Hai số 547-548 nhắc đến nhân đức khôn ngoan. Tiếc rằng ít ai biết đến nhân đức này, rất quan trọng trong đời sống luân lý. Sau một vài nhận xét về từ ngữ, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát đức khôn ngoan dựa theo Kinh thánh và đạo lý của thánh Tôma Aquinô.
A. Từ ngữ
1. Trong tiếng Việt
Theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na, TP Hồ chí Minh 1999, trang 379), gốc của chữ khôn có thể là khoan (rộng rãi, chứa chất được nhiều). “Khôn” là lòng dạ rộng rãi, không gò bó nhỏ nhen, chứa chất được nhiều sự hiểu biết, cư xử tốt đẹp với mọi người. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, Hà Nội 1997, trang 491), định nghĩa khôn như là: “có khả năng suy xét trên mức bình thường để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có”; trái với dại”.
Trên thực tế, nghĩa của từ khôn ngoan không đơn giản như vậy, bởi vì đôi khi nó mang ý nghĩa trái nghịch với nhân đức mà chúng ta đang bàn. Có lúc “khôn” ám chỉ một sự sắc sảo trí tuệ (trí khôn sắc bén). Có khi “khôn” được hiểu về lối cư xử trong đời (khôn khéo). Thường tiếng “khôn” được ghép với “ngoan” (hiền lành), và được hiểu theo nghĩa tốt (khôn thì ngoan, gian thì nồng), tuy cũng lúc mang nghĩa xấu (khôn ngoan chẳng lại thật thà). Thực vậy, lắm khi người “khôn” được hiểu như là người mưu kế thủ lợi cho mình: khôn lỏi, khôn vặt (khôn ăn cái, dại ăn nước; khôn sống mống chết)
2. Trong các ngôn ngữ Âu châu
Có hai từ ngữ thường được dùng như đồng nghĩa, tuy đôi khi cũng có thể hiểu lệch lạc: prudentia, sapientia.
a) Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, nhân đức khôn ngoan được gọi là Prudence (tính từ prudent). Tuy nhiên trong ngôn ngữ thường ngày, những từ này được hiểu là thái độ “cẩn thận, thận trọng, dè dặt”. Trong nguyên ngữ latinh, prudens có lẽ bắt nguồn từ previdens (tiên liệu) hoặc providens (trù liệu).
b) Sagesse (Pháp), Wisdom (Anh), - đôi khi được dịch là “Cao minh, Thượng trí, Triết minh” -, được thần học dành cho ơn huệ Chúa Thánh thần. Tính từ sage (Pháp), wise (Anh) được áp dụng cho người từng trải, kinh nghiệm, tựa như các nhà hiền triết. (Nên biết nguyên ngữ hy lạp của philosophia là quý chuộng sự khôn ngoan, ghép bởi hai từ: philia + sophia). Nguyên ngữ của tiếng Sapientia trong tiếng latinh thì được móc nối với cảm nghiệm, kinh nghiệm (động từ sapere: nếm, thưởng thức).
B. Kinh thánh
1/ Trong bộ Kinh thánh Cựu ước, bên cạnh các sách Lịch sử và các sách Ngôn sứ, ta gặp thấy một khâu được đặt tên là “các sách Khôn ngoan” (libri sapientiales), đó là : Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Khôn ngoan, Huấn ca, cộng thêm hai thi phẩm (Tập Thánh vịnh, Sách Diễm ca). Sự khôn ngoan bao gồm lãnh vực hiểu biết (kiến thức bác học) cũng như cách xử sự trên đời đối với bản thân và đối với tha nhân; hơn nữa, sự khôn ngoan được đặt trong bối cảnh tôn giáo, nghĩa là trong tương quan với Thiên Chúa: người khôn là người biết sống đẹp lòng Chúa là chính lẽ Khôn ngoan. Người tín hữu không ngừng xin Chúa ban ơn khôn ngoan để biết cư xử cho hợp với luật của Ngài: điều này trở thành khẩn trương đối với những người có trách nhiệm hướng dẫn cộng đồng, như chúng ta thấy trong lời nguyện của vua Salomon (Kn 9,1-11, được đọc trong Giờ Kinh Sáng, thứ bảy tuần III).
Tuy biết rằng đức khôn ngoan là một ân huệ Chúa ban, nhưng sách Châm ngôn cũng nhắc nhở rằng con người cũng cần góp phần của mình, qua việc cầu nguyện, biết lắng nghe bàn hỏi các người từng trải. Kinh nghiệm cũng là một bài học cho sự khôn ngoan. Dù sao, người khôn ngoan không phải là kẻ mưu mô xảo quyệt: người khôn ngoan là người công chính trước mặt Chúa; đầu mối sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa.
2/ Trong Tân ước, ta gặp thấy nhiều giáo huấn theo chiều hướng đó. Thoạt tiên, đôi khi ta có cảm tưởng là người khôn được hiểu là lanh lợi trong cách xử thế (chẳng hạn như châm ngôn: “khôn như con rắn, đơn sơ như bồ câu”: Mt 10,16); nhưng Phúc âm bàn đến khôn ngoan trong tương quan với Thiên Chúa. Người khôn là người mang Lời Chúa ra thực hành (Mt 7,24): họ được ví như kẻ xây nhà trên đá (chứ không phải trên cát). Người trinh nữ khôn ngoan tìm cách dự trữ dầu để cho đèn khỏi tắt trong thời gian đợi chờ Chúa quang lâm (đối lại với các cô khờ dại Mt 25,2). Người khôn là người biết tích lũy tài sản cho Nước trời chứ không phải chỉ nghĩ đến tài sản vật chất (Lc 12,20-21). Người khôn được ví với một nhà kinh doanh biết nhìn xa, sẵn sàng bán hết tài sản của mình để tậu thửa ruộng chứa viên ngọc Nước trời (Mt 13,44-46).
Như vậy, “khôn ngoan” đối nghịch với “khờ dại” không chỉ theo nghĩa thông thường, nhưng còn được quy chiếu vào hai tiêu chuẩn khác biệt khi tính toán hành động. Nói theo thánh Phaolô, có hai thứ khôn ngoan: khôn ngoan theo xác thịt và khôn ngoan theo thần khí, hoặc khôn ngoan “theo thế gian” và “theo Thiên Chúa” (1Cor 1,17-25; xc Gc 3,15-17). Thế gian tìm thứ khôn ngoan của danh vọng chức quyền; trái lại sự khôn ngoan của Thiên Chúa biểu lộ qua thập giá thì không tìm ích lợi cá nhân nhưng ích lợi của cộng đòan, phục vụ kế hoạch cứu rỗi nhân lọai.
C. Thánh Tôma
Khôn ngoan được hiểu về lãnh vực trí tuệ (khác với những nhân đức thuộc về phạm vi ý chí, tình cảm, hành động). Tuy nhiên, nhân đức khôn ngoan không liên quan đến việc học hỏi nghiên cứu cho bằng cuộc sống cụ thể. Người khôn ngoan không phải là người học rộng tài cao, nhưng là người biết điều khiển các hành vi của mình sao cho hợp với mục tiêu tối hậu, tức là hạnh phúc vĩnh cửu.
1/ Chức năng
Vai trò của khôn ngoan trong đời sống đạo đức rất quan trọng. Không những ta cần biết phân biệt điều tốt và điều xấu nói chung (chẳng hạn: đọc kinh là điều tốt, giết người là điều xấu), nhưng còn phải thẩm định điều gì là tốt trong tình huống cụ thể (ở đây, lúc này): đi lễ là điều tốt, thậm chí là bổn phận (đi lễ ngày chúa nhựt); thế nhưng điều đó sẽ không là điều tốt đối với một bà mẹ có đứa con thơ đang mắc bệnh nặng, không ai chăm sóc: bà không nên bỏ đứa con một mình ở nhà để đi nhà thờ!
Thí dụ vừa nêu cho thấy rằng lắm lần một việc tốt có thể trở thành điều xấu khi đặt trong một hoàn cảnh khác. Trên thực tế, điều này không chỉ diễn ra ở vào vài tình huống éo le nhưng xảy ra hầu như cơm bữa. Một thí dụ lấy ngay từ bữa ăn: dĩ nhiên, ăn no đến nỗi bội thực là điều xấu; nhưng một người tuyệt thực hoặc ăn uống không đủ sức dinh dưỡng cũng chẳng phải là người đức hạnh đâu! Đức khôn ngoan cần can thiệp để nhận định cho biết thế nào là ăn uống có chừng mực (“ăn để sống chứ không phải sống để ăn”). Một cách tương tự như vậy: đối lại với tật kiêu căng là đức khiêm nhường; nhưng khiêm nhường không đồng nghĩa với tự ti mặc cảm, tiểu nhân, không dám màng tới chuyện đại sự. Đối lại với sự nhút nhát là sự can đảm, nhưng đức can đảm không đồng nghĩa với hung hăng thô bạo hay liều lĩnh. Đối lại với tật hoang phí là tiết kiệm, nhưng tiết kiệm không đồng nghĩa với hà tiện. Công bình không đồng nghĩa với cứng cỏi tàn ác; hiền lành không đồng nghĩa với nhu nhược.
Từ những nhận xét thông thường đó, người ta gán cho đức khôn ngoan vai trò “cầm cương”, điều khiển cỗ xe các nhân đức (auriga virtutum): nó giúp cho con người biết xử sự hợp lý trong từng hòan cảnh, không bị rơi vào thái quá hay bất cập. Đức khôn ngoan chỉ dạy cho ta biết lựa chọn những phương thế tốt nhất để hành vi chúng ta trở thành đức hạnh.
2/ Thực hành
Làm thế nào để hành động của ta được “khôn ngoan”? Thánh Tôma (Summa Theologica II-II, q.49) đưa ra 6 lời khuyên như sau:
a) Ôn lại những kinh nghiệm quá khứ: những điều hay dở của bản thân hay của người đi trước.
b) Nhận định đúng đắn tình hình hiện tại: điều gì tốt, điều gì xấu; đâu là điều được phép làm và điều không được phép làm. Điều này giả thiết là ta phải sử dụng đầu óc để phán đoán khách quan, chứ đừng để lôi cuốn theo cảm xúc đam mê.
c) Ước lượng những hậu quả mà hành vi có thể gây ra. Người khôn cần biết nhìn xa trông rộng, đề phòng cả những bất trắc có thể xảy đến.
d) Phân tích những lợi hại của hành vi. Để đạt tới một mục tiêu, ta có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau: trong số các phương thế đó, cái nào tiện hơn? Trong hòan cảnh khẩn trương, biết chọn cái gì đỡ hại hơn cả?
e) Bàn hỏi với những người hiểu biết. Điều này giả thiết sự khiêm tốn biết lắng nghe học hỏi, kể cả những người mà ta không có thiện cảm.
f) Cân nhắc những hoàn cảnh cụ thể của hành vi. Có khi một điều trên lý thuyết là tuyệt vời, nhưng chưa đến lúc thực hiện vì chưa đúng thời.
Đó là những điều cần phải áp dụng trước khi quyết định hành động. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi hành vi đều có tầm quan trọng ngang nhau: việc ăn uống hằng ngày thì khác với việc lựa chọn một nghề nghiệp, hoặc quyết định lập gia đình! Ngoài ra, một quyết định chỉ liên hệ đến bản thân thì khác với quyết định liên hệ đến người khác, tựa như trường hợp những người lãnh đạo một gia đình (gia trưởng), một đoàn thể (mục tử, bề trên), một quốc gia.
Nhờ tập luyện và nhờ kinh nghiệm, dần dần ta thủ đắc nhân đức khôn ngoan. Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để biết điều khiển cuộc sống cá nhân và của những người được ủy thác cho ta. Chúa ban ơn khôn ngoan cho những người khiêm tốn bé mọn (Mt 11,25).
3/ Những khuyết điểm
a) Đối lại với khôn ngoan là dại dột. Dại dột không phải là thiếu thông minh. Chúng ta đang ở trong bình diện luân lý, nghĩa là cuộc sống đạo đức. Có người rất thông minh, nhưng vụng về trong nếp sống. Điều này không những chỉ xảy ra đối với những “thuyết gia” lý luận sắc bén nhưng không biết cách mang ra thực hành, nhưng nhất là đối với những người thiển cận, chỉ nhìn cái lợi, cái khoái trước mắt mà không tính đến những hậu quả tai hại về lâu về dài. Một liều thuốc phiện có thể mang lại cho ta sự sảng khóai trong chốc lát, nhưng lôi kéo đến chỗ tan gia bại sản khi ta đã trở thành nô lệ cho ma túy.
b) Như trên đã nói, nhiều lần người ta hiểu lầm “khôn ngoan” như là “mưu mô, xảo quyệt”: đây là thứ khôn giả dối, chứ không phải là “nhân đức”. Thánh Giacôbê đã kể ra những dấu hiệu của thứ khôn ngoan “thế gian” và khôn ngoan “từ trời ban”: “Đức khôn ngoan (sapientia) Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,13-18).
c) Nếu sự khôn ngoan là dây cương điều khiển các nhân đức, thì cũng có thể nói ngược lại: người cầm cương cũng tùy thuộc vào các bánh xe và ngựa kéo xe nữa. Một con người đã bị chế ngự bởi đam mê dục vọng thì khó lòng có đầu óc sáng suốt để nhận định khách quan. Người quyết định vội vã, thiếu suy nghĩ cũng không thể gọi là khôn ngoan được.
Kết luận
Như đã nói trên, trong ngôn ngữ Âu châu, có hai từ ngữ để ám chỉ khôn ngoan: prudentia và sapientia. Ta có thể coi đó như hai cấp độ của tiến trình đạo đức: từ chỗ điều khiển hành vi luân lý đến chỗ kết hiệp với Thiên Chúa.
- Trong Cựu ước, đức khôn ngoan không những ám chỉ một đức tính của con người nhưng còn ám chỉ một ưu phẩm của Thiên Chúa, và thậm chí đôi khi được gán cho một bản vị thiên tính: Đấng Khôn ngoan tạo dựng vũ trụ và điều hành lịch sử (Kn 8,22-23; Cn 3,14; Hc 1,24). Ở đây, “Khôn ngoan” không phải là “prudentia” nhưng là “sapientia”.
- Trong Tân ước, đối với thánh Gioan và thánh Phaolô, “Đấng Khôn ngoan” là chính Đức Kitô, Ngôi Lời tạo dựng (Ga 1,3.14; 1Cr 1,24.30). Trong bối cảnh này, đức Maria được chào kính như là “ngai tòa của Đấng Khôn ngoan” (Sedes sapientiae), bởi vì đã cưu mang Lời Chúa nhập thể.
- Mặt khác, chúng ta cũng không nên quên sự quy chiếu về Chúa Thánh thần (xc 1 Cr 2,10-16): ơn khôn ngoan (sapientia: cao minh) được kể như linh ân cao cấp nhất trong số bảy linh ân. Không những nó giúp ta biết sống đẹp lòng Chúa nhưng còn dẫn chúng ta vào kết hiệp với Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét