Trang

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

I. Hoạt động mục vụ trong lãnh vực xã hội

Đoạn này trình bày những bước chuyển tiếp từ lý thuyết sang thực hành, được gọi là “mục vụ xã hội”, với 5 điểm: 1) Hội nhập văn hóa. 2) Mục vụ xã hội. 3) Việc đào tạo. 4) Đối thoại. 5) Những tác nhân mục vụ xã hội. 

A. GHXH và hội nhập đức tin vào văn hóa 

1. Kể từ đức Lêô XIII, Giáo hội đã có một tổng bộ đạo lý cung cấp cho các tín hữu một hướng dẫn cho những quyết định mục vụ. Những định hướng này đào tạo cho các Kitô hữu những nguyên tắc để phân tích thực trạng xã hội, lượng định về những tình trạng của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi; từ đó, họ nhận thấy sự cần thiết phải hành động phù hợp với sứ điệp Tin mừng qua những sự can thiệp cụ thể (số 521). 

2. Trong GHXH, chúng ta có thể tìm thấy một “nhân học Kitô giáo”1 làm nền tảng cho mọi hoạt động xã hội, nhằm thăng tiến con người và thiện ích của nhân loại. Nền nhân bản ấy là nền tảng cho hành vi luân lý cũng như cho hoạt động mục vụ, phù hợp với đức tin (số 522). 

3. Chính nền nhân học là động lực của việc hội nhập đức tin vào văn hóa, nghĩa là nhờ sức mạnh Tin mừng để canh tân các tiêu chuẩn nhận định, các giá trị quyết định, các kiểu mẫu sinh sống. Vì thế “cuộc loan báo Tin mừng mới mẻ” (tân phúc âm hóa) phải bao gồm việc loan báo giáo huấn xã hội của Giáo hội. Thật vậy, “hội nhập văn hóa” không phải chỉ là công tác quét một vỏ sơn bên ngoài, nhưng là sự thay đổi những giá trị chân chính dựa theo tinh thần của Kitô giáo, đem Tin mừng vào trong đời sống2 (số 523). 

B. Giáo huấn xã hội và mục vụ xã hội 

1. Mục vụ xã hội3 và bác ái cần dựa trên GHXH để xác định bản chất, cơ cấu của mình. Mục vụ xã hội là một công tác loan báo Tin mừng trong lãnh vực xã hội, nhằm soi sáng, thúc đẩy và hỗ trợ công cuộc thăng tiến toàn diện con người: con người với những nhu cầu vật lý, cảm xúc, tình cảm, trí tuệ, xã hội, siêu việt. Nguyên tắc “nhân vị”4 là nền tảng cho mọi hoạt động bác ái xã hội (số 524). 

2. Sứ điệp xã hội của Tin mừng nhằm hướng dẫn Giáo hội trong việc thi hành hai nhiệm vụ: a) giúp đỡ con người khám phá chân lý và lựa chọn con đường phải theo; b) thúc đẩy các tín hữu dấn thân vào việc làm chứng tá cho Tin mừng trong lãnh vực xã hội. Con người, dù ở bất cứ hoàn cảnh kinh tế và xã hội nào đi nữa, cũng đều được mời gọi lãnh nhận chân lý và ơn cứu độ. Vì thế, mục vụ bác ái phải làm thế nào để cho những người nghèo và bị gạt bỏ có thể đến gặp gỡ Thiên Chúa là cha của mọi người (số 525). 

3. GHXH giúp ích cho mục vụ xã hội bằng cách: a) cung cấp những tiêu chuẩn nền tảng cho hoạt động mục vụ; b) loan báo Tin mừng; c) đối chiếu Tin mừng với những thực trạng xã hội; d) thảo hoạch những thực trạng ấy sao cho phù hợp với luân lý Kitô giáo. Nhờ thế, công cuộc mục vụ bác ái được bảo đảm duy trì căn tính của đạo Kitô (số 526). 

4. Hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lãnh vực xã hội cần phải làm chứng tá cho chân lý về con người, cách riêng về chiều kích siêu việt của nó. Vì thế, sự xa cách Thiên Chúa là sự nghèo khổ thứ nhất của con người, và hoạt động bác ái cần bao gồm chiều hướng siêu việt của cá nhân cũng như của xã hội (số 527). 

C. GHXH và việc đào tạo 

1. GHXH đã không được nhiều người học hỏi và hiểu biết, vì thế không được mang ra thực hành. Các giáo dân sinh hoạt giữa trần thế cũng không được huấn luyện về vai trò của mình trong đời sống công cộng. Vì thế việc học tập GHXH rất cần thiết (số 528). 

2. Việc huấn luyện GHXH bắt đầu từ các lớp huấn giáo. Cần làm sáng tỏ sứ mạng của tín hữu là phải tìm kiếm sự giải phóng toàn diện, xây dựng một xã hội liên đới và huynh đệ, công lý và hòa bình (số 529). 

3. Trong việc huấn giáo, cần trình bày GHXH hướng đến việc Tin-mừng-hóa và nhân-bản-hóa5 các thực tại trần thế. Nó gồm cả khía cạnh lý thuyết và thực hành, và sẵn sàng đón nhận những đóng góp của các chuyên ngành khác, nhằm hiểu biết thêm các thực tại xã hội: cá nhân, gia đình, kinh tế, chính trị. Dù sao, sự đào tạo hữu hiệu nhất là chứng tá sống động, cách riêng là các thánh (số 530) 

4. Việc đào tạo GHXH nhằm ưu tiên cho các giáo dân: a) giúp cho họ biết cách xử sự trong lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị; b) chuẩn bị cho họ đảm nhận các chức vụ lãnh đạo công quyền (số 531). Các cơ cấu đào tạo có thể là các học viện, các tuần lễ học hỏi, các lớp tập huấn (số 532). 

5. Các chủng sinh và linh mục cũng cần được đào tạo về GHXH, để được chuẩn bị cho công tác mục vụ, và để hướng dẫn các giáo dân trong các hoạt động thuộc sứ mạng của họ (số 533). 

D. Cỗ võ việc đối thoại 

Trong các số 534-537, sách TLHT cho thấy rằng GHXH là một dụng cụ thích hợp cho cuộc đối thoại: 

- Giữa các cộng đoàn Kitô hữu, và với cộng đồng xã hội chính trị. 

- Giữa giáo hội Công giáo và các giáo hội khác, khi cùng nhau hợp tác trong việc bảo vệ nhân quyền. 

- Với các anh em đạo Do thái, bởi vì có chung gia sản Kinh thánh Cựu ước. 

- Với các tôn giáo, trong việc hợp tác để cổ võ sự phát triển con người. 

E. Những tác nhân của mục vụ xã hội 

1. Tất cả các tín hữu đều là tác nhân chủ động của mục vụ xã hội: đây không phải là một lãnh vực chuyên môn của ai, nhưng là bổn phận của toàn thể Dân Thiên Chúa trong việc phục vụ bác ái, từ giáo xứ lên đến giáo phận, và cho tới Giáo hội hoàn vũ (số 538). 

2. Tại Giáo hội địa phương, đức giám mục là người đầu tiên có trách nhiệm đối với việc loan báo Tin mừng trong lãnh vực xã hội. Cùng với các linh mục, ngài phải tổ chức các tiến trình đào tạo: học hỏi giáo huấn, cử hành các bí tích, đồng hành với các giáo dân dấn thân vào hoạt động xã hội, đặc biệt nhờ các hội đoàn (số 539). 

3. Hoạt động mục vụ xã hội cũng cần đến các dòng tu, tùy theo đặc sủng của mỗi dòng. Chứng tá của họ, đặc biệt giữa những môi trường khó nghèo, là lời mời gọi sống đời thánh thiện và quảng đại phục vụ tha nhân (số 540). 

(Lẽ ra phải kể thêm các giáo dân trong các hàng ngũ của Dân Thiên Chúa, nhưng vì tầm quan trọng của vấn đề, nên sách TLHT đã dành riêng một đoạn cho các giáo dân). 

..............................................................................................

[1] Nhân học Kitô giáo: anthropologie chrétienne. Cũng có thể dịch là “nhân sinh quan”: quan điểm về con người. 
[2] Đây là một lối chơi chữ trong tiếng châu Âu. évangélisation de la culture - inculturation de l’évangile. 
[3] “Mục vụ xã hội”: pastorale sociale. Chúng tôi sẽ giải thích từ ngữ này trong mục Hai. 
[4] Nguyên tắc “nhân vị” (personne humaine), đã được sách TLHT trình bày ở chương ba. 
[5] “Tin mừng hóa” (evangeliser) biến đổi cho phù hợp với Tin mừng. “Nhân bản hóa” (humaniser) biến đổi cho xứng hợp với con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét