Qua bao nhiêu thế kỷ, thông điệp của Giáo Hội đã được gửi tới cho các xã hội nông nghiệp, là những xã hội thường hoạt động theo những chu kỳ vòng tròn đều đặn. Nhưng nay Tin Mừng cần phải được rao giảng và thi hành trong một “thánh địa” (areopagus) mới, giữa sự hỗn độn của những biến cố xã hội trong một xã hội ngày càng năng động hơn, kể cả những hiện tượng mới hết sức phức tạp do những thay đổi ngoài sức tưởng tượng mà tình trạng cơ giới hoá đem đến. Tuy nhiên, mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội vẫn tập trung vào vấn đề ngày càng cấp thiết, đó là vấn đề người lao động, tức là vấn đề người lao động bị bóc lột do việc lao động được tổ chức lại trong công nghiệp theo hướng chủ nghĩa tư bản, và vấn đề – không kém nghiêm trọng – dùng ý thức hệ để lèo lái – theo hướng chủ nghĩa xã hội cực quyền – những yêu sách chính đáng do thế giới lao động đưa ra. Những suy tư và cảnh giác trong Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã được đưa ra trong hoàn cảnh lịch sử này.
268. Thông điệp Rerum Novarum trên hết là sự chân thành bênh vực phẩm giá bất khả nhượng của người lao động, đi kèm với một quyền hết sức quan trọng là quyền tư hữu, với nguyên tắc cộng tác giữa các giai cấp lao động, các quyền của người nghèo nàn và yếu kém, các bổn phận của thợ và chủ, cùng với quyền thành lập hiệp hội.
Hướng đi của các tư tưởng trình bày trong thông điệp ấy là hướng đi nhằm tăng cường sự cam kết của Giáo Hội muốn làm cho đời sống xã hội của người Kitô hữu có thêm sinh lực, được biểu lộ qua việc khai sinh và củng cố nhiều sáng kiến có ảnh hưởng lớn trên đời sống dân sự, như các tập thể và các trung tâm nghiên cứu xã hội, các hiệp hội, các tổ chức công nhân, các công đoàn, các hợp tác xã, các ngân hàng nông thôn, các tập thể bảo hiểm và các tổ chức hỗ trợ. Tất cả các sáng kiến ấy đã tạo đà lớn cho việc thiết lập một nền pháp chế về lao động để bảo vệ người lao động, nhất là trẻ em và phụ nữ; cho việc huấn luyện người lao động, cải thiện lương bổng và làm trong sạch môi trường lao động.
269. Từ Thông điệp Rerum Novarum ấy, Giáo Hội đã không bao giờ ngừng xem xét các vấn đề của người lao động trong khuôn khổ là một vấn đề xã hội ngày càng mang những chiều hướng toàn cầu583. Thông điệp Laborem Exercens còn đẩy xa hơn nữa nhãn quan nhân vị độc đáo của các văn kiện xã hội đã có trước, cho thấy người ta có nhu cầu muốn hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lao động và những nhiệm vụ đi đôi với lao động. Thông điệp mổ xẻ những điều này vì biết rằng “lúc nào cũng có những thắc mắc và những vấn đề mới, lúc nào cũng có những triển vọng mới, nhưng lúc nào cũng có những lo sợ và đe doạ mới, đi đôi với chiều hướng căn bản sau đây của cuộc sống con người: cuộc sống con người được xây dựng mỗi ngày từ lao động, rồi từ lao động, cuộc sống ấy có được phẩm giá đặc biệt, nhưng lao động cũng đồng thời bao hàm sự vất vả và đau khổ không ngừng, bao hàm cả những tổn thất và bất công, đã ăn sâu vào đời sống xã hội trong phạm vi mỗi quốc gia và trên cấp độ toàn cầu”584. Thật vậy, lao động là “chìa khoá căn bản”585 cho toàn bộ vấn đề xã hội và là điều kiện không những để phát triển kinh tế mà còn để phát triển con người, xã hội và toàn thể nhân loại về văn hoá và luân lý.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
583 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 2: AAS 73 (1981), 580-583.
584 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 1:AAS 73 (1981), 579.
585 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 3: AAS 73 (1981), 584.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét