Trang

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

II. Linh đạo giáo dân

Số 545-546 của sách TLHT bàn đến “linh đạo giáo dân”. Thiết tưởng cần phải bổ túc thêm1

Trong hiến chế tín lý về Hội thánh (chương Năm), công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh. Công đồng muốn sửa đổi một thành kiến sai lầm, theo đó chỉ có các linh mục hoặc tu sĩ mới có thể làm thánh được. Không phải thế, các giáo dân cũng có thể và buộc phải nên thánh. 

Tuy nhiên, vấn đề được đặt lên là: có linh đạo dành cho giáo dân hay không (tựa như linh đạo dành cho các linh mục, linh mục dành cho các tu sĩ)? Câu hỏi này lệ thuộc vào một câu hỏi khác nữa: giáo dân là ai? yếu tố nào cấu tạo nên hàng ngũ giáo dân? 

A. Khái niệm về giáo dân 

Phải định nghĩa các giáo dân như thế nào? Để hiểu vấn đề, nên biết là người ta thường nói đến ba hàng ngũ trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Hàng ngũ linh mục được cấu thành bởi bí tích truyền chức, và do đó linh đạo linh mục dựa theo bản chất của bí tích: các linh mục buộc nên thánh bởi vì họ là hiện thân của Chúa Kitô Mục tử. Hàng ngũ đời tận hiến được cấu tạo do việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm nhằm diễn tả lại cuộc đời của Chúa Kitô, và đây là nền tảng của linh đạo đời tu. Thế còn hàng ngũ giáo dân thì sao? Đâu là yếu tố cấu thành hàng ngũ này? 

Xưa nay, các giáo dân thường được định nghĩa tiêu cực: họ là những tín hữu không làm linh mục hoặc không khấn dòng. Công đồng Vaticanô II (Hiến chế về Hội thánh số 31) muốn tìm một định nghĩa tích cực hơn: các giáo dân là tín hữu sống giữa đời. Đặc trưng của giáo dân là “trần thế” (saeculum). 

Tuy nhiên, nhiều tác giả tỏ ra không hài lòng lắm với định nghĩa vừa nói, bởi vì đâu phải chỉ các giáo dân mới sống trong đời; kể cả các giáo sĩ và tu sĩ cũng sống trong đời chứ đâu phải sống ngòai đời (trong sa mạc, hoặc trên cung trăng). Mặt khác, phải hiểu thế nào là “giáo dân”? Một em bé vừa mới rửa tội đã hội đủ điều kiện để được gọi là giáo dân chưa, hay phải chờ đến khi lãnh bí tích thêm sức, hoặc bí tích hôn phối? 

Cha Hans Urs von Balthasar chủ trương rằng không có linh đạo nào đặc trưng của giáo dân cả: họ chỉ là những tín hữu và gắng nên thánh trong những điều kiện sinh sống cụ thể hàng ngày. 

Sau công đồng Vaticanô II, một Thượng hội đồng giám mục đã nhóm họp vào tháng 10 năm 1987 để bàn về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Hội thánh và thế giới; thành quả được đúc kết trong tông huấn Christifideles laici do đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 30/12/1988. Trong văn kiện, chân dung của người tín hữu giáo dân được diễn tả qua vị trí của họ trong Hội thánh nhìn từ ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. 

1/ Xét theo chiều kích mầu nhiệm (chương I: trong tương quan với Thiên Chúa Ba ngôi), các giáo dân được hưởng trọn vẹn phẩm giá của Kitô hữu, đó là: “con cái Thiên Chúa, thân thể của đức Kitô, đền thờ Thánh Linh” (số 11-13). Họ được thông dự vào ba chức vụ tư tế - ngôn sứ - và vương giả của đức Kitô (số 14). Vì là đền thờ của Thánh Linh, họ được mời gọi nên thánh bằng cách phát triển những hoa trái của Thánh Linh (số 16). 

2/ Xét theo chiều kích thông hiệp (chương II: nội bộ của Hội thánh), các giáo dân lãnh nhận những đặc sủng khác nhau, và sử dụng những đặc sủng đó để xây dựng cộng đòan, duy trì những dây liên kết với các phần tử khác và với các cấp độ cộng đòan khác nhau (giáo xứ, giáo phận, hòan vũ). 

3/ Xét theo chiều kích sứ vụ (chương III), các giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Hội thánh trong thế giới, đặc biệt vào những môi trường mà Tin mừng chưa thấm nhập: những môi trường ngòai Kitô giáo, thậm chí còn tỏ ra lãnh đạm hoặc chống đối tôn giáo. 

B. Đường nên thánh của Giáo dân 

Từ những điểm vừa trình bày, chúng ta có thể rút vài kết luận sau đây. 

1/ Các giáo dân có thể và buộc nên thánh. Đây không phải là một nguyên tắc tổng quát hoặc một nghĩa vụ pháp lý, nhưng là một thực tại biểu hiện qua con số những vị thánh “không phải là giáo sĩ và tu sĩ” trong suốt hai ngàn năm lịch sử Giáo hội. Trong những thế kỷ đầu tiên, các thánh tử đạo thuộc đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi. Sang thế kỷ IV, khi xuất hiện phong trào đan tu trong Hội thánh, các người chủ xướng vẫn không ngừng khẳng định rằng họ chỉ muốn sống triệt để ơn gọi Kitô hữu mà mình đã cam kết lúc lãnh bí tích rửa tội. Trải qua lịch sử, nhiều phong trào giáo dân đã nổi lên để nhắc nhở thể Dân Chúa hãy sống trọn vẹn những yêu sách Tin mừng. Một vài phong trào đó trở thành Dòng tu (điển hình là Phanxicô Assisi), nhưng nguyên khởi của họ không nhằm đề ra một linh đạo mới mà chỉ muốn sống trọn những yêu sách của Tin mừng2

2/ Các phương tiện nên thánh của các giáo dân cũng là những phương thế chung cho hết mọi tín hữu: đời sống nhân đức, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các bí tích, việc cầu nguyện, và sinh họat hàng ngày, nhờ đó toàn thể cuộc đời trở nên hiến lễ tinh thần đẹp lòng Chúa và góp phần thánh hóa nhân lọai. 

3/ Các giáo dân nên thánh trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống: gia đình, học đường, chợ búa, những nơi làm việc thuộc đủ mọi ngành nghề (chính quyền, luật gia, bác sĩ, nghệ sĩ, thương gia, quân đội, vv). Họ sống đạo giữa những môi trường đó, và nhờ vậy họ “Phúc âm hóa” môi trường xã hội. Như chúng ta đã biết các môi trường xã hội vẫn còn mang nhiều giá trị trái nghịch với Tin mừng. Đó là ý nghĩa của “sứ mạng trần thế” của các giáo dân. Họ nên thánh “giữa đời”, chứ không phải là “trong nhà Chúa”. 

4/ Tuy nhiên, các giáo dân cũng mang sứ mạng tông đồ ở trong Hội thánh nữa, qua những sáng kiến nhằm cổ động việc sống đạo trong các cộng đòan tín hữu. Các giáo dân có quyền thành lập các phong trào tông đồ để cổ võ việc cầu nguyện, truyền bá đạo lý, thi hành bác ái, đặc biệt dành cho các thành phần bị xã hội bỏ rơi (những người nghèo, những người bệnh, những người di cư, vv). 

C. Những hình thức đa dạng 

Trên đây là vài nét chính của con đường nên thánh của các giáo dân. Đồng thời phải nhận rằng linh đạo giáo dân khá đa dạng, xét vì những hoàn cảnh sinh sống rất khác nhau. Chúng ta có thể điểm qua vài tiêu chuẩn phân chia đã được tông huấn Christifideles laici nói tới: hôn nhân và trinh khiết, nghề nghiệp, tuổi tác và sức khỏe. 

1/ Hôn nhân và trinh khiết (số 40). Có tác giả muốn coi bí tích hôn nhân là đặc trưng của hàng ngũ giáo dân (cũng tựa như bí tích truyền chức đối với hàng ngũ linh mục). Dù thuyết này bị chỉ trích, nhưng chúng ta phải nhận rằng đại đa số các giáo dân đã ở trong bậc hôn nhân. Vì vậy, cần phải có một linh đạo dành cho họ, làm sao cho thấy hôn nhân như là ơn gọi nên thánh, và những người đã kết hôn thì nên thánh qua việc chu toàn bổn phận của vợ chồng, cha mẹ. Ngoài ra họ cũng được gọi làm việc tông đồ bằng cách giúp cho các gia đình khác sống ơn gọi hôn nhân. Mặt khác, người ta cũng ghi nhận rằng không phải tất cả các giáo dân đều kết bạn, và ai không muốn kết bạn thì hãy đi tu. Ngày nay có những người nam nữ đã chọn con đường độc thân, với lời khấn tu hay đôi khi chẳng có lời khấn nữa, để phục vụ Chúa và Hội thánh. Những người này cần có một linh đạo riêng dành cho họ. 

2/ Nghề nghiệp (số 41-44). Ngoài tiêu chuẩn hôn nhân hay trinh khiết, linh đạo dành cho các giáo dân cũng cần phải để ý tới nghề nghiệp nữa. Thực ra, nhiều người phải làm một nghề mà họ chẳng ưa thích tí nào cả: cực chẳng đã họ mới phải đâm đầu vào chấp nhận một việc làm để kiếm đồng lương sinh sống. Tuy nhiên, ngoài việc kiếm kế sinh nhai, liệu có thể coi nghề nghiệp như là cơ hội để làm chứng cho đức Kitô hay không? có thể coi đó như là cơ hội để phục vụ tha nhân hay không? Những câu hỏi đó được đặt ra một cách đặc biệt hơn nữa đối với những người tự ý đi chọn một nghề nghiệp: ký giả, thương gia, bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, vv. Một vấn đề thời sự tại nhiều nước Âu châu hiện nay là môi trường chính trị: người giáo dân thay vì coi đó như là nơi tranh giành quyền hành thế lực, thì cần coi đó như phương tiện phục vụ xã hội, tìm cách đưa các giá trị công bằng bác ái vào đời sống xã hội nhờ các pháp chế, guồng máy chính quyền. 

3/ Tuổi tác (số 47-48) và sức khỏe (số 53-54). Nói tới “bậc sống” là nói tới một “trạng thái” (status) bền vững. Do đó ta có thể nói tới “trạng thái” hôn nhân, độc thân, nghề nghiệp, xét vì chúng là những điều kiện sinh sống kéo dài ra như suốt đời. Tuy nhiên, ở trên đời này, các sự bền vững chỉ có tính cách tương đối, cũng như chính cuộc sống của chúng ta vậy. Ít ai trong chúng ta mơ sống tới trăm tuổi. Do đó mà tuổi tác tuy tự bản chất của nó là chóng qua, nhưng cũng có thể trở thành yếu tố để nên thánh. Vì thế có thể nói tới linh đạo dành cho tuổi trẻ, cũng như linh đạo dành cho lứa trung niên hay tuổi già. Thực ra những yếu tố này không phải chỉ riêng cho giáo dân mà chung có cả các linh mục và tu sĩ. Nếu có khác thì các linh mục và tu sĩ già yếu bệnh tật thì có nhà hưu dưỡng của giáo phận hay dòng tu, còn các giáo dân thì phải tự lo: nếu có con cháu thì may mắn, nhưng nếu sớm nếm cảnh góa bụa thì cảnh đơn chiếc sẽ trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, chính trong điều kiện đau khổ đó mà họ được gọi nên thánh3

......................................

[1] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III (Thần học về đời sống tâm linh Kitô giáo), Roma 2003, trang 377-382. 
[2] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 71-72; 78-81; 145-149; 186-191; 223-229. 
[3] Đức Gioan Phaolô II đã viết một lá thư cho các nhi đồng (13/12/1994), và kể từ năm 1986, hàng năm gửi một sứ điệp nhân ngày thế giới bạn trẻ. Ngài cũng gửi một lá thư cho những người già lão (1/10/1999). Một năm trước đó, Hội đồng Tòa thánh về giáo dân xuất bản văn kiện Phẩm giá của người già lão, và sứ mạng của họ trong Hội thánh và trong thế giới (1/10/1998).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét