Trang

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

II. Giáo huấn xã hội và việc dấn thân của các giáo dân

Đoạn này khá dài, gồm 5 điểm: 1) Căn cước người tín hữu giáo dân. 2) Linh đạo người tín hữu giáo dân. 3) Khôn ngoan trong hành động. 4) Các hiệp hội. 5) Bốn lãnh vực phục vụ: nhân vị, văn hóa, kinh tế, chính trị. 

A. Chân dung người tín hữu giáo dân 

Dựa theo đạo lý của công đồng Vaticanô II và tông huấn Christifideles laici của đức Gioan Phaolô II, Sách TLHT mô tả chân dung của người tín hữu giáo dân như sau. 

1. Đó là một người đi theo Chúa Kitô, được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa qua việc quản lý các chuyện trần thế theo chương trình của Thiên Chúa. Đó là cách thức mà họ kiến thiết vương quốc Thiên Chúa. Họ cũng được tham gia vào sinh hoạt Giáo hội, bởi vì họ đã được tham gia vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô (số 541). 

2. Sinh hoạt của người giáo dân phát sinh và được nuôi dưỡng nhờ các bí tích: bí tích rửa tội đúc nặn họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bí tích thêm sức ban cho họ ân huệ của Thánh Linh, bí tích Thánh Thể cho họ được thông phần vào hiến tế của Đức Kitô lên Chúa Cha. Nhờ được liên kết với các bí tích, cuộc đời và hoạt động của các giáo dân mang tính cách siêu nhiên, khác biệt với các cơ quan thuần túy chính trị xã hội (số 542). 

3. Sứ mạng của người giáo dân là loan báo Tin mừng bằng cuộc sống gương mẫu, được cắm rễ trong Đức Kitô và sinh động trong các thực tại trần thế: gia đình, nghề nghiệp, các trách nhiệm dân sự. Tất cả mọi môi trường sinh sống đều trở nên cánh đồng hoạt động của họ, sao cho chúng được thấm nhuần bằng đức bác ái (số 543). 

4. Chứng tá của người giáo dân bắt nguồn từ một ân huệ của Chúa, mà họ cảm nhận và vun trồng. Hoạt động mục vụ không chỉ tùy thuộc vào kế hoạch của con người, nhưng còn dựa vào ơn Chúa, và cần được nhìn trong viễn tượng cánh chung (số 544). 

B. Linh đạo giáo dân 

HTXH muốn nêu bật hai điểm: 

1. Linh đạo giáo dân vừa phải đắm chìm trong huyền nhiệm Thiên Chúa, vừa thấm nhập vào xã hội. Thật không dễ gì duy trì sự quân bình này: vừa yêu mến Thiên Chúa cách say đắm, vừa dán mắt vào các anh chị em của mình1. Có như vậy ta mới có thể nhìn tha nhân như Chúa nhìn, và yêu họ như Chúa yêu (số 545). 

2. Linh đạo giáo dân cần phải biết kết hợp đức tin với cuộc sống, đời sống tâm linh với dấn thân xã hội, vừa trau dồi đời sống thiêng liêng (qua việc suy niệm Lời Chúa, cử hành bí tích, cầu nguyện cá nhân), vừa bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn của nghề nghiệp (số 546). 

C. Hành động khôn ngoan2

1. Đức khôn ngoan là nhân đức cốt yếu của hoạt động mục vụ, nhắm giúp chúng ta biết phân định trong từng hoàn cảnh cái gì là điều tốt và chọn lựa những phương tiện tương xứng để đạt được mục tiêu. Đức khôn ngoan giúp cho ta áp dụng những nguyên tắc luân lý vào hoàn cảnh cụ thể. Đây là một tiến trình gồm ba chặng: a) suy nghĩ và bàn hỏi để nghiên cứu vấn đề; b) lượng định việc phân tích thực trạng và phán đoán dưới ánh sáng của kế hoạch Thiên Chúa; c) quyết định hành động (số 547). 

2. Đức khôn ngoan giúp ta quyết định phù hợp với các quy tắc luân lý và đảm nhận trách nhiệm về hành động của mình. Khôn ngoan không có nghĩa là mưu mô xảo quyệt, cũng không phải là rụt rè, nhút nhát, lừng khừng, nhưng là sự chín chắn trong quyết định và can đảm khi thực hành. Con người hành động sáng suốt, chứ không chiều theo cảm xúc bồng bột (số 548). 

Kèm theo số 548, sách TLHT giải thích bản chất của đức khôn ngoan dựa theo đạo lý của thánh Tôma (Summa Theologiae, II-II, qq.47-56). 

a) các hành vi của nhân đức (hoặc cũng có thể coi như các đặc tính): memoria ôn lại kinh nghiệm quá khứ; docilitas phục thiện, sẵn sàng lắng nghe những lời bàn; sollertia, khả năng biết nắm bắt thực tại với những rủi ro của nó; providentia, lượng định những hậu quả mà hành vi có thể gây ra; circumspectio, cân nhắc những hoàn cảnh cụ thể của hành vi. 

b) Trong đời sống xã hội, đức khôn ngoan mang hai dạng thức: 

- regnativa (về phía chính quyền): biết cai quản nhắm đến điều thiện ích của xã hội; 
- politica (về phía người dân): biết tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền mà không làm thương tổn phẩm giá của mình. 

D. GHXH và các Hiệp hội đoàn thể 

1. Các hiệp hội là môi trường thuận tiện để đào tạo các giáo dân. Tại đây, người ta học tập việc thực hành bác ái, phục vụ, liên đới (số 549). 

2. GHXH là chủ đề quan trọng trong việc đào tạo các hội đoàn giáo dân, cách riêng những hội đoàn nhắm đến hoạt động mục vụ xã hội. Kể cả đối với các hiệp hội nhắm liên kết với nhau trong một nghề nghiệp (thí dụ bác sĩ, giáo viên), GHXH cũng hữu ích để huấn luyện về lương tâm và văn hóa (số 550). 

E. Những môi trường phục vụ xã hội 

Đặc trưng của hoạt động tông đồ giáo dân là sự hiện diện và phục vụ yêu thương giữa môi trường gia đình, văn hóa, lao động, kinh tế, chính trị. Đó là những nơi “trần tục” cần được biến đổi thành vương quốc của hòa bình và công lý. Tiếc rằng nhiều người tín hữu chỉ giới hạn việc sống đạo vào lãnh vực nội tâm hoặc giáo xứ, và trở thành xa lạ với khu xóm, đảng phái, nghiệp đoàn, và như vậy đã bỏ qua vai trò làm chứng tá cho Tin mừng tại những nơi đang cần đến (số 551). 

Sách TLHT đã mô tả vài hoạt động cụ thể trong 4 lãnh vực: 

1. Phục vụ phẩm giá con người. Xã hội ngày nay còn nhiều cơ cấu phản lại nhân phẩm, khi chúng theo đuổi các ngẫu tượng như là: tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, khoa học công nghệ (số 552). Việc cổ võ phẩm giá con người đòi hỏi việc bảo vệ các quyền lợi căn bản của con người: quyền sống, quyền tự do lương tâm, bảo vệ hôn nhân và gia đình (số 554). 

2. Văn hóa. “Văn hóa là cái gì làm cho con người trở nên người hơn”3. Nhiều nền văn hóa chỉ nhằm đến các cơ cấu mà bỏ qua giá trị của con người, đặc biệt là các giá trị luân lý và tôn giáo. Văn hóa phải tạo ra những điều kiện thăng tiến toàn diện con người, cách riêng là những người nghèo (số 554-556). Trong những thách đố quan trọng nhất trong lãnh vực này, cần kể đến: a) bảo đảm cho tất cả mọi người được hưởng một nền văn hóa nhân bản (bao gồm: quyền của các gia đình được giáo dục con cái theo niềm tin của mình; quyền được sử dụng các phương tiện truyền thông); b) thứ hai, dấn thân cho việc tìm kiếm chân lý về con người; c) thứ ba, lưu ý đến chiều kích tôn giáo trong nền văn hóa; d) thứ bốn, lưu tâm đến các phương tiện truyền thông xã hội, xét vì tầm ảnh hưởng đối với việc điều khiển dư luận (số 557-562). 

3. Kinh tế. Hoạt động kinh tế mang một chiều kích luân lý và nhân bản, liên quan đến nhiều thành phần xã hội: các công nhân, doanh nhân, kinh tế gia, và cách riêng có ảnh hưởng đến số phận của người nghèo. Việc phục vụ trong lãnh vực kinh tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề khẩn trương của lao động (nạn thất nghiệp, những bất công trong vấn đề lương bổng,…v.v), qua những hình thức mới của tình liên đới, những mô hình mới của sự tham gia của các công nhân vào xí nghiệp (số 563-564). 

4. Chính trị. Sách TLHT dành khá nhiều trang cho lãnh vực này (số 565-574). Việc tham gia hoạt động chính trị cần thiết để cổ võ việc phục vụ công ích, dưới nhiều hình thức khác nhau (kinh tế, lập pháp, hành chánh, văn hóa). Một hình thức quan trọng của hoạt động chính trị là việc giáo dục công dân, ngõ hầu gây ý thức về bổn phận và trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo. Trên thực tế, cần phải tìm ra những phương thế để mang ra thực hành các nguyên tắc của GHXH liên quan đến vai trò của các cơ quan Nhà nước. Dù sao, trong một chế độ dân chủ, mỗi người dân đều lãnh trách nhiệm về các hoạt động của Nhà Nước qua lá phiếu mà mình đã bỏ. Điều này giả thiết là mỗi công dân phải lựa chọn kỹ lưỡng những cá nhân hay đảng phái khi đi bầu. 

Đối với các giáo dân tham gia các cơ quan lập pháp và hành pháp, một vấn đề đặc biệt được đặt ra liên quan đến các đạo luật tương phản với luân lý Kitô giáo (chẳng hạn về sự sống, an tử, kinh tế). Trong một thể chế dân chủ, không thể “áp đặt” quan điểm của một tôn giáo nào, nhưng phải dựa theo quan điểm của “đa số”: người công giáo phải quyết định thế nào? Số 569 đưa ra vài tiêu chuẩn để phân định: a) phân biệt giữa hệ trật luân lý và hệ trật pháp lý; b) phải trung thành với niềm tin của mình nhưng cũng sẵn sàng đối thoại với các quan điểm khác; c) cần trung thành với các giá trị “tự nhiên”, “luân lý”, “siêu nhiên”. 

Lương tâm công giáo không cho phép bỏ phiếu chấp thuận các dự án hay dự luật trái nghịch với đức tin và luân lý. Nếu dự luật đã được thông qua và biểu quyết, người công giáo cố gắng để giảm bớt những hậu quả tai hại của nó, đến mức hy sinh tính mạng nếu cần (số 570). 

Nhà chính trị công giáo cần ý thức rõ rệt về sự độc lập của lãnh vực chính trị (không lệ thuộc vào lãnh vực tôn giáo): sự độc lập này không có nghĩa là hoạt động chính trị không cần quy chiếu về các nguyên tắc luân lý (số 571-572). 

Hai số cuối cùng (573 và 574) bàn đến việc tham gia đảng phái chính trị. Việc gia nhập đảng phái nằm trong chương trình phục vụ đức bác ái và công ích. Thật khó lòng tìm được một đảng mà cương lĩnh hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của GHXH công giáo. Người công giáo có thể gia nhập vào nhiều đảng phái (thay vì lập một đảng công giáo), để góp phần giúp cho các đảng phái chú ý hơn đến công ích và các giá trị nhân bản. Tuy nhiên, các tín hữu chỉ tham gia những đảng phái mà tôn chỉ không trái ngược với đức tin và các giá trị Kitô giáo. 

................................................

[1] Nói đúng ra, sự khó khăn này là của tất cả các Kitô hữu chứ không phải riêng các giáo dân, đó là dung hòa giữa “chiêm niệm” (contemplation) và “hoạt động” (action). 
[2] Ở đây, Prudence có nghĩa là đức khôn ngoan, chứ không phải là sự thận trọng, dè dặt. Xem phụ trương trong mục Hai. 
[3] Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II tại trụ sở UNESCO, ngày 2-6-1960, trích dẫn tư tưởng của thánh Tôma Aquinô: Genus humanum arte et ratione vivit (chú giải Aristote, Post. Analyt., n.1).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét