Trang

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

DẪN NHẬP

1. Caritas in veritate – Tình yêu trong chân lí là điều mà đức Giêsu Kitô đã minh chứng qua cuộc sống trần thế, đặc biệt qua cái chết và phục sinh của Người; đó là động lực chính của sự phát triển đích thực cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại. Tình yêu – «caritas» – là nguồn lực lạ lùng thúc đẩy con người can đảm và đại độ dấn thân cho hoà bình và công lí. Nó xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng vừa là Tình yêu muôn thủa và cũng là Chân lí tuyệt đối. Mỗi người gặp được hạnh phúc của mình, khi chấp nhận chương trình mà Thiên Chúa đã đề ra cho mình để phát triển thành người: Trong chương trình đó họ gặp được chân lí đời mình, và một khi chấp nhận chân lí này, họ trở thành người tự do (x. Gi 8,22). Như vậy, việc bảo vệ, khiêm tốn và xác tín loan báo cũng như làm chứng cho chân lí bằng cuộc sống mình là những phương cách thể hiện đầy thách đố và không thể thay thế được của tình yêu, bởi chưng tình yêu này «vui mừng trước những gì là sự Thật» (1 Cor 13,6). Mọi người ai cũng cảm thấy có một lực nội tâm thúc đẩy mình yêu thương một cách chân thật: Tình yêu và sự thật không bao giờ tách khỏi con người, bởi vì chúng là ơn gọi mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm trí mỗi người. Đức Giêsu Kitô thanh tẩy và giải thoát chúng ta khỏi những bất cập đáng thương của kiếp người trong hành trình kiếm tìm tình yêu và chân lí. Và Người mạc khải cho chúng ta thấy đầy đủ sáng kiến cùa tình yêu và chương trình của một cuộc sống đích thực mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho ta. Tình yêu trong chân lí đã trở thành gương mặt của Người; và trong đức Kitô, tình yêu đó đã trở thành ơn gọi yêu thương tha nhân trong số phận chân thật của họ. Thật vậy, chính đức Kitô cũng là Chân lí (x. Gi 14,6). 

2. Tình yêu là tâm điểm của học thuyết xã hội của Giáo hội. Mọi trách nhiệm và bổn phận được trình bày trong học thuyết này đều xuất phát từ tình yêu, vốn như đức Giêsu đã nói, là luật tóm tắt toàn bộ lề luật của Thiên Chúa (x. Mt 22, 36-40). Nhờ tình yêu, liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và liên hệ giữa người với tha nhân có được một nội dung chân thực. Tình yêu không những là nguyên tắc của các liên hệ ở cấp vi mô như trong tình bạn, gia đình và các nhóm nhỏ, mà cả ở cấp vĩ mô như trong các tương giao kinh tế, xã hội và chính trị. Dựa trên Tin Mừng, Giáo hội coi tình yêu là tất cả, bởi vì như thánh Gioan đã dạy (x. Ga 4, 8.16) và như tôi đã nhắc lại trong thông điệp «Thiên Chúa là tình yêu» trước đây: Tất cả đều xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, tình yêu làm cho mọi sự có được hình hài và tất cả mọi loài đều nỗ lực hướng về tình yêu. Tình yêu là tặng phẩm lớn nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người; nó là lời hứa của Người và là niềm hi vọng của chúng ta. 

Tôi biết, tình yêu đã và đang bị con người làm cho biến dạng khiến thành ra vô nghĩa. Và hậu quả là nó rơi vào nguy cơ bị hiểu lầm, bị đẩy ra khỏi đạo đức cuộc sống, bị ngăn cản bằng mọi cách không cho xuất hiện đúng với mặt thật của nó. Trong lãnh vực xã hội, luật pháp, văn hoá, chính trị và kinh tế, nghĩa là trong những quan hệ dễ xẩy ra nguy cơ trên đây nhất, tình yêu dễ bị coi là không quan trọng cho việc suy diễn và định hướng trách nhiệm đạo đức. Vì thế, không những cần phải nối tình yêu và chân lí trong công thức của thánh Phaolô đưa ra «sự thật trong tình yêu» (Êph 4, 15) lại với nhau, mà còn phải đảo ngược nó lại và bổ túc cho nhau thành «tình yêu trong sự thật». Sự thật phải được tìm, gặp và diễn tả ra trong nền tảng «kinh tế» của tình yêu; và ngược lại, tình yêu cũng phải được hiểu, chuẩn nhận và thực thi dưới ánh sáng chân lí. Bằng cách đó chúng ta không những phục vụ cho một tình yêu được chiếu sáng bởi chân lí, mà còn làm cho sự thật trở nên đáng cậy, bằng cách làm sáng tỏ tính xác thực và sức thuyết phục của nó ra trong cuộc sống xã hội hiện thực. Đây là điều quan trọng cần làm cho môi trường xã hội và văn hoá hiện nay, môi trường trong đó sự thật bị tương đối hoá, hay bị coi thường và phủ nhận. 

3. Qua mối liên kết chặt chẽ với sự thật, tình yêu có thể được nhận diện như sự diễn tả chân thực của nhân tính và như là yếu tố quan trọng nền tảng trong liên hệ giữa người với người – và cả trong lãnh vực công nữa. Tình yêu chỉ tỏa sáng trong chân lí, và chỉ trong chân lí nó mới có thể được sống cách đáng cậy. Chân lí là ánh sáng cung cấp cho tình yêu í nghĩa và giá trị. Đó là ánh sáng của lí trí cũng như của đức tin, nhờ ánh sáng này trí hiểu đạt tới chân lí tự nhiên và siêu nhiên của tình yêu: nó hiểu được tình yêu có nghĩa là tự hiến, chấp nhận và cộng đoàn. Không có sự thật, tình yêu sẽ rơi vào tình cảm uỷ mị. Nó sẽ là chiếc thùng rỗng mà người ta có thể đổ đầy bằng bất cứ thứ gì họ muốn. Đấy là cái nguy cơ bất lường của tình yêu trong một nền văn hoá thiếu sự thật. Nó sẽ là nạn nhân của những tình cảm tình cờ và những quan niệm cá nhân, sẽ là một từ ngữ bị hiểu lầm và làm cho biến nghĩa đến trở thành ngược lại. Sự thật giải thoát tình yêu khỏi vòng chật hẹp của cảm xúc; xúc cảm làm tiêu tan nội dung xã hội và hợp lí của tình yêu. Sự thật cũng giải thoát tình yêu khỏi vòng chật hẹp của một tinh thần duy tín (Fideismus) thiếu hơi thở con người và vũ trụ. Trong sự thật, tình yêu phản chiếu lên chiều kích vừa cá nhân vừa công khai của niềm tin vào Thiên Chúa kinh thánh, Người vừa là «Agape» vừa là «Logos»: Bác ái và sự Thật, Tình yêu và Lời. 

4. Vì tình yêu tràn đầy sự thật, nên con người có thể nhận ra các giá trị nơi gia sản phong phú của nó, chấp nhận và chia sẻ nó cho nhau. Bởi lẽ sự thật là «lời» (logos) và lời tạo ra «đối thoại» (diá-logos) nên sự thật tạo ra sự trao đổi và cộng đoàn. Vì sự thật kéo con người ra khỏi những quan điểm và cảm nhận chủ quan, nên nó giúp họ khả năng vượt thắng những định kiến văn hoá và lịch sử, để họ có thể găp được nhau qua việc nhận biết giá trị và bản chất của các sự vật. Sự thật khai mở trí hiểu con người và nối kết trí thông minh của họ lại vào trong Logos của tình yêu: Đó là thông điệp và chứng tá kitô giáo của tình yêu. Nếu chúng ta sống tình yêu trong chân lí trong môi trường xã hội và văn hoá mang chiều hướng tương đối hoá chân lí như hiện nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc chấp nhận các giá trị kitô giáo là một yếu tố không những có lợi mà còn không thể thiếu cho việc xây dựng một xã hội tốt và cho việc phát triển đích thực và toàn diện của con người. Một Kitô giáo đầy tình thương nhưng thiếu sự thật có thể bị lẫn lộn với một kho chứa tình cảm, những tình cảm này có lợi cho cuộc chung sống xã hội thật đấy, nhưng đó chỉ là những yếu tố phụ thuộc. Trong trường hợp này sẽ chẳng còn chỗ nào cho Thiên Chúa trong thế giới nữa. Thiếu sự thật, tình yêu sẽ bị đẩy vào lãnh vực của những tương giao hạn chế và riêng tư. Nó sẽ bị loại ra khỏi mọi chương trình và tiến trình xây dựng một đường lối phát triển con người với quy mô lớn, nghĩa là bị loại ra khỏi cuộc đối thoại giữa hiểu biết và thực hành. 

5. Caritas là tình yêu con người lãnh nhận từ Thiên Chúa trao ban. Nó là «hồng ân» (cháris). Cội nguồn phát xuất của nó là tình yêu của Chúa Cha trao cho Chúa Con trong Thánh Thần. Nó là tình yêu của Chúa Con tuôn xuống cho chúng ta. Đó là tình yêu sáng tạo, nhờ đó mà chúng ta có mặt; đó là tình yêu cứu rỗi, nhờ đó mà chúng ta được tái sinh. Đó là tình yêu do đức Kitô mạc khải và hoàn thành (x. Ga 13, 1), «được đổ xuống trên tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần» (Rom 5, 5). Là kẻ lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có nhiệm vụ cưu mang tình yêu tha nhân, và chính mình được mời gọi trở thành dụng cụ hồng ân hầu mở rộng tình yêu Thiên Chúa và dệt nên tấm lưới tình yêu tha nhân. 

Học thuyết xã hội của Giáo hội đặt nền trên lực năng động của tình yêu trao ban và lãnh nhận này. Nó là «caritas in veritate in re sociali»: Quảng bá chân lí tình yêu thiên chúa trong xã hội. Học thuyết này phục vụ tình yêu, nhưng phục vụ tình yêu trong chân lí. Chân lí là mẹ đỡ và là biểu hiện của sức mạnh giải phóng của tình yêu trong một lịch sử luôn chuyển biến đổi thay. Nó đồng thời là chân lí của đức tin và của lí trí, trong việc phân biệt cũng như tác động chung giữa hai lãnh vực nhận thức này. Chân lí này cần thiết cho công cuộc phát triển, cho hạnh phúc xã hội và cho việc tìm ra lời giải đúng đắn cho những vấn nạn kinh tế xã hội khó khăn đang đè nặng nhân loại. Nhưng điều cấp thiết hơn, là làm sao cho chân lí này được ưa chuộng và có sức thuyết phục. Thiếu chân lí, thiếu niềm tin và tình yêu vào những gì là sự thật, thì lương tâm và trách nhiệm xã hội cũng mất luôn: Hành động xã hội sẽ trở thành một trò chơi của những sở thích riêng tư và trở thành lí của kẻ mạnh, với hậu quả là xã hội bị phân thân, nhất là với một xã hội đang trên đường toàn cầu hoá đầy khó khăn như hiện nay. 

6. "Caritas in veritate“ là nguyên tắc nền tảng của học thuyết xã hội công giáo, một nguyên tắc hình thành những chuẩn mực định hướng cho hành động đạo đức. Tôi muốn đặc biệt nêu ra ở đây hai khía cạnh rất cần thiết cho việc phát triển một xã hội đang trên đường toàn cầu hoá. Đó là Công lí và Công ích (hay Phúc lợi chung). Trước hết là Công lí. Ubi societas, ibi ius: Mỗi xã hội có một nền luật pháp riêng. Tình yêu vượt lên trên công lí, bởi lẽ yêu là trao tặng, là cho người khác cái «của mình». Nhưng chẳng bao giờ có bác ái nếu không có lực công lí thôi thúc tôi cho người khác những gì «của họ», nghĩa là những gì họ phải có để tồn tại và hành động. Tôi không thể «tặng» người khác cái của tôi, nếu trước hết không trả lại cho họ những gì là của họ. Khi tôi lấy tình bác ái đối xử với một ai, lúc đó là tôi thể hiện công bằng đối với họ. Công lí chẳng lạ lẫm gì với tình yêu; nó cũng chẳng phải chỉ là con đường thay thế hay song song với tình yêu: Công lí luôn đi liền với tình yêu[1], nó là một yếu tố nằm trong tình yêu. Công lí là bước đường đầu của tình yêu, hay nói như giáo chủ Phaolô VI, nó là «mức tối thiểu»[2], là một thành phần trọng yếu của thứ tình yêu «trong hành động và sự thật», như thánh Gioan đã kêu gọi (1 Ga 3,18). Một mặt, tình yêu đòi hỏi công lí, nghĩa là phải công nhận và coi trọng các quyền chính đáng của cá nhân và của các dân tộc. Nó thúc đẩy việc xây dựng một «thành phố của người» dựa theo pháp quyền và công lí. Mặt khác, tình yêu vượt trên công lí và hoàn thiện công lí trong cái lôgic của trao tặng và thứ tha[3]. «Thành Phố Của Người» không những được hỗ trợ bằng các tương giao đặt nền trên quyền và nhiệm vụ, nhưng hơn nữa và trước hết bằng các mối dây được đan bện bằng nhân ái, tương thuộc và miễn phí. Qua những liên hệ giữa người với người, bác ái cũng luôn mở ra cho thấy tình yêu của Thiên Chúa; nhờ tình yêu này mà mỗi hành động dấn thân cho công lí trong thế giới có được giá trị thần học và cứu rỗi. 

7. Ngoài ra cũng cần phải coi trọng đặc biệt tính công ích. Yêu ai có nghĩa là quan tâm tới phúc lợi của người đó và cố gắng tạo phúc lợi cho họ. Bên cạnh phúc lợi cá nhân còn có phúc lợi liên quan tới nhiều người trong xã hội, gọi là «công ích» hay «phúc lợi chung». Đó là thứ phúc lợi của «chúng ta», của cả tập hợp xã hội chung bao gồm các phúc lợi cá nhân, gia đình và nhóm nhỏ[4]. Đây không phải là thứ phúc lợi mạnh ai nấy tìm cho riêng mình, nhưng là của chung cho những ai thuộc vào một cộng đồng xã hội, và chỉ khi ở trong một cộng đồng ta mới đạt được phúc lợi này một cách hiệu quả. Công lí và tình yêu đòi hỏi phải làm sao có được công ích. Dấn thân cho công ích một mặt có nghĩa là bảo vệ toàn bộ các định chế điều hoà cuộc sống xã hội về mặt pháp lí, dân sự, chính trị và văn hoá, mặt khác sử dụng các cơ cấu này để nhờ đóPolis (thành phố, nhà nước) hình thành. Tình yêu tha nhân sẽ trở nên hữu hiệu hơn, khi ta dấn thân cho một ích lợi chung, và ích lợi này đồng thời cũng phù hợp với các nhu cầu thiết thực của ta. Mỗi kitô hữu được mời gọi thực thi tình yêu này theo ơn gọi của họ và trong mức độ phù hợp với các khả năng tạo ảnh hưởng của họ trong Polis. Đó là con đường định chế – cũng gọi được là con đường chính trị – của bác ái; bác ái này cũng thích hợp và hữu hiệu không kém tình yêu ta trao cho người khác cách trực tiếp, bên ngoài vòng định chế của Polis. Dấn thân cho công ích vì động lực tình yêu mang giá trị cao hơn việc dấn thân do động lực trần tục hay chính trị. Cũng giống như mọi dấn thân khác cho công lí, dấn thân vì tình yêu là một chứng tá về tình yêu thiên chúa, chứng ta này tác động trong hiện tại nhưng đồng thời chuẩn bị cho ta phần phúc đời đời. Khi hành động của con người trần thế được khơi nguồn và hỗ trợ bởi tình yêu, hành động đó góp phần dựng xây nên Thành Phố Thiên Chúa trên địa cầu, đây là một mô hình chung sống tương lai mà lịch sử nhân loại vẫn đang hướng tới. Trong một xã hội đang trên đường toàn cầu hoá, công ích và việc dấn thân cho công ích chắc chắn phải hướng tới những chiều kích về một gia đình chung của nhân loại, nghĩa là về một cộng đồng các dân tộc và quốc gia chung[5], ngõ hầu nhờ đó mà Thành Phố Con Người có được hoà bình và hợp nhất, và đó sẽ là mô hình tiền dự cho Thành Phố Thiên Chúa vượt mọi biên cương sẽ tới. 

8. Với thông điệp Populorum progressio ra đời năm 1967, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Phaolô VI đã dùng hào quang chân lí và ánh sáng tình yêu của đức Kitô đề rọi chiếu lên một đề tài lớn, đó là đề tài phát triển các dân tộc. Ngài nhấn mạnh, việc loan báo đức Kitô là yếu tố phát triển đầu tiên và quan yếu nhất[6]; và ngài đòi hỏi chúng ta bước vào con đường phát triển với tất cả con tim và trí óc[7], nghĩa là với lửa tình yêu và trí huệ chân lí. Chính chân lí cội nguồn của tình yêu thiên chúa, vốn là một hồng ân do Thiên Chúa trao ban, đã mở toang cánh cửa cuộc đời ta khiến ta sẵn sàng trao nó đi tiếp; cũng nhờ chân lí cội nguồn này ta mới có hi vọng trở nên một «con người và một nhân loại toàn hảo»[8], mới có hi vọng vượt qua được những khó khăn chắc chắn gặp phải trên đường đời, để từ «những điều kiện sống ít nhân bản» đạt tới được «những điều kiện sống nhân bản hơn»[9]. 

Nhân dịp bốn mươi năm thông điệp Populorum progressio ra đời, tôi hân hạnh được lấy lại tư tưởng và đường hướng suy tư về phát triển con người toàn diện của vị tiền nhiệm lớn của tôi. Tôi sẽ cập nhật chúng để áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay. Tiến trình cập nhật này đã khởi đi từ thông điệp Sollicitudo rei socialis, do giáo chủ Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp kỉ niệm hai mươi năm ra đời của Populorum progressio. Trước đó, chỉ Rerum novarum có được một kỉ niệm như thế mà thôi. Giờ đây, sau thêm hai mươi năm nữa trôi qua, tôi muốn nói lên xác tín của mình rằng, Populorum progressio là một thứ «Rerum novarum của thời đại chúng ta hiện nay», nó giúp chúng ta hiểu được những bước đi tiến về hợp nhất của nhân loại. 

9. Tình yêu trong sự thật – caritas in veritate – là một thử thách lớn cho Giáo hội trong một thế giới đang trên đường toàn cầu hoá cách tiệm tiến và đều khắp. Con người và các dân tộc trong thế giới ngày nay sống tương thuộc vào nhau. Nhưng sự tương thuộc này thiếu mất tương giao đạo đức phù hợp của lương tâm và lí trí. Thiếu tương giao này, con người không thể có được một phát triển đúng đắn. Chỉ có một tình yêu được soi sáng bởi lí trí và đức tin mới giúp ta thành người hơn và đạt được những cùng đích phát triển mang giá trị nhân bản hơn. Nếu chỉ dựa vào tiến bộ kĩ thuật và những tính toán trong các quan hệ nhất định, chúng ta sẽ không có được sự phân chia của cải và tài nguyên, vốn là nền tảng cho một phát triển đích thực. Song chỉ với tiềm năng tình yêu, con người mới có thể lấy thiện để thắng ác (xem Rom 12,21), mới có thể chia sẻ của cải và tài nguyên cho nhau, mới có thể tự do đi tới với nhau theo tiếng lương tâm. 

Giáo hội không đưa ra những giải pháp kĩ thuật[10] và hoàn toàn không muốn «xen vào chuyện nội bộ của nhà nước»[11]. Nhưng trong mọi thời và mọi hoàn cảnh, Giáo hội phải hoàn thành sứ mạnh chân lí, để giúp xã hội trở nên xứng hợp với con người, với nhân phẩm và ơn gọi của họ. Thiếu chân lí, cuộc sống con người sẽ rơi vào thực dụng và bi quan. Với quan điểm sống đó, họ không thể vươn lên được khỏi tầng thực hành, bởi lẽ chẳng ai còn màng gì tới những giá trị – và đôi khi ngay cả tới í nghĩa – được coi là chuẩn mực định giá và định hướng cho cuộc sống. Muốn trung thành với con người, phải trung thành với sự thật. Chỉ có sự thật mới bảo đảm cho tự do (xem Ga 8,32) và mới mở ra một phát triển toàn diện cho con người. Vì thế Giáo hội luôn đi tìm sự thật, không mệt mỏi loan truyền sự thật và sẵn sàng công nhận sự thật bất kể nó tới từ đâu. Sứ mạng chu toàn sự thật của Giáo hội là nhiệm vụ không thể thiếu được. Một trong những khía cạnh đặc biệt của sứ mạng loan truyền này là giáo huấn xã hội của Giáo hội: Nhiệm vụ của giáo huấn là phục vụ sự thật, sự thật giải thoát. Giáo hội luôn mở cửa đón nhận sự thật. Dù sự thật tới bất kể từ lãnh vực kiến thức nào, giáo huấn xã hội cũng đón nhận nó, ghép từng mảnh chân lí có được lại thành một thể thống nhất và giới thiệu nó cho con người và các dân tộc đang sống giữa một hoàn cảnh luôn đổi thay[12].

-------------------------------------------------------------------
[1] Xem Phaolô VI., Thông điệp Populorum progressio (26.03.1967, 22: AAS 59 (1967), 268; Hiến chế Gaudium et spes của công đồng Vaticanô II, 69. 
[2] Diễn văn Ngày Phát Triển (23.08.1968): AAS 60 (1968), 626-627. 
[3] Xem Thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2002: AAS 94 (2002), 132-140. 
[4] Xem Hiến Chế Gaudium et spes, 26. 
[5] Xem Gioan XXIII., Pacem in terris (11.04.1963) : AAS 55 (1963), 268-270. 
[6] Xem Số 16: tài liệu thượng dẫn (tltd), 265. 
[7] Xem như trên, 82: tltd, 297. 
[8] Như trên, 42: tltd, 278. 
[9] Như trên, 20: tltd, 267. 
[10] Xem Công đồng vaticanô II, Gaudium et spes, 36 ; Phaolô VI, Tông thưOctogesima adveniens (14.05.1971), 4 : AAS 63 (1971), 403-404 ; Gioan Phaolô II.,Thông điệp Centesimus annus (1.05.1991), 43 : AAS 83 (1991), 847. 
[11] Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio, 13 : tltd, 263-264. 
[12] Xem Hội đồng Giáo chủ về Công lí và Hoà bình, Kompendium der Soziallehre der Kirche, Nr. 76.



1 nhận xét:

  1. [Updated September] Bet365 YouTube Channel - Video
    Watch the Latest Videos. Videos on YouTube · Videos on YouTube · Videos on YouTube · Videos on YouTube · Videos on youtube mp3 YouTube · Videos on YouTube · Videos on YouTube · Videos on YouTube

    Trả lờiXóa