Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Viết tắt 
TLHT: Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo 
GHXH: Giáo huấn xã hội của Hội thánh 
GLCG: Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo 

Bài này gồm hai mục: 
- Mục 1 tóm tắt chương Mười của sách TLHT; 
- Mục 2 nêu lên vài vấn đề thần học. 

------------ 

Mục 1. Tóm tắt sách TLHT 

Chương Mười gồm 4 đoạn: 1/ Khía cạnh Kinh thánh. 2/ Con người và vạn vật. 3/ Khủng hoảng trong tương quan giữa con người và môi trường. 4/ Trách nhiệm chung. 

Như đã có lần lưu ý, từ chương 6 đến chương 11, sách TLHT bắt đầu mỗi chương với việc suy niệm Lời Chúa. Đoạn mở đầu của chương 10 suy nghĩ về tương quan giữa con người với thiên nhiên trải qua những giai đoạn của lịch sử cứu độ[1]. 

Từ suy niệm về tương quan giữa con người với thế giới, đoạn 2 trình bày giá trị của hoạt động con người trong lịch sử. 

Đoạn 3 mang giọng điệu hơi ảm đạm khi nghĩ đến nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng hiện nay về môi trường. 

Đoạn 4 đề ra những điểm “dốc lòng” nhằm cải thiện hiện trạng và hướng về tương lai. 


Mục 2 


Nhập đề 
Như đã nói trong lần trước, ba chương cuối cùng của sách TLHT bàn về đời sống quốc tế. 

A. Sự tiến triển về nội dung 

Chúng ta nhận thấy việc nghiên cứu cộng đồng xã hội dần dần được mở rộng tầm mức: từ gia đình, ra đến xã hội ở cấp quốc gia (với những vấn đề tư bản, lao động, xã hội dân sự, nhà nước), rồi hướng đến thế giới (cộng đồng quốc tế). So với chương vừa rồi, ta thấy có sự khác biệt (tương tự như là giữa “nhà nước” và “xã hội dân sự” trước đây): chương 9 nói đến cộng đồng quốc tế theo nghĩa pháp lý, với các tổ chức, các thể chế giữa các quốc gia; chương 10 bàn đến cộng đồng nhân loại, trong đó, ngoài các quốc gia, các tổ chức, còn có các công ty quốc tế, các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật. Hơn thế nữa, chương này nói đến tương quan giữa con người với thế giới, gồm cả các động vật và thực vật. 

Dưới một khía cạnh khác, chúng ta cũng có thể nói đến một sự tiến triển về các thế hệ nhân quyền: từ các quyền tự do cá nhân (tương quan giữa cá nhân và xã hội), sang các quyền chính trị kinh tế (sự tham dự vào đời sống xã hội); với chương vừa rồi, chúng ta bước sang quyền của các dân tộc (quyền tự trị, quyền bảo vệ căn tính), và lần này chúng ta đến quyền của nhân loại (bảo vệ môi sinh, cần thiết cho sự sống cho toàn thể nhân loại, thuộc thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai). Cách riêng, chương Mười đề cập đến “quyền được hưởng môi trường lành mạnh và an toàn” (số 468), cũng như chương trước đã đề cập đến “quyền được phát triển” (số 446). 

Xét về lịch sử Giáo huấn xã hội, chúng ta cũng nhận thấy nhiều sự tiến triển. Những thông điệp của đức Lêô XIII vào cuối thế kỷ XIX chú ý đến tư sản và lao động (trong một quốc gia); sang thế kỷ XX, các giáo hoàng bàn thêm những vấn đề quốc gia và dân tộc, rồi đến hòa bình trên thế giới và sự phát triển các dân tộc. Các sự can thiệp vào vấn đề môi sinh thì muộn hơn, nói được là sau công đồng Vaticanô II. 

Tuy xem ra ngắn ngủi, nhưng chương Mười đụng đến những vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến “xã hội loài người” nhưng còn liên quan đến tôn giáo và đức tin. Chúng ta có thể nêu lên hai vấn đề chính như sau: 

1/ Khoa học và kỹ thuật có buộc phải tuân theo một quy tắc luân lý nào không? Câu trả lời của GHXH là: CÓ! Câu trả lời này cũng giống như trong các lãnh vực kinh tế, chính trị (quốc nội hay quốc tế) mà chúng ta đã làm quen trong những chương trước. Giáo hội lên tiếng để can thiệp vào những vấn đề mang tính cách luân lý. Nói cho cùng, luân lý không phải là những quy tắc cứng nhắc, nhưng là những suy từ lý trí về cái gì là “đúng”, là “hợp lý” trong cách cư xử. 

2/ Phải chăng Kitô giáo là nguyên nhân của sự tàn phá môi sinh? Đây là lời tố cáo của các Đảng Xanh (Green party) cũng như của vài nhóm Phật giáo. Theo họ, đầu mối của sự tàn phá môi sinh là lời truyền của Kinh thánh: “hãy thống trị trái đất”. 

Câu trả lời là: Kinh thánh chỉ cho phép làm chủ trái đất, chứ không được hủy hoại. Con người không phải là “chủ tể” mà chỉ là “quản lý” của trái đất mà thôi. 

Thực ra, khi đọc lại lịch sử các tôn giáo ta thấy vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều. Vì thế chúng ta sẽ để dành đoạn 1 (nền tảng Kinh thánh) cho phần cuối cùng, để đọc lại tư tưởng của Kinh thánh về sự tạo dựng vũ trụ, một đặc trưng của niềm tin Kitô giáo khác biệt với các tôn giáo thiên nhiên, và chúng ta cũng thêm về công cuộc “tái tạo dựng” mà đức Kitô mang lại cho nhân loại. 

B. Các từ ngữ 

Trước khi vào vấn đề, nên lưu ý về vài từ ngữ khó chuyển dịch từ ngôn ngữ châu Âu sang tiếng Việt: nature, création, monde. 

1/ Nature (Anh, Pháp): thiên nhiên, tự nhiên, bản nhiên, bản tính, bản chất 

Trong nguyên gốc Latinh, natura nói đến cái-gì-được-sinh-ra (động từ nasci, natus), do bẩm sinh. Đối với người tin vào Thiên Chúa, thì họ liên tưởng đến nguồn gốc “thiên phú” (của Trời cho); đối với người không tin, thì họ nghĩ đến bản chất nội tại của sự vật (thí dụ: nước chảy xuôi). Ngoài ra, đôi khi natura cũng có nghĩa là “thiên nhiên” (tự nhiên), đối lại với cái gì nhân tạo (giả tạo), thí dụ cái đẹp tự nhiên và cái đẹp của son phấn! Theo hướng này, vài nhà nhân học đối chọi giữa “nature” (thiên nhiên, hoang dã) với “culture” (văn hóa, có sự can thiệp của bàn tay con người). 

Vì thế, khi nói đến loi naturelle[2], mỗi người nghĩ trong đầu một ý tưởng khác nhau: 

- có người nghĩ là luật mà Trời đã ấn định (luật thiên nhiên, luật tự nhiên), thí dụ: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão… 
- có người nghĩ là luật nằm trong bản chất của sự vật (thí dụ hai người nam nữ kết hôn vì yêu nhau và để sinh con đẻ cái). 
- có người nghĩ là luật mà ta có thể thiết lập sau khi đã quan sát và thí nghiệm nhiều lần (đun nước đến 100 độ thì sôi), chẳng hạn các định luật “tự nhiên” trong vật lý học. 

Do những ý nghĩa hàm hồ của tiếng nature (thiên nhiên, tự nhiên) cho nên đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận bất tận: khoa học (và kỹ thuật) phải tôn trọng “luật tự nhiên”, hay có thể làm thay đổi? Thế nào là luật tự nhiên (hay luật thiên nhiên)? 

2/ Création (Anh, Pháp): Tạo dựng (động từ créer / to create), có thể hiểu về sự tạo dựng (hành vi), hoặc về toàn bộ công trình tạo dựng, loài thụ tạo (kết quả của sự tạo dựng). 

Sự tạo dựng giả thiết niềm tin vào Đấng Tạo hóa dựng nên vũ trụ (nghĩa là vũ trụ không tự hữu). Tuy nhiên không phải mọi người nếu chấp nhận như vậy: đừng kể những người vô thần, nhiều triết gia hoặc tôn giáo cổ đại cho rằng vũ trụ này hiện hữu từ muôn thuở. 

Kể cả những tôn giáo hay triết học chấp nhận Đấng Tạo hóa, thì cũng có nhiều quan điểm khác biệt: có người cho rằng Đấng Tạo hóa đã dùng một chất liệu có sẵn để làm nên vũ trụ (tựa như bác thợ mộc làm bàn ghế từ tấm gỗ); có người cho rằng Đấng Tạo hóa dựng nên vũ trụ “từ hư vô” (ex nihilo). Có học thuyết cho rằng sau khi đã thiết kế và hoàn tất công trình tạo dựng, thì ngài nghĩ ngơi (deus otiosus), để cho “máy tự động chạy”, hoặc cùng lắm nhờ một người khác trông coi giùm. Đạo lý Công giáo dạy rằng Thiên Chúa tiếp tục quan phòng, điều khiển vũ trụ. 

3/ Monde (Pháp) / World (tiếng Anh)[3]: trần thế, thế gian, thế giới. 

Đây là một danh từ với nhiều ý nghĩa (hàm hồ) trong đời sống hằng ngày cũng như trong từ ngữ thần học và tu đức. 

a) Trong ngôn ngữ hằng ngày, “thế giới” có thể hiểu về: 

- không gian: “thế giới” bao gồm cả vũ trụ (trái đất và các hành tinh), hay chỉ giới hạn vào trái đất, hoặc chỉ là loài người: “thế vận hội” chỉ là cuộc chơi của loài người, chứ không bao gồm các sinh vật khác hoặc các hành tinh khác. 
- thời gian: thế giới được hiểu về thời đại (thí dụ: thế giới mai sau, thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng). 

b) Trong triết học 

Nhiều vấn đề được đặt lên liên quan đến thế giới 

- vũ trụ quan: nguồn gốc và cứu cánh của thế giới (tạo dựng, tiến hóa?) 
- nhân sinh quan: giới hạn “thế giới” vào những vấn đề của nhân loại (cải thiện thế giới, canh tân thế giới, toàn cầu hóa); thế giới văn minh, thế giới chậm tiến, thế giới thứ ba; thế giới Hồi giáo... 

c) Trong Kinh thánh 

Trong Kinh thánh, “thế giới” (thế gian, trần gian) có thể hiểu theo ít là bốn nghĩa, thậm chí ngay trong một tác giả (thánh Gioan tông đồ). 

- (i) Thế giới: trời và đất; tất cả những gì do Thiên Chúa làm ra (Ga 1,3) 
- (ii) Thế giới: nhân loại. “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian (Ga 3,15). Đức Kitô là “ánh sáng của thế gian”. 
- (iii) Thế gian: lực lượng chống đối Đức Kitô (Ga 1,10-11; 8,21.23.34.44). Thế gian ghét Chúa và ghét các môn đệ của Người (Thủ lãnh thế gian là Satan: Ga 12,31; 14,30; 16,31). Vì thế không có lý do gì mà các tín hữu lại yêu thế gian! “Các con đừng mê thế gian và những gì thuộc về thế gian. Ai yêu thế gian thì tình yêu Chúa thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha” (1 Ga 2,15) 
- (iv) Thế gian cần được cứu chuộc. Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian (Ga 1,29). Người đã sai các môn đệ đi vào trần gian (Ga 17,11.14-18). Họ không thuộc về trần gian, nhưng họ sống trong trần gian. 

Trong quá khứ, đôi khi người ta nhấn mạnh đến nghĩa thứ ba, cách riêng nơi các đan sĩ: họ “từ bỏ thế gian”, lên rừng để tu hành! Ngày nay, vai trò của các tín hữu, cách riêng là các giáo dân, là phải trở nên muối cho đời: họ sống giữa trần gian để thánh hóa trần gian. 

Khi bàn về môi sinh, “thế giới” được hiểu về “trái đất”, chứ không phải là toàn thể vũ trụ (mặt trời, mặt trăng). Đôi khi “thế giới” cũng được hiểu theo nghĩa nhân sinh, nghĩa là nhân loại. Đó cũng là ý nghĩa của tựa đề hiến chế Gaudium et spes (Hội thánh trong thế giới ngày nay). 

Một cách tương tự, trong chương Mười, sách TLHT đôi khi dùng những từ “creation” hoặc “universe” theo nghĩa là “nhân loại” (thế giới loài người, trái đất) chứ không ám chỉ toàn thể vũ trụ bao la bát ngát! 

Chúng ta sẽ tìm hiểu ba điểm: 1/ Lịch sử vấn đề môi trường và sự can thiệp của Giáo hội. 2/ Những vấn đề luân lý. 3/ Những vấn đề tín lý. 

A. Vấn đề môi sinh 
B. Tiếng nói của GHXH 

A. Tương quan giữa con người với thiên nhiên: 1/ Nguyên tắc căn bản. 2/ Thiên nhiên với Thiên Chúa. 3/ Thiên nhiên và nhân loại 
B. Khoa học kỹ thuật và việc tôn trọng môi trường 
C. Vài vấn đề cụ thể: 1/ Kỹ thuật sinh học 2/ Đất đai và kỹ nghệ. 3/ Nước 

A. Tạo dựng. 1/ Đạo thiên nhiên. 2/ Thiên Chúa tạo thành. 3/ Ngẫu tượng mới: sùng bái thiên nhiên 
B. Tận thế hay tái tạo dựng? 


Lm. Giuse Phan Tấn Thành O.P. 

[1] Như sẽ nói trong mục 2, trong chương này, các từ ngữ “thiên nhiên, vũ trụ, các thụ tạo” được dùng như đồng nghĩa, ám chỉ trái đất mà chúng ta đang sống, chứ không nói đến những hành tinh khác. Riêng về việc dịch thuật, nên lưu ý là “thiên nhiên” dùng để dịch nature; nhưng mà danh từ này cũng có thể dịch là “tự nhiên, bản nhiên, bản chất, bản tính”. Một cách tương tự như vậy, creation có thể dịch là “sự tạo dựng” hay là “các vật thụ tạo”.
[2] Loi naturelle (Anh: Natural law), hay loi de la nature. 
[3] Từ hai danh từ này, mà có các tính từ: mondial, mondaine, worldly, mundane. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét