Trang

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

CHƯƠNG MỘT

SỨ ĐIỆP CỦA THÔNG ĐIỆP PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC (POPULORUM PROGRESSIO) 

10. Việc đọc lại thông điệp Populorum progressio sau bốn mươi năm xuất hiện mời gọi chúng ta tiếp tục trung thành với sứ điệp tình yêu và chân lí của Thông điệp và hãy đặt nó trong nội dung giáo huấn của giáo chủ Phaolô VI cũng như đọc nó theo truyền thống giáo huấn xã hội của Giáo hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải cân nhắc tới những điều kiện phát triển xã hội hiện nay đã khác với ngày trước. Như vậy, nền tảng đúng đắn để hiểu Thông điệp là đức tin truyền thừa của các Tông đồ[13]; đó là gia sản vừa cũ vừa mới, không có nó Populorum progressio sẽ là một bản văn thiếu gốc rễ và những vấn nạn về phát triển được đề cập trong đó sẽ bị giản lược vào những dữ kiện thuần xã hội mà thôi. 

11. Populorum progressio được phổ biến ngay sau khi kết thúc công đồng Vaticano II. Ngay trong những đoạn đầu của thông điệp cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ với Công đồng[14]. Trong thông điệp Sollicitudo rei socialis viết nhân dịp kỉ niệm hai mươi năm Populorum progressio ra đời, giáo chủ Gioan Phaolô II đã ca ngợi mối liên hệ phong phú đó, đặc biệt là mối liên hệ với Hiến chế mục vụ Gaudium et spes (Niềm vui và Hi vọng)[15]. Ở đây, tôi cũng muốn nhắc lại tầm quan trọng của công đồng Vaticano II trên Thông điệp của giáo chủ Phaolô VI và trên toàn bộ giáo huấn của các giáo chủ kế tiếp liên quan tới vấn đề xã hội. Công đồng đào sâu điểm này: Vì Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ Thiên Chúa, nên Giáo hội cũng phục vụ thế giới về mặt tình yêu và chân lí, đó cũng là một khắng định xưa nay thuộc chân lí đức tin của chúng ta. Xuất phát từ chính cái nhìn đó, giáo chủ Phaolô VI đã công bố cho chúng ta hai chân lí lớn. Chân lí thứ nhất: Khi rao truyền, cử hành bí tích thánh thể và hoạt động bác ái, toàn thể hiện hữu và hành động của Giáo hội đều nhắm tới việc cổ xuý cho một phát triển con người toàn diện. Giáo hội đóng một vai trò công cộng. Vai trò này không hạn hẹp trong việc cứu tế hay giáo dục mà thôi, nhưng sức mạnh đặc thù của nó toả ra trong việc thăng hoa con người và cổ xuý tình huynh đệ hoàn vũ, khi nó được phục vụ cho một thể chế tự do. Trong không ít trường hợp sự tự do này bị cản trở bởi những cấm đoán hay đàn áp bắt bớ, hoặc bị hạn chế, khi người ta chỉ cho phép Giáo hội thi hành công tác bác ái mà thôi. Chân lí thứ hai: sự phát triển đích thực của con người có liên hệ tới toàn diện nhân vị trong mọi chiều kích của nó[16]. Thiếu viễn ảnh về một cuộc sống đời đời, sự tiến bộ của con người trong thế giới sẽ thiếu hơi thở. Nếu tiến bộ này chỉ đóng khung trong lịch sử, nó sẽ có nguy cơ thúc đẩy con người chỉ nghĩ tới việc gia tăng của cải cho riêng mình. Như vậy, nhân loại sẽ mất đi can đảm sẵn sàng đón nhận những giá trị cao hơn, sẵn sàng đón nhận những sáng kiến vị tha lớn do tình bác ái phổ quát đòi hỏi. Con người không tự phát triển bằng chính nội lực mình, và phát triển cũng không đơn thuần do từ ngoài đến với họ. Suốt dọc dài lịch sử người ta thường cho rằng, chỉ cần có những định chế là quyền phát triển của nhân loại được bảo đảm. Tiếc rằng con người đã đặt quá nhiều niềm tin vào những định chế, làm như thể những định chế đó sẽ đương nhiên mang lại thoả mãn cho mình. Thực tế cho thấy, định chế không đủ, bởi lẽ cuộc phát triển toàn diện con người trước hết là một ơn gọi và vì thế nó đòi hỏi mọi người phải nhận lấy trách nhiệm trong tự do và liên đới. Ngoài ra, một phát triển như thế đòi hỏi phải có cái nhìn siêu việt về nhân vị, nó cần Thiên Chúa: Thiếu Thiên Chúa, phát triển hoặc sẽ bị cản trở hoặc sẽ bị hoàn toàn thả mặc vào trong tay con người. Cơ nguy ở đây là con người có thể rơi vào tự tin quá đỗi và như vậy cuối cùng sẽ tạo biến dạng khuôn mặt phát triển. Hơn nữa, chỉ qua gặp gỡ Thiên Chúa, ta mới không „nhìn kẻ khác thuần tuý mãi mãi là một kẻ khác“[17], nhưng nhận ra khuôn mặt thiên chúa nơi họ, và nhờ đó mới thật sự khám phá ra kẻ khác và mới hun đúc cho mình có được một tình yêu chuyên „quan tâm tới và cho kẻ khác“[18]. 

12. Mối liên kết giữa Populorum progressio với công đồng Vaticano II không có nghĩa là một gián đoạn giữa giáo huấn xã hội của giáo chủ Phaolô VI với giáo huấn của các vị tiền nhiệm của ngài, bởi lẽ Công đồng là một nỗ lực đào sâu giáo huấn này trong sự liên tục của cuộc sống Giáo hội[19]. Hiểu như thế thì một số phân biệt trừu tượng cấp thấp được diễn tả bằng những phạm trù mới lạ trong giáo huấn xã hội thời nay chỉ là những đóng góp thêm, chứ không phải để làm sáng tỏ cho các giáo huấn trước đây. Không có hai loại giáo huấn xã hội, tiền Công đồng và hậu Công đồng, khác biệt nhau, mà tất cả đều là một cây chung nhưng lại luôn sản sinh ra những hoa trái mới[20]. Ta có thể nhấn mạnh tới những đặc trưng của một thông điệp hay nét cá biệt giáo huấn của một giáo chủ nào đó, nhưng không bao giờ được phép bỏ qua mối liên kết trong toàn bộ giáo huấn của Giáo hội[21]. Liên kết ở đây không có nghĩa là đóng chặt trong một hệ thống, nhưng đúng hơn luôn trung thành với nguồn sáng nhận lãnh. Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn soi tỏ cho những vấn nạn mới mẻ, nhưng với một nguồn sáng bất biến[22]. Nguồn sáng vừa bảo đảm cho tính luôn mãi thời sự lẫn tính lịch sử của „gia sản“ tín lí này[23]; gia sản này, với những điểm đặc trưng của nó, là thành phần của một truyền thống luôn sống động của Giáo hội[24]. Giáo huấn xã hội của Giáo hội được xây dựng trên nền những gì các tông đồ truyền lại cho các giáo phụ và rồi được tiếp tục thâu nhận và đào sâu bởi các bậc thầy trong Giáo hội. Kết cuộc lại, giáo huấn này được khơi nguồn từ Con Người Mới, từ „Ađam Cuối Cùng“ đã trở thành „thần khí ban sự sống“ (1 Cor 15,45) và là nguồn xuất phát của thứ tình yêu „không bao giờ tắt“ (1 Cor 13,8). Giáo huấn được bảo chứng bởi các thánh và bởi tất cả những ai đã hi sinh mạng sống cho Chúa cứu thế Kitô trên lĩnh vực công lí và hoà bình. Giáo huấn xã hội phản ảnh nhiệm vụ tiên tri của các giáo chủ, các ngài hướng dẫn Giáo hội Chúa Kitô tiếp tục theo đường lối của các tông đồ và nhận ra đâu là những đòi hỏi mới của việc rao truyền trong mỗi thời đại. Từ những lí do đó, thông điệp Populorum progressio được viết ra trong dòng chảy truyền thừa chung đó vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày nay. 

13. Ngoài mối liên hệ quan trọng với toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội, thông điệp Populorum progressio còn liên hệ chặt chẽ với với toàn bộ giáo huấn của giáo chủ Phaolô VI, đặc biệt với lời dạy của ngài về các vấn đề xã hội. Những chỉ giáo của Thông điệp về đề tài xã hội rất quan trọng: Thông điệp nhấn mạnh đến vai trò tất yếu của Tin Mừng trong công cuộc xây dựng một xã hội dựa trên nền tảng tự do và công bình, và trong viễn tượng một nền văn minh được soi dẫn bởi tình yêu. Giáo chủ Phaolô VI thấy rằng, vấn đề xã hội đã trở thành một vấn đề của toàn cầu[25]. Và ngài cũng nhận ra có sự tương ứng nội tại giữa nỗi thao thúc hướng về một tập hợp chung của nhân loại và lí tưởng kitô giáo về một đại gia đình các dân tộc duy nhất gắn bó với nhau trong tình huynh đệ chung. Ngài gọi cùng đích phát triển đó của con người và của Giáo hội là trái tim của học thuyết xã hội công giáo, và đã trình bày tình yêu kitô giáo như là động lực chính vận hành sự phát triển đó. Với mong ước làm cho con người hôm nay thấy được tình yêu của đức Kitô, ngài thẳng thắn đề cập tới những vấn nạn đạo đức quan trọng, và đã không lùi bước trước những bất cập của nền văn hoá đương thời. 

14. Với thông điệp Octogesima adveniens năm 1971, giáo chủ Phaolô VI đã bàn về í nghĩa của chính trị và về nguy cơ tác hại phẩm tính con người và đạo đức trong cuộc sống chính trị do những í hệ và viễn tượng không tưởng tạo ra. Ngài đã đề cập tới những lí chứng liên quan mật thiết với việc phát triển. Nhưng tiếc thay, các í thức hệ tiêu cực vẫn không ngừng triển nở. Giáo chủ Phaolô VI đã đặc biệt cảnh giác không nên đặt hết niềm tin vào í hệ kĩ thuật đang lan tràn[26]. Theo ngài, nếu đặt toàn bộ tiến trình phát triển vào trong tay kĩ thuật mà thôi, thì sẽ rất nguy hiểm, bởi lẽ phát triển đó sẽ thiếu phương hướng. Kĩ thuật, tự nó, hàm chứa nhiều mặt lẫn lộn. Một mặt, con người hôm nay có khuynh hướng trao phó tiến trình phát triển hoàn toàn cho kĩ thuật. Nhưng mặt khác, họ đồng thời lại thấy xuất hiện những í thức hệ phủ nhận đại trà sự hữu ích của phát triển, bởi vì các í hệ này xem sự phát triển đó hoàn toàn phản lại con người và cho rằng, nó dẫn đến tình trạng suy đồi chung. Như vậy, rốt cuộc người ta sẽ kết án không những cái đường hướng đôi khi sai và bất công mà người ta gán cho tiến bộ, mà còn kết án ngay cả chính những khám phá khoa học; những khám phá này, trái lại nếu biết sử dụng đúng, sẽ là một cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Còn nếu coi thế giới này chẳng tiến triển gì cả, thì đây lại là dấu chỉ thiếu tin tưởng vào con người và vào Thiên Chúa. Như vậy, ta sẽ rơi vào lầm lẫn lớn, khi coi thường khả năng giữ cân bằng phát triển của con người, hoặc cả khi cố tình không hiểu rằng, bản chất con người là luôn tìm cách vươn tới „cái nhiều hơn“. Tuyệt đối hoá sự tiến bộ kĩ thuật và tôn nó lên thành một í hệ, hay mơ tưởng trở về lại thủa ban đầu của loài người, đó là hai phương thức trái nghịch tìm cách tách rời tiến bộ ra khỏi việc đánh giá đạo đức và như vậy là ra khỏi trách nhiệm của chúng ta. 

15. Hai tài liệu khác của giáo chủ Phaolô VI, tuy không trực tiếp liên quan tới học thuyết xã hội, cũng rất quan trọng cho việc mô tả đường hướng phát triển con người toàn diện do Giáo hội đề nghị. Đó là thông điệp Humanae vitae ngày 25.07.1968 vàEvangelii nuntiandi ngày 08.12.1975. Vì thế, cũng nên đối chiếu với chúng khi đọcPopulorum progressio. 

Thông điệp Humanae vitae nhấn mạnh tới í nghĩa kép của tính dục, đó là í nghĩa kết hợp và truyền sinh, và vì thế nó đặt xã hội trên nền tảng một cặp vợ chồng nam nữ chấp nhận nhau trong khác biệt và bổ túc lẫn nhau, nghĩa là một đôi vợ chồng sẵn sàng chấp nhận và lưu truyền tiếp sự sống[27]. Đây không chỉ là một nền đạo đức cá nhân: Humanae vitae chỉ ra những nút thắt chặt chẽ nối liền luân lí sự sống với đạo đức xã hội, và vì thế nó mở ra một đề tài giáo huấn được hình thành từng bước qua nhiều tài liệu khác nhau, mà tài liệu cuối cùng là thông điệp Evangelium vitae của giáo chủ Gioan Phaolô II[28]. Giáo hội cương quyết nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa luân lí sự sống và đạo đức xã hội, bởi vì Giáo hội hiểu rằng, không thể có một xã hội „với những nền tảng vững chắc – công nhận các giá trị như nhân phẩm, công lí và hoà bình -, mà lại tự mâu thuẫn mình khi chấp nhận hay dung túng đủ mọi hình thức coi thường và gây thương tổn tới sự sống, nhất là sự sống của những người yếu đuối và bị đẩy ra lề xã hội“.[29

Riêng tài liệu Evangelii nuntiandi thì lại có liên hệ rất mật thiết với phát triển, vì như giáo chủ Phaolô VI viết, „cuộc phúc âm hoá sẽ không toàn hảo, nếu nó không quan tâm tới hoàn cảnh trong đó có sự yêu sách lẫn nhau suốt trong giòng thời gian giữa Tin Mừng và cuộc sống cụ thể, cá nhân và cộng đoàn của mỗi con người“.[30] „Thật ra, giữa loan truyền phúc âm và hỗ trợ con người – phát triển và giải phóng – có những nối kết chặt chẽ“.[31] Bắt nguồn từ nhận thức đó, giáo phủ Phaolô VI đã làm nổi bật lên mối liên hệ giữa việc rao giảng đức Kitô với việc nâng cấp con người trong xã hội. Làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô qua các công trình kiến tạo công lí, hoà bình và phát triển cũng thuộc vào việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì đối với đức Kitô là Đấng yêu thương chúng ta, con người toàn thể mới quan trọng. Từ nền các giáo huấn quan trọng này đã hình thành nên khía cạnh truyền giáo[32] của học thuyết xã hội của Giáo hội và nó được xem như là thành phần cơ bản của vịêc rao truyền phúc âm[33]. Học thuyết xã hội của Giáo hội là rao truyền lời Chúa và làm chứng đức tin. Nó là dụng cụ và là chỗ không thể thiếu được để giáo dục đức tin. 

16. Với Populorum progressio, giáo chủ Phaolô VI đặc biệt muốn nói với chúng ta rằng, tiến bộ, theo bản chất và cội nguồn của nó, là một ơn gọi: „Theo chương trình của Thiên Chúa, mỗi người được mời gọi phát triển mình; bởi lẽ toàn bộ cuộc sống là ơn gọi“.[34] Chính sự kiện này biện minh cho sự can thiệp của Giáo hội vào vấn đề phức tạp của phát triển. Nếu như vấn đề chỉ liên quan tới các khía cạnh thuần kĩ thuật của cuộc sống con người mà thôi, và nếu như con người chẳng quan tâm gì tới í nghĩa nhịp tiến của họ song hành với đồng loại mình trong giòng lịch sử, cũng như chẳng để í gì tới cùng đích cuộc hành trình của mình, thì Giáo hội chẳng có quyền nói gì về chuyện này. Cũng như giáo chủ Lêô XIII trước đây với tông thư Rerum novarum[35], giáo chủ Phaolô VI đã í thức nhiệm vụ của ngài qua việc đem ánh sáng phúc âm soi toả trên những vấn đề xã hội đương thời[36]. 

Phát triển là một ơn gọi. Điều này có nghĩa một mặt ta công nhận rằng, phát triển xuất phát từ một tiếng gọi siêu việt, và mặt khác hiểu rằng, phát triển không thể tự đặt ra cùng đích cho nó. Không phải không có lí do mà chữ „ơn gọi“ cũng xuất hiện ở một nơi khác trong Tông thư: „Như vậy, chỉ có loại nhân bản nào mở ra cho Tuyệt Đối thì đó mới là loại đúng đắn; nó mở ra cho Tuyệt Đối trong tâm tình biết ơn vì một ơn gọi, nhờ ơn gọi này mà cuộc sống con người có được một í nghĩa đích thực“[37]. Quan điểm về phát triển này là trái tim của Populorum progressio và là động lực cho mọi suy tư của giáo chủ Phaolô VI về tự do, chân lí và tình yêu trong phát triển. Đó cũng là lí do chính cho thấy tại sao Thông điệp của ngài tới nay vẫn còn mang tính thời sự. 

17. Ơn gọi là tiếng kêu mời đòi hỏi một đáp trả tự do và trách nhiệm. Việc phát triển toàn diện con người chỉ có được khi con người hay các dân tộc có được tự do trong trách nhiệm: Chẳng có một cơ cấu nào có thể bảo đảm cho sự phát triển này, nếu như cơ cấu đó gạt bỏ hoặc không đếm xỉa gì đến trách nhiệm của con người. Các „chủ nghĩa cứu rỗi“ giàu „hứa hẹn, nhưng chỉ là những tay phù thuật của một thế giới mơ tưởng“[38] luôn đưa ra những đường lối phát triển chối bỏ chiều kích siêu việt, bởi họ vững tin rằng, họ đã nắm trong tay chiều kích đó. Sự xác tín vô cứ này đã biến thành nhược điểm, bởi nó đưa tới hậu quả chà đạp con người, biến con người thành phương tiện của phát triển, trong khi việc chấp nhận ơn gọi với lòng khiêm nhu trái lại giúp con người trở nên tự chủ thật sự, vì nó làm cho họ được tự do. Giáo chủ Phaolô VI thừa hiểu có những khó khăn và hoàn cảnh gây trở ngại cho phát triển, nhưng ngài cũng xác tín rằng „mỗi người, cho dù họ bị tác động bởi nhiều ảnh hưởng từ ngoài, vẫn là tác giả của thành công hay thất bại của mình“[39]. Sự tự do này có liên quan tới công cuộc phát triển đã và đang đạt được, nhưng nó đồng thời cũng liên quan tới những hoàn cảnh kém phát triển vốn chẳng phải là kết quả của ngẫu nhiên hay của một tất yếu lịch sử, song tuỳ thuộc vào trách nhiệm con người. Do đó mà „các dân tộc nghèo đói“ kêu cầu „sự giúp đỡ khẩn cấp của các dân tộc sống trong dư đầy“[40]. Đó cũng là ơn gọi, là lời mời của những con người tự do gởi tới những con người tự do để cùng mang lấy trách nhiệm chung. Giáo chủ Phaolô VI có một cảm quan sống động về tầm quan trọng của các cơ cấu kinh tế và các định chế, nhưng ngài đồng thời cũng cảm nhận rằng, các cơ cấu và định chế đó, tự bản chất, chỉ là dụng cụ của tự do con người. Một đường lối phát triển được xem là nhân bản, khi nó hoàn toàn đặt nền trên tự do; chỉ trong tương quan với tự do trong tinh thần trách nhiệm phát triển mới có thể nẩy nở đúng đắn. 

18. Bên cạnh yêu sách Tự do, phát triển toàn diện con người – được hiểu như một ơn gọi – cũng đòi hỏi phải tôn trọng chân lí. Ơn gọi phát triển thúc đẩy con người phải „hành động thêm, nhận biết thêm, sở hữu thêm, để trở nên nhiều hơn“[41]. Nhưng vấn đề đặt ra: „Để trở nên nhiều hơn“ có nghĩa là gì? Giáo chủ Phaolô VI đã trả lời câu hỏi này, khi ngài đề cập tới chỉ dấu cơ bản của một „phát triển đích thực“: Nó phải „bao trùm mọi mặt, phải quan tâm tới con người toàn diện và tới toàn thể nhân loại“[42]. Giữa bao nhiêu quan niệm khác nhau về con người, mà ngày nay còn nhiều hơn so với thời của giáo chủ Phaolô VI, quan điểm của Giáo hội là luôn nhấn mạnh và biện minh cho vị trí đặc biệt của con người, cho giá trị bất khả nhượng và cho í nghĩa phát triển của họ. Lối quan niệm kitô giáo coi phát triển là một ơn gọi giúp ta theo dõi sự thăng tiến của mọi con người và của mỗi con người toàn thể. Giáo chủ Phaolô VI viết: „Điều quan tâm của chúng tôi là con người, từ con người cá thể, tới nhóm người cho đến toàn thể nhân loại“[43]. Đức tin kitô giáo quan tâm tới phát triển, mà không đặt kì vọng vào đặc ân hoặc vị trí quyền hành và nhất là công trạng của kitô hữu, cho dù những thứ ấy trước kia đã có và cả ngày nay, ngoại trừ các giới hạn tự nhiên, cũng đang có[44]. Đúng hơn, đức tin đặt nền duy nhất nơi đức Kitô, là nguồn xuất phát của mọi ơn gọi đúng đắn về phát triển con người toàn diện. Tin Mừng là yếu tố nền tảng của phát triển, bởi lẽ trong đó đức Kitô „qua mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính họ“[45]. Với lời chỉ dạy của đức Kitô, Giáo hội tìm hiểu dấu chỉ thời đại, cắt nghĩa chúng và đề nghị cho thế giới „cái đặc trưng nhất của mình, đó là một cái nhìn toàn diện về con người và về nhân loại“[46]. Chính vì Thiên Chúa đã nói lên tiếng „Vâng“ lớn nhất với con người[47], nên con người không thể chối từ việc mở lòng mình ra cho ơn gọi linh thiêng, để thực hiện sự phát triển của chính mình. Chân lí của phát triển hệ tại nơi tính toàn diện: Sẽ không có một phát triển đúng nghĩa, nếu nó không quan tâm gì tới con người toàn vẹn và không quan tâm tới từng con người. Đó là thông điệp nòng cốt củaPopulorum progressio, thông điệp này đúng cho hôm nay và luôn mãi. Phát triển toàn vẹn con người trên bình diện tự nhiên là sự đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa Sáng Tạo[48]. Để hoàn thành phát triển này, đòi hỏi phải có một „nền nhân bản vượt lên trên đời này; nhân bản này ban tặng cho con người một sự thành toàn bao trùm: đó là cùng đích và là í nghĩa tối hậu của phát triển con người“[49] Như vậy, ơn gọi kitô giáo về loại phát triển này có liên hệ tới cả bình diện tự nhiên lẫn siêu nhiên; vì thế: „Nếu đẩy Thiên Chúa ra lề, chúng ta sẽ dần mất đi khả năng nhận biết trật tự và cùng đích của tự nhiên, sẽ chẳng còn khả năng nhận ra cái ‚tốt’“[50]. 

19. Cuối cùng, quan niệm phát triển như là ơn gọi còn đòi hỏi phải coi tình yêu là tâm điểm của phát triển. Trong Populorum progressio, giáo chủ Phaolô VI nhận định, các nguyên nhân của kém phát triển trước hết không thuộc loại vật chất. Ngài yêu cầu chúng ta phải tìm chúng nơi các chiều kích khác của con người. Đặc biệt nơi chiều kích í muốn, í muốn này thường lơ là bổn phận đoàn kết. Thứ nữa nơi tư duy, đầu óc con người nhiều khi không biết phải định hướng í muốn mình cách đúng đắn. Vì vậy, phát triển cần phải được hướng dẫn bởi „những người hiền với khả năng suy tư sâu xa, họ luôn tìm kiếm một nền nhân bản mới hầu giúp con người hôm nay tìm gặp được chính mình“[51]. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Kém phát triển còn có một nguyên nhân quan trọng hơn sự bất cập của tư duy: Đó là sự „vắng bóng tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc“[52]. Con người có bao giờ tự mình vươn tới tình huynh đệ đó được không? Xã hội ngày càng toàn cầu hoá làm cho ta trở thành hàng xóm với nhau, nhưng không biến chúng ta thành anh chị em. Lí trí tự nó có khả năng hiểu được sự bình đẳng giữa người và người và nó có thể tạo ra một cuộc chung sống giữa các công dân, nhưng nó không thể tạo ra tình huynh đệ. Tình huynh đệ bắt nguồn từ một ơn gọi siêu việt do Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta và, qua Chúa Con, Người dạy cho chúng ta biết thế nào là tình yêu anh chị em. Trong việc trình bày những bình diện khác nhau của tiến trình phát triển con người và sau khi đã đề cập tới đức tin, giáo chủ Phaolô VI đã đưa „sự liên kết trong tình yêu Chúa Kitô, Đấng đã mời gọi tất cả mọi người hãy như những người con tham dự vào sự sống của Thiên Chúa hằng hữu là Cha của mọi người “[53] vào đỉnh điểm suy tư của ngài. 

20. Viễn ảnh do Populorum progressio mở ra vẫn luôn mang tầm quan trọng nền tảng. Nhờ chúng, sự dấn thân của chúng ta trong công cuộc phát triển có được xung lực và định hướng. Ngoài ra, Thông điệp lập đi lập lại nhu cầu cần phải có những cải tổ cấp bách[54], và nó kêu gọi chúng ta phải can đảm gấp rút hành động để giải quyết những bất công to lớn trước mắt trong công cuộc phát triển các dân tộc. Sự cấp bách này cũng xuất phát từ tình yêu trong sự thật. Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy ta gấp rút hành động „caritas Christi urget nos“ (2 Cor 5,14). Sự cấp bách không chỉ xuất phát từ tình hình thực tế. Nó cũng không chỉ là hệ quả của các biến cố và vấn nạn đang dồn dập xẩy tới. Nhưng nó còn là hành động giúp ta đạt được phần thưởng: hình thành nên một tình huynh đệ đích thực. Í nghĩa của cùng đích này đủ lớn để chúng ta quyết tâm hành động, dấn thân cụ thể vào công cuộc chuyển các tiến trình kinh tế và xã hội hiện nay trở thành những kết quả của con người thật sự.

-------------------------------------------

[13] Xem Biển-đức XVI., Diễn văn khai mạc khoá 5 thượng hội đồng giám mục châu Mĩ la-tinh và vùng Karibik (13.05.2007): Insegnamenti III, I (2007), 854-870. 
[14] Xem số 3-5: sđd., 258-260. 
[15] Xem Gioan Phaolô II., Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30.12.1987), 6-7: AAS 80 (1988), 517-519. 
[16] Xem Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio, 14: sđđ., 264. 
[17] Biển-đức XVI, Tông thư Deus caritas est (25. Dez. 2005), 18: AAS 98 (2006), 232 
[18] Như trên, 6: sđd, 222 
[19] Xem Biển-đức XVI., Diễn văn trước thành viên các thánh bộ tại Rôma trong buổi tiếp tân giáng sinh (22.12.2005): Insegnamenti I (2005), 1023-1032. 
[20] Xem Gioan Phaolô II., Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 3: sđd, 515 
[21] Như trên 1: sđd., 513-514. 
[22] Như trên 3: sđd., 515. 
[23] Xem Gioan Phaolô II., Thông điệp Laborem exercens (14. 09.1981), 3: AAS 74 (1981), 583-584. 
[24] Như trên, Thông điệp Centesimus annus, 3: sđd., 794-796 
[25] Xem Thông điệp Populorum progressio, 3: sđd., 258 
[26] Như trên, 34: sđd., 274. 
[27] Xem số 8-9: AAS 60 (1968), 485-487; Biển-đức XVI., Diễn văn trong Đại hội quốc tế của Đại học giáo chủ Lateran nhân kỉ niệm 40 năm tông thư Humanae vitae(10.05.2008): Insegnamenti IV, I (2008), 753-756. 
[28] Xem Thông điệp Evangelium vitae (25.03.1995), số 93: AAS 87 (1995), 507-508. 
[29] Như trên, 101: sđd., 516-518. 
[30] Số 29: AAS 68 (1976), 25 
[31] Như trên, 31: sđd., 26. 
[32] Xem Gioan Phaolô II., Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 41: sđd., 570-572. 
[33] Như trên, Thông điệp Centesimus annus, 5.54: sđd, 799.859-860. 
[34] Số 15: sđd, 491. 
[35] Như trên, 2: sđd., 258; Lêô XIII., Tông thư Rerum novarum (15.05.1891): Leonis XIII P.M. Acta, XI, Romae 1892, 97-144; Gioan Phaolô II., Thông điệpSollicitudo rei socialis, 8: sđd., 519-520; cùng tác giả, Thông điệp Centesimus annus, 5: sđd., 799. 
[36] Xem Thông điệp Populorum progressio, 2.13: sđd., 258. 263-264. 
[37] Như trên, 42: sđd., 278. 
[38] Như trên, 11: sđd., 262; Gioan Phaolô II., Thông điệp Centesimus annus, 25: sđd., 822-824. 
[39] Thông điệp Populorum progressio, 15: sđd., 265. 
[40] Như trên, 3: sđd., 258. 
[41] Như trên, 6: sđd., 260. 
[42] Như trên, 14: sđd., 264. 
[43] Như trên; xem Gioan Phaolô II., Thông điệp Centesimus annus, 53-62: sđd., 859-867; cùng tác giả, Tông thư Redemptor hominis (04.03.1979), 13-14: AAS 71 (1979), 282-286. 
[44] Xem Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio, 12: sđd., 262-263. 
[45] Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nayGaudium et spes, 22. 
[46] Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio, 13: sđd, 263-264 
[47] Xem Biển-đức XVI., Diễn văn trong Đại hội quốc gia lần thứ IV của giáo hội Italia (19.10.2006): Insegnamenti II, 2 (2006), 465-477. 
[48] Xem Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio, 16: sđd, 265. 
[49] Như trên. 
[50] Biển-đức XVI., Diễn văn trước thanh thiếu niên ở Barangaroo East Darling Harbour (Sydney, 17.07.2008): L’ Osservatore Romano (tiếng Đức), năm thứ 38, số 30/31, tr. 10. 
[51] Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio, 20: sđd., 267. 
[52] Như trên 66: sđd., 289-290. 
[53] Như trên, 21: sđd., 267-268 
[54] Các số 3.29.32: sđd., 258.272-273.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét