Đây là một thuật ngữ tương đối còn mới, hình như chỉ mới ra đời tại các nước Mỹ châu Latinh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Việc tạo ra một thuật ngữ mới có những dụng ý của nó vừa lý thuyết vừa thực hành.
A. Từ ngữ
Chúng ta hãy đối chiếu thuật ngữ “mục vụ xã hội” với những thuật ngữ tương tự thì sẽ nhận ra vài nét độc đáo của nó.
1/ Học thuyết XH (doctrine sociale) và Hoạt động XH (action sociale)
Hai thuật ngữ này bổ túc cho nhau, tương tự như giữa lý thuyết và thực hành. Việc nghiên cứu học hỏi là điều cần thiết, nhưng cuối cùng các đạo lý cần đưa tới hành động. Như đã biết, phương pháp quen sử dụng trong Giáo hội là : xem - xét - làm,
2/ Hoạt động XH (action sociale) và Mục vụ xã hội (pastorale sociale)
Sự chỉnh sửa từ ngữ diễn ra bên châu Mỹ La-tinh, nhằm xác định căn cước Kitô giáo. “Hoạt động xã hội” có thể gặp thấy nơi các tổ chức chính phủ hoặc các tôn giáo khác, chứ không hẳn là nơi Kitô giáo. Hơn thế nữa, “hoạt động xã hội” có thể dẫn đến cả những cuộc cách mạng, lật đổ một chế độ (theo chủ trương của mác-xít).
“Mục vụ xã hội” muốn nêu bật tính cách đặc thù của người Kitô giáo.
a) Xưa nay, “mục vụ” vốn được đặt tên cho hoạt động của Giáo hội, mang tính cách thực hành (khác với các ngành đạo lý, nặng về lý thuyết). Có lẽ đó là dụng ý của Công đồng Vaticanô II khi đặt tiêu đề cho hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” (hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới ngày nay), khác với hai hiến chế “tín lý” (về Mạc khải, về Hội thánh).
b) Hơn thế nữa, “mục vụ” (pastorale) còn muốn quy hướng về vị “Mục tử nhân lành” (bon pasteur) là Đức Kitô. Hoạt động xã hội của Giáo hội muốn họa lại tâm tình của Đấng tìm cách đưa các con chiên về nguồn sự sống, Đấng đi tìm con chiên lạc, Đấng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cho đoàn chiên được sống.
3/ Mục vụ xã hội và công tác bác ái
Giáo hội đã thực hiện công tác bác ái ngay từ khi mới ra đời, và công tác này dần dần đã trở thành một định chế1. “Mục vụ xã hội” ra đời muộn hơn, trong thế kỷ XX. Hai khái niệm bổ túc cho nhau.
a) “Mục vụ xã hội” bổ túc cho “công tác bác ái”. Các công tác bác ái2 nhiều lần mang tính cách “bố thí” nhắm đến cá nhân. “Mục vụ xã hội” quan tâm đến khung cảnh xã hội nơi mà người nghèo sinh sống, nhắm gây ra một tổ chức mang tính cộng đồng (sửa đổi những cơ cấu bất công), cũng như ý thức đây là một nghĩa vụ (công bằng) chứ không phải là điều nhiệm ý (bố thí).
b) Mặt khác, đức Bênêđictô XVI cũng lưu ý rằng, đối với các Kitô hữu, động lực hoạt động xã hội là đức bác ái, chứ không phải là một ý thức hệ. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động công bằng và bác ái là giúp cho con người nhận được tình yêu của Thiên Chúa (thông điệp Deus caritas est số31).
B. Thực hành
Mục vụ xã hội không phải là một môn học lý thuyết nhưng là một khía cạnh mục vụ của Giáo hội. Vì thế, ngoài các cơ quan ở cấp Trung ương Giáo hội, các Hội đồng giám mục và cách riêng các giáo phận, giáo xứ đều thiết lập “ủy ban mục vụ xã hội” (cũng tương tự như: ủy ban giáo lý, ủy ban phụng vụ, ủy ban truyền giáo, vv), để phối hợp các hoạt động bác ái xã hội tại địa phương, tùy theo nhu cầu. Chúng ta có thể kể ra vài ngành chuyên biệt: Caritas (phụ trách những trường hợp cứu trợ, thiên tai), mục vụ sức khỏe, mục vụ di dân, mục vụ lao động, mục vụ các trại tù.
Một công tác không thể nào thiếu là đào tạo nhân viên, qua việc học tập giáo huấn của Giáo hội, cũng như phân tích những đòi hỏi cụ thể của địa phương. Những lớp học tập như vậy có diễn ra tại các học viện, chủng viện, hoặc những khóa học đặc biệt, kể cả tại các khóa đào tạo nhân sự của các hội đoàn.
........................................
[1] X. Antoni Esteve I Sera, Hoạt động bác ái của Hội thánh qua các thời đại, trong “Thời sự thần học” số 56 (5/2012), trang 36-56.
[2] Các việc bác ái được tóm lại trong bản kinh “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối (Xc Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2447).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét