế nữa. Đây cũng là đòi hỏi của bác ái và sự thật" (36). "Lô-gích quà tặng" không phủ nhận lô-gích trao đổi hoặc lô-gích bổn phận hoặc luật lệ, nhưng nâng cả hai lên. Lô-gích quà tặng giúp ta nhìn công việc của mình trong một ánh sáng mới, và như vậy được sáng soi, để đóng góp các tài năng của chúng ta cho sự thịnh vượng chung hoặc công ích. 

Con đường sáng nhìn xem hoạt động doanh nghiệp cho phép Đức Giáo hoàng đề cập đến các hình thức mới của doanh nghiệp: 

"Cùng với doanh nghiệp tư tìm kiếm lợi nhuận và những loại hình khác nhau của doanh nghiệp công, cần phải có chỗ cho những chủ thể thương mại đặt nền tảng trên những nguyên tắc hỗ tương và theo đuổi những mục đích xã hội được thành lập và phát triển. Chính từ sự gặp gỡ hỗ tương này nơi thị trường mà ta có thể mong đợi những hình thức pha trộn của hành vi thương mại và vì thế chú trọng đến các phương thế văn minh hóa kinh tế. Trong trường hợp này, bác ái trong chân lý đòi hỏi rằng cần phải cung cấp hình thức và cấu trúc cho các loại sáng kiến kinh tế không khước từ lợi nhuận nhưng nhắm đến một mục tiêu cao hơn lô-gích trao đổi những giá trị tương đương và lô-gích lợi nhuận là một mục tiêu." (38) 

Một lần nữa, ta tự hỏi phải chăng Đức Bênêđíctô đang tưởng tượng ra những hình thức mới của doanh nghiệp. Thật ra, các doanh nghiệp đó không mới. Chúng tồn tại, đã tồn tại, và nói chung, khá thành công. Trong số đó Công ty Hợp tác xã Mondragón của Tây Ban Nha và kinh tế hợp tác xã Emilia-Romagna tại Ý là hai thành công nổi bật nhất. 

Công ty Hợp tác xã Mondragón, một tổ hợp hợp tác xã công nhân đã thành lập được 50 năm và có trên 100.000 công nhân với doanh số trên 20 tỷ USD. Nhưng Mondragón không chỉ là một doanh nghiệp; Mondragón còn điều hành các trường học, các viện nghiên cứu, một trường đại học, các viện đào tạo, một hệ thống an sinh xã hội, và một liên hiệp tín dụng, tất cả đều tự tài trợ, tự cấp vốn. Doanh nghiệp khổng lồ này không cần đến nguồn đầu tư bên ngoài mà chỉ cần sự cam kết và cống hiến của các công nhân và cộng đồng của doanh nghiệp. 

Tại vùng Emilia-Romagna (tại Ý chung quanh Bologna) các hợp tác xã công nhân đóng góp 40% GDP. Người lao động được hưởng lương cao khoảng hai lần lương trung bình ở Ý và mức sống của họ thuộc loại cao nhất Châu Âu. Ngoài ra, họ còn đi tiên phong với một quy trình mới sản xuất công nghiệp bao gồm làm việc theo mạng (networking) giữa các hãng nhỏ hợp tác về các dự án lớn, nhờ đặc điểm này họ có thể duy trì các công ty quy mô nhỏ và vừa, ấy vậy mà có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế về những công việc lớn. 

Trên đây chỉ là hai trong số hàng ngàn ví dụ có thể kể ra. Câu trả lời dứt khoát cho những ai bảo rằng "cái này không được đâu" là hãy chứng tỏ rằng hệ thống đó đang hoạt động và đã hoạt động từ lâu, 50 năm rồi “vẫn chạy tốt”. Hiển nhiên, các hãng này này chỉ là lệ ngoại, chứ không phải lệ thường. Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để cho rằng các doanh nghiệp “lệ ngoại” đó lại không thể trở nên “lệ thường’ được. Rahm Emmanuel có một câu rất nổi tiếng: "Đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng". Thật đáng xấu hổ nếu ta để phí cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu như ta không sử dụng nó như một cơ hội để tư duy, suy nghĩ về ý nghĩa và vai trò của doanh nghiệp. 

Qua Thông điệp, Đức Bênêđíctô cung cấp cho ta các công cụ trí thức và tâm linh để suy tư về cuộc khủng hoảng này, và về những gì ta phải làm. Caritas in Veritate, "bác ái trong chân lý", có thể và phải là sự tập trung những suy tư loại này cho mọi tín hữu Công giáo. Tình yêu, caritas, chưa đủ để thành lập một doanh nghiệp; còn phải cần đến một số lớn kiến thức kỹ thuật nữa. Nhưng kiến thức đó sẽ dễ lạc đường nếu không được sáng soi bởi một tầm nhìn “yêu người như thể thương thân”. Phải có một cuộc đối thoại giữa cả kiến thức và tình yêu. Hoặc, nói theo Đức Bênêđíctô: 

"Bác ái không phải là điều phụ thuộc được thêm vào sau, như một phụ lục cho công trình đã được hoàn thành ở từng ngành khác nhau: bác ái đã hiện diện với các ngành đó ngay từ đầu cuộc đối thoại. Các đòi hỏi của tình yêu không nghịch lại với những đòi hỏi của lý trí. Tri thức con người thiếu sót và những kết luận của khoa học tự chúng không thể vạch ra con đường tiến đến sự phát triển toàn bộ con người. Luôn luôn có nhu cầu đẩy mạnh lên: đây là điều bác ái trong chân lý đòi hỏi [76]. Tuy nhiên, việc vượt hơn đây không có nghĩa là không cần đến các kết luận của lý trí, không có nghĩa là nghịch lại với những kết quả của nó. Trí thức và tình yêu không ở trong những gian phòng tách biệt: tình yêu phong phú nhờ trí thức và trí thức tràn đầy tình yêu" (30). 

"Tình yêu phong phú nhờ trí thức và trí thức tràn đầy tình yêu". Xin được kết thúc bài này bằng một lời vàng ngọc nữa của Đức Bênêđíctô: văn minh hóa kinh tế. Đây chẳng phải là một giá trị phải sống trong thời đại ngày nay sao? 

Nguồn tài liệu tham khảo: http://distributism.blogspot.com/2009/08/benedict-on-business-whats-love-got-to.html
Người chuyển dịch: 
Đan Quang Tâm 
Nguồn: 
nguoitinhuu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét