78. Không có Thiên Chúa, con người sẽ không biết họ đang đi về đâu và ngay cả họ là ai. Đứng trước những vấn nạn to lớn của phát triển các dân tộc có thể khiến chúng ta đi tới chỗ gần như ngã lòng và buông xuôi, lời đức Giê-su Kitô có sức mạnh nâng đỡ ta, khi Người nhắc nhở: “Không có Thầy các con không làm gì được” (Gi 15,5); Người khuyến khích ta: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đối diện với bao nhiêu công việc phải chu toàn, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa luôn hiện diện bên cạnh những ai hiệp nhất dưới danh Người và cùng hành động cho công lí. TrongPopulorum progressio, giáo chủ Phao-lô VI nhắc nhở chúng ta, con người không thể tự tiến hành được phát triển, bởi vì họ không thể tự tạo ra một nền nhân bản đích thực. Chỉ khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta, từng cá nhân và từng cộng đoàn, được mời gọi làm con cái Thiên Chúa để cùng tham gia vào một đại gia đình thiên chúa, lúc đó chúng ta mới có thể có được một tư duy mới và những năng lực mới để phục vụ cho một nền nhân bản toàn diện đích thực. Năng lực mới phục vụ phát triển, như vậy, phải là nền nhân bản kitô giáo[157], một nền nhân bản làm sống dậy tình yêu và luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của chân lí, bằng cách đón nhận vào mình tình yêu và chân lí như là những quà tặng luôn mãi của Thiên Chúa. Có sẵn sàng chấp nhận Thiên Chúa, chúng ta mới chấp nhận anh chị em và chấp nhận một cuộc sống được hiểu như một nhiệm vụ liên đới và tươi vui. Ngược lại, ngăn trở lớn nhất của công cuộc phát triển ngày nay là việc cấm cửa của í thức hệ đối với Thiên Chúa và sự dửng dưng đối với Người của chủ trương vô thần, đã dửng dưng với Thiên Chúa thì rồi cũng chẳng màng gì tới các giá trị con người. Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được được những hình thức sống xã hội và dân sự – trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng. Í thức về tình yêu bất diệt của Thiên Chúa sẽ nâng đỡ ta trên con đường dấn thân đầy khó khăn và cao cả cho công lí và phát triển các dân tộc; tình yêu này sẽ đưa ta vượt qua những thành công và thất bại trong nỗ lực kiên trì thực hiện những trật tự công chính cho chuyện nhân sinh. Tình yêu thiêu chúa gọi mời ta hãy bước ra khỏi những gì hữu hạn và chóng qua. Nó giúp ta can đảm tiếp tục tiến tới trên con đường kiếm tìm hạnh phúc cho mọi người, cho dù cuộc kiếm tìm sẽ dài lâu và dù kết quả đạt được – đối với chúng ta và các nhà chính trị, kinh tế – quá ít ỏi, không được như mong muốn[158]. Thiên Chúa sẽ giúp ta nghị lực để chiến đấu và để chấp nhận đau khổ vì tình yêu cho công ích, bởi vì Người là Tất cả, là Hi vọng lớn nhất của chúng ta.
79. Phát triển cần tới các kitô hữu biết dâng những người nghèo lên cho Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện. Đó là những kitô hữu hiểu rằng, tình yêu đong đầy sự thật, caritas in veritate, thứ tình yêu vốn là nguồn xuất phát của sự phát triển chân thực, là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho, chứ không phải là sản phẩm do chính chúng ta tạo ra. Vì thế, chúng ta không những phải biết phản ứng cách í thức ngay cả trong những chuyện vô cùng khó khăn và phức tạp, mà nhất là còn phải biết bám vào tình yêu của Người. Phát triển bao gồm sự chú tâm tới đời sống thiêng liêng, nghiêm chỉnh quan tâm tới những kinh nghiệm phó thác nơi Thiên Chúa, những kinh nghiệm sống tình huynh đệ thiêng liêng với đức Kitô, tin tưởng vào sự quan phòng và lòng nhân ái của Thiên Chúa, tới tình yêu và thứ tha, quên mình, chấp nhận tha nhân, tới công lí và hoà bình. Bắt buộc phải có tất cả những thứ đó mới mong biến “trái tim sỏi đá” thành “trái tim thịt“ (Ez 36,26), có như thế cuộc sống trần thế mới mang tính “thần linh” và như vậy mới xứng với phẩm giá con người hơn. Tất cả những thứ đó đều thuộc con người, vì con người là chủ thể của cuộc sống họ; mọi thứ đó đồng thời cũng thuộc Thiên Chúa, vì Người là nguyên lí và cùng đích của mọi sự có giá trị và dẫn tới cứu rỗi: “Thế giới, sự sống, sự chết, hiện tại và tương lai: tất cả đều là của anh chị em; nhưng anh chị em lại thuộc đức Kitô, và đức Kitô thuộc Thiên Chúa” (1 Cor 3, 22-23). Khao khát sâu xa nhất của người theo Chúa là toàn thể gia đình nhân loại có thể gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con!”. Cùng với Con của Cha, tất cả mọi người có thể học cầu nguyện cùng Cha và biết dùng lời kinh đức Kitô dạy để cầu khẩn Cha và có thể tôn vinh Cha, nếu như họ biết sống theo í Cha, và rồi xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, cũng như xin Cha cho chúng con thấu hiểu và bao dung với những kẻ có lỗi với chúng con, xin đừng để chúng con bị thử thách quá nặng và hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ (xe, Mt 6,9-13).
Để kết thúc năm thánh Phao-lô, tôi muốn dùng lời của ngài trong thư gởi tín hữu rô-ma để nói lên mong ước này: “Đức mến của anh em chớ nên giả hình. Hãy gớm ghét điều ác và bám chặt lấy điều lành! Hãy sống với nhau trong tình huynh đệ và kính trọng nhau trong đối xử” (12,9-10). Xin trinh nữ Maria, Đấng được giáo chủ Phao-lô VI tuyên bố là Mẹ của Giáo hội và được dân chúa tôn vinh là Gương công lí và Nữ vương hoà bình, hãy chở che và, qua lời cầu bầu hiển linh của Mẹ, giúp cho chúng con có được sức mạnh, hi vọng và niềm vui cần có, để chúng con tiếp tục quảng đại dấn thân cho nhiệm vụ “phát triển con người toàn diện và phát triển hết mọi người”[159].
Ban hành tại Rô-ma, nhà thờ thánh Phê-rô, ngày 29 tháng sáu, ngày lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô, năm 2009, là năm thứ năm nhiệm kỳ giáo chủ của tôi.
Giáo chủ Biển-đức XVI
Phạm Hồng-Lam dịch từ bản tiếng Đức
Tháng 11.2009
---------------------------
[157] Xem số 42: sđd, 278.
[158] Xem Biển-đức XVI, Tông thư Spe salvi, 35: sđd, 1013-1014.
[159] Phao-lô VI, Thông điệp Populorum progressio, 42: sđd, 278.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét